Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Ban biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt trân trọng gửi tới GHPGVN cùng chư Tôn Đức, Tăng Ni, Phật tử lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc ngôi nhà Phật giáo mãi mãi trường tồn và hưng thịnh, luôn phát huy được vai trò hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn của lịch sử. Nhân dịp này, xin Thượng toạ chia sẻ đôi điều về hành trình 40 năm qua của GHPGVN?

Trước hết, thay mặt GHPGVN, tôi xin được gửi lời cảm ơn cơ quan báo chí đã dành những lời chúc tốt đẹp đến GHPGVN cũng như các Tăng ni, Phật tử.

Cách đây tròn 40 năm, vào ngày 7/11/1981, tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã chính thức ra mắt GHPGVN. Theo đó, 9 tổ chức Giáo hội Phật giáo (gồm: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, GHPGVN thống nhất, GHPG Cổ truyền Việt Nam, Ban liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam, Giáo hội Thiên Thai Giáo Quán, Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt) cùng Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu thống nhất Phật giáo, thành lập GHPGVN.

Điều này thể hiện một cách trọn vẹn nguyện vọng thống nhất Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử.

Về sự nghiệp hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của GHPGVN, chúng ta có thể thấy sự kế thừa tinh hoa suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đấu tranh giành giải phóng đất nước là cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ.

Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cứu nước, các ngôi chùa đều là cơ sở cách mạng. Tăng Ni thực hiện phong trào "cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào" tham gia trong cuộc kháng chiến để chung sức đồng lòng làm nên cuộc thắng lợi thần kỳ, giải phóng thống nhất tổ quốc.


Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời PV báo Dân Việt.

Phật – Pháp – Tăng là 3 ngôi báu của nhà Phật. Từ ngày có GHPGVN thống nhất ở 3 miền Bắc – Trung – Nam, số lượng các ngôi chùa tăng lên, số lượng các Tăng – Ni cũng phát triển đáng kể. Xin Thượng tọa cho biết, những "pháp bảo" này đóng vai trò như thế nào trong chấn hưng Phật pháp và hộ quốc an dân?

Một trong những thành tựu của GHPGVN trên chặng đường lịch sử 40 năm qua đó là công tác Tăng sự và quản lý Tự viện. Trải qua 8 nhiệm kỳ, đến nay, GHPGVN có 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự.

Hội đồng Chứng minh có 96 thành viên là các trưởng lão, cao tăng, thạc đức gìn giữ về Đạo pháp và giới luật. Hội đồng Trị sự gồm 225 thành viên chính thức và 45 thành viên dự khuyết. Hội đồng Trị sự điều hành 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội trên các mặt chuyên ngành từ Tăng sự, giáo dục Phật giáo, Hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, văn hoá Phật giáo….

Có 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP.HCM và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer TP Cần Thơ, 35 trường Trung cấp Phật học, với số lượng gần 55.000 Tăng Ni trong cả nước, hơn 18.000 cơ sở Tự viện, chùa và các cơ sở của GHPGVN cùng hơn 50.000.000 tín đồ Phật tử trong nước và nước ngoài.

Giáo hội hiện đã thành lập 10 tổ chức Hội Phật tử Việt Nam ở các nước trên thế giới và giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài ở 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.


40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 2.

Chưa bao giờ, GHPGVN lại có nhiều trường Phật học trải dài ở khắp các miền như thế. Vậy chất lượng đào tạo của các trường Phật học hiện nay như thế nào, có sự khác biệt nào trong các giai đoạn, thưa Thượng tọa?

Sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài luôn luôn là Phật sự trọng yếu của GHPGVN. Ngay từ khi thành lập GHPGVN, Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN cố trưởng lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận đã đưa ra nguyện vọng để tiến tới thống nhất PGVN. Đó là được phép mở các trường đào tạo, đại học Phật giáo ở cả 3 miền. Di nguyện đó của Đức đệ nhất Pháp chủ GHPGVN đã được Giáo hội luôn luôn tập trung, coi trọng đào tạo Tăng tài.

Giáo hội xác định nguồn nhân lực ở bất kỳ tổ chức nào sẽ mang tính quyết định của tổ chức đó. Do vậy, đào tạo Tăng tài để phát triển Giáo hội, đáp ứng sự nghiệp Hoằng dương chính pháp hướng dẫn đồng bào Phật tử.

Trong chặng đường 40 năm qua, Giáo hội từ khi mới thành lập có 2 trường cao cấp Phật học chính là tiền thân của các Học viện Phật giáo Việt Nam ngày nay. Các lớp sơ cấp Phật học được tổ chức tại các cơ sở Tự viện, các chùa theo truyền thống thầy truyền cho trò. Đào tạo căn bản tập trung ở các lớp bồi dưỡng và 2 trường cao cấp Phật học tại Hà Nội ở chùa Quán sứ với TP.HCM ở Thiền viện Vạn Hạnh.

40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 3.

Sau này các trường trung cấp Phật học đã được thành lập, hình thành nên hệ thống giáo dục Phật giáo từ sơ cấp đến trung cấp, đại học. Hiện Giáo hội có 4 Học viện Phật giáo đào tạo hệ đại học. Mới đây, Giáo hội mới được Nhà nước cho phép đào tạo hệ cao học, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học tại các Học viện Phật giáo Việt Nam.

Học viện đã có 35 trường trung cấp Phật học ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đào tạo Tăng Ni tại các tỉnh và liên vùng. Đây cũng là tiền đề giúp Tăng Ni có thêm trình độ, kiến thức để tham gia học cao hơn các hệ đại học tại các học viện của GHPGVN cũng như nghiên cứu sinh các trường đại học ở nước ngoài.

Có thể nói, chất lượng đào tạo của PGVN đã được cộng đồng Phật giáo trên thế giới đánh giá rất cao. Các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã tiếp nhận các Tăng Ni, du học sinh tham gia nghiên cứu thạc sĩ, tiến sĩ Phật học.

Hiện đã có hàng trăm Tăng Ni đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài trở về phục vụ đất nước, phục vụ cho Giáo hội cũng như nguồn nhân lực tại các học viện PGVN. Hàng nghìn Tăng Ni đã tốt nghiệp ở Học viện PGVN, trở thành nhân sự chủ chốt tại các ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố cũng như Ban, Viện Trung ương chuyên ngành của Giáo hội.

Trong chặng đường 40 năm, sự phát triển của giáo dục Phật giáo, đào tạo Tăng tài luôn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp Giáo hội, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Bộ, ban, ngành Trung ương.


40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 4.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhân dân cả nước đã cùng tham gia chống dịch cũng như ủng hộ quỹ vaccine, phòng chống dịch, trong đó không thể thiếu các Tăng Ni, Phật tử. Chúng tôi được biết, rất nhiều Tăng Ni đã gấp áo tu hành, xông pha lên tuyến đầu chống dịch. Điều này có đúng không, thưa Thượng tọa?

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, rất nhiều Tăng Ni gấp áo tu hành, khoác áo blouse xông pha lên tuyến đầu chống dịch chăm lo cho các bệnh nhân, chung sức chung lòng cùng các y, bác sĩ nơi tuyến đầu đẩy lùi dịch bệnh, cứu mạng sống những người bị nhiễm Covid-19.

Các chùa đều thực hiện nghiêm những Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tăng Ni, đồng bào Phật tử thực hiện nghiêm những hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện giãn cách xã hội, thực hiện 5K.

Lần đầu tiên chúng ta thấy hình ảnh những ngôi chùa đóng cửa để thực hiện giãn cách. Những lễ hội mặc dù đã được chuẩn bị công phu, chu đáo nhưng trước yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh đều huỷ bỏ để tập trung phòng chống dịch bệnh.

Các chùa đều đã tham gia tích cực vào các phong trào như bữa cơm yêu thương trong các tâm dịch để nấu những suất ăn phục vụ cho bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu là các y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an… tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Hàng triệu suất cơm đã được Tăng Ni, Phật tử các chùa phục vụ trong cuộc chiến chống dịch vừa qua.


img
img
img
img

 Giáo hội Phật giáo tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: GHPGVN

Ngoài ra, Tăng Ni, Phật tử cũng rất tích cực đóng góp nguồn lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 thông qua việc ủng hộ tiền mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, mua máy thở, xe cứu thương, thuốc điều trị F0, bình oxy… cho các vùng, địa phương ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.

Đồng thời, các chùa ở vùng không chịu ảnh hưởng dịch bệnh đã gửi lương thực, thực phẩm. Hàng nghìn tấn rau củ quả được gửi từ các vùng, tỉnh từ Tây Nguyên kể cả các tỉnh phía Bắc gửi vào cho TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 vừa qua,

Có thể nói rằng, truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong suốt chiều dài lịch sử 40 năm qua là kết tinh tinh hoa truyền thống của PGVN trong lịch sử. Đồng thời, khẳng định dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và trước bất kỳ kẻ thù nào, hữu hình hay vô hình, Tăng Ni, Phật tử GHPGVN luôn đoàn kết, sát cánh đồng lòng cùng cả nước để chúng ta chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào.


40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 6.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, GHPGVN còn có những điều gì chưa hài lòng và mong muốn vươn tới?

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trong 40 năm qua, cũng có những phật sự GHPGVN chưa được hoàn thành. Trước hết đó là việc Giáo hội còn chưa phát triển một cách đồng đều tại các vùng miền trong cả nước.

Hiện nay, Giáo hội đã thành lập được Ban trị sự GHPGVN tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, ở các vùng đặc biệt như vùng miền núi phía Bắc cũng cần tập trung phát triển tổ chức Giáo hội của mình.

Hiện các tỉnh miền núi mới có tổ chức Giáo hội ở cấp tỉnh, tuy nhiên ở cấp huyện, vùng sâu vùng xa chưa thành lập hết. Trong thời gian tới, GHPGVN sẽ tập trung củng cố tổ chức Giáo hội ở vùng sâu vùng xa. Qua đó phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, Phật tử, bà con nhân dân được tốt hơn.


40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 7.

Thực tế trong 40 năm qua, đã có những câu chuyện liên quan đến các vị Tăng – Ni ở các ngôi chùa cũng đã ít nhiều làm suy giảm lòng tin của tín đồ Phật tử gần xa đối với đạo Phật. Thượng toạ có suy nghĩ gì về góc khuất này?

Trong thời gian vừa qua, trước sự thay đổi của xã hội đã phát sinh một số vấn đề sinh hoạt của Tăng Ni trẻ. Giáo hội đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh rất cụ thể, đặc biệt Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đã tổ chức nhiều hội nghị đưa ra nhiều văn bản, thông tư, quy định để điều chỉnh những quy định sinh hoạt của Tăng Ni ở các Tự viện, đặc biệt với đối tượng Tăng Ni trẻ.

Trong đó, có những quyết định, chế tài rất cụ thể đối với các Tăng Ni vi phạm khi tham gia mạng xã hội hay có hành vi vi phạm giới luật, lệch chuẩn so với những quy cũ của Thiền môn. Giáo hội đã có những biện pháp kỷ luật rất nghiêm khắc. Nhiều trường hợp Tăng Ni trẻ bị tẩn xuất khỏi GHPGVN, kỷ luật rất nghiêm minh.

Trong các đường hướng, mục tiêu của các kỳ đại hội luôn luôn đề cao tinh thần kỷ cương giới luật. Các cấp Giáo hội, các chùa hết sức chú trọng nội quy của Ban Tăng sự Trung ương đến các quyết định của Ban trị sự các cơ sở Tự viện để làm sao điều chỉnh tốt nhất các sinh hoạt các Tăng Ni, Tự viện và tập trung đối tượng là các Tăng Ni trẻ.


40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 8.

Quá trình hình thành và phát triển, Giáo hội đã có những bước hội nhập với quốc tế thế nào, thưa Thượng toạ?

Cùng với sự đổi mới của đất nước, trong 40 năm qua, hoạt động đối ngoại, quan hệ Phật giáo Quốc tế đã đạt được những thành tựu rất nổi bật. GHPGVN là thành viên sáng lập của nhiều tổ chức Phật giáo trên thế giới như Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Phật giáo Châu Á vì hoà bình, Giáo hội là thành viên của Uỷ ban tổ chức quốc tế đại lễ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc, là thành viên Liên minh Phật giáo toàn cầu và nhiều tổ chức Phật giáo trên thế giới.

GHPGVN có mối quan hệ hữu nghị thân thiết với Liên minh Phật giáo Lào, Phật giáo Campuchia, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc cũng như các nước ASEAN, kể cả Phật giáo ở các nước ở Châu Âu, Châu Phi… GHPGVN đã thành lập được Hội Phật tử Phật giáo tại Châu Âu, Châu Phi và nhiều nước trên thế giới.

GHPGVN đón tiếp nhiều đoàn Phật giáo các nước đến thăm Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc tại trụ sở Trung ương Giáo hội. Đồng thời Giáo hội cũng cử nhiều đoàn tham gia Hội thảo Quốc tế, thăm hữu nghị Phật giáo các nước trên thế giới. GHPGVN cũng đã cử các Chư Tôn Đức, lãnh đạo Giáo hội tham gia cùng các đoàn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hữu nghị, chính thức cũng như tham gia đoàn của Tổng Bí thư thăm Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 2015, tham gia đoàn Chủ tịch nước thăm Campuchia, Lào, Nhật Bản, Ấn Độ…

Đặc biệt, GHPGVN đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trong hội nhập quốc tế thông qua việc tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc với sự tham dự đông đảo của các Tăng Ni, Cao Tăng, Giáo hội Phật giáo các nước trên thế giới, hàng trăm quốc gia vùng lãnh thổ cử đại diện tham dự Vesak tại Việt Nam cùng sự tham dự của các Nguyên thủ quốc gia các nước…

Ngoài ra, Giáo hội đã được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao, Hoà thượng Chủ tịch Uỷ ban tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc khẳng định, GHPGVN đã làm mới tiêu chuẩn của việc tổ chức Đại lễ. Qua đó thấy rằng, GHPGVN có đủ năng lực hội nhập quốc tế, giới thiệu quảng bá đất nước, con người Việt Nam thân thiện, yêu mến hoà bình tới bạn bè cộng đồng Phật giáo các nước trên thế giới.


img
img
img
img

 GHPGVN đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trong hội nhập quốc tế thông qua việc tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak

Trong bối cảnh chuyển đổi số, GHPGVN xác định phương hướng phát triển trong thời gian tới như thế nào?

Trước thành tựu của Khoa học kỹ thuật đặc biệt thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, GHPGVN đã rất chủ động trong việc đón nhận những thành tựu Khoa học kỹ thuật này vào Hoằng dương Phật Pháp, quản trị Giáo hội.

Việc ứng dụng kỹ thuật số được thể hiện trong các khoá thuyết giảng online, hướng dẫn Phật tử qua mạng xã hội, qua kỳ Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc năm 2019 diễn ra ở chùa Tam Chúc (Hà Nam), GHPGVN chính thức cùng cộng đồng Phật giáo thế giới ấn nút khai trương mạng xã hội Phật giáo – Butta. Ứng dụng thành tựu kỹ thuật số vào công tác Hoằng pháp đã cho thấy rất hiệu quả trong 2 năm qua khi chúng ta phải đối diện với đại dịch Covid-19. Thời điểm này, các Đại lễ lớn của Phật giáo như Lễ Vu Lan… đều tổ chức online, qua đó đều đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào Phật tử trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội.

Trong thời gian tới, Giáo hội xác định sẽ tập trung hơn nữa, cụ thể hoá ứng dụng kỹ thuật số cũng như mạng xã hội với mong muốn tạo ra một Giáo hội kiến tạo để hướng dẫn Tăng Ni, đồng bào Phật tử kết nối với cộng đồng Phật giáo thế giới cũng như bà con người Việt Nam ở nước ngoài.

40 năm Phật giáo hộ quốc an dân: Tăng Ni gấp áo tu hành, xông pha tuyến đầu chống dịch - Ảnh 10.

Xin Thượng tọa cho biết, Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN sẽ được tổ chức như thế nào?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn phức tạp, Giáo hội cùng các Tăng Ni, Phật tử chung tay, ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng cho cuộc chiến chống dịch ở các tỉnh trong cả nước. Đại lễ kỷ niệm 40 năm GHPGVN được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Tất cả Ban trị sự đều hướng về trực tuyến ở điểm cầu tại Hà Nội cũng như TP.HCM để tập trung nguồn lực ủng hộ cho công cuộc chống dịch Covid-19 tại Việt Nam chúng ta.

Nhân dịp này, GHPGVN muốn nhắn gửi điều gì đến toàn thể Chư tôn đức, Tăng Ni, Phật tử?

Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN, Giáo hội mong muốn Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong nước cũng như nước ngoài nêu cao tinh thần đoàn kết, hoà hợp, lòng yêu nước và truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc để chung tay xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN vững mạnh, hội nhập cùng xây dựng đất nước Việt Nam phát triển hùng cường và thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng toạ Thích Đức Thiện!


img
img
img
img
img

Chùa Quán Sứ - trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem