Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ ở New York (nhiệm kỳ 1993 - 1998), Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế tại Geneva (2003 - 2008) khẳng định, Việt Nam đã có những bước trưởng thành vững chắc khi tham gia LHQ.
Thưa Đại sứ, vào đầu những năm 1990 khi ông bắt đầu làm việc tại LHQ, Việt Nam còn nhiều khó khăn do vừa thoát khỏi cấm vận, các hoạt động và vai trò của Việt Nam lúc đó hẳn còn nhiều hạn chế?
- Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã cử các đoàn sang vận động để gia nhập LHQ. Nhưng nước Mỹ, với quyền phủ quyết của họ đã khiến Việt Nam không gia nhập được. Đầu năm 1977, khi Tổng thống Jimmy Carter của đảng Dân chủ lên nắm quyền ở Mỹ, tuyên bố không ngăn cản nữa thì Việt Nam mới có thể trở thành thành viên LHQ.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã gây tiếng vang mạnh mẽ trong phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân và các lực lượng tiến bộ thế giới, sự hy sinh giành độc lập của Việt Nam đã đóng góp vào nền hòa bình thế giới, làm Việt Nam có uy tín rất vững chắc trên trường quốc tế.
Khi đó, thực hiện nghị quyết số 3 của Đại hội đồng LHQ về giúp Việt Nam khôi phục sau chiến tranh, toàn bộ hệ thống LHQ và các lực lượng tiến bộ bắt đầu giúp Việt Nam mạnh mẽ. Chúng ta thừa kế chính quyền Sài Gòn tham gia hầu hết mọi hoạt động của LHQ, kể cả các hoạt động tài chính kinh tế của Ngân hang Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Các hệ thống tài chính ngân hàng quốc tế đã ủng hộ cho Việt Nam vay một số khoản tiền ý nghĩa để Việt Nam khôi phục lại.
Song tới năm 1978, lực lượng Khmer Đỏ của Pol Pot - Ieng Sary bắt đầu tấn công các vùng biên giới Việt Nam. Lực lượng cách mạng Campuchia bắt đầu thành lập đơn vị chống lại chế độ diệt chủng, kêu gọi Việt Nam hỗ trợ, chúng ta một mặt bảo vệ biên giới phía nam, một mặt giúp cách mạng Campuchia đánh đổ diệt chủng.
Nhưng từ sự việc này, các lực lượng thù địch bắt đầu xuyên tạc, bôi nhọ, cho là Việt Nam xâm lược Campuchia. Những năm 1979 – 1980 lực lượng thù địch với Việt Nam lập nên liên minh chống Việt Nam, gồm Mỹ, Trung Quốc, ASEAN. Bao vây cấm vận kéo dài suốt thập kỷ 80 gây cho Việt Nam bao nhiêu khó khăn. Những nỗ lực của LHQ giúp Việt Nam khôi phục sau chiến tranh bị ngừng trệ, những nguồn lực hỗ trợ tái thiết cũng dừng lại, về chính trị Việt Nam bị bao vây. Thời gian này ở LHQ chúng ta vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên vẫn có mặt tích cực là hệ thống viện trợ phát triển, viện trợ nhân đạo của LHQ và các cơ chế đa phương vẫn được các lực lượng tiến bộ ủng hộ, nên chúng ta vẫn tận dụng được ODA của hệ thống đa phương, một mặt tái thiết, một mặt xây dựng các cơ sở khoa học đầu ngành của Việt Nam để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến. Ngoài nguồn lực của các nước XHCN ra thì các nguồn khác bị phong tỏa hết.
Suốt những năm 1980 rất nhiều khó khăn, các lực lượng bao vây cấm vận tố cáo "Việt Nam xâm lược Campuchia", mà không nói gì đến việc Việt Nam giúp Campuchia giúp tiêu diệt Khmer đỏ - lực lượng gây nạn diệt chủng tàn khốc khiến hàng triệu người Campuchia bị tàn sát dã man
Chúng ta phải căng mình chống lực lượng bao vây cấm vận này. Mọi hoạt động chính trị của ta ở diễn đàn LHQ hầu như xoay quanh vấn đề Campuchia, chỉ giải thích cho thế giới hiểu về sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, bảo vệ lợi ích Việt Nam. Các hoạt động khác ta hầu như không tham gia, lực lượng của chúng ta ở LHQ cũng mỏng. Các diễn đàn quốc tế khác cũng lợi dụng vấn đề Campuchia bôi nhọ ta.
Đầu thập kỷ 90 Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đồng minh truyền thống không còn. Việt Nam đối mặt với những khó khăn chồng chất.
Nhưng từ năm 1986 trong lúc khó khăn ta đã chủ trương đổi mới. Tiếp tục đường lối Đổi mới, Việt Nam đã có nỗ lực khắc phục nhưng khiếm khuyết, làm thế nào để tạo cho Việt Nam bắt đầu có sự phát triển kinh tế nhất định, khi vấn đề Campuchia chấm dứt làm thế nào phát huy vai trò Việt Nam tham gia LHQ và các diễn đàn đa phương.
Khi tôi sang LHQ năm 1993, ta bắt đầu phát huy tinh thần tác chiến độc lập, tự quyết định tham gia tác chiến các vấn đề, chương trình toàn cầu về hòa bình, phát triển, đem lại hòa bình hạnh phúc ấm no cho nhân dân toàn thế giới.
Khi đó Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã có những nỗ lực như thế nào để giải vây về chính trị thưa Đại sứ?
- Phái đoàn Việt Nam, khi đó chúng tôi hay gọi là "Phái đoàn một vấn đề" do chỉ xoay quanh vấn đề Campuchia, giờ đã chuyển sang giai đoạn mới. Chúng ta không phải căng mình đối phó với sự chống phá bôi nhọ của liên minh chống ta về Campuchia nữa.
Phái đoàn ta tại LHQ và các hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam bắt đầu điều chỉnh thay đổi cơ bản: Trước hết vì lợi ích dân tộc, phát huy những mặt tích cực, những điều Hiến chương LHQ quy định về bảo vệ hòa bình, phát triển, công bằng, không can thiệp nội bộ, không dùng vũ lực đe dọa và giải quyết các vấn đề trong quan hệ các nước. Từ sự đóng góp của mình qua đấu tranh vì hòa bình độc lập và qua chống cấm vận, ta bắt đầu đóng góp công sức vào sự nghiệp chung, cho các vấn đề toàn cầu.
Chỗ dựa tin cậy không còn, chúng ta quyết định tham gia vấn đề gì, thái độ tham gia như thế nào? Trước hết vì lợi ích của chúng ta. Mỗi cán bộ viên chức phái đoàn từ Đại sứ, Phó Đại sứ, các bí thư, tùy viên mỗi người phụ trách một mảng, như một binh chủng. Tôi thống nhất với các đồng nghiệp là thực hiện các đề án chủ trương lớn từ trong nước, nhưng tại trận, tại diễn đàn LHQ có nhiều vấn đề nảy sinh, phải lấy lợi ích quốc gia làm kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ, ứng dụng thực tiễn để vận dụng linh hoạt trong việc tham gia với bạn bè và cộng đồng quốc tế, ứng xử linh hoạt, "ứng vạn biến", làm thế nào từng bước xây dựng hình ảnh màu cờ sắc áo của Việt Nam tại LHQ.
Những năm 1993 – 1994, đến nửa đầu năm 1995 chúng ta bắt đầu nghiên cứu đề xuất bước đi phù hợp hơn với tình hình mới: Chúng tôi đề nghị bắt đầu tham gia cơ chế lãnh đạo của LHQ, ngoài việc tham gia các diễn đàn kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội thì bắt đầu tham gia các cơ chế lãnh đạo của LHQ.
Các năm 1995 – 1997 Việt Nam bắt đầu tham gia một số vị trí quan trọng. Đó là lần đầu tiên tại khóa 52 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam trúng cử Phó chủ tịch Đại hội đồng, rồi trở thành thành viên của Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ ECOSOC – cơ chế phụ trách các vấn đề kinh tế vĩ mô toàn cầu, văn hóa xã hội hội, cơ quan quan trọng bậc nhất của hệ thống hoạt động ngoại giao đa phương.
Đồng thời Việt Nam tham gia cơ chế lãnh đạo, ban chấp hành các tổ chức, cơ chế lớn như Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF, Tổ chức dân số LHQ UNFPA, trên các diễn đàn khác tham gia hội đồng thống đốc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA ở Vienna, tham gia hội đồng Ban chấp hành Tổ chức Khoa học – Văn hóa – Xã hội LHQ UNESCO tại Paris.
Năm 1995 Việt Nam đã có những bước ngoặt hội nhập thực chất: Trở thành thành viên ASEAN – sau này thành tổ chức nòng cốt mà cả thế giới thừa nhận; bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ; ký hiệp định về kinh tế với Cộng đồng chung Châu Âu; bắt đầu nộp đơn đàm phán Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Đó là những dấu ấn quan trọng để chuẩn bị những năm 1996- 1997 chúng ta tham gia các cơ chế đa phương đó. Chính những bước đi quan trọng này tạo điều kiện cho chúng tôi nghĩ đến việc Việt Nam tham gia ủy viên không thường trực HĐBA LHQ - tổ chức quan trọng nhất về xây dựng và bảo vệ an ninh hòa bình toàn cầu. Chúng ta bắt đầu vận động để đúng 10 năm sau đảm nhận nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách là thành viên không thường trực của HĐBA mà ta biết rất thành công và từ đó có những bước trưởng thành tiếp theo rất vững chắc, đặc biệt là các hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
Thưa Đại sứ, qua những tiếp xúc của ông với các lãnh đạo LHQ và bạn bè quốc tế, ông thấy họ đánh giá thế nào về những đóng góp của Việt Nam với LHQ?
Khi ta gia nhập LHQ tại khóa họp 32, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ lúc đó đã phát biểu: Chào mừng Việt Nam vào LHQ, Việt Nam đã thành một nước thống nhất, LHQ đánh giá cao cuộc đấu tranh vì hòa bình động lập của VN, trở thành thành viên bình đẳng của LHQ.
Sau này các Tổng Thư ký LHQ tiếp tục đánh giá vai trò tích cực của Việt Nam tại LHQ – từ Tổng thư ký Boutros Boutros Ghali, Kofi Annan, Ban Ki Moon, đến bây giờ là Tổng thư ký Antonio Guterres…
Hình ảnh Việt Nam tại LHQ là một đất nước có chiều dày lịch sử, đấu tranh vì độc lập, đóng góp cho hòa bình chung, nhưng cũng là vùng đất tiềm năng lịch sử văn hóa đậm đà sâu sắc, là điểm đến du lịch, làm nên hội nhập cao, toàn diện, nhiều lĩnh vực.
Nhiệm vụ của chúng ta là củng cố phát huy để màu cờ sắc áo ngày càng vững chắc, phát huy sức mạnh tiềm năng, nâng cao vai trò của đất nước con người Việt Nam, đóng góp vì một thế giới phát triển, an ninh an toàn, đó là chứng minh sự tin cậy tín nhiệm của bạn bè quốc tế với Việt Nam.
(Đại sứ Ngô Quang Xuân)
Những đánh giá tích cực đó thể hiện trong các sự kiện Việt Nam đã tham gia: 2 lần là thành viên không thường trực HĐBA vào các nhiệm kỳ 2008 – 2009 và 2020 – 2021 chúng ta đã đóng góp chủ động tích cực, như là giữ vai trò là Chủ tịch HĐBA (một lần trong nhiệm kỳ thứ nhất, 2 lần trong nhiệm kỳ thứ hai), đưa ra những sáng kiến quan trọng tại HĐBA như giải quyết hậu quả xung đột vũ trang, nâng cao vai trò của tổ chức khu vực trong hệ thống đa phương. Năm 2020 Việt Nam còn là chủ tịch ASEAN, chúng ta gắn bó vừa nâng vai trò ASEAN lên, tạo vị thế mới của ASEAN tại LHQ, nhưng các tổ chức khác phát huy vai trò của họ tại LHQ.
Về kinh tế xã hội, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ (MDG). Năm 2015 đã đạt được gần 8 mục tiêu MDG, là tấm gương, một điển hình mà các TTK đều ca ngợi. Chương trình phát triển bền vững đến 2030 chính VN đóng góp rất lớn.
LHQ luôn đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong thực hiện các chương trình LHQ hay chọn Việt Nam là điển hình thực hiện chủ trương lớn của LHQ và hệ thống ngoại giao đa phương.
Gia đình LHQ là một hệ thống rộng, gồm các diễn đàn chính trị tại LHQ, các tổ chức viện trợ nhân đạo, nhưng cũng là 16 – 17 tổ chức chuyên môn về khoa học công nghệ, lâm nghiệp nông nghiệp, y tế, lao động, viễn thông… Việt Nam cũng tham gia đầy đủ vào các vấn đề toàn cầu của LHQ, biểu thị rõ sự năng động tiềm năng nhiều mặt của đất nước.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
Mỹ Hằng thực hiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.