Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Shinzo Abe sinh năm 1954 tại Nagato, tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản. Ông ngoại của Abe, Nobusuke Kishi là cố vấn hàng đầu của tướng quân Hideki Tojo, người từng “vào sinh ra tử” trong quân đội Nhật thời Thế chiến II và có thời gian trở thành tù binh chính trị của quân đội Mỹ. Gần một thập kỷ sau khi thoát khỏi nhà tù vào năm 1948, ông Kishi đắc cử Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ 1957-1960.
Ngay từ khi vài tuổi, Abe đã được sống trong dinh Thủ tướng, trong bầu không khí chính trị sục sôi và căng thẳng của Nhật Bản thời hậu thế chiến. Sau này, nhiều quan chức lão làng của Nhật Bản khẳng định các đức tin và giá trị của Abe là sự thừa hưởng và phát huy từ thời ông ngoại Kishi.
Gia tộc bên nội của Shinzo Abe cũng quy tụ nhiều cái tên nổi tiếng trên chính trường. Cha ông, ông Shintaro Abe đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản nhiệm kỳ 1982-1986, có thời kỳ còn là ứng viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng.
Cha Thủ tướng Shinzo Abe, ông Shintaro Abe (trái) từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản còn ông ngoại Nobusuke Kishi (phải) từng đảm nhiệm vai trò Thủ tướng.
Được xem như “con nhà nòi” trong gia tộc chính trị Nhật Bản, Shinzo Abe tốt nghiệp ngành khoa học chính trị Đại học Seikei năm 1977 và du học sang Mỹ để thừa hưởng nền giáo dục chính trị phương Tây tại Đại học Nam California.
Năm 1982, Shinzo Abe chính thức bước vào sự nghiệp chính trị, với vai trò đầu tiên là trợ lý cho cha, ông Shintaro Abe. Với tư tưởng chính trị được hun đúc từ tấm bé trong một gia tộc nổi tiếng, Shinzo Abe nhanh chóng là cái tên sáng trong Đảng Tự Do dân chủ Nhật Bản LDP. Một thập kỷ sau đó, Shinze Abe thăng tiến nhanh chóng trong Đảng với hàng loạt cấp bậc cao trong Đảng LDP, từ Thư ký Chủ tịch Hội đồng Đảng đến trợ lý riêng cho Tổng thư ký Đảng.
Năm 1991, ông Shintaro Abe qua đời, một biến cố quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Shinzo Abe trên chính trường. Hai năm sau đó, Shinzo Abe được bầu vào Hạ viện Nhật Bản. Năm đó, ông 39 tuổi. Giống như thế hệ cha ông đi trước trong gia tộc, Shinzo Abe nhanh chóng chứng minh thiên phú và tham vọng chính trị sâu sắc, qua đó bắt nhịp với những bước chuyển mình trên chính trường một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong những năm tháng nhiệt huyết ấy, một tờ báo của Nhật Bản từng mệnh danh Abe là “Hoàng tử chính trị” của đất nước.
Shinzo Abe được bầu vào vị trí Thủ tướng Nhật Bản năm 2006, trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Nhưng chỉ một năm sau đó, căn bệnh viêm loét đại tràng đã buộc ông Abe từ chức khi những gì ông kỳ vọng làm được cho nước Nhật vẫn còn dang dở.
5 năm sau đó, ông Shinzo Abe lần nữa trở lại chiếc ghế này và đắc cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đến ngày 23/8, Abe trở thành Thủ tướng đương nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước Nhật hiện đại với 2.798 ngày liên tiếp phục vụ trên cương vị này. Ngày 28/8, quyết định từ chức của ông Shinzo Abe gây chấn động nước Nhật. Một lần nữa, căn bệnh viêm loét đại tràng trở nặng lại buộc Abe rời xa Dinh Thủ tướng.
Không thể phủ nhận, trong 8 năm cống hiến, chính sách Abenomics đã thực sự thay đổi diện mạo kinh tế nước Nhật.
Để làm rõ những thành tựu kinh tế mà ông Abe đạt được trong 8 năm trên cương vị Thủ tướng, trước hết phải nói về thực trạng nền kinh tế Nhật Bản giai đoạn 1990-2012, trước khi chiến lược Abenomics được triển khai.
Thời điểm đó, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng tiệm cận mức 0 trong vòng 2 thập kỷ, chi tiêu tiêu dùng đình trệ do giảm phát và sự già hóa dân số thúc đẩy xu hướng tiết kiệm ở người dân. Trận động đất thảm họa năm 2011 cùng những hệ quả kéo dài sau đó, cộng thêm khoản nợ công khổng lồ từ các đời Thủ tướng trước đó gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế Nhật Bản. Trong lĩnh vực tiền tệ, đồng Yên mạnh dẫn đến xuất khẩu suy giảm. Trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ giới thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều ngành chứng kiến lực lượng lao động giảm mạnh.
“Tôi đã dành 6 năm (sau khi từ chức Thủ tướng năm 2007) đi khắp đất nước chỉ để lắng nghe. Ở bất kỳ đâu trên đất nước, tôi đều nghe thấy những lời than vãn về tình trạng mất việc làm do giảm phát. Người dân không còn hy vọng vào tương lai. Tôi nhận ra rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới phải là loại bỏ giảm phát” - ông Shinzo Abe cho hay.
Chính sách cải cách kinh tế Abenomics do ông Shinzo Abe khởi xướng bao gồm 3 mũi tên quan trọng: nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu toàn diện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài nhiều thập niên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tiếp quản vị trí Thủ tướng Nhật Bản cuối năm 2012, ông Shinzo Abe nhanh chóng đạt được thỏa thuận nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có với Ngân hàng TW Nhật Bản BoJ. BoJ đã đưa lãi suất xuống mức âm nhằm giảm chi phí cho vay, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy lạm phát lên mức mục tiêu 2%. Nhờ đó, kinh tế Nhật Bản đã dần phục hồi và thoát khỏi vòng xoáy giảm phát suốt từ thập niên 70.
Mũi tên thứ hai trong chính sách Abenomics là tăng cường chi tiêu chính phủ để kích thích nền kinh tế. Kể từ năm 2013, ngay sau thời điểm ông Abe nhậm chức, chính phủ Nhật Bản đã chi hàng trăm tỷ USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo đà cho thị trường tài chính và bất động sản.
Mũi tên cuối cùng đi kèm và thúc đẩy hiệu quả của hai mũi tên trên đây là sự cải cách cơ cấu toàn diện trong nền kinh tế, nhằm thúc đẩy thị trường lao động Nhật Bản cùng chế độ phúc lợi đáng mơ ước cho người lao động.
Những nỗ lực đã đem lại kết quả đáng ghi nhận khi nền kinh tế Nhật Bản chứng kiến tăng trưởng trong 71 tháng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới 3%, thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ. Kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 19 tháng liên tiếp nhờ sự giảm giá 30% của đồng Yên Nhật.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei đã tăng gấp đôi từ 10.000 điểm vào tháng 12./2012 lên hơn 20.000 điểm vào thời điểm hiện tại. Điều này không chỉ phản ánh sức mạnh của thị trường tài chính nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, mà còn thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách Abenomics.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Shinzo Abe cũng đạt nhiều thành tựu thương mại quan trọng thông qua hoàn thành hàng loạt thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Nhật Bản - EU, tạo thêm triển vọng cho ngành xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng là người khởi xướng chính sách Womenomics, kỳ vọng đưa phụ nữ thành động lực quan trọng trong thị trường lao động Nhật Bản, vượt lên sự bất bình đẳng giới. Đến năm 2019, báo cáo được thực hiện bởi Goldman Sachs chỉ ra tỷ lệ phụ nữ trên thị trường lao động Nhật Bản lên tới hơn 70%, vượt qua các nền kinh tế tiên tiến hàng đầu như Mỹ, EU.
Trong suốt 8 năm giữ chức Thủ tướng Nhật Bản (2012 đến nay), ông Shinzo Abe luôn nhận được tỷ lệ tín nhiệm cao của người dân
Vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia về hiệu quả của cải cách chính sách Abenomics, khi chi tiêu tiêu dùng còn ở mức thấp và tỷ lệ lạm phát còn cách xa mức mục tiêu 2%. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã tàn phá mạnh mẽ nền kinh tế Nhật Bản, nhất là khi nhiều đại công ty của Nhật phụ thuộc chủ yếu vào thị trường sản xuất Trung Quốc. Sự trì hoãn Thế vận hội Olympic sang năm 2021 cùng nguồn thu du lịch sụt giảm cũng góp phần đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới rơi vào suy thoái.
Nhưng không thể phủ nhận rằng, trong 8 năm trên cương vị Thủ tướng, Shinzo Abe thực sự đã thay đổi diện mạo của nền kinh tế Nhật Bản so với thời điểm trước năm 2020, khi tăng trưởng kinh tế xoay quanh mốc 0 và động lực kinh tế trì trệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.