BÁC HỒ TRONG LÒNG NGƯỜI MÔNG Từ khi theo Đảng, theo Bác đến nay, cuộc sống của đồng bào người Mông tại xã nghèo vùng cao Long Hẹ (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang từng bước thay đổi rõ rệt. Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang; nông nghiệp, nông thôn được chú trọng phát triển, đưa cuộc sống của nhân dân ngày càng ổn định.
Những ngày đầu tháng 9, từ Thành phố Sơn La, vượt qua hơn 70 Km đường rừng núi, chúng tôi đến với xã nghèo vùng cao Long Hẹ trong tiết trời thu se lạnh. Thật bất ngờ, một xã nghèo vùng cao đặc biệt khó khăn (Vùng 3) như Long Hẹ lại có được cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ, và hiện đại như vậy. Tôi không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi, điều gì đã làm nên sự thay đổi kỳ diệu này?
Tham dự buổi sinh hoạt Đảng thường kỳ hằng tháng tại xã Long Hẹ, chúng tôi được nghe các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã kể về cuộc sống của đồng bào người Mông nơi đây từ khi theo Đảng, theo Bác. Đồng chí Sùng Chờ Nó – Bí thư Đảng ủy xã Long Hẹ cho biết: “Người Mông chúng tôi theo Đảng, theo Bác từ thời chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời điểm đó, thực hiện chủ trương của Đảng về việc đưa cán bộ vào hoạt động trong lòng địch để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Năm 1949, đội du kích Long Hẹ được thành lập với hơn 30 đội viên do 2 ông Thào Khua Chỉnh và Thào Ngọc Lương phụ trách. Đội đã theo Đảng, theo Bác chiến đấu giành được nhiều thắng lợi to lớn. Sau khi chiến tranh kết thúc, do trình độ và nhận thức của đồng bào người Mông còn giới hạn, nên cái đói, cái nghèo lại đeo bám. May thay, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách xóa đói giảm nghèo kịp thời đối với vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nên cuộc sống của đồng bào người Mông nơi đây mới dần dần phát triển và từng bước đi vào ổn định”.
Cuộc họp Chi bộ kết thúc, chúng tôi ghé thăm một gia đình người Mông tại bản Chà Mạy. Chẳng còn quá xa lạ, bên trong nhà truyền thống của người Mông đã được trang bị nhiều những vật dụng hiện đại như ti vi, tủ lạnh, loa, đài… Thấy tôi đứng với vẻ mặt ngạc nhiên, ông Thào Chứ Dơ tận tình mời chúng tôi ở lại dùng cơm và chia sẻ những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn về cuộc sống của đồng bào người Mông nơi đây. Ông Thào Chứ Dơ hồ hởi kể: “Người Mông chúng tôi biết đến Đảng từ Bác Hồ kính yêu. Trong thời chiến tranh, chúng tôi tự hào vì được đi theo Đảng, theo Bác chống giặc ngoại xâm. Cho đến ngày hôm nay, để có được cuộc sống ấm no, sung túc như này chính là nhờ ơn Đảng, ơn Bác. Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ chúng tôi xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại; chỉ bảo chúng tôi cách làm giàu, tăng gia sản xuất. Bởi vậy nên chúng tôi vẫn luôn giữ vững niềm tin theo Đảng, theo Bác đến cùng”.
Chúng tôi được đưa đến thăm Nhà thờ Bác Hồ trên đỉnh núi thiêng Chà Mạy. Nơi đây, để tưởng nhớ công ơn Bác Hồ và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, ông Thào Khua Chỉnh – Đội trưởng đội Du kích xã Long Hẹ năm xưa đã có tâm nguyện xây dựng nhà thờ Bác Hồ đặt giữa lòng người Mông trên đỉnh núi thiêng Chà Mạy và được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Đảng bộ, Chính quyền xã đã huy động nhân dân đóng góp để xây dựng Nhà thờ Bác Hồ.
Để tìm hiểu sâu hơn về tình hình phát triển kinh tế tại xã Long Hẹ, chúng tôi được ông Và Dúa Di - Bí thư Chi bộ bản Chà Mạy chia sẻ: “Thực hiện nghị quyết số 26-NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong những năm gần đây, nhận Chỉ thị từ cấp trên, Chi bộ đã tích cực triển khai, phổ biến tới người dân trong việc phát triển cây chanh leo, cây sơn tra. Từ vài chục ha ban đầu, đến nay cây chanh leo, sơn tra đã phát triển mở rộng lên tới hàng trăm ha. Từ đó, mở ra hướng đi mới, giúp đồng bào người Mông tại xã Long Hẹ dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập; giúp xóa đói, giảm nghèo và đặc biệt đẩy lùi tình trạng trồng cây thuốc phiện”.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi tìm đến nhà của chiến sĩ người Mông, Thào A Lầu, người từng trúng 3 viên đạn tại Mặt trận Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng (Hạ Lào). Người thương binh hạng 2/4 Thào A Lầu vui mừng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp của nhà ông. Ông cho biết: Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Trở về đời thường sau chiến tranh, phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc sống, nhưng tôi vẫn luôn phát huy tốt phẩm chất Bộ đội cụ Hồ và cố gắng học hỏi, áp dụng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát khỏi đói nghèo. “Con đường tôi đi là theo Đảng, theo Bác Hồ, chúng tôi cắt máu ăn thề, quyết đi theo cách mạng, đánh đuổi giặc ngoại xâm giống những thế hệ cha ông, chiến sĩ du kích Long Hẹ đã từng đi”, ông Thào A Lầu quả quyết.
Có một thực tế là tình trạng “khát” nước sạch sinh hoạt tại các xã nghèo vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại xã Long Hẹ những năm qua rất thiết thực, kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, phần lớn các thôn, bản tại xã Long Hẹ đều được xây bể chứa nước sạch, đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Bức tranh toàn cảnh về sự chuyển mình kỳ diệu tại xã Long Hẹ đã dần hé lộ. Trở lại trung tâm xã, chúng tôi tham quan Trường Tiểu học và THCS Long Hẹ. Với sự hỗ trợ đầu tư của Đảng, Nhà nước, giờ đây hơn 1200 em học sinh tại xã Long Hẹ đã được học tập trong môi trường giáo dục khang trang, hiện đại, và đặc biệt để khắc phục tình trạng nhà xa, khó khăn trong việc đi lại, nhà trường đã đầu tư xây dựng thêm chương trình học bán trú để phụ huynh yên tâm cho con em theo học xa nhà.
Về Y tế, trạm Y tế xã đã duy trì và thực hiện có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chính quyền xã Long Hẹ cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình Y tế quốc gia trên địa bàn. Ông Thào Nhìa Tòng - Trạm trưởng Y tế xã Long Hẹ thông tin: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện trạm Y tế xã Long Hẹ chúng tôi được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, thiết bị máy móc tiên tiến, hiện đại. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trạm Y tế xã đã khám và chữa cho 1.658 lượt bệnh nhân và nhờ có sự tuyên truyền tốt nên hầu hết người dân bị bệnh đều ra trạm Y tế xã chữa, tình trạng tự chữa tại nhà theo phong tục, tập quán đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, nhân lực làm việc còn rất hạn chế cả về chất lượng lẫn số lượng. Mong sao, Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho con em trong xã được đi học cử tuyển để sau này về phục vụ chính người dân chúng tôi".
Có thể thấy, trong tiềm thức của người Mông tại xã Long Hẹ, Bác Hồ chính là Người dẫn lối theo Đảng. Nhờ Đảng, nhờ Bác cuộc sống của người Mông mới từng bước phát triển và ổn định. “Dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng người Mông chúng tôi nguyện một lòng đi theo Đảng, theo Bác đến cùng”, ông Lầu A Dơ - Trưởng bản Chà Mạy quả quyết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.