Phóng viên: Tháng trước khi ngồi chờ được anh khám, trong đầu tôi xuất hiện hàng loạt câu hỏi cột sống mình có sao không? có phải mổ không?... Nhưng rồi những căng thẳng, lo lắng của tôi tan biến khi anh bất ngờ cất tiếng hát trong lúc ghi những dòng tư vấn cho bệnh nhân khác. Tôi nghĩ anh không hát vu vơ cho vui?
Bác sĩ Trần Quốc Khánh: Không chỉ hát đâu, tôi còn đọc thơ, kể chuyện vui, hỏi thăm gia cảnh bệnh nhân hay đơn giản chỉ là nụ cười, một cái bắt tay để phá vỡ khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Quá trình khám chữa bệnh, tôi nhận thấy hầu hết mọi người khi vào viện đều mang tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Bệnh nhân không biết mình có bệnh tật gì, tính mạng có sao không, rồi vấn đề kinh phí chữa trị…, chưa kể người bệnh gần như mặc định rằng bác sĩ luôn lạnh lùng và có khoảng cách.
Chính những điều đó đã đẩy không khí buổi khám chữa bệnh trở nên rất căng thẳng xen lẫn lo lắng, hồi hộp. Đó là điều người bệnh không mong muốn nhưng cũng rất khó để họ có thể tự mình xoay chuyển được. Chỉ người thầy thuốc mới có thể phá vỡ được khoảng cách đó.
Khi khoảng cách được phá vỡ, bệnh nhân sẽ cảm thấy như được thả lỏng, gần gũi, dễ chịu, dễ thổ lộ những vấn đề của mình hơn. Bệnh nhân cũng sẵn sàng đặt câu hỏi với người thầy thuốc, giúp bác sĩ chẩn đoán chữa trị được chính xác, hiệu quả hơn.
Chưa kể khi tâm lý thoải mái, sức đề kháng của bệnh nhân sẽ được nâng cao hơn, khả năng chiến thắng bệnh tật qua đó cũng sẽ được cải thiện.
Những trường hợp bệnh nhân phải lên bàn mổ chắc chắn sẽ lo lắng gấp nhiều lần, anh sẽ làm gì để họ bớt lo lắng?
Sự căng thẳng của bệnh nhân trước khi lên bàn mổ đúng là tăng lên gấp bội. Sau nhiều năm đi mổ, tôi cảm nhận được điều đó rất rõ ràng và sự lo lắng đó sẽ giảm đi rõ rệt khi nào? Là khi bệnh nhân được gặp người bác sĩ sẽ phẫu thuật cho mình, được chính bác sĩ đó giải thích về bản chất bệnh tật, phương pháp chữa trị, những ưu nhược điểm của ca mổ, những nguy cơ biến chứng có thể xảy đến và cả những thông tin liên quan đến tài chính, sức khoẻ lâu dài về sau.
Sự thấu hiểu về bệnh tật cũng như phương pháp phẫu thuật của chính mình sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm, tin tưởng hơn rất nhiều. Vì vậy, việc đầu tiên tôi làm trước mỗi ca mổ tôi là sắp xếp gặp gỡ bệnh nhân để trò chuyện.
Số hai đó chính là việc tạo cảm giác gần gũi, quan tâm đến bệnh nhân của người bác sĩ. Một cái nắm tay, một nụ cười, một lời hỏi thăm động viên trước khi lên bàn mổ cũng có thể giúp nhịp tim chậm lại, huyết áp hạ đi ít nhiều… Và câu nói “Bác sĩ Khánh đây, anh chị an tâm nhé!” gần như là câu “thần chú” của tôi trước khi gây mê cho bệnh nhân để vào ca mổ, tôi cảm nhận được niềm tin và cả sự tin tưởng trong ánh mắt của họ, ấm lòng lắm.
Bệnh nhân khi vào viện thì ai cũng lo lắng nhưng nhiều bác sĩ khi khám bệnh giữ gương mặt khá nghiêm nghị, phải chăng họ chịu nhiều áp lực?
Có thể anh nói đúng, khá nhiều người thầy thuốc lúc khám chữa bệnh tạo cho mọi người cảm giác tương đối lạnh lùng, nghiêm nghị và khoảng cánh.
Cũng có thể do tính chất công việc, tập trung suy nghĩ tư duy… nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, rồi áp lực cứu người, đặc biệt với những ca bệnh khó.
Bác sĩ đang chữa con người, chứ không phải một cỗ máy. Vậy nên những sai sót là gần như rất ít được phép xảy đến dù chắc chắn rằng trong cả cuộc đời chữa bệnh cứu người, sẽ không ai không mắc những sai sót, vấn đề là làm sao hạn chế những sai sót đó ở mức thấp nhất có thể.
Tuy nhiên với cá nhân tôi, không phải tất cả các tình huống nhưng khi có thể và tính chất ca bệnh cho phép, tôi luôn tìm cách tạo ra những không gian khám chữa bệnh dễ chịu và gần gũi nhất. Tôi muốn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có được cảm giác được quan tâm, thấu cảm và cả chia sẻ. Tôi phải là chỗ dựa cả về tinh thần lẫn chuyên môn cho bệnh nhân, đó là điều tất cả mọi bệnh nhân đều mong mỏi.
Để chữa bệnh cứu người đạt hiệu quả cao nhất, chúng ta cần quan tâm đến cả tâm bệnh và thực bệnh, thậm chí chúng ta còn nên biết được hoàn cảnh gia đình cũng như điều kiện kinh tế của từng bệnh nhân, từ đó có thể đưa ra những lời khuyên, những giải pháp chữa bệnh hợp lý nhất có thể.
Đất nước mình còn đang phát triển, nhiều trong số bệnh nhân là những người nông dân tần tảo vất vả, khó khăn. Để vào viện đó là điều bất đắc dĩ, và có thể ẩn sau mỗi ca mổ là những ngôi nhà, mảnh đất ông cha để lại đã bị bán.
Tôi chắc rằng bệnh nhân từng biếu anh phong bì, anh có nhận không?
Câu hỏi không thể thẳng thắn hơn được nữa nhưng tôi không hề nặng nề chuyện đó (nhận phong bì – PV). Có những ngày người nhà bệnh nhân đến gặp, cảm ơn bằng phong bì, tôi nhận nhưng ngay sau đó dùng số tiền này chi trả cho việc khám chữa bệnh, chụp chiếu hoặc mua thuốc, tiền vé tàu xe cho bệnh nhân khác có hoàn cảnh khó khăn đến khám. Thấy ý nghĩa và trong lòng mình vui là tôi thực hiện.
Với ai tôi không biết, với bản thân mình tôi luôn có những nguyên tắc riêng. Đầu tiên là không bao giờ gây nhũng nhiễu, khó khăn với bệnh nhân cũng như người nhà để mong chờ họ thực hiện việc đó (bỏ phong bì -PV).
Nguyên tắc thứ hai là nếu có nhận, tôi chỉ nhận khi bệnh nhân đã khoẻ mạnh ra viện và người nhà tự tâm tìm đến. Tất nhiên tôi không bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vì mỗi khi điều trị bệnh tôi đều tìm hiểu hoàn cảnh bệnh nhân.
Với tôi, bệnh nhân khi ra viện, một cái bắt tay, một nụ cười, một tin nhắn, một lời cảm ơn họ dành cho mình cũng là nguồn năng lượng tuyệt vời cho một ngày dài của tôi rồi. Nói không sáo rỗng, niềm vui lớn nhất với tôi đó chính là được chứng kiến bệnh nhân khoẻ mạnh khi ra viện, đó là được sống và cho đi ít nhiều.
Mọi người thường gọi anh là “bác sĩ quốc dân”, “bác sĩ nghìn like” khi trang Facebook cá nhân có hơn 100 nghìn người theo dõi. Ngoài viết bài tư vấn sức khoẻ trên Facebook, anh còn lập website, làm kênh YouTube video tư vấn, chia sẻ kiến thức y học… Vì sao anh lại có ý tưởng này?
Xuất phát từ mấy nguyên nhân, đầu tiên đó chính là việc kiến thức nền về sức khoẻ, y học thường thức của người dân mình còn thiếu, nếu không muốn nói là còn thấp. Cá nhân tôi nhận thấy, những giáo trình học phổ thông, thậm chí cả đại học hiện nay chưa đáp ứng được cho mỗi người những lượng kiến thức sức khoẻ - y học cần thiết, chưa có tính ứng dụng thực tiễn nên mọi người gần như không có kỹ năng tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Điều thứ hai là ý thức mỗi người dân mình chưa quan tâm đến kiến thức sức khoẻ. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đến tập luyện thể thao, khám sức khoẻ định kỳ… Mọi người vẫn nói “Sức khoẻ là vàng” nhưng lại hành động lướt Facebook mua sắm, buôn chuyện và lựa chọn ngồi một chỗ nhiều hơn là vận động, thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ.
Điều thứ ba là việc tôi nhận thấy môi trường sống hiện nay của chúng ta đã chưa được tốt cho sức khoẻ, từ không khí, nguồn nước, thực phẩm cho đến cả môi trường sống làm việc, va chạm xã hội góp phần làm cho sức khoẻ mỗi người bị suy giảm.
Là một bác sĩ, một người thầy thuốc, tôi thấy mình cần là một điều gì đó và sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu, biên tập và viết bài sức khoẻ chia sẻ đến cộng đồng, với mong muốn duy nhất đó là mong sao mọi người đọc được, hiểu được và thực hiện được ít nhiều, góp phần cải thiện cũng như nâng cao sức khoẻ cho chính mình.
Một điều quan trọng nữa những bài viết của tôi được cộng đồng đón nhận, chia sẻ làm tôi rất vui. Mọi người bảo tôi “vác tù và hàng tổng” nhưng không phải vậy, những cái tôi làm không mang lại tiền bạc, nhưng tôi nhận được niềm vui, sự tôn trọng, yêu mến của mọi người, những cái đó bỏ tiền không mua được, đó cũng là động lực để tôi tiếp tục chia sẻ tới mọi người kiến thức mà tôi biết.
Vốn là một bác sĩ chuyên khoa cột sống nhưng các bài viết, video clip tư vấn sức khoẻ của anh khá đa dạng với nhiều loại bệnh khác nhau, anh có tự tin về những kiến thức anh chia sẻ với mọi người là chính xác?
Trước khi trở thành phẫu thuật viên về cột sống, tôi được đào tạo đa khoa tại Đại học Y Hà Nội với các chuyên ngành khác nhau, đó là những nền kiến thức đầu tiên về y học tôi tích luỹ được.
Khi viết về một chủ đề nào đó, tôi sẽ đọc những cuốn sách cả tiếng Việt và cả dịch từ những nguồn tin cậy, từ đó tổng hợp, tinh gọn lại nhất có thể để ai đọc cũng dễ dàng hiểu được, không quá cao siêu, bác học.
Về nội dung tư vấn chia sẻ, tôi thường ưu tiên viết về những kiến thức y học thường thức, tập trung vào những giải pháp dự phòng và ít nói sâu về những phương pháp chữa trị cụ thể cũng như kê đơn, phân tích về mổ xẻ.
Và cuối cùng, với những chủ đề tôi chưa hiểu nhiều, trước khi viết hay đăng bài, tôi thường trao đổi với những đồng nghiệp của tôi về lĩnh vực đó để nhận thêm những lời góp ý, chỉnh sửa nếu có gì đó chưa hợp lý hoặc sai. Ví dụ khi viết về chủ đề tim mạch tôi sẽ tham vấn ý kiến chuyên môn từ đồng nghiệp chuyên về tim mạch về nội dung mình tư vấn trước khi chia sẻ tới mọi người.
Qua các bài viết của mình trên Facebook và những cuộc gọi tư vấn, anh thấy mọi người thường quan tâm tới vấn đề sức khoẻ nào nhất?
Tôi nhận thấy mọi người quan tâm nhiều nhất đến mảng bệnh lý ung thư. Có bệnh nhân bị đau lưng, đau chân tới khám họ hỏi “tôi có bị ung thư không bác sĩ”. Dường như cộng đồng đang bị ám ảnh với căn bệnh này.
Mọi người hiện nay quan tâm nhiều tới việc mình có bị bệnh ung thư không mà quên mất mình phải làm gì để tránh mắc các bệnh này. Người Việt mình có rất nhiều thói quen trong cuộc sống hàng ngày dẫn tới nguy cơ mắc ung thư và các bệnh lý về tim mạch như lười vận động, tập thể dục thể thao; hút thuốc lá nhiều; ăn uống thức ăn có nhiều dầu mỡ; sử dụng quá nhiều rượu bia.
Nhắc tới việc sử dụng rượu bia, nhiều người có thói quen mượn chén rượu chúc tụng nhau mỗi dịp gặp mặt, đặc biệt là lễ, Tết, bác sĩ nghĩ sao về việc này?
Một trong những điều tôi trăn trở đó chính là việc mọi người uống quá nhiều rượu, tôi xem đó là tệ nạn hiện nay.
Rượu phá huỷ cơ thể chúng ta vô cùng lớn, từ việc làm bỏng niêm mạc đường tiêu hoá dẫn đến tăng nguy cơ ung thư sau này cho đến ngộ độc và suy gan cấp tính. Rượu từ từ phá huỷ các mao mạch nhỏ nuôi các cơ quan trong cơ thể đến việc tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Tai nạn giao thông cho đến va chạm, đâm chém nhau cũng đến sau chén rượu.
Và hậu quả nặng nề nhất ảnh hưởng đến nguồn lao động chính của đất nước đó là việc rượu làm suy nhược hệ thần kinh trung ương, suy giảm trí nhớ và cả khả năng tập trung, lao động sáng tạo của mỗi người.
Giá trị của mỗi con người cũng như tình cảm chúng ta dành cho nhau không đong đếm bằng những chén rượu đầy, những bữa tiệc say. Tôi có thể uống một chút rượu nếu thấy vui vẻ nhưng sẽ không uống vì để thể hiện mình hay sự tôn trọng dành cho người khác.
Tôi tin rằng khi bạn tự tin về giá trị của mình, tự tin về tình bạn mình đã xây dựng thì bạn có thể từ chối mọi lời mời uống rượu mà người ta vẫn tôn trọng bạn, vẫn tìm đến bạn, vẫn quý trọng bạn.
Khi chén rượu đang là thước đo cho những mối quan hệ xã hội, đang là công cụ để xử lý công việc và cũng đang là nơi tìm đến sau mỗi ngày trôi qua của người đàn ông thì chúng ta còn chưa thể nhìn thấy tương lai tương sáng trong mỗi gia đình.
Anh từng kể bà nội anh là phụ nữ nhân hậu, gia đình nghèo nhưng vẫn san sẻ với hàng xóm, đó là động lực để anh “sống là để cho đi”, tôi khá tò mò về tuổi thơ và bà anh?
Tôi xa cha mẹ để về ở với ông bà nội từ lúc lên 7 tuổi và ông bà nuôi tôi đến ngày vào đại học. Tuy nhà rất nghèo nhưng ông bà nội nuôi tôi và 6 cháu nội ngoại vì gia đình các cô chú đi làm ăn xa không có điều kiện nuôi dạy con cái. Vậy nên ông bà, đặc biệt là bà nội có ảnh hưởng lớn tới cá tính, cách sống của tôi.
Tôi nhớ mỗi bữa ăn chủ yếu là khoai lang luộc với cà muối mặn, mỗi chúng tôi chỉ có một lưng bát cơm để ăn sau cùng cho đỡ chua cổ vì ăn khoai. Dẫu vậy, cứ mỗi lần đến bữa ăn, chúng tôi luôn lấy lý do là không thích ăn cơm dù rất đói và thèm để nhường cho ông bà. Nhưng ông bà tôi cũng hành động tương tự, lấy lý do không muốn ăn cơm hay lý do gì đó để mong nhường bát cơm đó cho các cháu. Những khoảnh khắc đó tôi nhớ mãi, dẫu trong nghèo khó nhưng bà cháu luôn dành tình yêu thương cho nhau, sống cho đi và hy sinh vì người khác.
Còn về vợ con, anh quan tâm họ thế nào giữa bộn bề công việc?
Tôi đã từng đọc cuốn “Luật hấp dẫn” và luôn sống theo những nguyên tắc trong đó. Một trong những nguyên tắc tôi tâm đắc đó chính là việc “cân bằng trong cuộc sống”, nghĩa là mỗi chúng ta trong cuộc đời sẽ có những sứ mệnh riêng và cả những mảng sống riêng, ví dụ như sức khoẻ, trí tuệ, tài chính, gia đình, những niềm yêu thích, tận hiến xã hội…
Người hạnh phúc sẽ là người biết cân bằng những nội dung trên. Với gia đình, những buổi tối và đặc biệt là ngày chủ nhật, gần như tôi không cho việc gì xâm lấn ngoài cuộc sống bên gia đình và chơi với các con. Với sức khoẻ, tôi cũng ưu tiên những quãng thời gian riêng trong tuần để đến phòng gym, xuống bể bơi, chạy bộ… vì tôi hiểu rằng, một tinh thần khoẻ chỉ trú ngụ trong một cơ thể khoẻ mạnh và cường tráng.
Nếu giữa đêm giao thừa anh bất ngờ nhận được cuộc điện thoại nhờ tư vấn anh có sẵn lòng nghe máy?
Đương nhiên là sẽ nghe máy. Nếu bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân gọi vào dịp Tết, đêm giao thừa thì chắn chắn họ đang có việc vô cùng cấp bách, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn từ người bác sĩ.
Tôi luôn sẵn lòng nghe máy nhưng tôi ước các gia đình sẽ được đón cái tết yên vui và không ai phải bấm máy gọi cho bác sĩ. Đó là niềm mong muốn của tất cả chúng ta, phải không bạn?
Tôi cũng mong như vậy, xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ, chúc anh có cái Tết ấm áp, hạnh phúc bên gia đình, bạn bè!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.