Bất ngờ cách làm bún khô ngon nức tiếng Đà Nẵng
Những ngày hè nắng, chúng tôi về thôn Dương Sơn (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) để tìm đến lò bún khô lâu đời và ngon nức tiếng của vùng đất này.
Vào lò bún Dương Trà của anh Nguyễn Hồng Dương và chị Phạm Thị Trà, chúng tôi bắt gặp cảnh vợ chồng anh chị này đang tất tả hoàn thành những khâu cuối cùng để đưa thành phẩm bún khô ra thị trường.
Chị Trà cho hay, lò bún của nhà chị đã tồn tại hơn 30 năm nay và thuộc dạng lâu đời nhất của Đà Nẵng-Quảng Nam.
"Hơn 30 năm trước, ở Đà Nẵng-Quảng Nam chỉ có 1 đến 2 lò bún phở khô mà thôi. Nay Đà Nẵng phát triển rồi nhưng cũng không quá 5 cơ sở. Sở dĩ ít người làm nghề này vì rất vất vả và phải chỉn chu từng tí trong các khâu", chị Trà chia sẻ.
Để một gói bún khô đến được tay người tiêu dùng, chị Trà cho biết thường phải mất gần 2 ngày với rất nhiều công đoạn.
"Từ 13 giờ chiều, mình vo gạo để ráo cỡ 2 tiếng rồi xay gạo thành bột. Tiếp đó mình cho thêm nước để bột nở ra và ủ thêm 2 tiếng cho đến cỡ 17 giờ chiều cho vào máy ép thành sợi bún hoặc sợi mì. Sau đó để qua đêm cho bún khô và cứng lại, rồi 6 giờ sáng mai bắt đầu làm tơi sợi bún ra và đem phơi nắng cho đến chiều", chị Trà nói.
Kể công đoạn thì thấy không quá khó nhưng sở dĩ ít người làm làm nghề chế biến bún khô, theo chị Trà, bởi vì khâu chọn gạo, cách trộn bột và thời gian ủ phải đúng từng chi tiết, nếu không bún sẽ bị chua, hư hỏng, phải đổ đi.
"Để tạo ra được mẻ bún khô mà người tiêu dùng khi ăn thấy vừa mềm vừa dai, thơm ngon mà không ngán thì công đoạn đầu tiên là phải chọn loại gạo dẻo và ngon nhất. Lượng nước đổ vào ngâm cùng bột gạo xay cũng không thể sai dù chỉ một chén nhỏ. Thời gian ủ và nhiệt độ cũng phải có bí quyết riêng mới làm ra được sợi bún dai, trắng ngần... Đặc biệt, làng bún nơi đây hoàn toàn không dùng chất bảo quản", chị Trà nói.
Hơn 30 năm làm bún, mỗi ngày cơ sở bún Trà Dương cho ra thị trường khoảng 150kg bún khô với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg.
"Để làm ra 150kg bún thì số gạo xay ra cũng phải tương đương. Trừ đi chi phí mỗi ngày hai vợ chồng tôi lãi cỡ 1 triệu đồng. Bún của gia đình tôi làm bằng thủ công gần 90% công đoạn nên giữ được hương vị tự nhiên không như cách làm bún bằng máy nên người tiêu dùng rất ưa thích. Dù vất vả và thu nhập không quá cao nhưng chúng tôi rất vui vì giữ được sản phẩm truyền thống của vùng quê Đà Nẵng" chị Trà tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.