Biến chất thải thành tiền, sử dụng các giải pháp tuần hoàn để giảm phát thải khí nhà kính

Thứ sáu, ngày 01/11/2024 16:15 PM (GMT+7)
Việt Nam đang tiến tới nền nông nghiệp xanh bằng cách tận dụng chất thải thành tài nguyên, từ phân bón hữu cơ đến năng lượng sinh học. Các giải pháp tuần hoàn không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn mang lại giá trị kinh tế cho nông dân, hướng đến mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.
Biến chất thải thành tiền, sử dụng các giải pháp tuần hoàn liên tục, triệt để nhằm giảm mạnh phát thải khí nhà kính - Ảnh 1.

Ngày 30/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh tổ chức toạ đàm “Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp” với hơn 100 đại biểu tham dự. Ảnh: Nghĩa Lê

Tác nhân gây phát thải khí nhà kính lớn trong nông nghiệp...

Theo ông Nguyễn Duy Điều, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: "Nền nông nghiệp Việt Nam là một trong những ngành phát thải khí nhà kính cao nhất, chiếm tới 30% tổng lượng phát thải của cả nước. Các nguồn phát thải chủ yếu tập trung trong ba lĩnh vực chính: trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc và gia cầm, quản lý đất và phân bón hóa học. Những yếu tố này đều góp phần vào việc thải ra khí metan (CH4), oxit nitơ (N2O), và CO2 - ba loại khí nhà kính có tác động rất mạnh đến biến đổi khí hậu".

Biến chất thải thành tiền, sử dụng các giải pháp tuần hoàn liên tục, triệt để nhằm giảm mạnh phát thải khí nhà kính - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Điều, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ ra các tác nhân trọng yếu trong quá trình phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Ảnh: Nghĩa Lê

Trong đó, trồng lúa nước là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm tới 50% tổng lượng phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, tương đương với 49,7 triệu tấn CO2 mỗi năm. Do lúa thường được trồng trong điều kiện ngập nước, môi trường ruộng lúa trở thành nơi lý tưởng cho vi sinh vật kỵ khí phát triển mạnh, tạo ra khí metan trong quá trình phân hủy hữu cơ. Khí metan có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 28 lần so với CO2, do đó lượng metan phát sinh từ trồng lúa có tác động lớn tới biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tập quán canh tác truyền thống với việc ngập nước liên tục còn khiến cho quá trình phân hủy rơm rạ sau thu hoạch trở nên khó kiểm soát. Rơm rạ bị bỏ lại trên đồng ruộng thường bị đốt để chuẩn bị cho vụ tiếp theo, tạo ra một lượng lớn CO2 và làm gia tăng ô nhiễm không khí. Mặc dù việc đốt rơm rạ là phương pháp dễ dàng và tiết kiệm thời gian, nhưng lại gây tổn hại lớn cho môi trường và sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp, tương đương 18,5 triệu tấn CO2 mỗi năm. Trong chăn nuôi, lượng khí thải metan chủ yếu phát sinh từ quá trình tiêu hóa của động vật nhai lại (như bò) và phân hủy chất thải. Bò và các động vật nhai lại thải ra khí metan trong quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là khi được nuôi dưỡng bằng cỏ và thức ăn thô, làm tăng lượng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thường gặp khó khăn trong việc xử lý chất thải đúng cách, dẫn đến tình trạng phân hủy yếm khí không kiểm soát

Quản lý đất và sử dụng phân bón hóa học chiếm khoảng 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp, tương đương với 13,2 triệu tấn CO2. Việc lạm dụng phân bón hóa học trong canh tác không chỉ gây ô nhiễm đất và nước, mà còn làm phát sinh khí N2O, một loại khí nhà kính mạnh hơn CO2 tới 265 lần. Khí N2O sinh ra từ phân bón hóa học khi không được cây trồng hấp thụ hết và chuyển hóa trong đất, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt.

Các giải pháp tuần hoàn

Bà Phạm Thị Vượng, Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đã đề xuất các giải pháp nhằm biến chất thải nông nghiệp thành tài nguyên đó là tận dụng triệt để phụ phẩm từ chăn nuôi, chuyển hóa thành phân bón hữu cơ và năng lượng sinh học thông qua hệ thống biogas. Theo bà Vượng, việc này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi.

Biến chất thải thành tiền, sử dụng các giải pháp tuần hoàn liên tục, triệt để nhằm giảm mạnh phát thải khí nhà kính - Ảnh 3.

Bà Phạm Thị Vượng, Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam muốn nhân mạnh việc người nông dân phải biến tận dụng triệt để các chất thải, biến nó thành tài nguyên, thành tiền vừa tạo ra nguồn lực kinh tế, vừa thân thiện với môi trường, tránh lãng phí mọi nguồn lực. Ảnh: Nghĩa Lê

Chăn nuôi là một trong những ngành gây phát thải lớn, chiếm tới 19% tổng phát thải CO2 trong nông nghiệp, tương đương khoảng 18,5 triệu tấn CO2 hàng năm. Tuy nhiên, nếu biết cách tận dụng, chất thải chăn nuôi có thể trở thành nguồn tài nguyên quý giá, mang lại lợi ích cả về môi trường và kinh tế.

Thông qua việc áp dụng các công nghệ xử lý tuần hoàn, chất thải rắn trong chăn nuôi có thể được ủ thành phân bón hữu cơ hoặc chuyển hóa thành năng lượng sinh học qua hệ thống biogas. Đây không chỉ là giải pháp giảm phát thải khí metan, một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh mẽ, mà còn tạo ra nguồn nhiên liệu sạch, mang lại thu nhập phụ cho người chăn nuôi.

Nhiều cơ sở chăn nuôi lớn và các hợp tác xã đã đi đầu trong việc áp dụng hệ thống biogas, vừa xử lý chất thải hiệu quả, vừa sản xuất khí đốt phục vụ nhu cầu năng lượng của trang trại và hộ gia đình. Theo thống kê, việc sử dụng biogas có thể giảm tới 60% lượng khí thải metan, đồng thời giúp cắt giảm đáng kể chi phí năng lượng cho các hộ chăn nuôi.

Không dừng lại ở đó, các sản phẩm phụ từ hệ thống biogas còn có thể được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ, giúp cải tạo đất trồng, nâng cao năng suất cây trồng và giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học. 

"Với những trang trại quy mô lớn, hệ thống biogas hiện đại có khả năng cung cấp đủ điện và gas để duy trì hoạt động của toàn bộ cơ sở chăn nuôi, thậm chí còn có thể bán lượng khí dư thừa ra thị trường. Điều này giúp người chăn nuôi không chỉ giảm chi phí mà còn tạo thêm nguồn thu nhập ổn định", bà Vượng cho biết thêm.

Theo ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp khẳng định: "Phương pháp ủ compost từ chất thải hữu cơ rất hữu ích trong nông nghiệp tuần hoàn hiện đã và đang được triển khai rộng rãi nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Việc áp dụng kỹ thuật ủ compost không chỉ cải thiện chất lượng đất, tăng cường độ phì nhiêu mà còn giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, từ đó giảm phát thải khí N2O. Nhiều trang trại và hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp này, góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường".

Biến chất thải thành tiền, sử dụng các giải pháp tuần hoàn liên tục, triệt để nhằm giảm mạnh phát thải khí nhà kính - Ảnh 4.

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp chia sẻ về các biện pháp sản xuất nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại toạ đàm. Ảnh: Nghĩa Lê

Bên cạnh đó, các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thường bị bỏ phí hoặc đốt bỏ sau mỗi mùa thu hoạch, nay đã được tái sử dụng hiệu quả hơn. Thay vì đốt rơm rạ – một hành động gây ô nhiễm không khí và thải ra một lượng lớn khí CO2, người nông dân có thể ủ rơm rạ thành phân hữu cơ hoặc dùng làm thức ăn cho gia súc. Phương pháp này không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tận dụng được nguồn dinh dưỡng tự nhiên từ rơm rạ, bổ sung chất hữu cơ cho đất và cải thiện độ phì nhiêu, từ đó tăng năng suất cho vụ mùa tiếp theo.

Để giảm thiểu vấn đề khí nhà kính, ông Trịnh cũng khuyến nghị thêm việc áp dụng kỹ thuật "tưới ngắt quãng" (Alternate Wetting and Drying - AWD), giúp kiểm soát lượng nước trong ruộng lúa, giảm sự hình thành khí metan và đồng thời tiết kiệm nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững.

Giảm phát thải khí nhà kính từ phân bón và quản lý đất là một trong những chiến lược trọng tâm để phát triển nông nghiệp bền vững. Phân bón hóa học, đặc biệt là các loại chứa nitơ, là nguồn phát thải chính của khí N2O – một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2 tới 300 lần. Việc lạm dụng phân bón hóa học không chỉ làm gia tăng lượng khí phát thải mà còn khiến đất đai dần mất đi độ phì nhiêu tự nhiên, dẫn đến suy thoái chất lượng đất.

Các mô hình canh tác hữu cơ và kỹ thuật sử dụng phân bón vi sinh đang được khuyến khích và nhân rộng để giảm thiểu phát thải và bảo vệ môi trường. Phân bón vi sinh không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng cường hệ vi sinh vật có lợi, tạo điều kiện phát triển bền vững cho cây trồng. Phân bón hữu cơ từ chất thải động thực vật cũng là một nguồn phân bón tự nhiên, giàu dinh dưỡng và thân thiện với môi trường, ông Trịnh cho biết thêm.

Hướng tới nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn

Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: "Mục tiêu của các giải pháp tuần hoàn trong nông nghiệp là tận dụng triệt để mọi phế phẩm và chất thải, biến chúng thành tài nguyên tái tạo, nhằm giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính. Khi chất thải nông nghiệp và chăn nuôi được tái sử dụng để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất, nền nông nghiệp sẽ chuyển dần sang mô hình tuần hoàn, bền vững".

Biến chất thải thành tiền, sử dụng các giải pháp tuần hoàn liên tục, triệt để nhằm giảm mạnh phát thải khí nhà kính - Ảnh 5.

Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: "Cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính, đề xuất quy trình, quy chuẩn phù hợp từng đối tượng, lĩnh vực, vùng miền. Ảnh: Nghĩa Lê

"Việc áp dụng các giải pháp tuần hoàn trong nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần lớn vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới đạt cam kết "Net Zero" vào năm 2050. Các chương trình khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng của người nông dân, từ đó xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững hơn cho Việt Nam", ông Lịnh nói thêm.



Nghĩa Lê
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem