Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam: Cần sự chủ động, đi đầu từ các trang trại, doanh nghiệp

Minh Huệ Thứ năm, ngày 10/10/2024 19:44 PM (GMT+7)
Hàng năm, ngành chăn nuôi đóng góp từ 25 - 26% vào GDP của ngành nông nghiệp và là một trong những phân ngành nông nghiệp phát triển nhanh nhất của nước ta. Tuy nhiên, hoạt động chăn nuôi cũng gây ra những tác động tới môi trường, do lượng phân và chất thải của vật nuôi thải ra hàng ngày rất lớn.
Bình luận 0

Tại hội nghị COP26 tổ chức năm 2021, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải Metan 30% tính đến năm 2030. Mục tiêu này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành chăn nuôi trước sự phát triển như hiện nay.

Phát thải khí nhà kính nhiều nhất ở chuồng trại chăn nuôi tập trung, sử dụng nhiều nước

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi quy mô lớn (từ 1000 con lợn, bò, dê… trở lên) và khoảng 35.000 cơ sở chăn nuôi quy mô vừa. Tổng lượng chất thải chăn nuôi (ước tính năm 2022) lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm chiếm 8,1%, bò sữa chiếm 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi.

Tuy nhiên, ước tính chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng trên được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam: Cần sự chủ động, đi đầu từ các trang trại, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Lượng phát thải khí mê tan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt, bò thịt, bò sữa... Trong ảnh: Người chăn nuôi tắm, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm 2 nguồn chính: Khí mê tan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật. Theo kết quả điều tra, lượng KNK phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất là 444 ngàn tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11,2 ngàn tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112 ngàn tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).

Trong số các động vật có phát thải khí mê tan từ dạ cỏ thì bò sữa gây phát thải nhiều nhất, khoảng 68 kg khí CH4/con/ năm. Tiếp theo đó là bò thịt và trâu, từ 47 - 55 kg CH4/con/năm, ngựa có hệ số phát thải thấp, chỉ 18 kg CH4/con/năm. Các động vật ăn cỏ còn lại như dê, cừu có hệ số phát thải không đáng kể, khoảng 5 kg CH4/ năm. Tuy nhiên, do số lượng chăn nuôi bò thịt và trâu ở nước ta khá lớn nên lượng phát thải khí mê tan hàng năm từ bò thịt lên tới 245 ngàn tấn, tiếp theo là trâu với 138 ngàn tấn và bò sữa là 19 ngàn tấn/năm.

Phát thải khí mê tan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí mê tan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt, bò thịt, bò sữa, dẫn đến phân động vật hòa lẫn vào nước dưới dạng lỏng, tạo điều kiện cho vi khuẩn kị khí hoạt động.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đức Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho biết, ước tính mỗi năm ngành chăn nuôi tại Việt Nam thải ra 61 triệu tấn phân, trên 304 triệu m³ nước thải và thải ra gần 15 triệu tấn CO2. Vì vậy trong thời gian tới, cần khuyến khích chăn nuôi phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính…

Nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi 

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất thải chăn nuôi được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào của nhiều chu trình sinh học khác, trong đó sản xuất phân bón hữu cơ, chăn nuôi côn trùng và nuôi trồng thủy sản hướng tới nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là những ưu tiên trong những thập kỷ tới. 

Vì vậy, hướng tới mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động chăn nuôi, các trang trại, cơ sở chăn nuôi bắt buộc phải nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau.

Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam: Cần sự chủ động, đi đầu từ các trang trại, doanh nghiệp - Ảnh 2.

Nông dân xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) áp dụng đệm lót sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi. Ảnh: Phạm Hoạch

Theo TS. Nguyễn Thế Hinh - Phó Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhằm giảm lượng phát thải KNK từ chăn nuôi cũng như giảm tác động lên môi trường, những năm gần đây ngành chăn nuôi nước ta đã thực hiện một số giải pháp giảm lượng khí mê tan sinh ra từ dạ cỏ của trâu bò và từ phân động vật.

Ví dụ để giảm lượng phát thải khí CH4 từ dạ cỏ của trâu bò, nhiều cơ sở chăn nuôi đã thay thế thức ăn thô xanh bằng thức ăn ủ chua; bánh dinh dưỡng MUB; sử dụng muối nitrate để thay thế urê trong khẩu phần; đưa các hợp chất chứa lipid như dầu, mỡ, acid béo vào thức ăn hoặc các chế phẩm dinh dưỡng khác vừa giảm lượng khí mê tan sinh ra từ dạ cỏ của trâu bò, đồng thời cải thiện dinh dưỡng cho trâu bò.

Với phân động vật, để giảm phát thải khí CH4 và N2O, nhiều nơi đã sử dụng các công trình biogas, dùng khí CH4 vào việc đun nấu, phát điện. Chất thải chăn nuôi được thu gom, ủ hoai mục làm phân bón hữu cơ. Việc bón phân chuồng hợp lý trên đất cũng là cách để giảm N2O, giảm độ acid và độ ẩm của đất. 

Bên cạnh đó, mô hình sử dụng đệm lót sinh học (dùng trấu, mùn cưa, rơm, rạ…. trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu) đang là một trong những mô hình đem lại hiệu quả cao, dễ thực hiện trong việc giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi, giảm ô nhiễm môi trường.

Là nơi đang nuôi nhốt hàng trăm con bò, nhưng nếu có dịp đến thăm khu chăn nuôi của HTX Toàn Phát (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), mọi người đều thấy không có mùi hôi từ chất thải. Tại đây, đàn bò được ở trong chuồng trại kiên cố, bên dưới là lớp đệm lót sinh học dày làm từ các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như: Trấu, lõi ngô, vỏ lạc, mùn cưa kết hợp với sử dụng chế phẩm EM phun đều lên nguyên liệu.

Ông Nguyễn Hồng Linh, Giám đốc HTX Toàn Phát cho biết, khu nuôi bò của HTX được xây dựng kiên cố với tổng diện tích 3.000m2, chia thành 10 chuồng riêng biệt, mỗi chuồng rộng 200m2. HTX cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng trên nền đệm lót sinh học ở huyện Sông Mã. Từ 60 con bò cái ban đầu, đến nay, đàn bò của HTX đã tăng lên hơn 100 con bò cái và đã sinh sản hơn 30 con bê.

Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, HTX trồng hơn 5,5 ha cỏ voi VA06 và cỏ voi xanh. Cỏ sau khi được cắt về sẽ đưa vào các máy thái tự động trước khi cho đàn bò ăn. Trung bình đàn bò tiêu thụ khoảng 3 tấn cỏ/ngày.

Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam: Cần sự chủ động, đi đầu từ các trang trại, doanh nghiệp - Ảnh 3.

HTX Toàn Phát nuôi hàng trăm con bò nhưng vẫn không gây mùi hôi từ chất thải nhờ đệm lót sinh học. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Linh cho biết, do chăn nuôi quy mô lớn, có thời điểm lên tới hàng trăm con nên lượng chất thải từ vật nuôi thải ra mỗi ngày rất lớn. Nếu không được thu gom, xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, ngay từ khi triển khai dự án chăn nuôi, HTX đã chú trọng áp dụng công nghệ đệm lót sinh học trộn với chế phẩm EM để lót xuống nền chuồng. Đệm lót giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại, làm ấm, tăng khả năng kháng bệnh cho bò, đồng thời tiết kiệm được một lượng nước đáng kể bởi không cần dùng nước để rửa chuồng. Nước ở đây chỉ dùng để phun tạo độ ẩm nền chuồng, giúp chuồng nuôi không còn mùi hôi.

"Mỗi ngày chúng tôi chỉ cần 1 - 2 giờ để san, đảo đều chất thải trên bề mặt đệm lót. Do đó, chuồng trại rất khô ráo và không có mùi hôi, đảm bảo sức khỏe cho công nhân chăm sóc đàn bò tại trang trại. Đặc biệt nhờ sử dụng đệm lót, tình trạng ruồi muỗi ký sinh trên bò và ở trong chuồng trại cũng giảm trên 90%" - ông Linh thông tin. 

Sau khoảng 6 tháng sử dụng, nền đệm lót sẽ được thay mới. Toàn bộ đệm lót đã qua sử dụng sẽ được thu gom làm phân bón cho cây trồng rất tốt. Ngoài bón cho diện tích trồng cỏ của HTX, đều đặn mỗi năm, HTX đều xuất bán hàng trăm phân bón từ chất thải chăn nuôi cho người dân trong vùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với quy mô chuồng trại nuôi bò lớn ở miền Bắc, trong nhiều năm qua, Trung tâm Sản xuất tinh bò chất lượng cao xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi và mang lại kết quả rất khả quan. Cơ sở không phải lo thu gom chất thải, rửa chuồng, xử lý môi trường nên chi phí cho những khâu này được giảm đáng kể. Chuồng trại sạch sẽ cũng giúp cho vật nuôi khỏe mạnh hơn. Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng sẽ được thu gom, xử lý làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. 

Ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Sản xuất tinh bò chất lượng cao (Công ty CP Giống gia súc Hà Nội) cho biết: "Cùng với việc xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học, chúng tôi đã điều chỉnh chế độ ăn của bò nhằm làm giảm khí mêtan trong quá trình lên men của dạ cỏ, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn - không có rác thải".

Giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi tại Việt Nam: Cần sự chủ động, đi đầu từ các trang trại, doanh nghiệp - Ảnh 4.

Hầm chứa phế phẩm chăn nuôi được dùng để tưới cỏ tại một hộ chăn nuôi bò sữa ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Quang Sung

Trong khi đó, ở Củ Chi - nơi có đàn bò sữa lớn nhất TP.Hồ Chí Minh, chính quyền địa phương đang thực hiện chương trình phát triển bền vững đàn bò, trong đó chú trọng giảm tổng đàn bò song vẫn nâng cao năng suất chăn nuôi, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn. Theo đó, UBND huyện đang phối hợp với Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh xác định khu vực bố trí cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến xã; điều tra, xây dựng lộ trình ổn định cũng như di dời đối với các cơ sở chăn nuôi bò sữa tập trung đến khu vực chăn nuôi tập trung.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện chất lượng trong chăn nuôi, điển hình là xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, qua đó tận dụng nguồn khí sinh học thay thế chất đốt, hoặc có thể sử dụng cho chạy máy phát điện, tạo ra điện phục vụ sinh hoạt gia đình và điện phục vụ trang trại. Sử dụng phân tử phụ phẩm khí sinh học thay thế phân bón hóa học...

Phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng ủ phân hữu cơ (compost) cũng được ngành chăn nuôi Củ Chi khuyến khích. Theo đó, nguyên liệu ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cho cây trồng. Phân sau khi ủ háo khí trở lên tơi xốp và không có mùi hôi thối; các loại vi sinh vật có gây bệnh bị tiêu diệt bởi nhiệt độ đồng ủ. 

Ngoài ra chất thải trong chăn nuôi còn được xử lý bằng công nghệ ép tách phân. Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc, thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp.

Liên quan vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, vấn đề kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam đã được pháp luật quy định trong các Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ Môi trường, một số Nghị định và Quyết định trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn… Tuy nhiên, việc kiểm soát môi trường và khí phát thải chăn nuôi của Việt Nam là những vấn đề lớn và còn nhiều bất cập, do mật độ chăn nuôi của Việt Nam thuộc tốp lớn nhất trên thế giới. Việt Nam là nước có diện tích tự nhiên đứng thứ 66 thế giới, nhưng có số đầu lợn đứng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới…

Do đó, ông Dương nhấn mạnh 4 vấn đề. Thứ nhất, xử lý chất thải và kiểm soát khí nhà kính trong chăn nuôi cần phải được danh nghiệp, người chăn nuôi tự giác và chủ động thực hiện. Thứ hai, đây là vấn đề đòi hỏi công nghệ phù hợp và chi phí lớn, rất cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ về đất đai cho chăn nuôi tập trung, tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến công nghệ phù hợp cho các loại hình chăn nuôi và có tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi vay đầu tư áp dụng công nghệ phù hợp, hiệu quả.

Thứ ba, vì đây là vấn đề mới và lĩnh vực chăn nuôi trong nước đang còn gặp khó khăn, kiến nghị Nhà nước chưa nên đưa lĩnh vực chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, mà trước mắt trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2026, chỉ nên áp dụng hình thức khuyến khích các cơ sở chăn nuôi thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát khí phát thải trong chăn nuôi.

Cuối cùng, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên môn, hoàn thiện các công nghệ, chính sách để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng các công nghệ trong xử lý chất thải, kiểm kê và kiểm soát khí nhà kính, đảm bảo đến khi Nhà nước đưa các cơ sở chăn nuôi vào diện phải kiểm kê khí nhà kính, thì mọi yếu tố đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Đề xuất giải pháp dài hơi, TS. Nguyễn Thế Hinh cho rằng Chính phủ cần cho phép phát điện biogas để nối mạng điện lưới, nhằm khuyến khích các chủ trang trại đầu tư máy phát điện biogas công suất lớn để tận dụng hết khí gas sinh ra nhằm đem lại lợi nhuận cho chủ trang trại, giảm thiểu tình trạng xả khí CH4 trực tiếp ra môi trường.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công nghệ thu gom, vận chuyển chất thải chăn nuôi. Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, nông hộ thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để bán và sử dụng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem