Bộ Công an cấp tài khoản định danh điện tử cho đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, đơn vị đã thành lập 2 đoàn công tác gồm 30 cán bộ, chiến sĩ tiến hành tại 2 địa điểm từ ngày 1/6 đến 6/6/2023.
Nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sĩ là thường trực nhận định danh điện tử cho đại biểu Quốc hội trong thời gian nghỉ giải lao và nghỉ giữa giờ khi các đại biểu có nhu cầu.
Bên cạnh đó, tiến hành thu nhận định danh điện tử cho cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội.
Báo cáo của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ trong tháng 5 nêu rõ, đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, nhiều dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao, như: Thông báo lưu trú (đạt 99,9%); đăng ký thường trú (đạt 89,4%, tăng 3,7% so với tháng 4/2023).
Trong đó, có một số địa phương làm tốt như Đồng Nai (đăng ký thường trú đạt tỷ lệ 97,35%, đăng ký tạm trú đạt tỷ lệ 99,19%); Hà Nam (cấp điện mới từ lưới điện hạ áp đạt 100%)...
Tính đến ngày 13/5/2023, đã có 1.025.154 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 968.903 thí sinh đăng ký trực tuyến (chiếm tỷ lệ 94,51%), 56.251 thí sinh đăng ký trực tiếp (chiếm tỷ lệ 5,49%).
Ngày 21/5/2023, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cùng với FPT IS, Đại học Bách khoa phối hợp tổ chức thi thử, đánh giá tư duy sử dụng và tích hợp giải pháp xác thực căn cước công dân gắn chip.
Khi làm thủ tục thi, thí sinh cần quét thẻ căn cước công dân gắn chip, thực hiện việc quét thẻ và chụp ảnh đối chiếu khuôn mặt, sau đó kiểm tra trong danh sách dự thi, số phòng thi đảm bảo chính xác, quá trình xác thực thông tin chỉ mất khoảng 20 giây/1 thí sinh, qua đó giải quyết dứt điểm tình trạng gian lận trong thi cử, nâng cao chất lượng giáo dục.
Kết quả về những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội được thúc đẩy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu trên 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt 83,28%).
Hiện, Bộ Công an đang phối hợp với 5 ngân hàng (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Pvcombank, VIB) triển khai thí điểm giải pháp định danh, xác thực khách hàng trực tuyến thông qua ứng dụng VNeID, tiến tới cung cấp toàn bộ dịch vụ xác thực thông tin công dân phục vụ nghiệp vụ ngành ngân hàng.
Ngoài ra, định danh điện tử còn tích hợp các công cụ số khác như: Chữ ký số công cộng, sim thuê bao, ví điện tử, hợp đồng điện tử… từng bước hoàn thiện hệ sinh thái công dân số theo Nghị quyết 50 của Chính phủ.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Đến ngày 18/5/2023, đã có 16,8 nghìn doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng 3.623 doanh nghiệp so với tháng 4/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn (tăng 1,6 triệu hóa đơn so với tháng 4/2023). Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 222,8 tỷ đồng (tăng 118 tỷ đồng so với tháng 4/2023).
Một số hình ảnh C06 cấp tài khoản định danh điện tử cho đại biểu Quốc hội sáng 1/6:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.