Khi được hỏi ấn tượng của mình về những nông dân Việt Nam xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc sẽ được tôn vinh, biểu dương tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, từ tận đáy lòng, ông muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến họ, những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Xin cảm ơn những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Thưa Bộ trưởng, tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam, lần đầu tiên, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng chủ trì đối thoại, lắng nghe nông dân nói tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX. Bộ trưởng kỳ vọng gì ở Diễn đàn này?

-Trước hết, tôi xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã có ý tưởng cùng với tôi chủ trì Diễn đàn Nông dân Quốc gia lắng nghe nông dân nói. Phải nói thật, quá trình chuẩn bị Diễn đàn đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, bởi lần đầu tiên thông qua diễn đàn, tôi và đồng chí Chủ tịch Lương Quốc Đoàn sẽ được ngồi cùng bà con, cùng trao đổi, gặp gỡ trao đổi chân tình với nông dân.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Xin cảm ơn những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 2.

Tôi cũng đã nghiên cứu những kiến nghị của bà con gửi đến Diễn đàn thông qua nhiều kênh, chúng tôi nhận thấy những trăn trở, tâm huyết của bà con đối với sản xuất nông nghiệp, với những vấn đề phát sinh trong thực tiễn sản xuất. Chúng tôi sẽ lắng nghe chân thành, trao đổi chân thành để cùng bà con và các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, góp phần thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII: nông dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tại Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng xác định rõ 3 thành tố là nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại. Tôi thấy, giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu này là nâng cao năng lực cho nông dân để bà con đảm nhận được vị trí trung tâm, là chủ thể. 

Do vậy, tôi với tư cách là quản lý ngành nông nghiệp cần lắng nghe, trao đổi với người dân để tìm ra giải pháp, thông qua diễn đàn có thể có sự thay đổi về cơ chế, chính sách dành cho nông nghiệp, nông thôn; thay đổi trong các chương trình, kế hoạch của Hội Nông dân, bà con cũng từng bước thay đổi phương thức sản xuất. Chỉ khi người nông dân thay đổi thì nền nông nghiệp sẽ thay đổi.

Một trong những vấn đề được nhiều bà con nông dân quan tâm hiện nay là sản xuất xanh, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Là người sâu sát với cơ sở, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự chủ động của nông dân với những mô hình sản xuất mới này?

-Trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam chính người nông dân đã góp phần làm nên kỳ tích của ngành nông nghiệp, đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo thành cường quốc xuất khẩu lương thực của thế giới, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn đóng góp vào hệ thống lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, do vậy, tôi tin, bà con cũng chính là người sẽ định vị lại ngành nông nghiệp với những mô hình sản xuất mới.

Tôi đã đi đến nhiều vùng miền, từ Tây Bắc, Đông Bắc đến ven biển, đồng bằng và nhận thấy có quá nhiều mô hình rất sáng tạo của nông dân, từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch và gần đây là nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp thuận thiên tích hợp đa giá trị như lúa – cá, lúa - rươi – cáy,…

Khi trao đổi với bà con qua nhóm Zalo, tôi thực sự bất ngờ với sự thay đổi của nông dân, của những chi hội nông dân nghề nghiệp. Những mô hình đó có thể chưa phổ quát, nhưng các bộ ngành, đoàn thể, trong đó có Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, các cơ quan truyền thông lấy những nhân tố đó để lan tỏa. Người nông dân thích mắt thấy tai nghe, nhiệm vụ của chúng ta là cùng tập hợp bà con bên đồng ruộng, ao cá của những người đi trước để bà con đặt câu hỏi: Tại sao cùng cơ chế sản xuất như nhau, cũng bầu trời mặt đất đó sau có người lại vươn lên làm giàu?. Khi đó, những người được chứng kiến sẽ có thêm động lực để thay đổi cả đôi tay, khối óc, khát vọng, ý chí, nghị lực bởi đã có những nông dân chịu thất bại nhưng họ không bỏ cuộc và làm lại từ đầu.

Nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam là tổng kết từ mô hình thực tiễn thành bài học. Thực tiễn vốn sinh động, thay vì kéo thì chúng ta đẩy bà con lên bằng cơ chế chính sách, bằng tri thức hóa nông dân, kết nối thị trường.

Tôi cho rằng, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX cũng là dịp không thể tuyệt vời hơn để lắng nghe, lan tỏa, truyền cảm hứng cho bà con vì đã có những người nông dân như thế, những nhân tố vượt trội như thế có mặt giữa Thủ đô Hà Nội trong ngày 14/10.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Xin cảm ơn những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân – trang trại Tuấn Linh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Anh Tuấn được Hội Nông dân vận động tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: Hồng Cẩm.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Xin cảm ơn những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 5.

Có thể nói, Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long là mô hình điển hình của nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp. Bước đầu hiệu quả đã được chứng minh, theo Bộ trưởng, ngoài lúa, chúng ta có thể nhân rộng mô hình ở những cây trồng khác không?

-Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp hướng đến mục tiêu mở ra nền kinh tế nông nghiệp giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ 1 triệu hecta lúa ở ĐBSCL sẽ nhân ra cả nước, sau đó, từ lúa có thể chuyển sang ngành trồng trọt khác, rồi từ ngành trồng trọt đến ngành chăn nuôi, thủy sản. Bởi thực tế trong ngành nông nghiệp hiện chỉ có lĩnh vực lâm nghiệp là hấp thu phát thải, còn những lĩnh vực khác đang có lượng phát thải lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao lâm nghiệp tiếp tục hấp thu phát thải tốt hơn còn các ngành khác giảm phát thải nhiều hơn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Xin cảm ơn những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 6.

Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp cũng là để định vị lại quy trình sản xuất lúa của Việt Nam, làm sao chi ít hơn để được nhiều hơn. Trong Đề án có hướng dẫn cho bà con hiểu cách sản xuất đầu vào ít hơn, đầu ra cao hơn, đó là chất lượng hạt gạo được nâng cao, tuần hoàn được phế phẩm rơm rạ, tạo ra ngành kinh tế ngoài hạt lúa.

Theo tôi, các chi Hội Nông dân cùng lực lượng khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và PTNT phải là những người lan tỏa mô hình. Tôi sẽ bàn với lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam để làm sao những cán bộ chi Hội Nông dân cũng thành cán bộ khuyến nông, 2 màu áo nhưng 2 trong 1 để bà con vừa tin cán bộ Hội vừa tin cán bộ khuyến nông.

Không chỉ là tổ chức lại ngành kinh tế lúa gạo mà tôi còn kỳ vọng tổ chức lại nông dân, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng bà con trong sản xuất. Và tôi cho rằng, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong đề án này là rất lớn, là lực lượng nòng cốt để vận động bà con tham gia. Cả hai đơn vị, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân Việt Nam cùng mặc màu áo của ngành nông nghiệp để định vị lại sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan: Xin cảm ơn những nông dân đi đầu trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp - Ảnh 7.

Một góc cánh đồng của anh Nguyễn Thanh Tuấn.

Một trong những sự kiện chính của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là lễ tôn vinh và trao danh hiệu cho 63 nông dân Việt Nam xuất sắc, biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu. Nếu nói vì về họ, Bộ trưởng sẽ nói gì?

-Tôi muốn gửi lời cảm ơn cho những nông dân đi đầu, bởi có những người đi đầu, dám vượt qua khó khăn, dám vượt lên nghịch cảnh thì mới có bức tranh nông nghiệp hôm nay. Tôi biết, có những nông dân để chọn con đường mới bị gia đình, họ hàng hoài nghi, thậm chí còn bị mắng "làm khùng làm điên" nhưng họ vẫn vượt qua, tiếp cận tư duy mới, mô hình mới. Tôi cho đó là sự dũng cảm.

Thực sự, chân dung những nông dân đó đã truyền cảm hứng cho tôi, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Họ cũng là những người truyền cảm hứng cho những nông dân khác. Do vậy, việc tôn vinh không chỉ dừng lại ở việc ca ngợi thành tích sản xuất kinh doanh mà còn tôn vinh hành trình của họ, tôn vinh hình ảnh những nông dân vượt lên trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem