Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, trong rất nhiều các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn "không ai giàu một mình", là một trong các mục tiêu, phương châm mà người Thái Lan theo đuổi. Mục tiêu này được định hình bởi "triết lý kinh tế đủ đầy".
4 nguyên tắc cốt lõi của "triết lý kinh tế đủ đầy" nhìn từ kinh nghiệm của Thái Lan
Tại buổi thảo luận mới đây của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với lãnh đạo Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam về nâng cao năng lực cộng đồng, phát huy tri thức nông dân, "Triết lý Kinh tế đủ đầy" của Thái Lan đã được đưa ra bàn luận, trao đổi, để từ đó từng bước áp dụng tại Việt Nam.
Bà Lê Nhật Thùy, Phó Tổng Giám đốc cấp cao C.P. Việt Nam cho biết, "Triết lý kinh tế đủ đầy" của người Thái là một phương pháp phát triển kinh tế bền vững, được xây dựng dựa trên nguyên tắc cân bằng và hài hòa trong mọi hoạt động. Được hình thành dưới sự dẫn dắt của Nhà Vua Thái Lan Rama IX, triết lý này nhấn mạnh việc đạt được sự thịnh vượng không chỉ dựa trên sự tăng trưởng tài chính mà còn phải duy trì các giá trị đạo đức và xã hội.
Theo đó, "triết lý kinh tế đủ đầy" có 4 nguyên tắc cốt lõi, bao gồm:
Điều độ: Mọi hành động kinh tế phải được thực hiện trong phạm vi khả năng và tài nguyên hiện có, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Triết lý này khuyến khích việc sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả.
Hợp lý: Quyết định kinh tế cần dựa trên lý trí và phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc các tác động xã hội, kinh tế và môi trường. Điều này đảm bảo các quyết định được đưa ra một cách chính xác và bền vững.
Khả năng chống chịu: Phát triển khả năng tự bảo vệ và điều chỉnh trước các biến động từ bên ngoài như khủng hoảng kinh tế và thiên tai. Điều này giúp tăng cường sự ổn định và khả năng phục hồi của hệ thống kinh tế.
Kiến thức và đạo đức: Sử dụng kiến thức và học hỏi liên tục trong cộng đồng để đưa ra các quyết định đúng đắn và giải quyết khó khăn. Đồng thời, duy trì các giá trị đạo đức trong quá trình phát triển.
"Triết lý kinh tế đủ đầy" không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa và nhân văn trong xã hội.
"Triết lý kinh tế đủ đầy" của người Thái không chỉ là một lý thuyết mà còn được thực hiện qua những dự án cụ thể, nổi bật nhất là dự án nông nghiệp tự cung tự cấp và dự án phát triển nông thôn. Những ứng dụng này minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là hai dự án:
Dự án nông nghiệp tự cung tự cấp: Đây là dự án giúp người dân tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, đảm bảo tự cung cấp lương thực và giảm phụ thuộc vào thị trường. Bằng cách này, các cộng đồng nông thôn có thể duy trì sự ổn định và tự chủ trong sản xuất, đồng thời giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường.
Dự án phát triển nông thôn: Khác với dự án tự công tự cấp, thì dự án này chú trọng vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm tỷ lệ nghèo đói. Qua đó, nó cũng góp phần giảm ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái, đồng thời tăng thu nhập và khả năng chống chịu trước thiên tai và biến động kinh tế.
Nhờ vào "triết lý kinh tế đủ đầy", người Thái không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn xây dựng một nền kinh tế bền vững và có khả năng thích ứng cao với những thay đổi. Triết lý này đã chứng minh sức mạnh của sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo nên một mô hình phát triển toàn diện và bền vững.
"Vẽ ước mơ" cho nông dân
Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đang áp dụng "triết lý kinh tế đủ đầy" rất thành công. Theo đó, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển mô hình cộng đồng. "Cùng làm, cùng sẻ chia hạnh phúc" là một giá trị cộng đồng sâu sắc mà C.P. Việt Nam và các đối tác muốn xây dựng.
"Chỉ trong một tháng, chúng tôi đã tổ chức 10 cuộc họp để chuẩn bị tài liệu và nội dung cho khóa tập huấn kéo dài ba ngày", bà Thùy cho hay.
Các nội dung tập huấn được thiết kế với nhiều hoạt động tương tác và trò chơi ghép đôi, nhằm giúp người tham gia xây dựng mối quan hệ ý nghĩa, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau.
Với mục đích đó, tháng 7 vừa qua, đoàn công tác của C.P. Việt Nam đã đến huyện Tam Nông (Đồng Tháp) khảo sát thực trạng và xác định định hướng phát triển Khu du lịch Tràm Chim. Chuyến đi nhằm trao đổi về các phương thức vận hành, phát triển, cũng như xây dựng các liên kết sản phẩm du lịch tại địa phương.
Hằng năm, Khu du lịch Tràm Chim đón hơn một triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và nghiên cứu khoa học. Các dịch vụ lưu trú như: Homestay, Farmstay trong huyện cũng phục vụ hàng chục nghìn lượt khách, với các hoạt động tham quan và mua sắm sản phẩm OCOP, quà lưu niệm địa phương, tạo nguồn thu lên đến vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, lãnh đạo Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, ngoài phối hợp với huyện Tam Nông (Đồng Tháp) xây dựng mô hình du lịch về Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, công ty đang định hướng xây dựng thí điểm mô hình OCOP Tam Nông dựa trên Chương trình OTOP chợ Hoa Chuối (tỉnh Saraburi tại Thái Lan). Đồng thời, giới thiệu với Đồng Tháp về tư duy phát triển nông thôn trong cộng đồng của OTOP Thái Lan… Cùng với đó, giới thiệu về tư duy phát triển cộng đồng, phương pháp đào tạo nguồn nhân sự phục vụ phát triển cộng đồng liên quan đến Chương trình OCOP. Thông tin về ý tưởng thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm OCOP; quy trình giới thiệu quảng bá liên kết sản phẩm OCOP…
Bà Thùy giải thích về tiếp cận mang tính cộng đồng của C.P Việt Nam: "Nhiều chủ thể OCOP thường kỳ vọng nhận được nhiều hỗ trợ từ chúng tôi. Nhưng mục tiêu chính của công ty là giúp cộng đồng nông dân nhận thức và khai thác hiệu quả những tiềm năng vốn có của họ trước khi tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài".
Qua các hoạt động tương tác, nông dân tự đánh giá và nhận ra năng lực thực sự của mình. Đặc biệt, họ dần cởi mở để chia sẻ ước mơ, có động lực theo đuổi khát khao lớn.
Nhờ đó, các chủ thể xác định rõ bản thân cần gì từ Nhà nước. 17 chủ thể OCOP tham gia khóa tập huấn đã thành lập Hội quán Tam Nông để tiếp tục san sẻ nguồn lực trong cộng đồng.
"Nếu từng cá nhân, cộng đồng, và quốc gia không chủ động được nguồn lực, thì dễ dẫn đến cạnh tranh không cần thiết về tài nguyên", bà Thùy phân tích.
Đối với phát triển du lịch, C.P. Việt Nam khuyến khích các cộng đồng xây dựng mô hình ngay trên quê hương mình, tạo nên sức lan tỏa bền vững trước khi mở rộng ra những khu vực khác. Đây là cách phát triển mô hình du lịch nội địa sâu sắc và bền chặt.
Đặc biệt, cách tiếp cận của C.P. cũng hướng đến việc bảo tồn và quảng bá văn hóa bản địa. Người dân không chỉ bán sản phẩm, mà họ còn "bán" văn hóa, truyền tải giá trị và bản sắc của quê hương.
Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác cùng Bộ NNPTNT để "vẽ ước mơ" cho nông dân. Hợp tác công - tư sẽ thúc đẩy sự tự chủ, đủ đầy, và hạnh phúc cho cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024 tổ chức ngày 14/10 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng
Mặc dù điều kiện phát triển nông nghiệp ở Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, năng suất nông nghiệp của Thái Lan lại cao hơn Việt Nam tới 2,5 lần. Có nhiều ý kiến cho rằng, lý do khiến nông nghiệp Thái Lan phát triển mạnh như vậy là do người Thái sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi, nhất là hoa và cây ăn quả chất lượng rất tốt; áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật và đặc biệt xúc tiến thương mại hiệu quả.
Người nông dân phải có tư duy "ganh đua, không ganh tị", cạnh trang sòng phẳng
Từ các chia sẻ kinh nghiệm của người Thái về "triết lý kinh tế đủ đầy", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, người Thái thành công nhờ một số yếu tố cốt lõi sau:
Cộng đồng: Người Thái ưu tiên sản xuất nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội bộ trước, và sau đó mới hướng tới thị trường. Phương pháp này giúp nông dân giảm thiểu tác động của biến động thị trường và thiên tai. Tuy nhiên, người Thái không bỏ qua thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Họ chú trọng vào việc biến các sản phẩm nông nghiệp thông thường thành hàng hóa giá trị cao thông qua các kỹ thuật bảo quản, chế biến và tiếp thị hiệu quả. Họ xây dựng thương hiệu nông sản dựa trên đặc tính nổi bật, nguồn gốc và phương thức sản xuất độc đáo, làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của sản phẩm trên thị trường.
Phát triển tựa trên liên kết và hợp tác: Chìa khóa thành công của người Thái trong việc nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp nằm ở việc phát triển các cộng đồng nghề nghiệp ở nông thôn. Họ tập trung vào việc tạo ra sự liên kết và hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng, chia sẻ lợi ích và tối ưu hóa nguồn lực. Quan điểm "Không ai bị bỏ lại phía sau" không chỉ là một câu slogan mà là nguyên tắc hoạt động thực sự, đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội phát triển và đóng góp vào sự thịnh vượng chung.
Nhờ vào "triết lý kinh tế đủ đầy", người Thái đã xây dựng một hệ thống nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo đói và bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra một nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước các biến động và thách thức.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cho rằng, muốn lan tỏa "triết lý kinh tế đủ đầy" thì người nông dân Việt Nam cần phải có tư duy "ganh đua nhưng không ganh tị". Ông cho hay, tất cả mọi người đều phải "cạnh tranh sòng phẳng", đồng thời, đẩy mạnh hợp tác liên kết, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tiếp sức cho nông dân, trang trại phát triển các chuỗi giá trị, hình thành một nền kinh tế dịch vụ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, thông qua Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024 vừa được tổ chức vừa qua, chúng ta đã quy tụ các nông dân xuất sắc, tiêu biểu của các Chi, tổ hội, các HTX - những người rất am hiểu về sản xuất cũng như tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó lan tỏa "Triết lý kinh tế đủ đầy". Nếu vận dụng được điều này sẽ tiết kiệm được rất nhiều về tổ chức bộ máy, chi phí... nhưng đổi lại sẽ mang về hiệu quả rất cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.