Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa

Từng ngày giọt mồ hôi rơi nhẹ trang giấy,

để em đến bên bờ ước mơ…

Câu ca trên luôn được ngân lên như một sự tri ân thầy cô tận tụy trong sự nghiệp trồng người, và giờ đây lại càng ý nghĩa hơn dành tặng cho những "người lái đò" làm trong môi trường đặc biệt.

Một học sinh bình thường học nét chữ, con số đã khó vì phải cần thời gian làm quen, thế nhưng với những đứa trẻ đặc biệt ở trong môi trường đặc biệt, lại khó hơn gấp trăm nghìn lần. Dạy các em không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn cần phải có tính kiên trì, đồng hành, thấu hiểu và yêu thương thực sự từ trong tâm. Ấy mà đã có những thầy cô giáo trẻ, vừa ra trường đã chọn cho mình con đường đi đặc biệt như thế.


Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 1.

Khi đang là cô sinh viên ngành Kinh tế với bao ước mơ, cô Vũ Thị Thảo (sinh năm 1984) đã tích cực tham gia tình nguyện tại các trung tâm trẻ khuyết tật và mồ côi. Tưởng đó chỉ là những chuyến đi thiện tâm vậy mà... cô Thảo "quay ngoắt 180 độ" chuyển sang học khoa Giáo dục đặc biệt, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương rồi tiếp tục học lên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện tại, cô đã có kinh nghiệm 15 năm dạy tại Trung tâm Sao Mai (đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi chẩn đoán, chăm sóc và can thiệp cho trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ.

Mặc dù được đào tạo bài bản, đã hiểu được công việc và những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi lựa chọn khoa Giáo dục đặc biệt, thế nhưng cô Thảo thú thật từng sốc trong những ngày đầu tới đây.

Ngày đó, học chuyên môn trên ghế nhà trường chủ yếu là lý thuyết sơ khai trong khi thực tế nhiều tình huống xảy ra khiến cô giáo trẻ không thể lường trước được. Cô Thảo kể, năm đầu phụ trách lớp, có trẻ 21 tháng bỗng nhiên lên cơn co giật. Mặc dù đã được học về bệnh động kinh nhưng cô phát hoảng khi học sinh đang bình thường bỗng nhiên da vàng, môi thâm sì, sùi bọt mép. Cô phải bế vội em đi gặp y tá và rất may sau đó em đã trở lại trạng thái ban đầu. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên của một cô giáo trẻ tuổi đời 23 vừa rời ghế nhà trường.

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 2.

Cô Thảo vui đùa cùng các học sinh của mình.

Cô Thảo phụ trách lớp can thiệp sớm nên các em chỉ từ khoảng 3, 4 tuổi trở xuống. Điều đó có nghĩa mỗi ngày cô phải tiếp xúc với "ca" khó hơn: Có em khóc hờn liên tục, có em nghe âm thanh lạ là hét lên, có em nhìn thấy gì cũng ngửi hoặc có em lại thích sự động chạm… Cô Thảo từng phụ trách một học sinh nam 4 tuổi rất thích cảm giác mạnh như xông vào ôm chặt, bấu vào vai hoặc ghì tay. Lúc đầu cô Thảo có chút hốt hoảng nhưng về sau cô hiểu đó chỉ là cách thể hiện thái độ yêu thích của em ấy. Hay có trường hợp học sinh cứ tức giận là nghiến răng, đập phá mọi thứ… Trong khi đưa học sinh ra ngoài để khỏi làm các bạn khỏi bị thương, cô Thảo lại bị học sinh cắn. Cô Thảo cho biết, suốt 1 năm đầu tiên của học sinh này, trung bình mỗi ngày cô đều bị ít nhất 1 vết cắn.

Từng là lớp trưởng học tại khoa Công tác Xã hội, Đại học Lao động – Xã hội, Hà Nội, thầy Trần Trung Hiếu (sinh năm 1996) quyết định trở thành giáo viên của những đứa trẻ đặc biệt. Hiện thầy đang dạy lớp Kỹ năng sống tại Trung tâm Sao Mai. Ngay sau khi ra trường năm 2018, thầy Hiếu quyết định xin về đây dạy và tin vào tình yêu của mình dành cho những đứa trẻ kém may mắn.

Công việc hàng ngày của thầy là dạy văn hóa (Toán, tiếng Việt, Khoa học Xã hội chương trình lớp 1, 2) và tiền hướng nghiệp như làm bánh, phục vụ quán, chăm sóc cây… Là con trai nhưng ngoài việc tận tụy với dạy dỗ học sinh, thầy Hiếu thường xuyên đi đổ bô, dọn vệ sinh cho học sinh nam đã 12-15 tuổi có độ hiểu biết chỉ như đứa trẻ lên 3. Cũng như bao giáo viên khác, thầy Hiếu mỗi ngày chịu những cơn cáu giận, tự đánh bản thân và đánh cả giáo viên từ học sinh, nhưng thầy đã quá quen với công việc và vẫn cần mẫn chỉ dạy cho từng em tiến bộ. Bù lại, thầy có kỷ niệm đáng nhớ là ngày 20/11 năm trước, vừa bước chân vào lớp đã thấy các bạn đứng xếp hàng chúc mừng thầy hay vào dịp sinh nhật, chính tay các em làm bánh mang đến lớp tặng thầy. Mặc dù chiếc bánh ấy các em làm mà không tự tay viết chữ được song điều đó cho thấy công sức thầy bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng bằng tình cảm và sự tiến bộ của các em.

Cô Thái Thị Kim Anh (sinh năm 1992) tốt nghiệp ngành Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện công tác tại Hệ thống giáo dục đặc biệt Mai Hương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 3.

Theo ngành được hơn 7 năm và xác định việc làm của mình ngay khi vừa ra trường, cô Kim Anh nhớ mãi kỷ niệm ngày đầu tiên đi dạy. Cô Kim Anh được giao chăm sóc em học sinh 6 tuổi nhưng em này đi vệ sinh chưa biết gọi. Dù cô đã rửa sạch cho học sinh và dọn dẹp kỹ càng nhưng nửa ngày sau nhà vệ sinh vẫn có mùi khó chịu. Hóa ra, em ấy đã giấu phân trong 1 chiếc hộp gần đó mà giờ nghĩ lại câu chuyện cô Kim Anh vẫn thấy vừa hài vừa bi.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Kim Anh tươi cười cho biết từng gặp nhiều "sự cố" như học sinh chưa kiểm soát được hành vi và nhận thức nên đánh cả cô, có bạn thì nhìn thấy cô là khóc và chuyện đang học mà các con đi vệ sinh tự do là rất bình thường.

Đồng nghiệp của cô Kim Anh là cô Lò Thị Thanh (sinh năm 1998), tốt nghiệp khoa Công tác Xã hội, Trường Đại học Công Đoàn cũng quyết định chọn cho mình con đường đầy chông gai này. Dù tuổi nghề chưa nhiều, mới ra trường 1 năm nhưng cô Thanh đã có nhiều kỷ niệm với học sinh. "Do chưa có kinh nghiệm trong quản lý hành vi nên tôi đã bị học sinh cắn tím cả tay. Nhưng tôi không giận vì tôi biết rằng đó là khó khăn của con, là điều con cần được hỗ trợ, là cách con thể hiện tình cảm với tôi. Chỉ là con chưa biết cách thể hiện mà thôi", cô Thanh thổ lộ.

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 4.

Cô Tạ Mỹ Linh (sinh năm 1994), Tổng phụ trách Trường PTCS Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội đến với trường rất tình cờ. Năm 2018, khi vừa tốt nghiệp Trường Đại học Sư Phạm, cô Linh biết tin trường tuyển giáo viên nên đã nộp hồ sơ. Khi biết mình được nhận vào ngôi trường đặc biệt này cô rất lo lắng vì không biết dạy học sinh thế nào. Lúc đầu cô khá rụt rè khi tiếp xúc với học sinh và mất 1 học kỳ đầu tiên cô mới quen với các em. Sau đó trường lại giao cô Linh làm tổng phụ trách, nghĩa là nhiệm vụ đặt ra cho cô Linh lớn hơn, mức độ giao lưu với học sinh, khơi dậy hoạt động trong các em nhiều hơn. Tuy nhiên, chính điều này giúp cô Linh gần gũi và hiểu hơn tâm tư của các em.

"Dù là khiếm thính nhưng các em lại có biệt tài riêng như vẽ đẹp, múa hay… Các em khao khát được thể hiện tài năng và khi mình tiếp xúc đã phát hiện ra "nguồn năng lực ấy" nên xây dựng các hoạt động phù hợp, các em rất nhiệt tình đón nhận", cô Linh nói.

Để được dạy trong môi trường đặc biệt này, ngay khi được nhận vào làm việc, cô Linh phải đi học chứng chỉ Giáo dục đặc biệt 3 tháng. Thế nhưng chưa bao giờ cô thấy nản chí hay có ý định bỏ cuộc vì cô bị cuốn hút bởi thứ "ngôn ngữ ký hiệu" này, được các giáo viên trong trường giúp đỡ và đặc biệt chính các em học sinh đã giúp cô hoàn thiện bản thân. 

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 5.

Kỷ niệm đặc biệt nhất của cô Linh là năm 2020 khi cô tham gia cuộc thi "Giáo viên tài năng, duyên dáng". Bài biểu diễn của cô có học sinh tham gia. Trong khi cô giáo đang run thì chính học trò lại động viên ngược lại: "Cô cứ yên tâm cười tươi rạng rỡ, chúng em đã thuộc hết bài rồi". Đó là nguồn động lực, tiếp thêm sức mạnh cho cô Linh hoàn thành tốt bài thi của mình.

Với cô giáo Thảo, cô chia sẻ: "Thú thật mình đã từng có ý định bỏ nghề vì còn trẻ mới ra trường mọi người nhìn nhận về giáo viên dạy trẻ đặc biệt như thế nào, lấy chồng, sinh con có được gia đình chấp nhận không?... Nhưng rồi mình suy nghĩ kỹ vẫn tiếp tục gắn bó với nghề và còn học nâng cao nghiệp vụ hơn nữa. Mới đây, mình được học về ESDM – mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ và áp dụng cho học sinh bước đầu có nhiều tín hiệu khả quan hơn".

Còn cô Kim Anh cho biết: "Đến với ngành học là cái duyên, nhưng đến với ngành Giáo dục đặc biệt lại là sự lựa chọn của mình. Mình biết con đường mình chọn đi không hề dễ dàng và nhẹ nhàng, nhưng mình tin rằng với mỗi một giáo viên tâm huyết như mình sẽ giúp các trẻ đặc biệt được ghép thêm những mảnh ghép để hoàn thiện hơn các kỹ năng để hoà nhập với cộng đồng, xã hội".

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 6.

Dù dạy học sinh khó khăn là thế, các thầy cô giáo vẫn cố gắng hết sức để các em tiến bộ, miễn sao mỗi ngày các em được đến lớp, được cô chỉ bảo tận tay. Và điều các thầy cô sợ nhất lúc này chính là dịch bệnh Covid-19, học sinh không được đi học.

Cô Kim Anh tâm sự: "Mùa dịch này khó khăn thêm khó khăn. Các con không được đến trường lớp, hạn chế được vui chơi tiếp xúc với nhiều người, bạn bè, không gian môi trường sống bó hẹp hơn, các con sẽ dễ tăng các hành vi, nhận thức, ngôn ngữ hạn chế nếu bố mẹ không hỗ trợ tích cực...".

Thời gian học sinh nghỉ học vì dịch, các thầy cô đã phải linh hoạt trong giảng dạy bởi nếu chỉ cần dừng lại một thời gian, mọi nỗ lực của cô trò trong thời gian qua trở nên… công cốc. Một số học sinh được dạy học online, giáo viên sẽ thiết kế bài giảng riêng cho từng em với sự phối hợp cùng bố mẹ.

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 7.

Một số học sinh sẽ được cô giáo can thiệp 1:1 tại nhà. Tuy nhiên, các giáo cụ, cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động như máy chạy bộ, bàn nhún, cầu thăng bằng… chưa đáp ứng được như khi học tại lớp.

Với học sinh khiếm thính, học online chỉ đảm bảo chất lượng một phần vì qua màn hình máy tính các em rất khó nhìn bài giảng của cô bằng tay.

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 8.

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng Trường PTCS xã Đàn, hiện tại trường có 3 cấp là mầm non 3 lớp (học sinh khiếm khính và học sinh bình thường học chung), cấp Tiểu học có 11 lớp dành cho học sinh khiếm thính và cấp THCS có 5 lớp. Cả trường có 52 giáo viên, hầu hết đều gắn bó với trường từ khi mới bắt đầu đi làm.

Thầy Hoan cho hay: "Giáo viên trẻ dạy học sinh khiếm thính sẽ gặp khó khăn vì các thầy cô chưa có kinh nghiệm. Rào cản ngôn ngữ khiến việc trao đổi giữa dạy và học chậm hơn so với học sinh bình thường. Học sinh khiếm thính tiếp thu bài không nhanh, rụt rè, tự ti nên giáo viên cần phải chia nhỏ bài giảng để làm sao học sinh hiểu nhất.

Tuy nhiên bù lại, thầy cô chính là thần tượng của các em và các em luôn chăm chỉ học tập, yêu quý thầy cô như người thân của mình".

Cũng theo thầy Hoan, khi giáo viên bước vào môi trường giáo dục này phải xác định có lòng yêu thương, tính nhẫn nại và thấu hiểu những đứa trẻ đặc biệt. Bản thân thầy Hoan mới về trường công tác 5 năm nay nhưng thầy nhớ, có một học sinh dù đã ra trường năm nào cũng quay lại trường ngày khai giảng và ôm thầy thật chặt. Hay có những bạn thường xuyên nhắn tin hỏi thăm thầy. Cách nhắn tin của các em là câu chữ ngắn và đôi khi đảo từ. Ví dụ hỏi "Thầy ăn cơm chưa" thì các em lại nhắn "Ăn cơm, thầy". 3 chữ ngắn ngủi ấy thôi cũng khiến thầy Hoan nhớ mãi và xúc động vì tình cảm của học sinh dành cho mình.

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 9.

Bà Đỗ Thúy Lan, Giám đốc Trung tâm Sao Mai – người gắn bó với trẻ tự kỷ gần 50 năm cho biết: "Để trở thành giáo viên dạy trẻ đặc biệt có thể là sinh viên tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt, Tâm lý hoặc Công tác xã hội ở các trường đại học. Dù học ở đâu thì điều cần nhất là cái tâm. Kỹ năng có thể học dần thêm nhưng yêu nghề, yêu trẻ phải có từ đầu thì giáo viên mới có thể bước vào nghề được.

Ngoài ra, dạy trẻ đặc biệt là phải có trách nhiệm, chịu khó vì học sinh không phải là đứa trẻ bình thường. Giáo viên không được sợ bẩn vì các em có thể đi vệ sinh tự do bất cứ lúc nào, phải chăm chỉ, không được nóng tính, không quát mắng học sinh vì các em có thể quấy khóc, đập phá... bất cứ lúc nào. Phải nghiêm túc, chăm sóc, chỉ dạy học sinh như con bởi khi mới nhận vào, các em chỉ như đứa trẻ hoang dã".

Tuy nhiên, có trường hợp giáo viên cũng gặp khó khăn khi phụ huynh không chấp nhận sự thật hoặc kỳ vọng vào con quá. Mặc dù con bị tự kỷ đưa đến khám nhưng vẫn khăng khăng "Con không bị sao". Khi con theo học thì lại muốn con phải tiến bộ như đứa trẻ bình thường rồi vô tình gây áp lực cho giáo viên. Ngoài ra, còn có những phụ huynh chán nản, thất vọng để rồi phó mặc con cho giáo viên chỉ vì không nhìn thấy tương lai. Bà Lan bày tỏ: "Nếu đã tin tưởng giáo viên thì hãy để các thầy cô làm tốt công việc của mình. Có thể hôm nay các con tiến bộ nhưng cũng có thể ngày mai tâm lý các con không ổn định. Dạy dỗ trẻ đặc biệt cần sự đồng hành lâu dài từ thầy cô, gia đình với các em".

Bước chân thầm lặng, cao cả của những "người lái đò" đặc biệt - Ảnh 10.

Bà Đỗ Thúy Lan thăm khám cho trẻ đặc biệt.

Theo chia sẻ của bà Lan, hiện tại trung tâm có hơn 60 giáo viên với khoảng 150-190 học sinh trong độ tuổi từ 18 tháng-20 tuổi. Các em sẽ được phân chia lớp theo tuổi đời, tuổi khôn, tình trạng khuyết tật như bại não, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, bệnh down.

Mặc dù làm trong môi trường đặc biệt nhưng các chính sách, chế độ dành cho giáo viên vẫn chưa thực sự được quan tâm nhiều. Theo thầy Phạm Văn Hoan, giáo viên của trường không bao giờ cảm thấy tự ti vì dạy học sinh khiếm khuyết mà ngược lại đầy kiêu hãnh trong nghề. Tuy nhiên, hiện tại, ngoài mức lương cứng theo quy định chung, giáo viên có thêm khoản phụ cấp đứng lớp (giáo viên bình thường là 40%, giáo viên dạy học sinh đặc biệt là 70%), về cơ bản so với mặt bằng chung là thấp. "Giáo viên dạy 2 buổi/ngày lại dạy trong môi trường đặc biệt, không có thời gian kiếm thêm thu nhập bên ngoài nên có chút thiệt thòi. Hy vọng sắp tới sẽ có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho đời sống giáo viên được đảm bảo yên tâm công tác", thầy Hoan bày tỏ. 

PGS. TS Phan Thanh Long, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải về việc 2 năm gần đây, khoa Giáo dục đặc biệt tuyển sinh số lượng lớn sinh viên: "Có nhiều nguyên nhân trong đó do nhu cầu xã hội tăng lên nên Bộ GDĐT quyết định cho phép tuyển sinh nhiều chỉ tiêu hơn. Các em thấy đây là nghề dễ xin việc nên đăng ký thi nhiều hơn".

Theo PGS. TS Phan Thanh Long, trước khi thí sinh đăng ký thi, Ban tuyển sinh đã giới thiệu về khoa, về công việc các em sẽ làm cũng như những khó khăn phải đối mặt trong môi trường đặc biệt này. Tuy nhiên, khi học, sinh viên rất say sưa, tích cực nhưng khi ra trường đi làm quá vất vả nên dễ nản chí. Theo thống kê của khoa, chỉ có khoảng 60-70% sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể theo nghề, số còn lại không chịu được áp lực đã bỏ cuộc.


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem