Các trạm y tế lưu động đặc biệt tại Hà Nội có gì?
Các trạm y tế lưu động đặc biệt tại Hà Nội có gì?
Thứ ba, ngày 14/09/2021 10:01 AM (GMT+7)
Nhằm đảm bảo dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã triển khai tổ chức 11 trạm y tế lưu động trên địa bàn 11 phường. Dù mới chỉ đi vào hoạt động chưa đầy 1 tuần nhưng bắt đầu cho thấy rõ hiệu quả.
Ghi nhận của PV ngày 13/9 tại trạm y tế lưu động đặt trong khuôn viên Trường Tiểu học Thanh Xuân Trung ( quận Thanh Xuân), tại đây có đầy đủ trang thiết bị phục vụ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Bác sĩ Ngô Tăng Phương đang kiểm tra bình ôxy cố định, bình di động...
... và máy đo SpO2, đây là loại thiết bị phù hợp cho việc tự theo dõi của bệnh nhân mắc Covid-19 tại nhà.
Anh Lê Xuân Nam, người dân phường Thanh Xuân Trung cho biết: "Việc có các trạm y tế lưu động như thế này khiến chúng tôi yên tâm hơn, vì sẽ tạo thuận lợi trong việc tư vấn và khám bệnh, người dân chúng tôi cảm thấy rất vui mừng".
Hộp thuốc chống sốc phản vệ chuyên dành ứng cứu đối với các trường hợp biến chứng sau tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng, trạm y tế lưu động còn cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao. Hình ảnh được nhân viên y tế cung cấp sáng ngày 13/9.
Bác sĩ Ngô Tăng Phương (trạm y tế lưu động phường Thanh Xuân Trung) cho biết: "Tại đây có số điện thoại đường dây nóng, khi nhận được cuộc gọi của người dân, ê kíp trực sẵn sàng lên đường đến các điểm cần trợ giúp bất kể thời gian ngày, đêm. Những trường hợp này sẽ được xử lý kịp thời, giữ an toàn ban đầu cho người bệnh sau đó phối hợp với đội cấp cứu 115 chuyển lên tuyến trên đối với những trường hợp thật sự cần thiết".
Tại Trường THCS Kim Giang (đường Hoàng Đạo Thành, quận Thanh Xuân), tại đây cũng xuất hiện một trạm y tế lưu động.
Bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng trạm y tế phường Kim Giang cho biết, trạm y tế lưu động có từ 1 đến 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng và các tình nguyện viên.
"Chức năng chính của trạm y tế lưu động là quản lý, theo dõi, hỗ trợ các trường hợp F1, F2 đang cách ly tại nhà và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn (bên cạnh trạm y tế đang có sẵn), bởi vậy nên có lúc đường dây nóng ở trạm chúng tôi hoạt động xuyên đêm", bác sĩ Lê Thị Bích Ngọc chia sẻ thêm.
Các vật dụng và trang thiết bị y tế cũng được trang bị đầy đủ.
Ngoài ra, trạm y tế lưu động còn hỗ trợ công tác xét nghiệm, tiêm chủng và góp phần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, việc thành lập các trạm y tế lưu động là phù hợp, hiệu quả. Người dân cảm thấy yên tâm hơn vì dịch vụ y tế không bị đứt gãy trong khi thực hiện giãn cách xã hội.
Viết Niệm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.