Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhà Trắng từ lâu đã cáo buộc Huawei thực tế được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh, và rằng thành công của Nhậm Chính Phi là dựa trên mối liên hệ chặt chẽ giữa cá nhân ông với các đơn vị tình báo trong quân đội Trung Quốc.
Không mấy ai tin được rằng từ một kỹ sư không mấy tên tuổi phục vụ trong quân đội Trung Quốc, Nhậm Chính Phi sẽ có ngày trở thành ông chủ hãng viễn thông số 1 hành tinh. Thậm chí, Nhậm Chính Phi còn đưa Huawei vượt mặt "ông lớn" Apple của Mỹ để giữ “ghế” nhà sản xuất smartphone số 2 thế giới chỉ sau Samsung của Hàn Quốc.
Trên thực tế, chính sự phát triển “thần tốc” khó tin của Huawei chính là một phần nguyên nhân khiến hãng này bị cuốn vào trung tâm cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Dù sự độc lập giữa Huawei với chính phủ Bắc Kinh vẫn còn là mối nghi ngờ, nhưng những thành tựu đột phá của Huawei dưới sự dẫn dắt của CEO Nhậm Chính Phi là không thể phủ nhận. Huawei đang vượt mặt các doanh nghiệp Mỹ và Châu Âu để trở thành nhà tiên phong trong công nghệ mạng di động không dây thế hệ mới 5G.
Những nghiên cứu của hãng này trong hàng loạt lĩnh vực lượng tử kết nối, chip vi xử lý … đang mang về kết quả đầy khả quan.
Huawei do được mệnh danh là sự hiện thực hóa cho tham vọng thống trị công nghệ toàn cầu của Trung Quốc.
Với sự tiến bộ của những doanh nghiệp như Huawei, Trung Quốc rồi có thể sẽ thành công trong việc xây dựng một thế hệ mới gồm mạng viễn thông tiên tiến, nền tảng hệ thống quân sự, phương tiện vận tải tự hành và nhiều sản phẩm tiên tiến khác.
Chính điều đó khiến Mỹ, quốc gia đang giữ vai trò định hướng các chuẩn mực công nghệ toàn cầu, trở nên quan ngại.
"Cơ may” nào đã đưa Nhậm Chính Phi từ một kỹ sư "quèn” thành ông trùm sở hữu trong tay đế chế Huawei với hơn 188.000 nhân viên hoạt động tại 170 quốc gia trên toàn thế giới, khiến nước Mỹ và các đồng minh phải quan ngại?
Điều gì đã tôi luyện nên một Nhậm Chính Phi bản lĩnh vững vàng, dẫn dắt đế chế Huawei vượt qua hàng tá cuộc khủng hoảng kinh tế, bảo vệ Huawei tồn tại bất chấp những đòn trừng phạt dồn dập và lệnh cấm vận từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Nhậm Chính Phi sinh năm 1944 tại tỉnh Quý Châu, một trong những tỉnh nông thôn nghèo nhất Trung Quốc. Là anh cả trong một gia đình nghèo đói với 7 người con, tuổi thơ của "ông trùm" Huawei là những chuỗi ngày cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Cha ông từng bị đấu tố là tư bản thời cách mạng văn hóa, có những ngày bị giam trong chuồng bò, trải qua đủ tủi nhục.
May mắn lớn nhất của Nhậm Chính Phi có lẽ là người mẹ làm giáo viên, người đã nuôi sống cả gia đình với 7 đứa con nheo nhóc vằng đồng lương ít ỏi 40 NDT mỗi tháng, đưa 9 miệng ăn vượt qua nạn đói 1959-1961 đã cướp đi tính mạng hàng triệu người Trung Quốc.
Cho đến giờ, Nhậm Chính Phi vẫn mãi nhớ về những bữa ăn thời nạn đói, khi người mẹ chia đều thức ăn thành 9 phần trước con mắt thèm thuồng của những đứa con gầy trơ xương.
Năm 20 tuổi, Nhậm Chính Phi gia nhập Quân đội Trung Quốc, Binh chủng Kiến thiết Cơ sở hạ tầng sau khi tốt nghiệp Học viện Công trình Kiến trúc Trùng Khánh. Nhiệm vụ đầu tiên mà chàng thanh niên 20 tuổi tham gia cùng Binh chủng là xây dựng Nhà máy Hóa sợi Liêu Dương.
Tại đây, Nhậm Chính Phi tiếp tục tôi luyện qua chuỗi ngày tháng gian nan. Có thời điểm mùa đông rét căm căm, chàng trai vốn quen với khí hậu nóng khô ở quê hương Quý Châu (Tây Nam Trung Quốc) phải ngủ ngoài trời dưới nhiệt độ -28 độ C, những bữa ăn cầm hơi là củ cải sống và lương khô.
Chính những năm tháng ấu thơ nghèo đói và thời kỳ được rèn luyện trong quân ngũ đã tôi luyện nên người đàn ông thép đứng sau Huawei, người mà sau này lãnh đạo đế chế viễn thông của mình “sống khỏe” bất chấp sự đàn áp và lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ.
Cũng trong khoảng thời gian phục vụ tại quân ngũ, cái tên Nhậm Chính Phi bắt đầu được chú ý khi chế tạo ra một thiết bị công nghệ đo lường dựa trên sự mô tả của một kỹ thuật viên, người từng nhìn thấy dụng cụ này khi học tập tại nước ngoài.
Nhưng sự nổi danh này không kéo dài bao lâu, bởi năm 39 tuổi, Nhậm Chính Phi bị buộc nghỉ hưu sớm và giải ngũ do Trung Quốc cắt giảm quy mô quân đội.
Sau này nhớ lại, chính ông trùm Huawei kể lại rằng ông từng cảm thấy như bị “bỏ rơi”, vì xã hội khi đó gần như không mấy quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm hay định hướng cho các binh sĩ xuất ngũ tái hòa nhập với cuộc sống.
Bất đắc dĩ, Nhậm Chính Phi khi đó phải bước chân vào con đường kinh doanh và khởi nghiệp. Nỗ lực khởi nghiệp đầu tiên thất bại. Phải đến năm 1987, Nhậm Chính Phi mới thành lập Huawei, định hướng ban đầu là một doanh nghiệp buôn bán linh kiện viễn thông.
Chia sẻ với giới truyền thông sau này, Nhậm Chính Phi cho hay ông từng hối hận vì bước chân vào ngành viễn thông, một lĩnh vực có mức độ cạnh tranh khốc liệt bậc nhất và cũng đốt tiền bậc nhất.
Khi con gái cả Mạnh Vãn Châu ra đời, Nhậm Chính Phi vẫn phục vụ trong quân ngũ và số ngày có mặt ở nhà cộng lại chưa đầy một tháng mỗi năm, kể cả thời gian nghỉ lễ, tết. Đến khi xuất ngũ, ông dành hơn 16 tiếng để làm việc mỗi ngày.
Ông từng tâm sự: “Quan hệ giữa tôi và các con không thân thiết cho lắm, đặc biệt với con gái út… Tôi cảm thấy mình nợ các con rất nhiều”.
Hết cuộc khủng hoảng này qua đến cuộc khủng hoảng khác ập đến, tâm sức của Nhậm Chính Phi gần như dành hết cho Huawei. Từng có thời gian Huawei gần như tan đàn xẻ nghé vì nội chiến trong chính nội bộ lãnh đạo tập đoàn.
Đó là vào những năm 2000, khi một số nhà lãnh đạo khác muốn Huawei đổ tiền vào mảng điện thoại cầm tay cá nhân, nhưng Nhậm Chính Phi nhất quyết phản bác vì muốn tập trung phát triển công nghệ mạng di động thế hệ 3G.
Áp lực ngày càng lớn khi chi phí đổ cho phát triển mạng 3G ngốn khoản tiền quá lớn, như một hố sâu không đáy.
Ban lãnh đạo Huawei hoảng loạn, chính cấp dưới cũng nhiều lần thúc giục Nhậm Chính Phi từ bỏ dự án 3G để giảm thiểu mất mát và bảo toàn phần nào dòng tiền của công ty. Khoản nợ lương nhân viên có thời điểm lên tới 50 triệu USD, khiến ông trùm nhiều lần nghĩ tới phương án tự sát.
Thời điểm đó, Bắc Kinh được kỳ vọng sẽ phê duyệt phủ sóng mạng 3G năm 2003. Nhưng mãi cho đến năm 2009, giấy phép phủ sóng 3G đầu tiên mới được thông qua. Lúc này, Huawei đã rót tổng cộng 750 triệu USD vào công nghệ 3G.
Đó là lý do vì sao khi Huawei bị Mỹ cấm vận, ông Nhậm Chính Phi từng tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ bằng khoảng 1% áp lực thời điểm những năm 2000”.
Ban lãnh đạo công ty từ lâu đã khẳng định thành công của Huawei được tạo nên trên nền tảng áp lực, đường lối đúng hướng và một tập thể làm việc không biết mệt mỏi.
“Không có cơ quan chính phủ Trung Quốc hay pháp nhân nào từ nước ngoài nắm giữ bất kỳ cổ phần nào của Huawei”, ông Guo Ping, một trong ba Chủ tịch luân phiên của Huawei chia sẻ với tờ The Times, phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc doanh nghiệp này được hậu thuẫn bởi Chính phủ Trung Quốc.
Dưới góc nhìn của loạt nhân viên và cựu nhân viên Huawei, thành công của doanh nghiệp là một chặng đường cạnh tranh khốc liệt mà không có mối liên quan nào đến Chính phủ hay lực lượng quân sự Trung Quốc.
Đa số lực lượng lao động của Huawei đồng ý rằng tiền lương cao bất ngờ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tinh thần cống hiến của nhân viên. Một số nhân viên thậm chí đã sốc vì món tiền thưởng lớn vượt cả mức lương cơ bản hàng năm khi hoàn thành dự án.
Một cựu nhân viên khác có quốc tịch Châu Âu làm việc tại trụ sở Thâm Quyến thậm chí còn so sánh chế độ lương thưởng của Huawei với công việc “lính đánh thuê”. “Phần lớn nguyên nhân chúng tôi làm việc là vì tiền”, ông này cho hay.
Còn về phía các nhà phân tích, họ cho rằng Huawei thành công nhờ tận dụng tối đa những nguồn lực. Dưới sự lãnh đạo của Nhậm Chính Phi, Huawei đầu tiên khéo léo chiếm lĩnh các thị trường nông thôn Trung Quốc vốn bị các công ty nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước bỏ quên, sau đó dựa trên nền tảng này để thâm nhập dần vào thị trường đô thị.
Khi đã sẵn sàng mở rộng hoạt động ra nước ngoài, Nhậm Chính Phi lại tìm đến sự hỗ trợ của các ngân hàng chính sách Trung Quốc để mở rộng dòng vốn tín dụng lên tới hàng tỷ USD, sử dụng lợi thế giá để tấn công các thị trường viễn thông mới nổi đang khát linh kiện giá rẻ.
Ngay cả khi bị Mỹ cáo buộc là “sân sau” cho công tác gián điệp của Bắc Kinh, Huawei vẫn ký được lượng lớn hợp đồng cung cấp linh kiện mạng 5G, đơn giản là vì mức giá rẻ hơn khoảng 30% so với các đối thủ lớn như Nokia hay Ericsson.
Mới đây, sau khi chính phủ Anh cấm cửa Huawei, chính các nhà khai thác mạng nước này đã cảnh báo quyết định này có thể khiến Anh tốn thêm 2 tỷ Bảng để chi cho linh kiện mạng đắt đỏ từ các nhà cung cấp khác.
Quý I/2020, dưới sự lãnh đạo của Nhậm Chính Phi, Huawei vẫn báo cáo tổng doanh thu đạt 182,2 tỷ CNY (25,8 tỷ USD) trong quý I/2020, tăng 1,4% so với doanh số cùng kỳ năm ngoái bất chấp cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 và áp lực từ Mỹ.
Còn báo cáo thường niên năm 2019 chỉ ra doanh thu bán hàng toàn cầu của Huawei trong năm đạt mức tăng trưởng kỷ lục 858,8 tỷ NDT (123 tỷ USD), tăng 19,1% so với năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 62,7 tỷ NDT (9 tỷ USD), dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đạt 91,4 tỷ NDT (13,1 tỷ USD), tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Dù Huawei hiện đã trở thành “đế chế” thống trị thị trường viễn thông toàn cầu, Nhậm Chính Phi vẫn sống cuộc đời kín tiếng và nếp sống giản dị chẳng khác nhiều so với thời còn tại ngũ.
Khác với các CEO công nghệ trở thành tỷ phú giàu nhất hành tinh, ông trùm Huawei chỉ sở hữu khoảng 1,4% tổng số cổ phần của công ty, số còn lại chia đều cho nhân viên tập đoàn, theo báo cáo tài chính thường niên mà Huawei cập nhật.
Tính đến nay, bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes xếp ông Nhậm Chính Phi ở vị trí thứ 1.730 trong top những người giàu nhất hành tinh, với tổng tài sản ước tính chỉ khoảng 1,3 tỷ USD.
Trong khi, ông chủ Amazon Jeff Bezos hiện sở hữu tổng tài sản 185,6 tỷ USD, giữ vững ngôi vị người giàu nhất thế giới. Ông chủ Microsoft Bill Gates xếp thứ hai với 113,6 tỷ USD, còn ông trùm Facebook Mark Zuckerberg đứng vị trí thứ 4 với 89,4 tỷ USD.
Đây đều là những CEO của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, những người nắm giữ phần lớn cổ phần tập đoàn.
Theo Nhậm Chính Phi, hệ thống sở hữu cổ phần tập đoàn Huawei nhằm mục đích chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi chung với tất cả đồng nghiệp, cộng sự và nhân viên trong doanh nghiệp, để mọi cá nhân đều hành động như những ông chủ.
Bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, trong khi nhiều CEO khác chọn nghỉ hưu, nhường ghế cho thế hệ tiếp theo phát triển và kiến tạo doanh nghiệp thì Nhậm Chính Phi còn một cuộc chiến khác cần thắng. Đó là cuộc chiến bảo vệ đứa con tinh thần Huawei và quan trọng hơn nữa là bảo vệ cô con gái đầu lòng Mạnh Vãn Châu trước áp lực dẫn độ từ Mỹ.
Tháng 12/2018, CFO Huawei Mạnh Vãn Châu cũng chính là ái nữ của ông trùm Nhậm Chính Phi bị bắt tại sân bay Canada theo yêu cầu của Mỹ. Washington cáo buộc cô này liên quan đến hàng loạt nghi vấn gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Từ đó đến nay, Mạnh Vãn Châu bị mắc kẹt tại Canada trong một phiên tòa chưa có hồi kết, thậm chí đối diện với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ.
Đến tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu linh kiện và công nghệ cho tập đoàn này. Kể từ đó, Huawei bị cuốn vào tâm điểm chiến tranh thương mại Mỹ Trung, nhận vô số đòn đau từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Mới đây nhất, Mỹ thông qua Bộ quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, qua đó yêu cầu các công ty chip nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei.
Ngay sau lệnh cấm, đối tác hàng đầu của Huawei là TSMC, nhà sản xuất chịu trách nhiệm cung ứng tới 98% chip vi xử lý cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, đã phải tuyên bố ngừng nhận đơn hàng từ Huawei. Không chỉ bị chặn tiếp cận với công nghệ Mỹ, Huawei còn đang đối diện với áp lực bị “phong tỏa” trên thị trường thế giới.
Chưa dừng lại ở chặn đứng nguồn cung, Mỹ còn “đàn áp” Huawei trên phương diện thị trường đầu ra khi gây sức ép lên các nước đồng minh bao gồm Anh “cấm cửa” công ty công nghệ Trung Quốc này.
Trước làn sóng “đàn áp” dữ dội từ Mỹ, Nhậm Chính Phi từng trả lời giới truyền thông rằng ông chưa từng lường tới việc bị Washington tấn công dồn dập như vậy.
“Chúng tôi không lường trước được việc Mỹ sẽ công kích Huawei toàn diện và dữ dội như vậy. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị nhất định cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng không thể bảo vệ những phần thứ yếu”, Nhậm Chính Phi chia sẻ.
Thực tế, cuộc đấu tranh của Nhậm Chính Phi với Washington không chỉ là trận chiến sống còn để bảo vệ đứa con tinh thần, gã khổng lồ viễn thông hàng đầu thế giới Huawei.
Hơn hết, nó còn là cuộc đấu tranh cho tình thân, để bảo vệ ái nữ Mạnh Vãn Châu, con gái cả đồng thời là cánh tay đắc lực của ông trùm Nhậm Chính Phi trên thương trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.