Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ít ai tưởng tượng được, tập đoàn điện tử danh tiếng Sharp lại bắt đầu đi lên từ những cây bút chì bấm. Tokuji Hayakawa nhà sáng lập vĩ đại của Sharp sinh năm 1893 trong một gia đình nghèo ở Tokyo. Khi còn nhỏ tuổi, cậu đã theo học nghề xong một xưởng chế tác kim loại tại Sumida-ku, Tokyo để kiếm sống. Trong suốt những năm tháng cực nhọc ấy, cậu thiếu niên đã rèn luyện tính kiên nhẫn, chăm chỉ và lòng lương thiện dưới sự chở che của người thầy, người chủ đáng kính Yoshimatsu Yakata. Đã có những khi cả hai thầy trò lâm vào cảnh khó khăn, Tokuji Hayakawa phải bán từng chiếc bút chì rẻ mạt ở chợ đêm để kiếm tiền trang trải cho xưởng kim loại của người thầy quý mến.
Năm 1912, sau khi đã trở thành một nghệ nhân kim loại lành nghề, với số vốn ít ỏi trong tay, Tokuji Hayakawa bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình với hoài bão lớn lao. Công ty đầu tiên có tên Hayakawa Brothers Shokai, Tokuji và anh trai đồng lòng sáng lập. Với sự khéo léo và óc sáng tạo tuyệt vời, Tokuji Hayakawa thiết kế ra chiếc bút chì bấm (còn gọi là bút chì kim) sắc nét, tiện dụng và sang trọng. Năm 1915, sản phẩm bút chì bấm Ever-Ready Sharp do Tokuji nhanh chóng gây thành công vang dội, biến anh em nhà Tokuji trở thành những thương gia ở Tokyo. Sự khan hiếm nguồn cung văn phòng phẩm do Thế chiến II đã trở thành cơ hội cho chiếc bút chì độc đáo này vươn ra thế giới, được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi tại Châu Âu. Những đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về, người dùng ca ngợi sự tinh xảo, quý phái của chiếc bút chì bấm đầu tiên trên thế giới. Chiếc bút chì sau đó được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và Nhật Bản, từ Sharp trong tên bút chì sau này được Tokuji Hayakawa chọn làm tên thương hiệu, như một cách hồi tưởng những thành công rực rỡ ban đầu.
Nhưng giữa lúc chuyện kinh doanh đang lên như diều gặp gió, trận động đất Kanto ngày 1/9/1923 đã cướp đi tất cả từ tay Tokuji Hayakawa. Vợ và hai con trai xinh xắn tử nạn, nhà xưởng bị phá hủy, tiền bồi thường hợp đồng lên đến con số khổng lồ. Tokuji Hayakawa cùng anh trai buộc phải giải thể Hayakawa Brothers Shokai, chuyển giao công nghệ chế tác bút chì Sharp cho một nhà máy ở Osaka để trả nợ. Kỳ lạ là họ luôn có một niềm tin bất diệt về sự thành công từ hai bàn tay trắng, có lẽ bởi tinh thần Nhật Bản đã ngấm vào xương máu và sự kiên trì được người thầy Yoshimatsu rèn giũa tiếp thêm động lực.
Mãi đến sau này Tokuji Hayakawa vẫn kể về quãng thời gian ông đến Osaka. Không còn gì ngoài bộ quần áo trên người: không vợ con, không tài sản. Tất cả đã chôn vùi dưới đống đổ nát ở Tokyo. Chỉ còn duy nhất công thức chế tác bút chì kim trong đầu.
Quá trình chuyển giao công nghệ chế tác bút chì kim kéo dài 9 tháng. Sau khoảng thời gian đó, Tokuji Hayakawa được trả một khoản tiền đủ để vực dậy công việc kinh doanh lần nữa. Công ty kim loại Hayakawa được thành lập năm 1924 tại Tanabe-cho, Osaka và trở thành trụ sở chính của Sharp trong nhiều thập kỷ sau đó.
Thành công đã gõ cửa năm 1925, khi Tokuji Hayakawa tình cờ bắt gặp một chiếc đài phát thanh tinh thể được nhập khẩu từ Mỹ bày bán trong một cửa hàng của người quen. Đội ngũ nghiên cứu Hayakawa vốn toàn “tay mơ” và chỉ quen với chế tác kim loại đã phải mất tới 2 tháng ròng rã tháo rời từng bộ phận của chiếc đài mẫu, tỉ mẩn nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp ra một phiên bản radio tương tự. Khi chiếc radio phát ra âm thanh trong trẻo của bản tin thời sự nước Nhật, đội ngũ hơn chục con người đã ôm nhau rơi nước mắt trong căn phòng chật hẹp. Chỉ vài tháng sau đó, trên thị trường xuất hiện dòng đài phát thanh Sharp với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa đài phát thanh của Mỹ, gây nên cơn sốt thị trường trong một thời gian dài.
Song song với sản xuất hàng loạt radio, Tokuji Hayakawa còn tập trung phát triển công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm và mạng lưới tiếp thị, bán hàng. Chẳng mấy chốc, những chiếc đài phát thanh của Sharp có mặt ở cả Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Mỹ.
Từ 1929 đến 1949 là khoảng thời gian công ty phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc, khi liên tục xây dựng các nhà máy tại Hirano, Izumi, Kyoto...cùng hàng loạt văn phòng ở Thượng Hải, Đài Bắc, Seoul… Năm 1949, cổ phiếu của Hayakawa Electrics Industry được chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Osaka.
Giai đoạn 1950-1959 tiếp tục là những năm tháng mà Hayakawa khẳng định mình trên thị trường điện tử Nhật Bản. Đội ngũ nghiên cứu của Tokuji Hayakawa chế tạo thành công chiếc TV nguyên mẫu đầu tiên năm 1951 và đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1953. TV3-14T cho đến giờ vẫn nổi tiếng là chiếc TV đầu tiên do người Nhật sản xuất, là niềm tự hào kéo dài nhiều thập kỷ của nước Nhật. Cũng vào khoảng thời gian này, Tokuji Hayakawa liên tục mở các công ty con có thương hiệu Sharp bao gồm Sharp Electric Co., Sharp Geppan phụ trách nghiên cứu và phân phối sản phẩm.
Năm 1970, Công ty chính thức đổi tên thành Sharp Corporation. Vài năm sau đó, Sharp liên tục ra mắt chiếc máy photocopy và TV màu của hãng. TV màu được đánh dấu là bước chuyển mình quan trọng, đưa Sharp đến với kỷ nguyên thống trị trong lĩnh vực TV sau này.
Năm 1980, Tokuji Hayakawa ra đi nhưng tinh thần Sharp vẫn còn đó. Thành công nối tiếp thành công, Sharp trở thành một trong những tập đoàn lớn mạnh nhất của nước Nhật.
Năm 1988, Sharp khiến cả thế giới ngỡ ngàng với chiếc TV LCD TFT màn hình mỏng đầu tiên trên thế giới, kích thước 14 inch, màu sắc sống động và độ nét tuyệt vời. Những năm sau đó, Sharp thống trị thị trường TV trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế, có chỗ đứng vững vàng tại Mỹ.
Năm 2000, Sharp ra mắt chiếc điện thoại chụp hình đầu tiên trên thế giới có tên J-SH04, có khả năng chụp hình với độ phân giải 0,1 megapixel và truyền tải qua mạng di động. Cùng năm, Sharp trở thành nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới và duy trì vị thế này trong 7 năm tiếp theo.
Trong giai đoạn 2000-2006, Sharp đầu tư mạnh mẽ cho mảng TV LCD và di động. Tập đoàn này sau đó trở thành nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất Nhật Bản, đồng thời làm mưa làm gió trên thị trường TV thế giới với chất lượng và đẳng cấp của thương hiệu có tuổi đời hàng trăm năm. Thời kỳ rực rỡ nhất của Sharp có thể kể đến năm 2003, với lợi nhuận đạt 16,8 tỷ USD với quy mô hơn 40.000 nhân viên.
Nhưng chỉ vài năm sau đó, khi Sharp còn đang say men chiến thắng, cuộc đại suy thoái năm 2008 cùng hàng loạt quyết sách sai lầm của hội đồng quản trị khi đó đã đưa Sharp dần tiến đến con đường cùng. Năm 2012, tròn 100 năm thành lập, Sharp chứng kiến khoản lỗ kỷ lục 4,7 tỷ USD. Việc đầu tư dàn trải và khoản chi hàng triệu USD cho nhà máy màn hình LCD khiến đế chế điện tử của nước Nhật suy sụp. Nợ nần chồng chất, Sharp đành bán mình cho Foxconn (Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải - Đài Loan) của doanh nhân Quách Đài Minh (Terry Gou) với mức giá rẻ mạt 3,5 tỷ USD.
Foxconn thành lập năm 1974, được biết đến như một đế chế với hàng chục lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau. Lĩnh vực chính thu về nhiều lợi nhuận nhất với hơn 700.000 công nhân đang hoạt động là lắp ráp các thiết bị điện tử như iPhone, iPad, máy chơi game Nintendo Switch, Playstation 4… Tất nhiên, Apple là đối tác lớn nhất mang đến lợi nhuận khổng lồ cho Foxconn. Bên cạnh đó, hàng loạt công ty con và công ty liên kết của Foxconn cũng phát triển các lĩnh vực như sản xuất con chíp, sản xuất mạch cảm ứng, sản xuất mô đun pin, công nghệ nano…
Chẳng phải tự dưng Foxconn lại nhắm đến Sharp trong thương vụ thâu tóm đầy rủi ro này, khi mà Sharp nợ nần chồng chất, tài chính thâm hụt và liên tục lỗ ròng. Mua lại Sharp đồng nghĩa với việc Foxconn phải gánh hoàn toàn khoản nợ của Sharp trên vai. Chủ tịch Quách Đài Minh đã suy nghĩ rất lâu trước khi chính thức ra quyết định đưa Sharp về dưới trướng Foxconn.
Thực chất, thâu tóm Sharp là một bài toán xa hơn của Foxconn. Phải biết rằng, để sản xuất một chiếc iPhone bất kỳ, chi phí cho màn hình là một trong những khoản chi lớn nhất so với đa số các bộ phận và công đoạn khác. Nhưng thật không may, trước khi có Sharp, Foxconn chưa thể phát triển lĩnh vực này.
Sharp rõ ràng là sự lựa chọn tuyệt vời, khi tập đoàn điện tử tuổi đời hàng trăm năm này từng là nhà sản xuất màn hình LCD danh tiếng bậc nhất thế giới, với công nghệ tinh thể lỏng và cảm ứng hàng đầu. Dưới trướng Foxconn, Sharp hoàn toàn phát huy sở trường nghiên cứu và sản xuất màn hình, Foxconn thì thu lợi còn Apple thì có được giá thành rẻ hơn từ đối tác lâu năm, thay vì tìm kiếm sự hợp tác ở LG hay Samsung…
Tomoki Tamura, trưởng bộ phận kinh doanh thiết bị vi tính của Sharp cho hay: “Chúng tôi muốn trở thành một tập đoàn toàn cầu, nhưng điều đó rất khó khăn trong thời điểm 2016. Giờ đây, khi trở thành một bộ phận của Foxconn Hồng Hải, chúng tôi giành được tấm vé tăng tốc đến sân chơi toàn cầu”.
Tình hình tài chính của Sharp cũng cải thiện đáng kể sau thương vụ với Foxconn. Trước khi được Foxconn tiếp quản, năm 2016, Sharp báo lỗ 256 tỷ JPY (khoảng 2,4 tỷ USD). Nhưng cho đến hết tháng 6/2019, Sharp đã báo lãi 10 quý liên tiếp và thiết lập lại vị trí nhà sản xuất TV danh tiếng trên thị trường Mỹ. Vốn hóa thị trường tính đến tháng 6/2019 đạt 750 tỷ JPY (7 tỷ USD) với hơn 47.000 công nhân hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất.
Các chiến dịch cắt giảm chi phí vận hành, tiết kiệm chi phí mua sắc và sản xuất đã tỏ ra hiệu quả. Kỷ luật tài chính thắt chặt, văn hóa doanh nghiệp cũng thay đổi, linh hoạt và nhanh nhạy hơn nhờ sự ảnh hưởng của Foxconn. Các cuộc họp trực tiếp hàng tháng được thay thế bằng cuộc họp qua video thường xuyên để nắm bắt mọi tình hình và đưa ra những điều chỉnh cần thiết kịp thời. 3 năm kể từ khi về tay nhà Foxconn, Sharp dường như đã “thay da đổi thịt”.
Hôm 2.8 vừa qua, Sharp bất ngờ tuyên bố chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ Trung không tìm ra lối thoát và Tổng Thống Trump quyết định áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.
Dự kiến, Sharp sẽ xây nhà máy tại TP.HCM và thành lập một công ty con với vốn đầu tư ban đầu 25 triệu USD để vận hành nhà máy này. Nhà máy sẽ phụ trách lắp ráp màn hình LCD ô tô trước khi xuất khẩu sang Mỹ, và có thể sẽ được trang bị cả dây chuyền sản xuất laptop cho công ty con Dynabook.
“Chúng tôi không biết những tiến triển sẽ đến khi nào”, Phó chủ tịch Sharp Katsuaki Nomura chia sẻ với giới truyền thông.
Hồi tháng 4/2017, cổ phiếu Sharp từng lập đỉnh kỷ lục 5.040 JPY (khoảng 47 USD) sau khi báo lãi quý đầu tiên. Nhưng trong bối cảnh quan ngại về thương mại Mỹ Trung ảnh hưởng tiêu cực đến Foxconn, cổ phiếu Sharp hiện đã rớt xuống dưới 1.000 JPY (tức dưới 9,34 USD). Trong quý vừa qua, Sharp công bố doanh thu đạt 515 tỷ Yên (khoảng 4,8 tỷ USD), giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt 12,54 tỷ JPY (khoảng 115 triệu USD), giảm 35%.
Dù vậy, Chủ tịch Sharp Tai Jeng-wu khẳng định xung đột thuế quan không gây ra ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. “68% sản phẩm điện tử của Sharp được sản xuất tại Trung Quốc. Chỉ 3,8% trong số đó (chủ yếu là laptop và máy in) được xuất khẩu sang Mỹ” - ông Tai cho hay. Nhưng dễ thấy Sharp khó mà tránh khỏi những tác động tiêu cực từ mối đe dọa suy thoái kinh tế do thương chiến Mỹ Trung Việc chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang thị trường Việt Nam vào thời điểm này là một nước cờ mạo hiểm nhưng khéo léo.
Dự kiến, nhà máy của Sharp tại TP. HCM sẽ đi vào hoạt động năm 2020, sản xuất và lắp ráp màn hình LCD, đồng thời nghiên cứu và cung ứng các sản phẩm điện máy tiêu dùng cho thị trường Việt Nam. Theo ước tính ban đầu, quy mô nhà máy vào khoảng 8.000 lao động.
Cùng với đợt thuế quan mới mà ông Trump phát động, Sharp sẽ là cánh chim đầu đàn, tiên phong cho đợt chuyển dịch sản xuất tiếp theo từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngay sau Sharp, tập đoàn Kyocera (tập đoàn Nhật Bản chuyên sản xuất máy in và máy photocopy) cũng xác nhận sẽ hoán chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tận dụng được gì từ dòng lưu chuyển vốn và sản xuất này, đó sẽ là câu hỏi dành cho các nhà lập pháp, các cơ quan ban ngành và cả Doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đón gió FDI.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.