"Đại bàng" Samsung, LG, Apple tăng cường đầu tư, Việt Nam khai phá "mỏ vàng" công nghiệp hỗ trợ điện tử ra sao?
"Đại bàng" Samsung, LG, Apple tăng cường đầu tư, Việt Nam khai phá "mỏ vàng" công nghiệp hỗ trợ điện tử ra sao?
Nguyễn Thịnh
Thứ hai, ngày 07/10/2024 14:04 PM (GMT+7)
Công nghiệp phụ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam được xem là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra khu vực và thế giới.
Công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam phát triển không ngừng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt gần 300 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam có sự tham gia của cả mặt hàng điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính và linh kiện. Trong đó, điện thoại và linh kiện là mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Thậm chí điện tử, máy tính và linh kiện còn dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng tới 27,4% so với cùng kỳ năm trước.
Với sự xuất hiện của các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới, quy mô thị trường ngành điện tử của Việt Nam không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn có thể xuất khẩu.
Mới đây, một nhà đầu tư Trung Quốc cho biết họ vừa đầu tư một dự án tại Việt Nam có trị giá hơn 100 triệu USD, nhằm mục đích sản xuất linh kiện điện tử phục vụ cho các tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.
Về lý do lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, nhà đầu tư này cho biết, họ chọn Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó bao gồm: Môi trường đầu tư luôn được cải thiện bằng những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó, nguồn lao động của Việt Nam không ngừng được cải thiện và Việt Nam tham gia rất nhiều các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, nên đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài sẽ được hưởng lợi khi xuất khẩu.
Và đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử lựa chọn Việt Nam là do Việt Nam hiện đã thu hút một loạt các doanh nghiệp điện tử đầu tư vào Việt Nam như: Samsung, Apple, LG, Intel…
3 đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng đã liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử.
Hãng Apple đã đề nghị đối tác lớn nhất là Foxconn mở dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ tháng 5.2023. Foxconn sau khi đầu tư 1,5 tỷ USD xây dựng cơ sở sản xuất, tới đây sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào nhà máy Fukang đang xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).
Trong khi đại diện Goertek cho biết, tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang; còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam. Pegatron đang mở rộng dự án thứ 2 linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư khoảng 481 triệu USD tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025 - 2026.
Công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam cần phát triển để hút thêm dòng vốn FDI
Việt Nam hiện đang áp dụng nhiều chính sách gồm cả các ưu đãi về thuế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư công nghệ. Là nền kinh tế đang phát triển, thị trường kỹ thuật số của Việt Nam có tiềm năng to lớn và đầy hứa hẹn với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao.
Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit... Điểm đặc biệt là Việt Nam là quốc gia có an ninh chính trị ổn định. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Điều này đã và đang tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng. Trong đó, riêng Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Singapore tại Bắc Ninh điều chỉnh mở rộng dự án thêm 1,07 tỷ USD.
Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 50 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong khi khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước còn rất hạn chế.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, do tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tạo rất nhiều ưu đãi cho đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Cụ thể, ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo, cùng nhiều chính sách ưu đãi khác.
Việt Nam cũng đặc biệt ưu tiên cho các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.