Trẻ con thích nhất là gì nhỉ? Các bạn thử đoán xem nào? Với vốn sống đầy ắp chuyện ăn uống, tôi mạnh dạn đề xuất bình chọn của mình là: quà.

Quà và các động từ liên quan đến nó như: cho quà, tặng quà, mua quà, ăn quà...Sau này tôi mới biết người lớn cũng rất thích quà nhưng mà phần lớn họ tham, họ còn thích nhiều thứ khác nữa thế cho nên họ mới khổ. Còn trẻ con chúng tôi chỉ thích có mỗi quà mà thôi.

Và cái chợ Hôm ấy họp ra chỉ để bán mặt hàng chủ yếu là: Quà.

Chợ Hôm - Ảnh 1.

Chợ họp ở ven hai bên đường ngã tư trung tâm của làng, nơi giao cắt giữa đường từ xóm Quang Trung đi ủy ban xã với đường từ xóm Đinh Tiên Hoàng đi xóm Thượng Hiền.

Đường làng tôi từ xa xưa các cụ xây rộng và đẹp, ô tô tải đi vào thoải mái, gạch thất xây nghiêng, mặt đường cong mui luyện thoát nước sang cống rãnh ao hồ hai bên rất tốt. Cũng chẳng ai nhớ hệ thống mà bây giờ gọi là đường giao thông nông thôn ấy hoàn thành từ khi nào. Tôi hỏi bà nội tôi, người sinh ra từ cuối thế kỷ mười chín thì bà nói rằng lớn lên bà đã thấy như vậy rồi.

Cây đa ở góc ngã tư ấy to và cổ thụ, cành lá sum suê rêu phong, tầm gửi bám đầy, mùa quả đa chín chim chóc về ăn hót như mở hội, nào chào mào, sáo đen, sáo đá, chích chòe, vành khuyên, thỉnh thoảng còn có cả những con chim lạ to, sặc sỡ, trông rất đẹp.

Tán cây tỏa rộng một vùng, các cụ xây quây vỉa gạch quanh gốc tạo thành nơi ngồi hóng mát, đàm đạo vào những buổi trưa hè của các ông trung tuổi và linh hồn của cái câu lạc bộ ấy chính là thầy tôi. Cái quán cắt tóc của thầy được dựng nên ở ngay dưới gốc đa ấy.

img
img
img

Đối diện với quán cắt tóc của thầy tôi là cái quán của cụ Hương Hòe, mẹ vợ một thời của thầy tôi. Mối quan hệ gia đình giữa hai người chấm dứt bằng sự kết thúc của một cuộc tình vô cùng bi tráng. Nỗi đau nào rồi cũng qua, họ không còn thù hận nhau nữa nhưng cũng không chào hỏi nhau. Quá khứ chỉ khép lại thôi chứ có biến mất được đâu.

Cụ Hương Hòe ấy dựng cái quán lợp rạ, vách đất, thấp tè tè, không có cửa và tất nhiên cụ cũng bán hàng quà. Hàng của cụ cho vào hai cái thúng đậy bằng mẹt, đồ hàng đơn giản, chỉ có mấy lọ kẹo bột, kẹo dồi, kẹo trứng chim, vài bao thuốc lá Điện Biên, Tam Đảo, Sông Cầu, vài bó thuốc lá cuộn rồi diêm, pháo tép....

Dạo Tết ấy tôi đang học lớp Một, được tiền mừng tuổi, tôi ra quán của cụ:

- Bà bán cho cháu một hào kẹo trứng chim. Tôi chìa tờ hai hào ra.

- Bà không có tiền trả lại, cháu lấy nốt kẹo nhé.

- Vâng.

Rồi bà lấy kẹo đưa cho tôi, tôi bất giác thấy bà nhìn tôi với ánh mắt rất lạ, nó vừa có vẻ vui mừng, vừa có chút tiếc nuối lại có cái gì ngập ngừng như ân hận. Tôi không hiểu được hết biểu cảm ấy vì lúc đó tôi còn bé quá chưa biết chuyện thầy tôi đã từng là con rể của bà.

- Cháu tốt quá, đầu xuân năm mới mở hàng gặp cháu dễ mua thế thì năm nay bà đắt hàng lắm đây. Giọng bà cảm động một cách chân thật. Một sự bộc lộ ít thấy ở con người này. Điều đó phải đến sau này tôi mới hiểu.

Chợ Hôm - Ảnh 3.

Một quái kiệt chợ Hôm là bà Hiếng, bà bị mù cả hai mắt nên người làng gọi ghép là bà Hiếng mù. Bà không bán quà mà bán mấy thứ đồ hàng xén như kim chỉ, băng phiến, mì chính và đặc biệt là thuốc tây. Đồ hàng của bà cho vào hai cái bồ nhỏ xinh, từ nhà ra chợ vai gánh đôi bồ, tay khua cái gậy, bà chẳng cần ai đưa đón cả.

Mọi người hỏi mua cái gì, kể cả thuốc tây bà chỉ cần đưa tay vào trong bồ sờ nhoáng cái đã lấy ra đúng cái khách cần, lấy tiền trả lại, tính toán còn nhanh hơn cả người sáng mắt.

Lúc vắng khách bà tự xâu kim và lôi quần áo rách ra vá rất khéo. Tóm lại tôi chẳng thấy bà ấy mù đâu. Bà ấy nhiều tiền lắm, cho nhiều người vay lãi và đòi nợ rất rát. Hàng xóm trước nhà tôi cũng là con nợ của bà. Năm giờ sáng, bà đã khua gậy đến cửa nhà người ta thúc nợ và đứng lỳ hàng tiếng đồng hồ, tiếng bà réo nợ dai nhanh nhách.

Chợ Hôm - Ảnh 2.

Chiếm trọn hai mặt tiền đẹp nhất của ngã tư là nhà ông bà Cửu người gốc làng Ước Lễ ra làng tôi làm ăn từ thời chống Pháp.

Làng Ước Lễ có nghề làm giò chả đã quá nổi tiếng rồi. Dân làng ở đây có mặt ở hơn bẩy mươi nước trên thế giới và đều có của ăn của để với cái nghề gia truyền ấy. Ông bà Cửu cũng không phải là ngoại lệ.

Hồi mới đến làm ăn ông bà còn phải đi ở nhờ vậy mà chỉ ít năm sau đã mua được mảnh đất có địa thế kinh doanh đẹp nhất làng.

Chẳng có gì là hoàn hảo cả. Mảnh đất ấy có địa thế kinh doanh tốt nhưng ba mặt giáp đường. Cụ phó Trể, người chuyên làm nhà cho dân làng tôi bảo những mảnh đất như vậy là đất đóng gông, gia đình nào ở đó cũng bị gặp trục trặc không chuyện nọ thì chuyện kia như sức khỏe, gia đạo, pháp đình ... Nhưng mà xét cho cùng thì gia đình nào mà chẳng có chuyện, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhỉ?!

Chợ Hôm - Ảnh 5.

Ông bà làm nghề và giữ nghề rất cẩn thận. Giò chả làm đúng quy trình, giã tay, gói lá chuối luộc kỹ, thơm phức, miếng giò cắt ra hơi hồng hồng một chút ở lõi, mặt có rỗ hoa, đưa lên miệng cắn thấy giòn và thơm mùi thịt, mùi nước mắm ngon, mùi lá chuối quện vào nhau thật là tuyệt tác. Đúng là cái khoái của giò chả cắn ngập răng. Nói vậy chứ sản phẩm của nhà ông bà đâu có phải là thức quà phổ thông dành cho trẻ con chúng tôi. Thỉnh thoảng lắm mới được ăn thôi.

Sau này ông bà cũng nhập với họ Nguyễn Hữu ở làng để có sinh hoạt họ hàng và khỏi phải mang tiếng ngụ cư.

Ông bà thuộc thế hệ những người theo đạo gốc, nền nếp đi lễ nhà thờ, đọc kinh tối được ông bà giữ đến khi không còn nữa và tất cả những đứa con phải chấp hành tuyệt đối.

Ông rất quý thầy tôi, hai người hợp chuyện nhau lắm. Cứ buổi trưa ông lại mang mấy ống giang ra quán của thầy tôi vừa chẻ lạt vừa nói chuyện trên giời dưới biển.

Nhìn những người chuyên nghiệp làm việc thật là thích. Cái gì cũng được họ nâng lên tầm nghệ thuật với kỹ năng kỹ xảo tuyệt vời. Ông chẻ lạt thôi mà tôi rất thích xem, tay ông như múa, mười cái lạt như nhau cả mười, không cái nào bị lẹm, bị mỏng. Ông gói bánh chưng nhanh như rô bốt, không một động tác thừa, bánh ra như từ dây chuyền tự động vậy.

Ông bà giàu có là đương nhiên. Những năm sáu mươi bẩy mươi thế kỷ trước mà đã có xe đạp Pơ- giô, xe máy 103, tivi, tủ lạnh, nhà gác thì phải thuộc hàng đại gia rồi.

Ông thảo tính lắm, thầy tôi muốn mua đất, mua xe đạp nhưng thiếu tiền, ông bảo ông cho vay, bao giờ chú có trả cũng được, ông không lấy lãi. Nhưng thường thì thầy tôi cũng thu xếp chỉ đầu năm cuối năm là trả hết nợ cho ông thôi.

Ngày thằng cháu đích tôn của thầy tôi ra đời, thầy tôi vui sướng khôn tả, trông thầy trẻ ra mấy tuổi. Đến khi nó biết ăn bột, thầy thường hay sai tôi ra nhà ông mua ba hào giò sống về quấy bột cho nó.

Ra đến nơi ông cầm miếng mo cau bằng ba đầu ngón tay vét vào cái cối đá được một cục to bằng ngón chân cái cho vào cái bát của tôi. Tôi lần nào cũng đưa tiền và chẳng lần nào ông nhận cả. Ông bảo cứ mang về, có đáng gì đâu.

Thế hệ những con người chân chất như vậy thật là đáng quý, họ sống tử tế và trong sáng. Tôi nghĩ một phần cũng là do đức tin vào tôn giáo tạo ra, linh hồn của họ được gột rửa, tâm hồn của họ nhẹ nhàng cứ tin tưởng ở nơi Chúa là có tất cả.

Chợ Hôm - Ảnh 3.

Xế hai bên quán của cụ Hương Hòe còn hai mảnh đất rộng bằng vài chiếc chiếu, đấy là bãi chơi bi chơi đáo hàng ngày của chúng tôi. Ngày xưa trò chơi cho trẻ con chẳng có gì loanh quanh chỉ rủ nhau đánh bi, đánh đáo, chơi khăng...nhưng nghĩ lại thấy các trò chơi ấy nó rèn cho trẻ nhiều kỹ năng rất cần thiết.

Về chuyện trò chơi thời ấy có lẽ xin hầu chuyện các bạn vào một dịp khác. Chúng tôi chơi buổi sáng, đến xế chiều nơi ấy lại thành chợ.

Hàng ốc luộc của bà Thụy Đoan và hàng cháo vịt của bà Tợ ngồi cạnh nhau ở mảnh đất bên phải. Mùi ốc luộc lá chanh, lá gừng bốc lên hòa với mùi cháo vịt thơm ngậy mũi khiến ai đi qua vào một buổi chiều đông giá lạnh mà không nổi cơn thèm.

Tôi cũng là khách quen của hàng ốc luộc, ốc vặn nhỏ thôi, chẳng cao sang gì nhưng béo ngậy, nước chấm bà chủ hàng pha thì thật tuyệt vời, cũng gừng, tỏi giã nhỏ, đường, giấm, ớt nêm vừa miệng nhưng còn có một vị nữa tạo nên cái ngọt có hậu trên môi sau khi ta ăn xong.

Thấy mọi người bảo là bà ấy dùng trứng cáy trưng lên sau đó nghiền nhỏ và hòa với nước chấm. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được cái dư vị ấy.

Chợ Hôm - Ảnh 7.

Có hôm ngồi ăn ốc ở đấy, mấy đứa con gái cùng lớp đi qua trông thấy, hôm sau đi học chúng nó cứ trêu mãi, lêu lêu con trai ăn quà ốc luộc. Mình cứ tự hỏi con trai ăn quà thì sao nhỉ?

Có lẽ trong văn hóa của người Việt chúng ta đã mặc định rằng ăn quà là đặc quyền và đôi khi cũng là tính xấu của đàn bà:

Cái cò là cái cò quăm

Chửa ra đến chợ đã chăm ăn quà

....Ăn rồi cắp nón ra về

Thấy hàng chả chó lại lê chân vào.

Trong cái sự ăn quà ở chợ luôn có bóng dáng của người đàn bà vì thế chúng nó thấy tôi ăn quà nên lạ lắm chăng?

Còn hình ảnh đàn ông Việt thì luôn được gắn với việc uống rượu, nhắm rượu cơ. Nam vô tửu như kỳ vô phong mà. Thì đây đã có vịt luộc, cổ cánh, lòng mề của hàng bà Tợ phục vụ các ông. Hôm nào kiếm được kha khá, thầy tôi lại sai tôi ra mua bộ cổ cánh hay một góc vịt về lai rai với cút rượu.

Phía bên trái quán của cụ Hương Hòe là chỗ ngồi của hàng bánh mì, bánh đa, ngô luộc, ngô nướng, sắn luộc, sắn dây ... Mấy hàng quà vặt của bà ba Trang, ông Đính Mọi, cụ Hương Châu cũng ngồi gần với đám ấy, mỗi hàng một ngọn đèn dầu sáng lờ mờ, chỉ đủ nhìn mặt tiền.  

Kẻ qua người lại, mùi bánh đa, bánh mì, ngô nướng bốc lên thơm thơm, một tổng hòa của cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng ở cái góc chợ này mọi người vẫn tìm được cho mình sự phồn thực cần có, sự rộn ràng của cuộc sống và cả sự hưởng thụ những niềm vui nho nhỏ với cái chợ hàng quà bình yên.

Chợ Hôm - Ảnh 4.

Chợ còn bán những thứ quà theo mùa. Mùa hè thì có mấy hàng chè đỗ đen, thạch và cũng viết một cái biển nhỏ: có đá. Bây giờ uống đồ giải khát thì hoặc là để lạnh, hoặc là cho đá vào là chuyện đương nhiên nhưng ngày ấy nước đá là một cái gì đó hơi bị xa xỉ, một tiêu chí thời thượng cần phải nhấn mạnh để câu khách.

Mùa hè và mùa thu thì chợ có rất nhiều hàng hoa quả, nào ổi, mít, na, mía, bưởi và đặc biệt là các loại hoa quả ở miền ngược do mấy bà buôn về như mắc cọop, hồng ngâm, chay, hạt dẻ...Trung thu thì có bánh nướng, bánh dẻo của nhà ông Ngữ làm ra bán. Mùa nào thức ấy, chỉ thiếu mỗi hàng tiền thôi.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì cái chợ Hôm kia cũng chỉ là cái chợ cóc không hơn không kém. Cái làm nên sự hoành tráng của nó chính là vì nó ở trung tâm xã nên cửa hàng mua bán của xã cũng ở chợ luôn.

img
img
img
img
img

Thời bao cấp các bạn ít nhiều đã hiểu quyền lực của ngành thương nghiệp là như thế nào rồi nhỉ?

Có hai cửa hàng mua bán của xã quay mặt ra chợ. Một cửa hàng chuyên bán đồ vải vóc quần áo và nhu yếu phẩm, đồ gia dụng, văn phòng phẩm do cô Sợi người làng Phú Cốc đứng bán.

Một cửa hàng chuyên bán đồ mắm muối mặn muội như dầu hỏa, nước mắm, magi, muối hạt, rượu đỏ (thứ rượu do quốc doanh sản xuất có màu đỏ, đựng trong thùng). Cửa hàng này do bà Giáo Tìm cai quản. Gọi là bà Giáo vì chồng bà làm nghề gõ đầu trẻ. Cái câu: rau bà Tầu, dầu bà Giáo, áo cô Sợi là ở đó mà ra.

Mỗi gia đình được phát một quyển sổ mua bán, hôm nào có hàng phân phối thì sẽ có thông báo trên cái bảng nhỏ: mỗi sổ được mua 1 lít dầu và 4 cân muối.

Thế là tối đến mọi người đổ xô đi mua hàng, trong lúc chờ đợi họ không kiềm chế được, họ sẽ ăn quà và chợ Hôm càng thêm nhộn nhịp.

Người ta bảo rằng muốn đánh giá một người con gái thì hãy xem cái bếp nhà cô ấy. Muốn đánh giá một ngôi làng thì hãy xem cái chợ của làng ấy. Thời bấy giờ không phải làng nào cũng có cái chợ hàng quà như chợ Hôm của làng tôi đâu.

Và làng tôi không phải chỉ có chợ Hôm.

Chợ Vồi một chợ nổi tiếng cấp vùng cũng nằm trên đất làng tôi. Buổi sáng ở trên bờ ao gốc đề còn có chợ chuyên bán những hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân, gio bếp, bèo, rau cho lợn, cây đay, cây nứa...để làm giàn leo cho đậu đũa, bí xanh.

Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng, làng tôi hội tụ cả ba thứ đó.

Thời thế đổi thay, những con người trong câu chuyện này nay đều đã trở thành người thiên cổ, chợ bây giờ cũng đã khác xưa nhưng cái chợ Hôm của một thời thơ ấu vẫn có một vị trí đặc biệt trong ký ức của tôi.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem