Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ặc dù chỉ học hết tiểu học vì gia cảnh không cho phép, nhưng nhà văn Kim Lân là một hình mẫu cho việc không ngừng học tập, tôn trọng việc học và trau dồi kiến thức cả cuộc đời…
… Đó là hình ảnh lần đầu hé lộ về Nhà văn Kim Lân - "người thầy" truyền cảm hứng qua lời kể của cô cháu gái Nguyễn Hiền Trang.
LTS: Vào ngày đầu tháng 8, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện đầy cảm xúc với Nguyễn Hiền Trang, hiện là một Copywriter/creative tại Hà Nội. Cô gái nhỏ nhắn, duyên dáng ấy chính là con gái của họa sĩ Nguyễn Việt Tuấn – người con thứ 7 của nhà văn Kim Lân.
Có thể nói, trong 9 người cháu cả nội lẫn ngoại của nhà văn Kim Lân, Hiền Trang ở với ông nhiều nhất và cũng là người duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn chương giống ông. Cô từng là biên tập viên một tờ báo, tham gia viết sách với bút danh Tô Lệ Trân (đồng tác giả cuốn 1987 và Hà Nội Phố Ngàn Phố), truyền thông cho các vở diễn truyền thống và hỗ trợ hoạt động của các họa sĩ trẻ.
Gặp chúng tôi, có dịp ngồi ôn lại kỷ niệm xưa, dường như Hiền Trang vẫn nhớ như in từng mẩu chuyện nhỏ về ông nội đáng kính. Chúng tôi trầm lặng lắng nghe rồi cảm nhận trong mỗi câu chuyện kể ấy là niềm vui của cô khi nhớ về những hồi ức đẹp.
"Muốn ăn cơm trắng mấy giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì…"
Ngay cả bây giờ, khi người trẻ được tiếp cận với vô vàn nguồn thông tin, thích thú với những câu nói thời thượng, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp họ chia sẻ các trích dẫn như thế này từ tác phẩm của ông nội tôi: Nhà văn Kim Lân. Có lẽ bởi tuy viết không nhiều, văn của ông tôi lại xuất hiện trong sách giáo khoa cấp 2 lẫn cấp 3, với các tác phẩm đã quá thân quen: Làng, Vợ Nhặt. Lại cũng hiếm nhà văn nào có "cuộc dạo chơi" với điện ảnh lâu dài như ông nội tôi - người từng vào vai Lão Hạc trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", rồi thống lý Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ...
Dạo gần đây, người ta hay còn hào hứng chia sẻ câu chuyện ông tôi "thuần hóa" chú chó vào vai Cậu Vàng trong bộ phim phiên bản cũ, cũng không còn lạ lẫm với những câu nói: "Rích bố cu" hay hoàn cảnh sáng tác "Vợ Nhặt". Thế nhưng, câu chuyện về một người ông, người cha, người thầy truyền cảm hứng cho thế hệ sau, cho con cháu trong nhà như tôi, có lẽ ít ai biết tới.
Ký ức của tôi về Hà Nội được lấp đầy bởi hình ảnh của ông nội - nhà văn Kim Lân, vì tôi là đứa cháu ở với ông từ khi mới sinh, và cũng ở cùng ông bà lâu nhất, tại số nhà 6 xóm Hạ Hồi. Ngồi với ông nội, uống nước chè, trò chuyện trong căn phòng nhỏ xíu, trong tiếng chim hót đã trở thành một thói quen từ khi tôi còn rất nhỏ, một trong những khoảng thời gian đáng nhớ nhất của tôi thời thơ ấu.
Lối nói chuyện của ông tôi vốn hóm hỉnh, xuề xòa, trẻ trung nhưng cũng rất uyên bác và hàm chứa nhiều kiến thức sâu xa, vi tế, dễ đi vào lòng người, và rất khó đi ra (cười). Sẽ càng bất ngờ hơn khi bạn biết, ông nội tôi chỉ học hết tiểu học vì gia cảnh không cho phép, nhưng ông là một hình mẫu cho việc không ngừng học tập, tôn trọng việc học và trau dồi kiến thức cả cuộc đời. Ông tôi cũng luôn đau đáu với việc truyền lại niềm đam mê, tình yêu với văn học, nghệ thuật cho các con, cháu và các thế hệ đi sau.
Ông nội tôi có 7 người con. Hai người đầu tiên là họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thành Chương đều phát lộ tài năng từ khi còn rất nhỏ. Trong những lần trà dư tửu hậu ở nhà Tưởng niệm của ông (Trần Khát Chân), bác Hiền tôi thường hồi tưởng về năm 6 tuổi, đi sơ tán ở Bắc Giang. Mỗi người họ vẽ một bức tranh về những cảnh trí, ký ức nơi ấy. Cả hai bức đều được ông tôi gửi đi dự triển lãm quốc tế và đều được giải thưởng. Tinh hoa nổi trội từ ngày còn nhỏ, nhưng không thể phủ nhận, thành công của họ có phần nhờ vào sự đầu tư, chăm chút rất kỹ lưỡng của ông nội tôi.
Từ khi các bác còn rất nhỏ, ông nội tôi đã cất công đưa họ đi "tầm sư học đạo". Các bác tôi được ông đưa tới nhà những họa sĩ bậc thày thời đó như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… được nghe họ chia sẻ những khái niệm, quan điểm về nghệ thuật. Tranh bác Hiền, bác Chương tôi vẽ, ông nội thường mang tới để cho các danh họa này nhận xét, hướng dẫn. Và tôi tin rằng, đây là một nền tảng tạo đà cho họ trên con đường nghệ thuật sau này.
Quãng thời gian sau đó, với các bác và bố tôi, ông làm công tác nơi xa bận rộn, ít có thời gian chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận, nhưng chưa khi nào quên hướng các con đến với tình yêu nghệ thuật. Năm bố tôi - con trai út trong gia đình quyết định thi trường Yết Kiêu (nay là ĐH Mỹ thuật Việt Nam), ông vẫn hướng dẫn những phương pháp cơ bản như cách đo đạc, dựng hình, rồi tìm mẫu vật bày cho con ôn luyện. Năm đó, bố tôi thi đỗ vào trường với điểm số rất cao và luôn giữ vững phong độ này trong suốt quá trình học tập. Tình yêu, niềm đam mê với hội họa cứ ngấm vào các con, cháu tự lúc nào không hay, chắc cũng vì thế mà ông Kim Lân có 7 người con thì tới 5 người là họa sĩ.
Đến thời các cháu như tôi, ông đã cao tuổi, khó lòng "dắt díu" đi học hỏi người tài như ngày còn trẻ. Chỉ có tôi may mắn được lĩnh hội nhiều điều, vì tuổi thơ gắn bó, gần gũi với ông. Ông thường nói, ông yêu tôi và luôn đánh giá tôi có thể viết, có thể cảm thụ được văn học. Có lần, ông còn dặn dò tôi: "Nghề vẽ, ít nhiều có thể học được về kỹ thuật. Học văn thì không, người theo nghiệp văn không được trời phú cho chút năng khiếu nào, chỉ học kỹ thuật thì khó mà viết hay được lắm!".
Những bài tập làm văn, cảm thụ văn học ở trường, tôi vẫn thường mang ra hỏi ông, hai ông cháu "đàm đạo" như hai người bạn bởi ông rất tôn trọng ý kiến của tôi hay bất cứ người con ruột, con dâu, cháu nào, dù ngày đó tôi mới là một đứa trẻ con.
Trong một lần trầm ngâm về "Vợ Nhặt", ông từng nói: "Có những phân tích của giáo viên bây giờ tuy không phải đúng ý ông nghĩ khi viết truyện, nhưng ngẫm lại thấy rất hay. Ví dụ như nhân vật 'thị' trong Vợ Nhặt, người ta phân tích là không có tên, họ như thể chẳng có danh phận, chỉ là một kiếp người, không phải là không có lý!".
Sau này, tuy có lần tôi lớ ngớ, làm bài thi thử còn sai luôn câu về tác phẩm của ông, ông cũng không mắng, chỉ cười. Những lần thi tiếp theo, vào đúng truyện ngắn của ông mình - nhà văn Kim Lân, tôi cũng đỡ áp lực, và đều làm tốt. Năm lớp 10, tôi thi đỗ vào lớp Chuyên Văn (D4) trường Chu Văn An. Ông tôi vui ra mặt, vì ông luôn sát sao dõi theo cô cháu gái và luôn muốn có người theo nghiệp viết lách. Dù rằng lúc nói vui, ông tôi hay bảo: "Lập thân tối hạ thị văn chương", nhưng tôi chắc chắn rằng, chưa một phút nào ông hối hận vì đã "lập thân" với nghề này.
Là người khiêm tốn, khoan hòa, ông tôi ít khi ra mặt, lên tiếng "đao to búa lớn", người ta lắm khi còn gọi ông "Kim...Lẩn" vì ngại va chạm. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi, vì yêu cháu, ông tôi đã đến tham gia một hoạt động ngoại khóa của lớp tôi, gặp gỡ trò chuyện với các bạn tôi, và tôi tin rằng, ấn tượng về ông vẫn còn rất đẹp trong ký ức của các bạn lớp Văn trường Bưởi ngày ấy. Ông tôi vốn vậy, tài năng nhưng không kiêu ngạo, được người ta tôn vinh nhưng chưa bao giờ xa cách, và rất yêu thương, gần gũi với thế hệ trẻ.
Sau này, dù đã có lúc không định theo nghề vì nghề này quả... cũng vất, nhưng đến cuối cùng, bản thân tôi cũng có thể coi là đã tập tành biết viết: viết sách, viết báo, viết đủ mọi thứ mỗi thứ một chút... Dòng đời đã đưa đẩy tôi, từ một cô sinh viên Ngoại ngữ, trở lại với nghề viết như một lẽ tự nhiên, như cách văn chương, nghệ thuật ngấm vào trong máu của những người gia đình tôi vậy.
Không chỉ dành nhiều thời gian hướng dẫn, đi cùng con cái trong suốt quá trình học tập, ông nội tôi cũng không bỏ lỡ một cơ hội nào để dạy con cái thông qua những chi tiết nhỏ trong cuộc sống.
Ông tôi là người ham chơi, nhưng chơi tinh tế, chơi đến cùng, từ chơi cây, hoa, tới chim, cá, đam mê văn chương, say mê hội họa, trân trọng điện ảnh, âm nhạc... Tôi còn nhớ ngày mình mới học cấp 1, cả nhà đã cùng ngồi xem Thuỷ Hử, Tam Quốc. Ông tôi và mọi người vừa xem vừa trò chuyện, giải thích những điển tích, điển cố trong đó. Có lần, cả gia đình cùng xem cảnh Võ Tòng được Thi Ân biệt đãi, nhưng trong lòng vẫn hoài nghi không biết con người đó là bạn hay là thù, tôi mới quay sang hỏi ông: "Ông ơi, canh cánh nghĩa là gì ạ?". Ông cười khà khoái trí, quay ra bảo mẹ tôi: "Con bé này khá, nó hỏi lỡm mình đây mà. Rõ là anh Võ Tòng này đang canh cánh nỗi lo trong lòng, đúng là từ dùng trong cảnh này đây!".
Nhà tôi có người bác mở cửa tiệm bán băng, nên lại càng được xem "no" phim từ nhỏ. Tôi lại nhớ có lần cả nhà ngồi xem "Đèn lồng đỏ treo cao". Ông tôi thích lắm, thích từ cấu tứ tới cách diễn xuất từ từng nhân vật, bà Ba, bà Tư… Đến phân cảnh quay ngôi nhà từ trên xuống dưới, u ám, tối tăm, ông tôi bảo: "Với góc quay này, nhìn những dãy nhà có khác nào tử huyệt, như mồ chôn thanh xuân của các cô gái hay không?". Và đó không phải lần duy nhất ông chia sẻ những góc nhìn điện ảnh đầy tinh tế với con cháu thông qua những chi tiết của đời sống thường nhật như thế. Những lần cùng xem, cùng trò chuyện, chia sẻ ấy đã dần ngấm vào tôi, vào các con cháu trong nhà, nên việc học trở nên tự nhiên như hơi thở, chứ chẳng giáo điều chút nào.
Nhớ nhất là lúc hai ông cháu cùng ngồi xem Lão Hạc. Ngày ấy, tôi còn nhỏ, nào có phân biệt được phim với thật, thấy ông mình mếu máo trên phim thì thương quá. Đã thế lúc Lão Hạc tự tử bằng bả chó, ông tôi còn trốn đi, sau mới chui từ trong phòng ra ú oà. Lúc ấy, đứa trẻ con là tôi cứ vừa khóc, vừa cười mãi thôi.
Mọi người hay kể về cái sự ông Kim Lân khéo chơi, tinh tế. Nhưng không phải ai cũng biết, ông tôi còn có "tai nhạc" rất sành. Không biết một tí tiếng Anh nào, nhưng ông tôi vẫn thích The Beatles, ABBA, Rolling Stones… Từ thời ấy, ông đã từng nghe nhạc từ một bộ dàn AKAI hiếm hoi ở Hà Nội. Sau này, bố tôi thừa hưởng gout âm nhạc, nhà tôi lúc nào cũng có tiếng nhạc. Âm nhạc giúp ích rất nhiều và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi sau này. Gia đình tôi hiện tại cũng có 1 cô em gái theo nghề nhạc. Bản thân tôi tuy không theo nghề nhưng cũng được học đàn từ nhỏ, và có thể nói đó là một "liều thuốc" cứu rỗi tâm hồn, ví như trong mùa dịch này chẳng hạn. Nghệ thuật giúp bạn bước vào một thế giới khác, thế giới nơi tâm hồn chúng ta được xoa dịu, không có dịch bệnh, đau khổ. Bạn cũng không cần phải tiếp xúc với ai cả (cười).
Về cuối đời, ông tôi bị hen nặng, ít đi chơi. Hai ông cháu vẫn còn ngồi nghe nhạc Kurt Cobain với nhau. Ông tôi ngồi xem một màn biểu diễn của Nirvana trên MTV và khen anh chàng ca sĩ đó lắm "bởi cả gương mặt lẫn chất nhạc đều thanh thoát, dù người ta nghĩ Rock là phải nặng, không phải!". Mà quả nhiên, Kurt có chất tự sự, nói là Rock thanh thoát tôi nghĩ rất đúng. Là vậy đó, ông tôi đến tận năm 80 tuổi, vẫn chưa bao giờ từ chối thử nghiệm cái mới, mở lòng với người trẻ, lớp văn nghệ sĩ đàn em đều phải công nhận điều này.
Ông Kim Lân cũng rất có "gu ăn diện", có thể nói là điệu. Đi quay phim, chụp ảnh, áo gì quần gì phải mix với màu gì "ton sur ton" không chệch. Quần áo phụ kiện ông mua, chọn cho tôi từ khi còn nhỏ chỉ có "từ đẹp trở lên" (theo lời mẹ tôi - cười): mũ lông thỏ, giày mua hàng si-đa, nhưng chọn kiểu Mỹ, rất ngầu, như dáng Dr Marten bây giờ, mà ngày đó nào ai biết đó là gì? Đến con búp bê ông mua cho tôi ngày đó, đến giờ trông vẫn rất "chơi", và vẫn giữ mãi đến tận bây giờ, trong số hàng chục con búp bê mà tôi được tặng. Cô búp bê đó tóc nâu xù màu đỏ, mắt xanh lá cây, mặt có tàn nhang, mặc áo cape dạ đen đáp da, đi boots đỏ. Bây giờ mà có cô nào ăn vận như vậy, tôi nghĩ vẫn rất sành điệu.
Mẹ tôi cũng là một họa sĩ, mẹ thường thích chọn đồ theo phong cách khỏe khoắn: Quần jeans, áo da bó…, ông tôi ưng lắm và thường khen mẹ tôi giống các nữ sát thủ trong phim Hollywood, rất ấn tượng, rất khí chất chứ không phải một vẻ đẹp giống ai, dễ nhớ, dễ quên.
Gặp ngoài đời, ai cũng dễ nhớ nụ cười rất xuề xoà, hiền hậu, dễ tính của ông nội tôi. Nhưng riêng trong văn học, nghệ thuật, ông rất kỹ tính, có thể nói là khắt khe. Với ông, việc viết văn là không được cẩu thả, vì sự dễ dãi với bản thân là dễ dãi với bạn đọc. Dễ dãi với văn chương, nghệ thuật, bắt chước, trở thành "cái bóng" của người khác là điều ông không bao giờ làm. "Viết văn, làm nghệ thuật là một quá trình gian khổ, công phu. Anh phải học kỹ thuật cho tốt, nhưng sau đó phải vượt lên để sáng tạo, có như vậy mới có thể trở thành một người nghệ sĩ", đó là điều ông luôn dặn dò các thành viên trong gia đình.
Ông tôi viết ít, công bố tác phẩm cũng không nhiều nhưng thực ra đến cuối đời, ông vẫn tiếp tục viết, miệt mài làm việc trên căn gác xép riêng. Nhưng một khi tác phẩm chưa chỉn chu, thành hình, còn dang dở, ông tuyệt nhiên không công bố, thậm chí không cho bất cứ ai đọc dù là vô tình hay hữu ý. Có lần tôi mó máy đụng vào tủ sách, chỉ định lấy truyện ra đọc, rồi lỡ tay tìm thấy bản thảo của ông, mà ông giận luôn, kiên quyết đòi về không cho tôi đọc tiếp.
Thái độ nghiêm túc, sự nghiêm khắc với bản thân, có trách nhiệm với người xung quanh - Đó là điều tôi đã học được từ ông, và vẫn cố gắng áp dụng cho bản thân, trong mọi công việc mà mình từng làm qua dù đó là một việc nhỏ nhặt nhất.
Một điều nữa ông luôn tâm niệm khi làm người, làm nghề, ấy là: "Vô cầu, phẩm tự cao". Khi không mưu cầu, ham muốn, không cầu cạnh người khác cái gì, thì phẩm giá của mình tự khắc sẽ cao. Vì vậy, cả đời ông tôi có thể nói rất thanh sạch, chỉ nhường cho người khác chứ không chịu tranh giành gì. Ông tôi thậm chí còn từng nhường cho người ta một suất nhà được cơ quan phân cho. Sống ở ngõ Hạ Hồi hàng chục năm, nhưng người ta tuyệt nhiên không bao giờ thấy ông to tiếng với hàng xóm, láng giềng, không sân si, so bì với ai. Tinh thần "vô cầu" này, con cháu trong nhà ai cũng mong học theo, nhưng cá nhân tôi tự thấy chưa ai với được tới một cách trọn vẹn.
Tử tế, tài năng, lại vô cầu, chuyện ông Kim Lân ham chơi, đông bạn, chắc chắn ai cũng biết. Và là một nhà văn, ông tôi luôn tôn trọng con người, yêu thương mọi người. Ông tôi (và tôi nghĩ cả gia đình tôi) hầu như ai cũng tốt bạn, tiền bạc không giàu, nhưng dứt khoát là giàu tình bạn. Từ khi tôi còn nhỏ, ngôi nhà ở Hạ Hồi lúc nào cũng đông bạn bè, rộn tiếng cười, khi là cuộc rượu, lúc bày trò chơi. Có lúc là bạn văn của ông, rồi bạn họa sĩ của các bác của bố tôi, ông cũng tiếp như bạn mình. Họ đến, tạo ra một bầu không khí văn chương, nghệ thuật, một bầu không khí vui vẻ, ngập tràn tình người và nụ cười. Đó là những ký ức lấp lánh như nắng trưa hè về người ông, người thày, người truyền cảm hứng đặc biệt, còn ảnh hưởng đến tôi rất nhiều sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.