Chuyện chưa kể về những người thầm lặng phía sau hàng rào cách ly ở ổ dịch Bệnh viện K
Chuyện chưa kể về những người thầm lặng phía sau hàng rào cách ly ở ổ dịch Bệnh viện K
Hôm nay, đúng tròn 10 ngày Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Hà Nội, phải phong toả, cách ly sau khi nơi đây phát hiện chùm ca bệnh Covid-19. Xung quanh khu vực bệnh viện, các cửa hàng tạm thời đóng cửa. Lực lượng chức năng căng dây tạm thời phong toả, tiến hành truy vết không để nguồn lây chéo xuất hiện ngoài bệnh viện.
Khoảng 3.000 người trong đó có nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân hiện đang phải cách ly trong bệnh viện. Ai nấy đều nóng lòng mong mỏi sẽ không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng tại bệnh viện này. Những người bệnh đang điều trị sẽ sớm được quay trở lại viện, được trở về nhà…
Có mặt bên ngoài bệnh viện những ngày này, nhiều người mới thấu hiểu nỗi vất vả thầm lặng của những con người ngày ngày đứng sau hàng rào phong toả với trọng trách không để dịch bệnh lây lan. Những con người ấy thường xuyên tiếp xúc với những người đang cách ly nên họ hiểu hơn ai hết những nguy cơ mà mình phải đối mặt.
Ngồi chốt chặn bên ngoài hàng rào cách ly, bà Trịnh Thị Thanh Huyền (nhân viên y tế phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) cho biết, ngay sau khi nhận thông tin bệnh viện K Tân Triều cách ly y tế, đội ngũ nhân viên y tế phường đã nhận công việc túc trực tại đây suốt những ngày qua.
Theo bà Huyền, ngoài việc chốt chặn, lực lượng y tế phường tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tất cả những người liên quan, hỗ trợ cơ quan y tế sớm truy vết ca bệnh.
"Nếu nói có sợ lây nhiễm hay không, chúng tôi khẳng định là có. Tuy nhiên, mình lo lắng bao nhiêu thì mình càng tự biết cách bảo vệ mình. Đó cũng chính là cách mình bảo vệ người thân, cộng đồng trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Không chỉ riêng đội ngũ y tế phường Kiến Hưng mà cả nước đều đang làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và làm việc không có ngày nghỉ. Chúng tôi tự không cho phép mình được nghỉ, không cho phép mình lùi bước, luôn sẵn sàng chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh", bà Huyền chia sẻ.
Hạn chế, không dám gặp người thân sau những giờ tan ca
Cùng quyết tâm như bà Hường, ông Nguyễn Thanh Hà (66 tuổi, bảo vệ tổ dân phố phường Kiến Hưng) kể, mỗi ngày, các thành viên trong tổ dân phố sẽ trực 1 ca kéo dài 8 tiếng.
"Chúng tôi ở đây được hỗ trợ tinh thần rất nhiều. Ngoài ra, nước uống hay cơm đều được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên do tính chất công việc cần linh hoạt nên bữa trưa có thể ăn từ 10h có ngày lại là 12h thậm chí 13h.
Dịch bệnh không ai mong muốn mắc nhưng chúng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để bảo vệ cộng đồng. Gia đình, người thân ai cũng lo lắng nhưng vì công việc mọi người đều ủng hộ và dặn dò chúng tôi cần an toàn", ông Hà chia sẻ.
Mấy ngày vừa qua, thời tiết Hà Nội oi nóng. Thế nhưng, tất cả lực lượng đều nâng cao quyết tâm phòng chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Thế Linh (tổ Quản lý Đô thị phường Kiến Hưng) chia sẻ, từ ngày 7/5, Bệnh viện K Tân Triều bị phong toả, tổ Quản lý chia nhân lực thay nhau túc trực 3 ca mỗi ngày để đảm bảo công tác phòng chống dịch tại đây.
"Nhiều bữa có những người không muốn ăn, có thể chỉ uống cốc nước vì thấm mệt, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành công việc của mình. 10 ngày nay, thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi chỉ thấy công việc của mình không thể nào áp lực, vất vả như đội ngũ y bác sĩ được", ông Linh nói.
Khi kể về gia đình, ông Linh xúc động bày tỏ: "Những ngày này dù nhớ nhà nhưng để bảo vệ người thân, cộng đồng, tôi cùng các anh em chỉ về nhà tắm rồi nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với vợ con. Mọi người trong gia đình cũng ủng hộ việc làm của mình. Bên cạnh đó, sự động viên quan tâm của lãnh đạo phường, quận và thành phố làm chúng tôi cũng ấm lòng quyết tâm góp tâm sức trong công cuộc phòng chống dịch bệnh".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.