Chuyên gia nói về "bằng đại học vô dụng" và "học đại học cũng đi làm thuê cho người không bằng"
Chuyên gia nói về "bằng đại học vô dụng" và "học đại học cũng đi làm thuê cho người không bằng"
Tào Nga
Thứ bảy, ngày 01/04/2023 10:28 AM (GMT+7)
Trước phát biểu về những tấm bằng vô dụng và học đại học cũng đi làm thuê cho người khác, chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho rằng trong đó cũng có một phần sự thật nhưng chưa phù hợp.
Gần đây có một số ý kiến cho rằng tấm bằng đại học là vô dụng. Cụ thể, một Tiktoker nêu ra bốn tấm bằng vô dụng nhất Việt Nam là Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, và Quản trị nhân sự. Một diễn giả chủ đề khởi nghiệp cũng vừa làm "thức tỉnh" sinh viên một trường đại học khi phát biểu rằng "học đại học ra rồi cũng đi làm thuê cho những người không có bằng đại học".
Vậy tấm bằng đại học có giá trị như thế nào trong xã hội ngày nay? Khi nào thì bằng đại học trở nên vô dụng? Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên chia sẻ: "Các em học sinh, sinh viên nên nhìn nhận đa chiều từ những quan điểm trên, thay vì hoang mang".
Bằng đại học trở nên vô dụng khi nào?
Theo Chuyên gia Khánh Nguyên, bằng đại học vô dụng khi chủ nhân của nó không có mục tiêu. Khi một thanh niên đặt mục tiêu chính là kiếm tiền, thì bằng đại học có thể hoặc không thể trở thành phương tiện đồng hành được. Đào tạo đại học nhằm nâng cao tư duy, nhận thức và năng lực chuyên môn trong một chuyên ngành cụ thể để có thể sử dụng cho một hoặc một số nghề nghiệp nhất định. Tùy từng trường, từng ngành, từng phong cách của các nền giáo dục khác nhau mà đào tạo bậc đại học (cử nhân) mang tính khai phóng (học rộng) hay gắn với đào tạo nghề (học chuyên sâu). Nhưng có một điều chắc chắn, nếu người học không biết rõ mục tiêu của mình là gì trong đời thì tấm bằng đại học có thể trở nên vô dụng.
Bằng đại học vô dụng khi mục tiêu chính yếu và duy nhất của người trẻ là kiếm tiền. Bằng đại học không phải là "chứng chỉ kiếm tiền" mà cho chúng ta một chỗ đứng nhất định trên thị trường lao động. Nếu bạn có học đại học ngành quản trị kinh doanh, có thể bạn sẽ sử dụng được một số thứ của học đại học như chiến lược cạnh tranh, quản lý dòng tiền, làm marketing - truyền thông, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp… để có thể phát triển thành nhà hàng lớn, chuỗi nhà hàng...
Bằng đại học có thể vô dụng khi bạn chỉ muốn khởi nghiệp. Khi bạn có định hướng khởi nghiệp, nên chọn những chương trình học hay cách thức học thực dụng hơn hỗ trợ cho định hướng khởi nghiệp. Ngay trong nhóm ngành kinh tế, kinh doanh, vẫn có chuyên ngành hẹp về Entrepreneurship hỗ trợ cho những người muốn khởi nghiệp.
Bằng đại học vô dụng khi con người và bằng cấp bất tương xứng. Đó có thể là tình huống bạn có bằng cấp cao, bằng của trường lớn, bằng giỏi nhưng năng lực trên thực tế của bạn không tương xứng. Điều này vẫn thường xảy ra vì không ít sinh viên học giỏi lý thuyết nhưng kém hơn về thực hành mà thành tích học thuật ở trường đại học vẫn cao.
Bằng đại học vô dụng khi chúng ta không hành động. Người cầm bằng đại học có cơ hội lớn để thay đổi cuộc đời mình cũng như thay đổi xã hội, vì họ có năng lực tư duy ở trình độ cao, và có khả năng chuyên môn nhất định. Một cá nhân có bằng đại học hay một thế hệ được đào tạo tới trình độ đại học mà lại lựa chọn không hành động, thì sẽ không có thay đổi tích cực nào diễn ra cả. Khi người trẻ không hành động thì tấm bằng đại học trong tay chỉ có ý nghĩa trang trí.
Bằng đại học vô dụng khi bạn chọn nhầm trường đại học. Học đại học khác học phổ thông. Khi chọn sai, sẽ làm lãng phí nguồn lực đầu tư cho 3-4 năm học đại học, bao gồm thời gian, công sức, tiền bạc, và các chi phí cơ hội kèm theo. Cũng có một số trường hợp bạn không tìm hiểu kỹ và chọn phải các "diploma mill" (xưởng bằng cấp), là các trường đại học (cả ở trong và ngoài nước) đào tạo kém cỏi, chất lượng giáo dục tệ hại và tất cả những gì trường cần là học phí của bạn.
Bằng đại học vô dụng khi chúng ta thiếu tư duy phản biện đúng đắn. Một cách thức kiểm tra tư duy đơn giản là một người có khả năng nhìn sự việc ở hai chiều không, rồi cao hơn là đa chiều. Nếu chỉ có khả năng nhìn ra một mặt của một đồng xu thì không thể nói đó là người có tư duy phản biện, hay người có tư duy logic. Những ví dụ như sau là tư duy một chiều: Học đại học ra phải đi làm thuê là kém cỏi; Không cần học đại học vẫn có thể làm giàu do vậy học đại học là vô nghĩa; Học đại học ra lương thấp thà không học… Người có tư duy đúng đắn sẽ nhìn ra nhiều chiều của sự việc, thay vì nhìn thấy toàn ưu điểm hay toàn khuyết điểm của một lựa chọn, sự vật hay hiện tượng khách quan.
Làm chủ hay làm thuê đều có thành công và thất bại
Trở lại sự việc một bạn trẻ nêu ra 4 ngành được coi là vô dụng nhất tại Việt Nam hiện nay là Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, chuyên gia Khánh Nguyên cho rằng: "Các bạn có quyền nói ra điều đó, và trong đó cũng có một phần sự thật, nhưng bạn nói trong bối cảnh tư vấn cho các em học sinh phổ thông đang chọn trường, chọn nghề là không phù hợp, và bạn cũng chưa giải thích đủ thấu đáo nhận định của bạn cho các em.
Nếu bạn trẻ vẫn còn băn khoăn hay bị ám ảnh bởi các nhận định "học đại học ra cũng đi làm thuê thì đừng mất công học làm gì", thì tôi khuyên bạn nên dùng tư duy của chính mình để phản biện những gì bạn nghe thấy, nhìn thấy. Vì bạn đã trên 18 tuổi rồi, bạn cần có tư duy của chính mình thay vì cho rằng mình là nạn nhân của truyền thông, bị các nội dung độc hại dẫn dắt.
Các bạn nên nhớ rằng làm chủ hay làm thuê đều có thành công và thất bại, đều có vinh quang và áp lực kèm theo. Và ở mỗi một thời điểm khác nhau, chúng ta lại có những lựa chọn làm thuê hay làm chủ. Hơn nữa, xã hội ngày nay đều khuyến khích mọi người làm chủ theo những cách khác nhau chứ không phải chỉ là khởi nghiệp. Các lựa chọn đó bao gồm nhiều hình thức đầu tư như mua cổ phiếu công ty, góp vốn kinh doanh, sở hữu và quản lý tài sản, tạo thu nhập thụ động… Do vậy, hãy nhìn thoáng ra và tích cực hơn về chuyện học hay không học đại học".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.