Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Có nhiều khi, không đủ thời gian để tôi làm chương trình nên tôi đành phải vận động cứu giúp các nhân vật của mình ngay qua facebook hay bằng cách gọi điện thoại. Bởi tính mạng của họ không chờ nổi đến khi chúng tôi làm xong chương trình để phát sóng theo định kì 15 ngày/lần", nhà báo Tạ Hoài Phương chia sẻ với Dân Việt Trò Chuyện.
Hơn 10 năm trước, tôi gặp nhà báo Tạ Hoài Phương (Đài PTTH Cao Bằng) trong một khóa tập huấn cho các nhà báo tỉnh và trung ương đang hoạt động tại Cao Bằng, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và tôi là giảng viên. Người đàn bà Tày miền Trùng Khánh nhỏ nhẹ ấy, không ngờ, sau này khiến không ít phóng viên "Trung ương" chúng tôi phải học hỏi quá nhiều điều. Ít ra là chuyên mục "Thắp sáng niềm tin" của chị làm thổn thức lòng người không chỉ ở Cao Bằng, với số tiền liên tiếp các nhà hảo tâm gửi về trị giá nhiều tỷ đồng, giúp đỡ hơn 300 số phận tận cùng đau khổ.
Đấy là chưa kể hàng trăm số phận khác được chị Phương bằng uy tín cá nhân đã cứu giúp và vận động giúp đỡ họ thay đổi số phận. Có nhân vật, sau khi lên sóng trên chuyên mục "Thắp sáng niềm tin", đã được khán giả gửi trực tiếp giúp đỡ tới gần 500 triệu đồng; có nhân vật nằm trong phòng mổ, không có ai là người nhà bệnh nhân, chỉ mình chị Hoài Phương trực chờ ngoài cửa suốt 10 tiếng đồng hồ.
Có "sơn nữ mặt quỷ" với khối u khổng lồ nhất Việt Nam trên mặt được chữa trị căn bệnh chưa từng có trong y văn Việt Nam, với 10 Giáo sư, Tiến sĩ của BV Việt Đức và Răng Hàm mặt Trung ương thực hiện, khiến cả trăm nhà báo Hà Nội phải tham dự cuộc họp báo về sự kiện này sau đó.
Sau khi "tìm lại gương mặt" (cũng là tên phim của nhà báo Hoài Phương), bà cụ người Dao Triệu Mùi Chài nghẹn ngào tâm sự: "Cô Phương và các bác sĩ đã sinh ra tôi một lần nữa". Phim "Tìm lại gương mặt người" đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình Toàn quốc năm 2016, bộ phim mà chị viết kịch bản, làm đạo diễn, dẫn hiện trường và con trai chị quay phim.
Chị cũng là một trong ba đại biểu của tỉnh Cao Bằng được trân trọng mời đi dự "Lễ tuyên dương Điển hình tiên tiến Toàn quốc" năm 2017.
Chị đến với nghề báo hình như là rất đặc biệt?
- Nhà báo Tạ Hoài Phương: Tôi vào làm ở Đài Phát thanh Truyền hình (PTTH) Cao Bằng năm 1990, với tư cách là một phát thanh viên. Lúc đó tôi 20 tuổi, vừa tốt nghiệp lớp 12 được khoảng 2 năm. Có một anh làm ở đài tỉnh hay đi qua nhà tôi, một hôm anh bảo: Phương ơi, Đài anh tuyển phát thanh viên, mà đài anh chuẩn bị có cái "truyền hình" (truyền hình đen trắng) đấy.
Thế là tôi đi thi tuyển, chú giám đốc bảo vào đọc thử và ghi hình rồi gửi hình xuống Đài Truyền hình Việt Nam, chứ không phải đài trên này tự chấm đâu. Gần 300 người ở Cao Bằng đến thi tuyển, sau một thời gian thì có danh sách 3 người đi làm.
Ngày ấy vất vả lắm, làm phát thanh viên được mấy năm thì tôi đi theo các anh chị phóng viên. Tôi là người thích đi, thích khám phá, nhất là đi đến vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng đồng bào dân tộc ít người. Trước thiên nhiên và trước họ, tôi thấy hạnh phúc với rất nhiều cảm xúc. Tôi cứ leo đồi, leo núi mê mải. Đến khoảng năm 2003, tôi chuyển sang làm phóng viên. Sau đó tôi đi học và có bằng cử nhân báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Từ khi nào chị bắt đầu "chuyên tâm" làm từ thiện, để rồi người ta cứ thấy ai cần giúp đỡ là gọi chị như lâu nay?
- Đó cũng là cái duyên. Và tôi thấy những công việc ấy tuy vất vả, nhưng rất hợp với tôi, khiến tôi thấy mình ít nhiều hữu ích cho Đời.
Lúc Đài mới mở chuyên mục "Thắp sáng niềm tin", 2 chương trình đầu là người khác làm. Sau đó tôi cũng không nhớ tại sao duyên lại đến. Đại ý là tôi cũng phát hiện ra những trường hợp khó khăn, tôi về nói với anh phụ trách chương trình rằng em có trường hợp này cũng thấy thương lắm, thì anh bảo tôi làm luôn đi. Tôi làm thử, chương trình đầu tiên hiệu quả không ngờ: Sau khi phát sóng, có rất nhiều khán giả quan tâm và đến Đài ủng hộ tiền bạc, quà cáp.
Dần dần cứ phát hiện trường hợp nào là tôi lại làm, lần nào cũng hiệu quả. Thế rồi các anh chị giao luôn cho tôi phụ trách chương trình. Chương trình mỗi năm 24 số, bây giờ cũng được hơn 13 năm, với gần 400 nhân vật. Chúng tôi hướng tới những người thiệt thòi, tận cùng đau khổ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hoặc người xuất thân từ Cao Bằng đang học tập làm việc ở nơi khác; nhưng phải tìm ra một ngọn lửa nào đó để "thắp sáng niềm tin" về một cuộc sống nhân văn tốt đẹp hơn cho họ.
Mùa đông đến là tôi cùng một nhóm thiện nguyện của tỉnh đi dọc các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, đem quần áo ấm cho học sinh. Nhiều người biết tôi, các đoàn ở ngoại tỉnh cũng nhờ tôi kết nối, như thế họ sẽ không phải lên Cao Bằng tiền trạm nữa.
Chị đi tìm nhân vật hay nhân vật đi tìm chị? Và hai bên tìm thấy nhau bằng cách nào?
- Có những người thường xuyên xem tivi và nhớ tôi, họ quen với chương trình này của tôi rồi - đặc biệt là những cô giáo vùng sâu vùng xa, các chiến sỹ biên phòng nơi biên ải. Khi họ đi đâu đó mà gặp những người cần giúp đỡ thì họ lại thông tin cho tôi.
Ví dụ, trường hợp "sơn nữ mặt quỷ" Triệu Mùi Chài (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) được tài trợ 450 triệu đồng và phẫu thuật bỏ khối u lớn nhất Việt Nam trên mặt để "Tìm lại gương mặt người" là người ta thông tin cho tôi: Ở xóm đó có một người đàn bà có khối u rất to, không chữa ngay thì bà ấy chết mất. Họ chụp ảnh, gửi thông tin cho tôi.
Sau đó, tôi tìm đến bà và quyết định làm chương trình để kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bà. Bà Chài cũng là nhân vật được biết đến với nhiều ấn tượng đặc biệt. Tất cả những lần bà Chài xuống Hà Nội từ trước đến nay đều do tôi trực tiếp đưa bà đi. Mỗi lần đi phải lội bộ vào bản của bà - nơi cách trung tâm thành phố 70km. Vào đón bà rồi quay lại thành phố Cao Bằng là 140km đường rừng; rồi mới vượt 300km về Hà Nội. Từ khi vào phòng mổ đến khi đưa bà ra là 10 tiếng. Hơn 1 tiếng sau thì bà tỉnh. Cả quãng thời gian ấy tôi đều có mặt, tôi cũng là người theo bác sĩ đưa bà ra phòng hậu phẫu và trực ở đó…
Bộ phim của tôi về bà Triệu Mùi Chài được Huy chương vàng liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2016. Có lẽ do nhân vật lạ, và do quá công phu - tôi đã mất tròn 1 năm đi theo nhân vật từ đầu đến cuối, và thứ 3 là "giải quyết" được khối u khổng lồ trên mặt cho "sơn nữ mặt quỷ", trả lại "gương mặt người" cho bà.
Chắc chắn, nếu không có chương trình thì những "nhân vật" kia sẽ không sống nổi. Rất nhiều khi, không đủ thời gian để tôi làm chương trình nên tôi đành phải vận động cứu giúp các nhân vật của mình ngay qua facebook hay bằng cách gọi điện thoại. Bởi tính mạng của họ không chờ nổi đến khi chúng tôi làm xong chương trình để phát sóng định kì 15 ngày/lần.
Câu chuyện xúc động về hoàn cảnh của bé Hoàng Thị Mũ (ở Bảo Lâm, Cao Bằng) được rất nhiều người nhắc tới. Chị có thể chia sẻ thêm về câu chuyện đặc biệt của bé Mũ?
- Bé Hoàng Thị Mũ hoàn cảnh rất đặc biệt. Lũ cuốn trôi mẹ của bé, bố suốt ngày say rượu không quan tâm gì đến con cái. Mũ có 3 chị em, hàng ngày Mũ cõng em đi học, còn ở trong lớp là một tay bế em, một tay viết bài. Các cảnh quay ấn tượng lắm, sau khi phát sóng, phong trào giúp đỡ cháu từ Cao Bằng lan mãi xuống Trung ương. Thực ra số tiền mà nhân vật ấy nhận được tôi không biết là bao nhiêu. Vì nhiều nhà hảo tâm, nhiều báo (báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt khi ấy cũng thực hiện phóng sự ảnh về bé Mũ, qua đó kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ được gần 1 tỷ đồng cho bé cũng như xây lại ngôi trường khang trang nơi bé Mũ đang học tập – NV) cũng trực tiếp vào đó viết bài để kêu gọi các nhà hảo tâm giúp các cháu.
Ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng hiện nay hiện cũng có một em mồ côi mẹ sống nhờ vào bà cụ 80 tuổi. Họ ở trên núi cao và nghèo ngoài sức tưởng tượng. Các cô giáo cắm bản thông tin cho tôi. Cháu tên là Hoàng Thị Thơ. Khi tôi quyết định đi làm chương trình để vận động ủng hộ cho Thơ thì bố cháu đang ốm.Ngày tôi vào bản, vừa đến đầu núi, hỏi thăm đường, thì một người dân nói bố cháu vừa mất.
Leo núi thêm khoảng một tiếng đồng hồ nữa, chợt thấy trong tán rừng có một bà cụ đang mót củ nghệ ở đám nương. Lúc ấy có người dân đi xuống, chúng tôi hỏi thăm nhà em Thơ, họ chỉ ngay sang tán rừng: "Kia là bà em Thơ đấy". Đi được một đoạn thì gặp đoàn đi hạ cây gạo, xẻ gỗ làm áo quan cũng về qua. Chúng tôi bèn quay tất cả những hình ảnh ấy.
Đến nơi thì thấy một cái nhà giống như lều vịt, xiêu vẹo, vắng hoe. Giờ hình dung lại cảnh đó thấy đau lòng vô cùng. Tôi nhìn vào nhà nhá nhem tối, thì thấy Thơ ngồi đó, bên cạnh cháu là thi thể cha của cháu... Thơ hồi đó mới học lớp 3-4 thôi. Tôi vào hỏi Thơ sao cháu lại ngồi thế? Cháu bảo để canh không cho con gà vào ăn bát cơm, quả trứng...
Chương trình được phát sóng, hoàn cảnh cháu Thơ được nhiều người ủng hộ lắm. Tôi cùng chị Hoàng Thị Bình, lúc ấy là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh, làm sổ tiết kiệm cho cháu. Một thời gian sau cháu được đưa ra Trung tâm bảo trợ xã hội, nhà nước nuôi ăn học đến năm 18 tuổi.
Nhà báo Tạ Hoài Phương nói tiếp:
- Có nhiều trường hợp tôi đứng tên làm sổ tiết kiệm cho họ, như bà Triệu Mùi Chài ("Sơn nữ mặt quỷ") là tôi đang đứng tên một sổ vài chục triệu đồng. Có một cháu bị liệt, tôi cũng đứng tên làm sổ. Phải có tôi ký thì mới lấy được tiền ra. Tôi và cán bộ địa phương phải làm thế, bởi xung quanh các nhân vật nghèo khổ luôn có những người họ hàng chẳng khấm khá gì.
Mình tin họ, nhưng thực tế đã diễn ra, nhiều "người thân" đã lợi dụng lấy mất tiền từ thiện. Mà mình trao tiền mặt thì các cháu nhỏ làm sao biết tiêu và làm sao giữ nổi. Chúng tôi mất công sức để vận động, các nhà hảo tâm đã rất tin tưởng ủng hộ thì tôi muốn số tiền ấy phải chi tiêu làm sao cho đúng và hiệu quả nhất.
Thường thì bà con gửi tiền ủng hộ, chị quản lý thế nào cho minh bạch?
- Trước đây chưa có hệ thống chuyển tiền trên điện thoại, internet, nhiều người đến Đài gửi tiền, có bộ phận nhận tiền, lập sổ ghi chép. Có khi có khán giả đứng ra "gom tiền" và quà mang lên Đài. Người không lên Đài được, nhất là các chị ở chợ, thì lại gọi: Phương ơi hôm qua chị xem chương trình xúc động quá, chị vận động chị em ở chợ, có danh sách người ủng hộ rồi… Thế là tôi ra chợ nhận. Bất kỳ ai, kể cả chỉ ủng hộ 20.000, 50.000 đồng tôi cũng nhận chu đáo và cảm ơn chu đáo.
Vì có những người cũng khổ lắm, cũng nghèo lắm nhưng xem/thấy nhân vật của mình trên tivi là người ta thương, thế là bớt tiền để ủng hộ. Có những bà đi thu mua sắt vụn, đạp xe lên Đài ủng hộ 50.000 đồng cho nhân vật của tôi.
Tôi ghi chép đầy đủ, đến chương trình sau là đọc một loạt danh sách ủng hộ - với họ tên, địa chỉ, số tiền rất đầy đủ. Không để sót một trường hợp nào dù là ít hay nhiều. Những người ít tiền nhất tôi đưa lên đầu danh sách, để họ thấy/hiểu rõ mình luôn trân trọng đồng tiền của họ, trân trọng tình cảm của họ.
(Còn nữa)
Đông đảo trẻ em nghèo ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Cao Bằng là do Hoài Phương gửi về. Liên tục vận động, quà và tiền giúp đỡ các mảnh đời bên bờ tuyệt vọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.