Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 1.

Có vẻ như năm 2023 thật đặc biệt với ông khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện TƯQĐ 108), thăng hàm lên Thiếu tướng, và đến đầu tháng 12 ông lại nhận được quyết định bổ nhiệm Giáo sư của Đại học Tübingen, CHLB Đức. Tôi nghĩ đó đều là những sự kiện vô cùng lớn đối với một cá nhân?

- Năm 2023 là một năm có rất nhiều sự kiện đối với Bệnh viện TƯQĐ 108 cũng như cá nhân tôi. Đối với bệnh viện, đây là một năm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Là năm đầu tiên khám được hơn 1.118.000 bệnh nhân và thu dung 99.000 bệnh nhân, phẫu thuật hơn 41.000 bệnh nhân, cấp cứu hơn 30.000 bệnh nhân - đây đều là kỷ lục về số liệu thu dung, khám bệnh, điều trị trong suốt 73 năm lịch sử của bệnh viện. Đây cũng là năm chuyển giao vị trí Giám đốc, đồng thời bổ nhiệm 3 Phó Giám đốc.

Đối với cá nhân tôi, được sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 23/9/2023, tôi được bổ nhiệm chính thức làm Giám đốc bệnh viện. Đến 26/11/2023 tôi được phong thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng. Đầu tháng 12/2023, Đại học Tübingen bổ nhiệm tôi làm giáo sư đại học.

Về chức vụ lãnh đạo, đó là nhiệm vụ rất nặng nề bởi Bệnh viện TƯQĐ 108 có một vị thế, vai trò vô cùng đặc biệt. Vì thế khi nhận nhiệm vụ, tôi có cảm giác vừa vui sướng, phấn khởi nhưng lại vô cùng lo lắng trước sứ mệnh, trước nhiệm vụ nặng nề, tuy nhiên tôi nghĩ mình phải cố gắng phấn đấu. Bệnh viện chăm sóc, điều trị từ cán bộ cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước cho đến các đối tượng là bệnh nhân bảo hiểm y tế. Trung bình hàng ngày chúng tôi thăm khám cho 5.000 - 6.000 bệnh nhân ngoại trú và điều trị cho khoảng 1.800 bệnh nhân nội trú.

Đối với việc được thăng hàm Thiếu tướng, đó là một vinh dự cho chính bệnh viện, nâng vị thế của bệnh viện, có một người lãnh đạo có quân hàm cấp tướng. Điều đó cũng là sự vinh dự, vui mừng cho gia đình, họ hàng, cho bạn bè và cá nhân tôi.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 2.

Còn việc thứ ba: Năm 2001 khi lần đầu tiên đặt chân tới Đại học Tübingen, tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ trở thành một thành phần, một bộ phận của trường đại học. Cảm xúc của tôi rất lẫn lộn, rất vui mừng, rất tự hào nhưng cũng rất lo lắng để xứng đáng là một thành viên, giáo sư của trường. Bởi bổ nhiệm giáo sư của Đại học Tübingen khác với truyền thống ở Việt Nam. Tức là bổ nhiệm giáo sư là một chức vụ, chức vụ trong nghiên cứu huấn luyện đào tạo. Đó là nhiệm vụ, chứ không chỉ là vinh dự. Điều đó cũng giống như việc bổ nhiệm vị trí Giám đốc bệnh viện vậy, anh bắt buộc phải làm việc ở đó một quỹ thời gian nhất định, giải quyết một khối lượng công việc nhất định tại trường.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 3.

Trở thành Giáo sư của một trong 3 trường đại học lâu đời nhất của Đức, được quốc tế ghi nhận trong ngành y học, khoa học tự nhiên và nhân văn, chắc hẳn ông đã phải mất nhiều năm cố gắng không ngừng. Ông đã nỗ lực như thế nào để có được học hàm danh giá như vậy?

- Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y năm 1994, tôi được phân công công tác tại Bệnh viện Quân y 108, làm việc tại khoa truyền nhiễm. Công tác được 7 năm, tháng 4/2001 tôi nhận được học bổng của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (viết tắt là DAAD), cho tôi đi học tại Đại học Tübingen, Đức. Tôi đưa mẫu bệnh phẩm từ Việt Nam sang Đức làm nghiên cứu và dự định sẽ bảo vệ tiến sĩ ở Việt Nam. Nhưng sang bên đó giáo sư hướng dẫn đã tin tưởng, nhận tôi ở lại, tiếp tục để bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Tübingen vào tháng 2/2004.

Ngay từ 2003, các giáo sư đã tin tưởng và yêu cầu tôi giới thiệu các học sinh sang Đức để làm nghiên cứu sinh. Tôi đã giới thiệu một người bạn đang công tác tại Học viện Quân y. Hiện nay anh là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lĩnh Toàn, Trưởng phòng đào tạo Sau đại học của Học viện Quân y. Từ năm 2003, sau khi Bs Toàn sang bên đó, tôi đã liên tục kết nối và tạo được một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Việt Nam, đặc biệt là ở Bệnh viện 108, Học viện Quân y với Đại học Tübingen. Từ đó đến nay tôi đã giới thiệu được 10 bác sĩ, nhà khoa học sang nghiên cứu và bảo vệ thành công tiến sĩ ở bên đó. Hiện nay đang có 8 nghiên cứu sinh của cả nước đang làm nghiên cứu tại Đại học Tübingen. Rõ ràng đã và đang có một cầu nối khoa học tốt đẹp giữa Đại học Tübingen với các viện nghiên cứu ở Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Đại học Tübingen đề nghị thành lập Trung tâm Nghiên cứu y học Việt-Đức (VG-CARE) tại Bệnh viện TƯQĐ 108. Tôi và Giáo sư Velavan của Đại học Tübingen là đồng chủ tịch và sáng lập. Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý thành lập trung tâm này và chuyển từ một đơn vị tạm thời thành một đơn vị chính thức của Bệnh viện TƯQĐ 108.

Đại học Tübingen đánh giá đó là một đơn vị trực thuộc, đơn vị nghiên cứu vệ tinh của họ, triển khai rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học, được tài trợ của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức, Bộ Khoa học Đức, Bộ Khoa học Việt Nam, Bộ Quốc phòng...

Từ trung tâm đó đã tạo ra được rất nhiều sản phẩm khoa học, có nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế lớn. Tôi may mắn có mặt trong danh sách những người có bài đăng trên các tạp chí uy tín đó. Với những kết quả đó và đặc biệt trong thời gian vừa qua tôi cùng với Giáo sư Velavan được Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tài trợ một đề tài, một dự án gọi là Trung tâm y tế toàn cầu, đào tạo nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ, triển khai các nghiên cứu mới. Ở Trung tâm y tế toàn cầu đấy, có một vị trí được bổ nhiệm là giáo sư, và họ bổ nhiệm tôi.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 4.

Ở Việt Nam có trường hợp nào vừa làm công tác lãnh đạo một đơn vị tại Việt Nam, mà lại đồng thời được bổ nhiệm là giáo sư của một trường đại học nước ngoài chưa, thưa ông?

- Theo như tôi được biết, đây là lần đầu tiên. Mà nếu là lần đầu tiên thì sẽ có điều kiện ràng buộc đặc biệt gì đó mới được. Cụ thể là trong một năm, theo yêu cầu tôi phải đi từ 3-4 đợt sang giảng dạy ở Đại học Tübingen, mỗi đợt khoảng 7-10 ngày. Tôi đã được sự đồng ý của Quân uỷ Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cho phép trước khi tôi nộp hồ sơ. Có thể thấy rằng ở Bộ Quốc phòng đã có sự cởi mở, rất thông thoáng trong cơ chế, để tạo ra một hình thức mới trong sự hợp tác nghiên cứu khoa học với nước ngoài trong quân đội.

Việc vừa phải hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam, vừa phải bay đi bay về để đảm nhiệm vai trò của một giáo sư ở CHLB Đức, sẽ là áp lực rất lớn với ông?

- Chính xác. Thực chất nhiều lúc tôi cũng thấy đúng là nó quá tải. Tuy nhiên, có vẻ như đó là đam mê của tôi. Chỉ khi mình thấy đó như là cơm ăn nước uống hàng ngày, mình sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng khi triển khai. Bởi nếu tôi không làm việc trong một cường độ lớn như vậy, có khi lại cảm thấy buồn tẻ. Áp lực nhưng là áp lực trong năng lượng tích cực.


Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 5.

Ông đã tham gia nhiều chương trình, đề tài hợp tác với Đại học Tübingen và việc trở thành Giáo sư ở đó đã mở ra những cơ hội như thế nào cho những y, bác sĩ ở Bệnh viện TƯQĐ 108?

- Thực ra, vị trí giáo sư không phải quan trọng, mà trong suy nghĩ của tôi, điều quan trọng đó chính là phương tiện để tôi là cầu nối giúp cho các bác sĩ ở Bệnh viện TƯQĐ 108 nói riêng và ngành y trong quân đội cũng như ngành y ở Việt Nam nói chung. Đối với hệ thống giáo dục đào tạo, đặc biệt là về lĩnh vực y tế của Đức, cụ thể là Đại học Tübingen, chúng tôi đã tạo ra được những mối quan hệ mới, mở rộng ra trên các lĩnh vực không chỉ trong truyền nhiễm, sinh học phân tử mà còn nhiều lĩnh vực khác. Tôi có rất nhiều người bạn, nhiều thầy, trước cũng là bạn, là nghiên cứu sinh khi trước nay đang công tác ở các trường đại học khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ ở Tübingen. Khi mình trở thành một nhịp cầu nối thì nguồn lực từ nước ngoài có thể phối hợp để tạo ra những sản phẩm trong nước và tại Bệnh viện TƯQĐ 108 là rất lớn. Đó là cơ sở để tôi có chủ trương đề xuất đưa Bệnh viện TƯQĐ 108 trong thời gian tới trở thành một trung tâm chuyển giao công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 6.

Bệnh viện TƯQĐ 108 là "Bệnh viện đặc biệt của đặc biệt", có nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước. Đó là một trọng trách lớn đầy tự hào, nhưng hẳn cũng sẽ có rất nhiều áp lực?

- Với sứ mệnh lớn thì áp lực rất lớn, trọng trách rất lớn. Chăm sóc, điều trị cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, đó không chỉ là chăm sóc, điều trị cho một người bệnh, mà đó là vấn đề quốc gia đại sự. Nếu các thầy thuốc chăm sóc tốt cho các vị lãnh đạo thì các vị lãnh đạo sẽ có sức khoẻ tốt để phục vụ, dẫn dắt, lãnh đạo đất nước phát triển. Như vậy toàn dân được phát triển, người dân được hạnh phúc.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 7.

Những năm gần đây, Bệnh viện TƯQĐ 108 đã có những bước tiến vượt bậc. Có những thành tựu đáng kể nào Bệnh viện đã đạt được trong thời gian vừa qua, thưa ông?

- Trong lúc hệ thống y tế nói chung gặp một số vấn đề nhưng Bệnh viện TƯQĐ 108 lại phát triển rất rực rỡ. Đỉnh cao đó là ghép tạng. Dù Bệnh viện 108 là đơn vị đi sau nhiều đơn vị nhưng hiện đã đứng hàng đầu về ghép tạng. Tôi nhớ không nhầm khi Bệnh viện TƯQĐ 108 triển khai ghép tạng thì chỉ là đơn vị đứng thứ 18 trên toàn quốc.

Hiện nay, về ghép gan, chúng tôi đứng số 1. Chúng tôi ghép thận, ghép tế bào gốc, ghép chi thể, vừa rồi chúng tôi đã ghép tim, ghép tuỵ thận đồng thời, ghép giác mạc... Những kỹ thuật này là đỉnh cao của công nghệ trong y học. Khi đã ghép tạng được, đặc biệt là khi đã ghép phổi, chúng tôi đã ghép 4 ca phổi, ghép tim được thì các chuyên ngành khác như nội, ngoại, cận lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh, tất cả các chuyên ngành đó ở bệnh viện đều phát triển. Một số đơn vị triển khai ghép thận rồi họ chỉ ghép thận thôi, chứ không ghép tạng bởi vì họ không đồng bộ.

Điều đó nói lên rằng chúng tôi có các chuyên ngành rất chuyên sâu. Đó là kết quả của quá trình đào tạo từ 20-30 năm trước. Muốn ghép được gan thì phải cắt gan cho tốt, muốn ghép được tim phải phẫu thuật về tim mạch rất tốt... Tức là những kỹ thuật đó đã trở thành thường quy của bác sĩ chúng tôi trong suốt 30 năm nay. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật hiện nay hầu hết đều được học ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh Quốc…đều được chuẩn bị từ hàng chục năm nay.

Ngoài ra tất cả bệnh nhân ung thư hiện nay đều được chẩn đoán, điều trị theo phác đồ chuẩn của Mỹ, Nhật, châu Âu. Có nhiều lĩnh vực chúng tôi đứng vị trí hàng đầu trong nước, ví dụ như việc mổ ung thư tuyến giáp chúng tôi không cần dùng kháng sinh, đây là điều mà không nhiều bệnh viện trong nước làm được.

Có nhiều lĩnh vực khác nữa như công nghệ về giải phẫu bệnh, chấn thương chỉnh hình, truyền nhiễm, sinh học phân tử, tế bào gốc... Hay lĩnh vực thẩm mỹ, Bệnh viện TƯQĐ 108 là cái nôi đầu tiên và bây giờ rất mạnh, nhưng chúng tôi không quảng bá nhiều.

Thế mạnh của chúng tôi là đồng bộ và tiếp cận thế mạnh của thế giới.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 8.

Bệnh viện TƯQĐ 108 nổi tiếng có một đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao, chuyên sâu được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước như vậy, các ông chú trọng việc đào tào cán bộ chuyên sâu như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới, công nghệ mới?

- Chúng ta ai cũng biết con người là quyết định, nhân lực là quyết định, cán bộ là quyết định mọi hoạt động. Trong quân đội có câu "người trước, súng sau". Với một truyền thống hơn 73 năm, chúng tôi xác định rất rõ, nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của nhân lực đối với sự phát triển bền vững của Bệnh viện 108. Vì vậy, Đảng uỷ Bệnh viện đã ra một nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nhân viên trong 5 năm tới. Trong đó có mấy nội dung như: đến năm 2025, tất cả các hội nghị khoa học đều phải được trình bày, báo cáo bằng tiếng Anh; tất cả các tạp chí, số báo của Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 phải viết bằng tiếng Anh. Chúng tôi phấn đấu một năm phải có 3-5 kỹ thuật mới chuyển giao từ nước ngoài về Việt Nam, chưa từng có ở Việt Nam.

Yêu cầu về con người là phải được đào tạo rất cơ bản về mặt chuyên môn, bác sĩ mới ra trường 1 năm, 2 năm, 3 năm phải làm gì, tuỳ các chuyên ngành để tự đưa ra những chỉ tiêu riêng, cho từng năm. Riêng ngoại ngữ, chúng tôi yêu cầu những cán bộ là bác sĩ điều trị, kỹ sư, cử nhân có năm sinh từ năm 1980 trở về sau phải có trình độ tiếng Anh IELTS từ 6.0 đến 6.5. Ngay từ bây giờ, cán bộ nào muốn về Bệnh viện TƯQĐ 108 bắt buộc phải có IELTS từ 6.5 mới ký hợp đồng. Bởi chúng tôi xác định tiếng Anh là ngôn ngữ, nó phải giống như bảng cửu chương, phải học thuộc thì mới là cầu nối kết nối với tri thức, khoa học. Chúng tôi chi ra 1% doanh thu của Bệnh viện để đầu tư vào việc đào tạo nghiên cứu khoa học. Các kết quả của đề tài đó yêu cầu là phải được ứng dụng trong thực tiễn, phải là nghiên cứu mới. Với việc đào tạo bài bản như thế, chúng tôi hy vọng 3 năm nữa chúng tôi đủ nhân lực để nộp hồ sơ cho hàng loạt Phó giáo sư, Giáo sư trẻ.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 9.

Là người đứng đầu ở một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, ông đã có định hướng thế nào đối với đội ngũ y bác sĩ của mình để những cán bộ y tế vẫn luôn giữ vững tinh thần "lương y như từ mẫu"?

- Có lẽ câu hỏi rất khó này luôn nằm trong suy nghĩ của tôi trong suốt quá trình làm lãnh đạo, từ vị trí lãnh đạo khoa, đến phó giám đốc, giờ là giám đốc. Nhưng với truyền thống của Bệnh viện TƯQĐ 108, vừa có kỷ luật quân đội, lại vừa có niềm tự hào, vừa có trách nhiệm đối với bệnh viện, tôi tin tưởng cán bộ nhân viên của Bệnh viện TƯQĐ 108 đã có sẵn tinh thần đó chứ không nhất thiết đợi đến lãnh đạo phải đưa yêu cầu này. Nhưng rõ ràng có một vấn đề chúng ta cần phải quan tâm, đó là trên mà chính, thì dưới tất phải làm theo.

Chúng tôi luôn khơi dậy niềm tự hào về trách nhiệm, đánh giá năng lực cán bộ y bác sĩ. Tức là phải quan tâm đến đội ngũ chuyên gia, công khai họ, vinh danh họ, truyền thông cho mọi người biết rằng đó là những người làm việc rất tốt, làm những việc rất khó. Bên cạnh việc đãi ngộ về kinh phí, về lương thưởng, thì phải vinh danh một cách rất đầy đủ về mặt tinh thần. Nếu làm được như thế, các thế hệ sau họ sẽ thấy đó là tấm gương, để cùng phấn đấu, để trở thành những người như vậy.

Chúng ta không thể ngăn mọi người làm điều xấu nhưng chúng ta có thể cho họ thấy là làm được điều tốt thì sẽ được vinh danh, vinh dự.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song: Tôi cần áp lực trong năng lượng tích cực- Ảnh 10.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem