Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thạc sĩ, Đại sứ (ĐS) Bùi Văn Nghị là người của tư duy hành động. Ông chia sẻ, được bổ nhiệm ĐS là vinh dự có chút bất ngờ, dù vốn là chuyên gia nghiên cứu sâu về Bắc Mỹ. Nam Mỹ rộng lớn thử thách kích thích ông phải táo bạo để mở/thông những con đường kết nối Việt Nam - Brazil, không chỉ lĩnh vực thương mại là thế mạnh của ĐS mà còn tăng bang giao về văn hoá, thể thao vốn là nguồn lực mà Brazil hấp dẫn cả thế giới.
Thưa Đại sứ, chưa khi nào tôi thấy hồi hộp đến thế trước phỏng vấn này. Bởi tôi có vốn liếng hiểu biết về châu Âu chứ Nam Mỹ thì còn nhiều mảng trống. Nên thú thật: muốn nhân cuộc gặp này, thông qua ông, tôi được "học tắt" kiến thức về châu Mỹ mà ông là chuyên gia. Ông thấy bất ngờ khi được bổ nhiệm, tại sao, trong khi ông làm ngoại giao gần 30 năm?
- Tôi làm đối ngoại nhân dân, trực tiếp chỉ đạo, tham gia nhiều chương trình, dự án từ nghiên cứu, tham mưu, tuyên truyền đối ngoại, thúc đẩy giao lưu nhân dân với Mỹ, khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, chất độc da cam, người mất tích; đối tác vì hòa bình, tiến bộ; nghiên cứu giáo dục. Đặc biệt mở rộng quan hệ với ROTB, tiếp nhận thông tin liên quan khoảng 1.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích. Đóng góp cho VTV4 làm phim Da cam - Góc nhìn thẳng nhân 55 năm thảm họa da cam Việt Nam. Vận động đối tác Mỹ gửi thư cho Tổng thống Mỹ ủng hộ, bổ sung nguồn lực thúc đẩy ngoại giao nhân dân với nhiều toạ đàm giữa các cựu binh, thân nhân. Là Tổng thư ký Hội Việt - Mỹ tham gia quá trình xuất bản chuyên san của tạp chí Việt - Mỹ. Chỉ đạo, triển khai chương trình hợp tác "Đối thoại nhân quyền không chính thức" (kênh 2) với Mỹ qua phối hợp liên ngành.
Nhận nhiệm vụ là ĐS Việt Nam tại Brazil và kiêm nhiệm 4 quốc gia khác, tôi hơi ngợp trước vùng lãnh thổ mênh mông mà tôi phải nắm bắt nhiều mặt để hợp tác hiệu quả.
Tôi đã trình chương trình hành động lên Bộ Ngoại giao để thắt chặt, nâng cấp quan hệ với 5 quốc gia, qua quan hệ song phương, đa phương... Tôi muốn tăng tốc tối đa để nhiệm kỳ của mình tạo được sức sống - dấu ấn Việt Nam rõ nét hơn tại Nam Mỹ.
Tôi thực sự choáng ngợp khi xem diện tích Brazil là 8.510.000km2 rộng gấp hơn 13 lần Pháp và hơn 25 lần Việt Nam. Là ĐS kiêm nhiệm 5 quốc gia, với nhiệm kỳ 3 năm, ông chỉ vi hành 1 vòng kỹ càng các thành phố của 5 nước là "hết giờ". Ông lập chương trình hành động (tóm tắt đã 22 trang) để phát triển quan hệ thì liệu có khả thi?
- Quả là khi mới nhận quyết định bổ nhiệm sáng 24/2/2023 tại Phủ Chủ tịch, tôi có chút lo lắng. Vinh dự và trách nhiệm lớn được trao khi mà tôi chưa hề đến Brazil, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ mà nước Pháp đặt vào rừng Amazon là lọt thỏm. Là Trưởng Ban Châu Mỹ nhiều năm, bằng tri thức và nghiên cứu của mình, tôi lập chương trình hành động qua vị trí địa lý, kinh tế, địa kinh tế, địa an ninh quốc phòng, chính trị - đối ngoại, kinh tế thương mại, an ninh - quốc phòng với 5 nước mà Brazil là quốc gia hùng mạnh nhất, diện tích và dân số đứng thứ hai châu Mỹ.
Ông sành Anh ngữ trong khi Brazil là quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha (BĐN) duy nhất châu Mỹ và lớn nhất thế giới, điều này có là trở ngại không?
- Trụ sở ĐSQ ở Brazil, tôi vẫn giữ quan hệ với Bắc Mỹ và sẽ phát huy nền tảng này trong phát triển hợp tác thương mại ở Nam Mỹ. Tiếng Anh phổ biến toàn thế giới, các nhà ngoại giao Brazil và Đại sứ các nước tại đây, đối tác của Việt Nam đều dùng được tiếng Anh. Tôi còn 6 cán bộ, nhân viên tại ĐSQ, 2 tuỳ viên quốc phòng (quân vụ) cách tôi 15 phút ô tô và 1 tham tán thương mại (Ngô Xuân Tỵ, Bộ Công thương) đóng tại Sao Paulo.
Tại sao gần 9 tháng sau khi nhận quyết định bổ nhiệm, ông mới lên đường sang Brazil? Vậy công việc và chức trách của ông bị gián đoạn hay có khoảng "quá độ"?
- Nhiệm kỳ các ĐS kết thúc khác nhau. Tôi là ĐS tân cử, được bổ nhiệm 24/2/2023, nhưng ĐS tiền nhiệm kết thúc nhiệm kỳ ngày 8/6/2023. Vì Thủ tướng nước ta thăm Brazil trong khi không có đợt trình Quốc thư mới, nên lãnh đạo để ĐS tiền nhiệm lo công tác đón Thủ tướng.
Tiền nhiệm tôi, cựu ĐS Phạm Thị Kim Hoa công tác đúng thời kỳ đại dịch Covid-19 nên không đi được đâu để triển khai các hoạt động. Theo quyết định của lãnh đạo, ĐS Hoa ở lại chuẩn bị đón Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm Brazil từ 23 - 25/9/2022. Trong khi tôi ở Hà Nội vẫn kết nối các đầu mối với phía bạn để triển khai công tác đạt hiệu quả cao nhất.
Ngày 1/11/2023, ĐS tiền nhiệm mới bàn giao chính thức cho tôi. Một khối lượng công việc lớn trong khi tôi lại chịu đại tang. Mẹ đẻ tôi mất rất nhanh, bất ngờ hôm 11/11. Trong khi vé máy bay đã mua, lịch hẹn kín bên Brasilia. Tôi không muốn lùi ngày bay và chuỗi hẹn, nên nén đau mà lo hậu sự cho mẹ. Ngồi máy bay 26 tiếng chưa kể thời gian transit, tôi mới cho mình được khóc, nhớ mẹ vô cùng và đầy tiếc nuối.
Đại sứ bay sang Brazil chưa đầy 2 tháng đã tiếp đón, dự mấy chục sự kiện. Ông lấy đâu ra năng lượng nhiều thế, khi tuổi đứng đầu thế hệ 7X?
- Trẻ hay già, là quan niệm tương đối thôi. Tôi sang Brazil lần đầu, thì 53 có phải là tuổi của hăm hở khởi nghiệp không? Không, theo mức hạn sinh học. Tinh thần tôi thôi thúc muốn làm nhiều, hiệu suất cao, thay đổi những gì cần thay đổi tích cực và là người đứng đầu, tôi truyền lửa cho cộng sự qua chính công việc tôi làm. Một nhiệm kỳ 3 năm là ít thời gian trong khi áp lực khối/ số lượng việc nặng nề, thì làm sao có thời gian cho việc quen múi giờ. 16/11 sang tới Brasilia thì 17/11 tôi trình bản sao Thư uỷ nhiệm của Chủ tịch nước ta tới Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Cộng hoà Liên bang Brazil Maria Laura da Rocha. Số lượng cuộc gặp triển khai công tác, đối tác nhiều là bởi tôi khát khao cái tên Việt Nam sẽ phổ biến, ấn tượng xứng đáng trong đời sống xã hội Nam Mỹ, phát triển hợp tác thương mại và thể thao - văn hoá cần mở luồng nhộn nhịp, không thể kéo dài thêm sự "vắng bóng".
Brazil chưa được biết nhiều, rộng rãi ở Việt Nam ngoài rừng, sông Amazon, Samba, Carnival và bóng đá. Ông có thể cho biết thêm một số thông tin cần thiết cho giao thương?
- Brazil là đối tác thương mại lớn nhất ở Mỹ Latinh và thứ nhì Châu Mỹ. Việt Nam xuất khẩu sang Brazil: linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử, phương tiện vận tải, phụ tùng, sắt thép, giày dép, sơ sợi dệt, thủy sản. Việt Nam nhập về từ Brazil: quặng khoáng sản, bông, thức ăn gia súc, đỗ tương, ngô, đỗ, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Hàng tiêu dùng của Việt Nam còn quá ít tại Brazil. Quốc gia 26 bang rộng lớn 240 triệu dân, giàu tiềm năng, thậm chí cơ hội dễ như tiền rơi ngoài đường mà doanh nghiệp của ta lại bỏ qua, vì tâm lý theo tuyến cũ, quen; ngại đi xa vì Brazil ở Nam bán cầu, bay hai nửa vòng Trái đất.
Hiện cảng Cát Lái (TP.HCM) thông hải trình qua cảng Santos và có 6 cảng biển Brazil hợp tác với Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tại Nam Mỹ; nhưng tâm lý sợ xa và không muốn chinh phục đất mới đang là hạn chế.
Brazil là quốc gia xuất khẩu cafe lớn nhất, sao Đại sứ lại mang cafe sang làm quà tặng?
- Ở Sao Paulo, nơi tập trung đông nhất cũng chỉ 200 người Việt Nam, thỉnh thoảng có bán cafe G7, chỉ mang sang vài container, hết ngay. Cafe Brazil sản lượng hàng ngàn tấn/năm, chiếm 1/3 nguồn cung thế giới, chủ yếu là cafe chè (85% diện tích, tập trung là ở Rio, còn lại Robusta ở các bang nhỏ). Trong khi cafe chính của Việt Nam là cafe vối, Robusta có vị gắt hơn, hạt nhỏ và tròn hơn. Tôi thường trộn hai vị này để có ly cafe hoàn hảo.
Nói về đặc trưng Brazil không thể không tôn vinh tinh thần sống nồng nhiệt. Sự nồng nhiệt phả trong tinh thần cổ vũ bóng đá, lễ hội đường phố và điệu Samba dễ bắt gặp mọi nơi. Sắp tới đây, ĐSQ Việt Nam có kế hoạch cụ thể nào để thúc đẩy cho sự giao văn hoá thể thao hai nước sôi động hơn?
- Năm 2024 là một năm nhiều hoạt động đặc biệt. Nhà nước đã có quyết định tổ chức Ngày Văn hoá Việt Nam tại Ả rập Xê út và Brazil. Tháng 5 năm nay, Tổng thống Brazil Lulla da Silvar sẽ thăm VN, cuộc trở lại kể từ tháng 7/2008. Tháng 11, Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Rio de Janeiro, Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự. ĐSQ VN và các cơ quan chuyên trách sẽ phối hợp đón Thủ tướng và tổ chức sự kiện Ngày Văn hoá Việt Nam tại Rio.
Ngày Văn hoá Việt Nam tháng 11/2025 tại Brazil phải thể hiện được tính thích ứng, hoà nhập với thế giới và đặc trưng/ tính chất/ tập quán văn hoá nước bạn... Tôi sẽ tích cực liên hệ để các đoàn nghệ thuật của hai nước sang biểu diễn nhiều hơn.
Tin là kế hoạch của ông sẽ triển khai sớm. Nói về sở thích nghệ thuật, ĐS còn có năng lực thơ, và còn đam mê nào nữa?
- Thơ, tôi viết giải toả tâm tình và có khi chỉ để vui. Tôi rất đề cao thi ca là tiếng nói tâm hồn. Tôi thích nhạc jazz, nhất là nghe kèn saxophone. Và quan tâm điện ảnh. Sở thích nghệ thuật thứ 7 được hoà điệu khi ĐS Brazil tại Việt Nam hiện nay xuất thân là dân điện ảnh. Tôi đã tới chúc mừng ngài đầu nhiệm kỳ và có những cuộc trò chuyện thú vị.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá thế giới, trong 30 năm bôn ba, đã tới một số thành phố của châu Mỹ trước khi hoạt động chính tại Châu Âu. Tại Brazil, dấu ấn Hồ Chí Minh thế nào thưa Đại sứ?
- Về hiện tại, thì Bác Hồ luôn ở bên chúng tôi. Tại phòng làm việc của ĐS, treo ảnh Bác; tại phòng khánh tiết là tượng bán thân Bác, cùng 3 cọc cờ Việt Nam, ASEAN, Brazil. Thư viện trưng bày sách, tranh ảnh giới thiệu về Việt Nam và Hồ Chí Minh. Nhưng dấu ấn Hồ Chí Minh tại Brazil chưa được xác lập bằng biểu tượng. Chàng trai Nguyễn Tất Thành có ghé Cảng Rio de Janeiro và ở đây 6 tháng. Vậy mà 122 năm chưa có biển đồng ghi dấu sự kiện này. Tôi muốn năm nay phải tìm điểm, đặt biển kịp sự kiện Thủ tướng sang họp G20 và sẽ cắt băng khánh thành công trình.
Brasilia là thủ đô mới của Brazil từ 1960, thành phố duy nhất thế giới xây trong thế kỷ XX được UNESCO công nhận di sản thế giới năm 1987. Sống trong thành phố đẹp ấy, ông cảm thấy thế nào?
- Thủ đô có kiến trúc hiện đại và quy hoạch đô thị mang tính nghệ thuật độc đáo trên cao nguyên bán sa mạc Serado ở miền Trung - Tây. Nhìn từ trên cao, Brasilia hình chim bay hay là máy bay. Đầu máy bay là quảng trường Tam quyền, gồm trụ sở cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đầu máy bay dọc trục Bắc Nam là các cơ quan Chính phủ, tháp truyền hình, bảo tàng. Trục Đông Tây chia các khu dân cư theo hai cánh Bắc - Nam, xung quanh hai trục là các thành phố vệ tinh. Khí hậu chia hai mùa. Mùa ẩm ướt (tháng 11 đến tháng 5 năm sau) mây mù nhiều, tháng 1/2024 là 25 độ, trời mát, có mưa. Mùa khô (tháng 6 - 10) trời khô. Khắp thành phố là hoa Ipe, hoa có 4 màu: trắng, vàng, đỏ, tím; tùy từng thời kỳ mà sắc hoa sẽ thay đổi. Hiện Brisilia rợp sắc vàng Ipe.
Ẩm thực là cách hữu hiệu để giới thiệu văn hoá Việt Nam với Brazil và các nước Nam Mỹ. Đấy cũng là kết nối thân thương của đồng bào nơi đất khách. Đại sứ chia sẻ về ẩm thực Việt Nam tại Brazil?
- Chuyến đầu 15/11/2023, tôi bay tiêu chuẩn vé vip, được đem 64kg, mua thêm 510 USD cho 2 kiện (đồ cá nhân, vật dụng, măng khô, trà mộc sương Mộc Châu, trà Tuyên Quang, nhiều loại khác).
Chuyến bay lần hai từ Hà Nội, tối 28/12, vé thường, 46 kg, cũng phải mua thêm 510 USD. May tôi nhờ gửi được chuyên cơ Thủ tướng sang Brazil tháng 9/2023 mang giúp cho ĐSQ 5 kiện tổng hơn 120 kg là quà để ĐSQ tặng các chính khách, quan chức. Tôi bay sang hai lần đều phải mua hành lý quá cước, đều là quà nông sản. Công tác đến 12/12/2023 thì tôi được về Hà Nội họp, nên quay trở lại là mang theo đồ cho ĐSQ để tổ chức Tết Nguyên đán cho kiều bào tại Sao Paulo trước Tết bên nhà. Không cách gì để có lá dong tươi, hoa đào mai tươi ở Brazil nên đành dùng lá chuối và hoa giả.
Việt Nam gạo ngon, dẻo trong khi của Brazil thì hạt khô rời. Lần đầu, tôi đem được 10kg gạo ST 25, ăn dè bằng cách trộn gạo Brazil. Trái cây của ta cũng ngon hơn, từ quả xoài. Tôi thích uống trà và không kiêng buổi tối, vì chỉ cho mình ngủ không quá 4 giờ/ đêm. Quá nhiều việc phải làm. Mỗi tuần đi siêu thị, tôi đều nhìn lên các giá hàng, ở gần khu ĐSQ không có đồ Việt Nam dù chỉ gói mì. Không có quán ăn Việt. Và ăn canh cua là ước mơ.
Tôi mang một số thứ cho Tết của ĐSQ theo chuyến bay 28/12/2023: Bánh đa nem, bánh tráng, gạo nếp, đỗ xanh, mộc nhĩ, nấm hương, bột canh, nước mắm, trà Thái Nguyên, cà phê An Thái, hạt điều Bình Phước, gạo ST 25, gạo nếp, đỗ xanh, miến, bóng lợn; dừa sáp sấy giòn sữa chua dừa sáp, trà sen, sữa sen Đồng Tháp, mứt, ô mai, kẹo lạc.
Còn thêm sữa tắm gội gừng xả, sữa tắm gừng, kem ủ tóc hoa bưởi, dầu dừa bóng tóc, dầu gội bồ kết thảo dược. Các sản phẩm này của Việt Nam rất phù hợp xu hướng thế giới chuộng nông nghiệp xanh, sạch, giảm hóa chất tới cơ thể mà chưa xuất khẩu được nhiều.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.