Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 2.

Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 3.

Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 4.

Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy, năm 2020 lượng ma túy đá bị thu giữ trong khu vực là khoảng 170 tấn, tăng 19% so với năm 2019. Tại Việt Nam, số lượng người sử dụng ma túy đá có hồ sơ quản lý từ năm 2016 đến năm 2020 đã tăng 9 lần. Khi nghe những con số thống kê này ông có suy nghĩ như thế nào?

- Trong những năm qua tội phạm về ma tuý trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cùng với sự xuất hiện của nhiều loại ma tuý mới, tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái pháp các loại ma tuý tổng hợp, chất hướng thần có xu hướng gia tăng ở hầu hết các quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất khó kiểm soát. 

Khu vực Đông Nam Á có tình trạng bùng nổ, trở thành nơi sản xuất và là thị trường ma tuý tổng hợp lớn nhất thế giới. Trong 10 năm qua, lượng ma tuý sản xuất ở Đông Nam Á tăng khoảng 30%, lượng heroin và morphine tăng 88% (từ 7,1 tấn lên 13,3 tấn).

Tuy nhiên, theo UNODC, hiện nay không chỉ ở khu vực "Tam giác vàng", nhiều quốc gia lân cận, trong đó có những nước tiếp giáp với Việt Nam đã bị tội phạm lợi dụng để sản xuất ma tuý tổng hợp (chủ yếu là Methamphetamin – ma tuý đá) với quy mô lớn, gây áp lực không nhỏ với chúng ta. Trong khi nguồn cung cấp tiền chất và hoá chất để sản xuất ma tuý tổng hợp rất dồi dào; sự phát triển của khoa học – công nghệ, chính sách mở cửa của mỗi quốc gia đã tạo nên một "thế giới phẳng", rất thuận lợi cho các đường dây tội phạm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma tuý trái phép.

Đối với tình trạng gia tăng người sử dụng ma tuý đá, theo thống kê sơ bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, hiện nay nước ta có khoảng 245 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý, trong khi số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý và số người sử dụng trái phép chất ma tuý chưa thống kê được có thể lớn hơn nhiều lần. 

Trong đó số người sử dụng ma tuý tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 40% trên phạm vi toàn quốc; một số tỉnh phía Nam khoảng 70-80%) và luôn có xu hướng tăng, ngày càng trẻ hoá. Điều này cho thấy một thực tế là xu hướng người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý chuyển từ sử dụng các loại ma tuý truyền thống (heroin, thuốc phiện…) sang ma tuý tổng hợp tăng nhanh, trong đó ma tuý đá là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh, trật tự toàn xã hội.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước, tuy nhiên tình hình tội phạm ma túy ở Việt Nam vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng gia tăng. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Thứ nhất, sự hình thành cộng đồng ASEAN với việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các chính sách thông thoáng đã và đang là một trong những điều kiện rất thuận lợi để tội phạm ma tuý lợi dụng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý nói chung, ma tuý tổng hợp nói riêng. 

Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về kiểm soát ma tuý cũng như năng lực phòng chống ma tuý của các lực lượng chức năng ở mỗi quốc gia, khu vực là khác nhau, dẫn đến lượng cung – cầu và sự chênh lệch giá ma tuý giữa các quốc gia là rất lớn. 

Giá 1kg ma tuý đá ở Lào hiện nay là 130 triệu đồng, về đến biên giới Điện Biên sẽ tăng thành 250 triệu đồng, đến Thái Nguyên 280 triệu đồng, sang đến New Zealand là 6 tỷ đồng, sang Trung Quốc rơi vào khoảng 12 tỷ đồng…   

Với lợi nhuận gấp 20-30 lần như vậy là rất cám dỗ, kích thích hoạt động mua bán ma tuý bất hợp pháp để cung cấp cho hàng triệu người sử dụng.

Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 5.

Thứ hai, sở dĩ nguồn cung ma tuý tổng hợp khu vực Đông Nam Á ít suy giảm, hoặc nếu có ảnh hưởng cũng chỉ gián đoạn là do đặc tính di động của các tổ chức, đường dây tội phạm ma tuý rất linh hoạt, chúng có thể thay đổi địa bàn rất mau lẹ giữ các khu vực trong một quốc gia hoặc giữa các quốc gia trong khu vực, trên thế giới tuỳ theo tình hình thực tế.

Việt Nam và Lào có trên 3000km biên giới, có nhiều đường mòn, lối mở. Tương tự, với Campuchia chúng ta cũng có 1370km biên giới và trên biển thuận lợi cho ma tuý vào Việt Nam.

Thứ ba, mặc dù thế giới và khu vực Đông Nam Á đang bị giãn cách nhiều hoạt động do đại dịch Covid-19, nhưng trên thực tế dường như lại đang là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma tuý đẩy mạnh hoạt động, có xu hướng thay đổi tuyến đường, phương thức vận chuyển rất nhanh với giá thành rẻ và "khá an toàn" khi không phải áp tải ma tuý như: vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh, theo dạng hàng hoá ký gửi… bằng đường biển, đường hàng không, đường bưu điện nên kênh phân phối ít bị gián đoạn.

Giới tội phạm ma túy đã "sáng chế" ra những chất mới chưa có trong danh mục cấm để lách luật, chúng ta làm thế nào để kiểm soát vấn đề này?

- Trước đây, ma tuý xuất phát từ nguồn gốc tự nhiên như thuốc phiện, nhờ sự phát triển của công nghệ hiện nay ma tuý tổng hợp, chất hướng thần được điều chế từ các tiền chất, hoá chất.

Tính đến tháng 6/2021, lực lượng Khoa học Hình sự đã phát hiện thêm 8 chất có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.

Thủ đoạn của các đối tượng là khi một chất bị phát hiện và đưa vào Danh mục thì chúng lại sử dụng một chất hoàn toàn mới để lách luật.

Như vậy có thể thấy xu hướng xuất hiện những loại ma túy mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác giám định và đấu tranh với loại tội phạm này.

Để đấu tranh với những loại ma tuý tổng hợp mới chúng ta đang vừa làm, vừa phát hiện, vừa giám định, rồi dần dần sẽ đưa vào danh mục.

Hiện C04 cũng đang phối hợp với nước ngoài, thông qua kết quả giám định các chất mới để tham mưu với Chính phủ đưa vào kiểm soát.

Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 6.

Trước đây, nhắc tới người nghiện ma tuý chúng ta thường gắn với đói nghèo, lạc hậu ở các vùng nông thôn, biên giới… nhưng rõ ràng tình hình ma tuý hiện nay không đơn giản như vậy nữa, nó đã tràn về thành thị, len lỏi vào đời sống của giới trẻ, thậm chí là giới trí thức. Ông có thể đưa ra ý kiến khách quan về thực trạng này?

Cách đây khoảng hơn 2 thập kỷ, từ năm 1997 – 2007, 10 năm đầu tiên người nghiện sử dụng các loại ma tuý truyền thống (heroin, thuốc phiện…) nhưng 10 năm trở lại đây nổi cộm lên trào lưu sử dụng ma tuý tổng hợp. 

Ma tuý tổng hợp chủ yếu đánh vào giới trẻ, có thể nói những đối tượng ngáo đá gây nên thảm án thì ngày càng trẻ hoá.

Chúng ta vẫn nghĩ người nghiện ma tuý thường rất nghèo đói nhưng hiện nay con cháu của nhiều "đại gia", những gia đình rất có điều kiện cũng đã sa vào con đường nghiện ngập. Thậm chí, còn có cả những dòng "ma tuý quý tộc" dành cho những người này.

Nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ sự thiếu kiểm soát của gia đình, những áp lực trong học hành, cuộc sống. Các cháu nghĩ rằng sử dụng một lần sẽ không nghiện. Có thể nói hiện nay, càng giàu, càng có điều kiện càng có nguy cơ sử dụng ma tuý.

Ngoài ra, trước đây tại thành thị, việc chứa chấp, che giấu hành vi sử dụng chất ma tuý thường diễn ra ở công viên, vũ trường, quán bar... nhưng với sự đấu tranh quyết liệt của hệ thống chính trị tại các đô thị lớn thì hiện nay xu hướng sử dụng ma tuý dịch chuyển về các khu resort, bãi biển, homestay ở vùng quê, miền núi… 

Các đối tượng cho rằng những khu này hết sức an toàn, khi sử dụng ma tuý các đối tượng không cần âm thanh mạnh như ở vũ trường, chỉ cần các thiết bị di động cầm tay hoặc loa vi tính. 

Đây là xu hướng tất yếu đã được dự đoán, Bộ Công an cũng đã có công điện để các địa phương phối hợp, có các giải pháp ngăn chặn tệ nạn ma tuý ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 7.

Chúng ta vẫn chưa quên vụ việc đau lòng nữ sinh Học viện Ngân hàng bị một đối tượng nghiện ma tuý sát hại, phải chăng công tác quản lý người nghiện của chúng ta còn nhiều bất cập, thưa ông?

- Đúng vậy, chính vì điều này nên Luật phòng chống ma tuý vừa được thông qua đã bổ sung thêm một chương quản lý người sử dụng chất ma tuý trái phép chất ma tuý. 

Xuất phát từ thực tế rất nhiều người sử dụng ma tuý có thể ngáo đá, loạn thần, gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, giết chính người thân, con cháu trong gia đình… đã đến lúc luật pháp cần điều chỉnh hành vi của không chỉ người nghiện mà đối với tất cả những người sử dụng trái phép chất ma tuý để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi nghiêm trọng là giết người như vụ việc vừa nêu.

Tội phạm không ngừng tạo ra những dạng ma tuý tổng hợp mới, thay đổi phương thức hoạt động. Vậy để ngăn chặn ma túy vào Việt Nam và để Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có những giải pháp nào để trấn áp tội phạm?

- Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma tuý trong thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an với quan điểm, phương châm là bắt giữ toàn bộ đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, chủ động ban hành các kế hoạch và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý, hưởng ứng các đợt cao điểm tấn công tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cuộc bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma tuý tháng hành động phòng chống ma tuý (tháng 6/2021)…

Thời gian qua, cơ quan công an đã quyết liệt đấu tranh bóc gỡ nhiều đường dây ma túy lớn với những thủ đoạn tinh vi mới xuất hiện. 

6 tháng đầu năm 2021, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện hơn 12.400 vụ, bắt giữ hơn 17.700 đối tượng, thu giữ 290kg heroin, hơn 1,4 tấn ma túy tổng hợp, 840kg cần sa cùng nhiều phương tiện, tài sản... có liên quan. 

Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (C04) đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, bắt giữ 54 vụ/155 đối tượng, thu giữ 172kg heroin và 1,1 tấn ma tuý tổng hợp, bắt giữ 10 đối tượng truy nã và đang trực tiếp thụ lý điều tra 30 vụ án với 104 bị can. So với cùng kỳ năm 2020, tăng cả về số vụ, khối lượng ma tuý bị thu giữ. 

Đáng chú ý, có nhiều chuyên án, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Việt Nam đã triệt phá toàn bô đường dây ma tuý xuyên quốc gia do người nước ngoài cầm đầu hoặc có nhiều đối tượng mang quốc tịch nhiều quốc gia khác nhau; thu giữ hàng trăm bánh heroin, 270kg ma tuý tổng hợp, trên 1 triệu viên ma tuý tổng hợp…

Tội phạm ma tuý ngày càng có nhiều cách "lách luật" - Ảnh 8.

Những kết quả đạt được trong công tác tham mưu, chỉ đạo phòng, chống ma tuý nói chung; đấu tranh bắt giữ tội phạm ma tuý trong 6 tháng đầu năm nói riêng đã khẳng định thông điệp mạnh mẽ, thể hiện tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma tuý. 

Cùng với việc triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch đấu tranh, triệt phá để các tổ chức, đường dây tội phạm ma tuý lớn, xuyên quốc gia, bắt giữ đối tượng chủ mưu cầm đầu, chúng tôi đã giúp lãnh đạo Bộ Công an tham mưu cho Đảng, Chính phủ chỉ đạo các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ma tuý nhằm thực hiện nhất quán quan điểm "không hợp pháp hoá ma tuý", "kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế" mà Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem