Người chiến sỹ năm ấy nay đã 91 tuổi, tiếp chúng tôi trong bộ quân phục đeo hàm Đại tá, trĩu nặng hai bên ngực áo những huy hiệu, huy chương. Trong phòng khách, ở vị trí trang trọng là bức ảnh Đại tá Dương Niết được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đồng hồ quả lắc góc phòng khách điểm 9 tiếng chuông trong veo. Cùng khoảng thời gian này tròn 70 năm trước, chiến sỹ Dương Niết cùng 213 đồng đội ở Tiểu đoàn Bình Ca qua bước qua cầu Đuống tiến vào Hà Nội, trở thành những người tiên phong tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Tiếng chuông đồng hồ dừng, Đại tá Niết mở lời kể lại với chúng tôi những dấu mốc đáng nhớ nhất cuộc đời quân ngũ của ông.

Những thước phim quay chậm cuộc đời ông, gắn liền với những sự kiện lịch sử của đất nước, của Thủ đô Hà Nội 70 năm trước.

Đại tá Dương Niết trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt.

Trên đường đến nhà ông, từ đường lớn đến ngõ nhỏ đều rợp bóng cờ đỏ sao vàng, rực rỡ quá. Thưa Đại tá Dương Niết, chắc hẳn, ngày này 70 năm trước, Thủ đô ta cũng ngập sắc cờ bay thế này phải không ạ?

Đúng vậy, dù có bao nhiêu năm, tôi cũng không quên được những ngày hào hùng đấy. Hà Nội phố nào cũng rợp cờ hoa để đón bộ đội.

Cuộc đời bộ đội của tôi có ba cái đáng nhớ. Một là tham gia trận Điện Biên Phủ. Hai là được vinh dự cùng Tiểu đoàn Bình Ca tiếp quản Thủ đô. Ba là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 1.

Đại tá Dương Niết trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Việt.


Muốn đánh giặc, cứ thế đi thôi!


Sự kiện tự hào, đáng nhớ nhất là Điện Biên Phủ phải không ông?

Đúng rồi, Điện Biên Phủ lừng lẫy!

Tôi sinh ra ở An Vinh, huyện Quỳnh Phụ (trước là xã Quang Vinh, huyện Quỳnh Côi), tỉnh Thái Bình. Năm 19 tuổi (năm 1953), toàn bộ trường bị giặc Pháp phá hủy.

Hoàn cảnh đó, tôi muốn đi đánh giặc, đi bộ đội, nhưng gia đình không cho. Tôi phải trốn. Rồi người mình thấp bé quá, phải 9 lần mới được tuyển. (Cười).

Tôi được huấn luyện ở Trung đoàn 44, đóng quân tại Thanh Hóa. Cuối năm đó, đơn vị hành quân lên Điện Biên. Anh em đi bộ hơn một tháng rưỡi mới đến Tuần Giáo (Điện Biên). Tôi cùng nhiều tân binh khác được bổ sung vào Đại đội 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 để chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến Điện Biên Phủ với tư cách một tân binh, ông có lo lắng không?

Một thanh niên mười chín, đôi mươi, mới đi hăng lắm chứ. Lúc ở quê, mình muốn chiến đấu với giặc nhưng ra chiến trường cũng lo lắng lắm.

Nói không sợ là không phải nhưng sau lưng mình còn những thứ cao hơn, là đồng bào, tổ quốc, cả sự tự ái thanh niên nữa. Anh em ra trận được, sao mình lại không? Cứ thế là đi thôi!

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 2.

Đại tá Dương Niết (ngồi) trong bức ảnh chụp cùng đồng đội.

Thưa Đại tá, đơn vị ông chiến đấu được vinh dự giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm cuối cùng ở mặt trận phía Tây Điện Biên Phủ. Ông cùng các đồng đội đã chiến đấu thế nào để hạ gục cứ điểm quan trọng của địch?

Tôi vẫn nhớ như in trận Nà Noong, đánh ngày 6/5/1954.

Nà Noong được đặt tên là cứ điểm 310 được người Pháp xưng tụng là con mắt, lá chắn của trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nơi đây chỉ cách hầm chỉ huy của Đờ Cát chỉ vài trăm mét. Chính vì thế, hầm hào của chúng tốt, hỏa lực mạnh. Để tiến vào trung tâm chỉ huy phải tiêu diệt cứ điểm này trước.

Chúng tôi nhận lệnh nghe tiếng nổ bộc phá ở đồi A1 vào tối 6/5 làm hiệu lệnh tấn công toàn mặt trận. Khi nào nghe tiếng nổ to, thì đánh!

Những ngày trước đó, chúng tôi đào giao thông hào, giành với địch từng thước đất, siết dần vòng vây. Tối 6/5/1954, sau nhiều ngày mưa to, giao thông hào ngập nước, bùn ngang thắt lưng, toàn Đại đội lội phăng phăng giữa bùn, đến 19 giờ đã chiếm lĩnh xong trận địa, chờ lệnh tiến công.

Đến khoảng 20 giờ pháo của ta bắn cấp tập vào các cứ điểm, trong đó có cứ điểm 310. Địch lúng túng rút hết vào hầm. Khi pháo ngừng bắn, quân ta tiến vào giao thông hào của địch. Đến 20 giờ 30 phút, bộc phá hất tung đồi A1 làm hiệu lệnh tấn công vào mặt trận.

Đại đội chúng tôi càng lúc càng đi sâu vào trung tâm cứ điểm 310.

Sau gần 2 tiếng bắn phá ác liệt, đến 22 giờ ngày 6/5/1954, hầm chỉ huy, điểm cuối cùng của cứ điểm Nà Noong bị tiêu diệt, đưa trận địa của ta tiến công áp sát cách Sở chỉ huy của Đờ Cát khoảng 300m. Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó

Theo dự kiến, đến tối ngày 7/5/1954, chúng ta chuyển sang tổng công kích. Nhưng thực tế, quân ta đã làm chủ trận địa, buộc Đờ Cát phải đầu hàng vào chiều 7/5/1954. Khí thế tiến công của quân ta ở thời điểm đó như thế nào, thưa Đại tá?

Ngay từ đêm 6/5, hàng ngũ quân địch đã xuất hiện những "triệu chứng" muốn đầu hàng. Tướng Giáp ra lệnh không cần chờ đến tối nữa, đánh ngay ban ngày. Quân ta đánh tổng lực, từ chiều 7/5, Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) tấn công tiếp các cứ điểm 507, 508, 509 tiến đến Sở chỉ huy của địch.

Chúng tôi không trực tiếp tham gia vì được giao nhiệm vụ chặn đường rút lui của địch, sau này được biết địch phản ứng yếu, gần như là giơ cờ trắng xin hàng.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 3.

Toàn bộ quân địch đầu hàng, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh: TTXVN.

Đến chiều 7/5/1954, Đại đoàn 312 đã tiến đến Sở chỉ huy của Đờ Cát. Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ta phá tan kế hoạch rút lui qua Lào của địch.

Vinh dự của Chiến sĩ Điện Biên

Trong câu chuyện với chúng tôi, mỗi lần nói đến vị Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người cựu chiến binh đeo quân hàm bốn sao hai vạch lại như quay trở lại làm Chiến sỹ Điện Biên và "À …" lên một cách thích thú. "Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba lần", người chiến sỹ Điện Biên nói đầy tự hào.

Lần đầu tiên tại lễ mít tinh mừng chiến thắng tổ chức tại thung lũng Mường Phăng – Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 12/5/1954. "Đại tướng ân cần thăm hỏi chúng tôi, nói chuyện dí dỏm và có ý dặn bộ đội phải chịu khó, chịu khổ để nhân dân sung sướng trước", ông Niết kể.

Hai lần tiếp theo, ông Niết được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng. Trong đó có dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2004), ông được bắt tay và có bức ảnh chụp chung cùng Đại tướng.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 4.

Trong phòng khách, ở vị trí trang trọng là bức ảnh Đại tá Dương Niết được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


2 ngày sống chung với lính Pháp


Sau thất bại tại Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneve ngày 20/7/1954. Theo Hiệp định, thực dân Pháp phải rút hết quân khỏi Đông Dương.

Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự. Ngày 02/10/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính.

Các đơn vị bộ đội tiền trạm đã tiếp quản một số nơi ở Hà Nội theo nguyên tắc quân Pháp rút đến đâu, ta tiếp quản đến đó. Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn 102, Đại đoàn 308) là đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên trở về Hà Nội.

Một lần nữa, ông Dương Niết lại được làm nhân chứng lịch sử bước chân vào Thủ đô trước khi quân đội chủ lực chính thức tiếp quản Hà Nội.

Tháng 10/1954, trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô Hà Nội, những chiến sỹ Điện Biên như ông có lo lắng không?

Tôi cũng không biết phải diễn tả cảm xúc của mình thế nào, ở thời khắc đó chúng tôi vừa háo hức, mong chờ, rất tự hào nhưng cũng có nhiều bối rối. Chúng tôi chủ yếu từ nông dân mà ra, từ ruộng cày lớn lên, được huấn luyện đi vào quân ngũ. Nghĩ đến việc vào Thủ đô cũng bỡ ngỡ lắm chứ. Nói thật, hồi ở quê mình có điện đâu, giờ vào Hà Nội biết bật cái công tắc điện thế nào. Cả Trung đội tôi lúc bấy giờ, chỉ có anh Nguyễn Thế Liên là dân Hà Nội.

Nhưng nhiệm vụ cấp trên đã giao, chúng tôi phải hoàn thành, đây chính là vinh dự vì chúng tôi là đội tiên phong được vào Thủ đô bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, ngăn chặn âm mưu phá hoại của thực dân Pháp trước khi rút quân.

Tiểu đoàn 18 vốn là đơn vị Tự vệ Thành Hà Nội. Ngày 14/1/1947, đơn vị được lệnh về tập kết ở Hạ Bằng, Thạch Thất, Sơn Tây để chính thức thành lập tiểu đoàn mang phiên hiệu 42. Sau đó, hành quân lên Việt Bắc trấn giữ Bình Ca - cửa ngõ phía tây của An toàn khu (ATK). Sau trận đánh lịch sử ở Sông Lô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho Tiểu đoàn danh hiệu Bình Ca với phiên hiệu 18 thuộc Trung đoàn Thủ Đô.

Tiểu đoàn Bình Ca đã chuẩn bị những gì để tiên phong tiến vào Thủ đô, giám sát hoạt động của quân Pháp trước khi họ rút đi?

Trung tuần tháng 9/1954 đến đầu tháng 10/1954, anh Vũ Huy Hậu (Chính trị viên Tiểu đoàn Bình Ca) được giao nhiệm vụ chọn chiến sỹ dưới danh nghĩa đơn vị cảnh vệ thành vào Hà Nội để cùng canh gác với lính Pháp tại các vị trí quan trọng, trước khi chính thức tiếp quản 2 ngày. Bởi có thông tin Pháp sẽ phá Hà Nội tan tành trước khi rút khỏi đây, nên ta cần bảo vệ người dân cũng như cơ sở hạ tầng Thủ đô, chuẩn bị sẵn sàng đón đại quân vào tiếp quản.

Anh Hậu chọn ra hơn 200 người chủ yếu ở Đại đội 263 và 261, chia thành 35 tổ tương ứng với 35 vị trí quan trọng trong nội thành Hà Nội. Mỗi tổ từ 3 – 5 người, riêng vị trí Nhà máy nước, Nhà máy điện được bố trí một Tiểu đội.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 5.

Hình ảnh tư liệu về Tiểu đoàn Bình Ca tập trung tại Cầu Đuống, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô.

Trước khi vào Hà Nội chúng tôi học kĩ lắm. Từ cách ăn nói, đi đứng đến cả việc làm việc với nhân dân thế nào.

Ngày 5/10 chúng tôi hành quân từ thị trấn Phùng (Hà Tây) sang Vĩnh Phúc rồi về Phủ Lỗ. Ngày 6/10, Tiểu đoàn tiếp quản đồn Phủ Lỗ và được cán bộ quán triệt nhiệm vụ cùng 10 quy định về tiếp quản Thủ đô. Chiều 7/10, anh em chúng tôi về làng Vân (Bắc Ninh), phía Bắc Cầu Đuống để chuẩn bị sáng hôm sau qua cầu tiến về Hà Nội. Người dân đón bộ đội nồng hậu lắm.

Người Pháp yêu cầu khi ta vào Hà Nội không mang súng trường, trung liên, chỉ mang tiểu liên tuyn (loại súng của Pháp mà ta thu được ở chiến trường). Súng này chỉ bắn được trong tầm ngắn. Đặc biệt, không được đeo Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên.

Vì sao người Pháp yêu cầu bộ đội ta không đeo Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên và không mang súng trường, thưa Đại tá?

Lúc đấy mà nghe chiến sĩ Điện Biên về thì sợ lắm, ta ở tư thế chiến thắng trở về, nên họ cũng chiêu trò để hạn chế tối đa ảnh hưởng của ta đối với nhân dân. Không mang Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên để không biết đấy là bộ đội vừa chiến thắng người Pháp ở Điện Biên Phủ. Còn súng trường là nỗi ám ảnh của họ ở Điện Biên Phủ. Ở chiến trường Điện Biên, Tướng Giáp phát động thi đua dùng súng trường bắn tỉa tiêu diệt địch, thương vong của địch rất lớn nên họ sợ.

Vì thế, chúng tôi tiến vào Thủ đô với bộ quần áo, mũ tự trang bị. Trong balo ngoài những vật dụng cần thiết, chúng tôi mang theo bao gạo, chiếu, giấy vệ sinh, dây mắc màn, đinh mắc màn và một cái chổi. Mang các đồ dùng trên để tự lo cho mình, không được nhận của dân thứ gì, phải giữ nghiêm kỷ luật, mang theo chổi để chủ động quét dọn đường phố sạch sẽ đón đại quân tiếp quản.

Anh em chúng tôi quán triệt phải kỷ luật như lời dặn Bác Hồ dặn khi tiếp quản Thủ đô, dù thực dân Pháp còn có thể có các âm mưu phá hoại.


Phá tan âm mưu của địch


Ngày 8/10/1954 mới là lần đầu tiên ông bước chân vào Hà Nội? Người Pháp đã "đón tiếp" ông và đồng đội - những người vừa chiến thắng họ ở Điện Biên Phủ, ra sao?

Tôi vẫn nhớ buổi sáng hôm đấy trời âm u, nhiều mây, có lúc còn có mưa bụi. Buổi sáng ngày 8/10/1954, đó là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Đúng 8 giờ, 214 chiến sĩ của Tiểu đoàn Bình Ca đã có mặt ở phía Bắc cầu Đuống. Chúng tôi đi đến giữa cầu đứng chờ người Pháp.

Có một chút trục trặc, có lẽ họ tưởng chúng tôi sẽ qua cầu luôn nên đứng ở đầu cầu phía Nam đợi. Nhưng quân ta thực hiện đúng quy ước, chờ người Pháp ra giữa cầu đón. Chúng tôi đứng đợi khoảng 15 phút, một viên sỹ quan người Pháp đi về phía chúng tôi mời đoàn quân đi về phía Nam cầu Đuống để lên xe đi về Hà Nội.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 6.

Ảnh tư liệu quân đội Pháp đón Tiểu đoàn Bình Ca giữa Cầu Đuống.

Đầu cầu phía Nam, một Tiểu đội lính Pháp bồng súng chào chúng tôi. Viên sỹ quan người Pháp có tỏ vẻ bực dọc, có lẽ không phải vì hành động chào mà vì đội hình của Tiểu đội lính Pháp lộn xộn, không chuyên nghiệp. Trong khi đó, chúng tôi bước vào Hà Nội với tư thế đoàn quân chiến thắng, đầy hãnh diện và tự hào. Viên sỹ quan người Pháp muốn làm giảm uy thế quân ta nên lấy cớ trời mưa để che bạt kín các thùng xe chở quân ta, cũng để nhân dân không nhìn thấy bộ đội vào Hà Nội.

Nhưng khi xe qua cầu Đuống, về đến Gia Lâm người dân ùa ra đông lắm. Tôi cảm nhận được không khí của thành phố, nhà cửa, người dân Thủ đô mong bộ đội về. Tất nhiên, người Pháp không thích điều này, viên sỹ quan cằn nhằn với anh Phan, đại ý "rất mất trật tự" rồi thúc lái xe phóng nhanh hơn về phía nội thành.

Chúng tôi được đưa về Nhà thương Bến Thủy (nay là Bệnh viện 108) để phân công về 35 vị trí trọng yếu đang có quân Pháp canh giữ.

Chúng tôi được cấp trên truyền đạt rất kỹ lời dặn của Bác Hồ: Suốt 8 năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình.

Đại tá Dương Niết

Hai ngày cuối ở Hà Nội, đối phương có những hành động phá hoại hay thủ đoạn gây hấn với quân ta không, thưa Đại tá?

Quân Pháp không phá tan tành Hà Nội, nhưng cũng có những hành động cản trở, gây khó dễ cho ta, xúi giục đồng bào bỏ Hà Nội đi.

Tôi cùng anh Nguyễn Văn Phiên và 3 người nữa được giao tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Ở đó còn khoảng một Trung đội lính Pháp. Họ bố trí cho chúng tôi ở phía dưới nhà xe. Chúng tôi không đồng ý, yêu cầu phải được ở nhà khác, gần khu vực lính Pháp để tiện giám sát. Sau đó, họ buộc phải đồng ý bố trí cho chúng tôi ở nhà khác sạch sẽ hơn, sàn nhà lát đá hoa. Nhưng lại phát sinh vấn đề khác.

Trên tầng 2 của khu nhà có căng băng rôn có dòng chữ "Có đi vào Nam hay là ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ". Đồng chí Lý Bá Sơ là Giám đốc Trại giam của ta lúc bấy giờ. Khẩu hiệu này của địch khiến nhân dân ta hoang mang, để đi khỏi Thủ đô. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu phải gỡ bỏ.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 7.

Tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt - Ảnh: Tạp chí Life, in trong sách ảnh Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2019).

Chưa hết, chúng tìm cách lung lạc tinh thần chúng tôi bằng việc cắt suất ăn của các tổ công tác. Khi đến Nhà thương Bến Thủy, chúng tôi đưa lại bao gạo cho anh nuôi để nấu cơm chung, sau đó chuyển đến 35 vị trí canh gác. Nhưng thực dân Pháp tìm cách trì hoãn, làm thất lạc cơm của anh em. Như tại vị trí của chúng tôi, chiều tối 8/10 không có cơm chuyển đến. Lính Pháp đưa chúng tôi bánh mỳ, chúng tôi không nhận, họ rất ngạc nhiên khi chúng tôi nhịn đói được. Hơn thế, chúng tôi vẫn lạc quan ca hát để chúng thấy tinh thần bộ đội ta rất tốt.

Sáng hôm sau, có người còn dàn kịch nhằm gây rối trật tự tại nơi chúng tôi canh gác nhưng cũng không thành công.

Sau này, tôi cũng nghe đồng đội kể lại, một số hành động khác của lính Pháp nhằm gây khó dễ cho ta. Như trưa 8/10, quân Pháp chở những bao tải chứa chất bột màu trắng đến Nhà máy nước. Công nhân phát hiện đã báo cho tổ tiếp quản. Đồng chí Khôi Tổ trưởng đã cùng với công nhân nhà máy không cho chúng thả chất bột xuống nước. Đến rạng sáng ngày hôm sau, quân Pháp phải đưa các bao tải này rời khỏi nhà máy.

Hay như ở bốt Công Chính Hàng Vôi, lính Pháp đòi bộ đội ta phải trả lại tiểu liên tuyn. Ta vừa kiên quyết, vừa khéo léo để bảo vệ vũ khí, vị trí vừa không để xảy ra nổ súng gây bất ổn tình hình.

Cuộc chiến không tiếng súng trước ngày Giải phóng Thủ đô- Ảnh 8.

Các đơn vị bộ đội tiến quân vào nội thành tiếp quản các vị trí. Hàng vạn người dân Thủ đô đổ ra các đường phố nhiệt liệt đón chào đoàn quân giải phóng Thủ đô. Ảnh: TTXVN.

Cứ thế, chúng tôi giữ vững vị trí chiến đấu, bảo vệ an toàn mục tiêu và ổn định tình hình trật tự cho người dân thành phố. Chiều tối 9/10/1954, những toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội hướng về phía Hải Phòng. Đó cũng là đêm đầu tiên Hà Nội sạch bóng quân thù.

Hà Nội rất vui. Nhân dân tất bật chuẩn bị cờ hoa để chào đón bộ đội về. Dù hôm đó vẫn còn giới nghiêm, nhưng người dân không giấu được niềm vui được hưởng độc lập, tự do. Đó là đêm đầu tiên Hà Nội được giải phóng, không còn thực dân Pháp. Hà Nội sáng đèn cả đêm để chờ đến hôm sau, ngày 10/10/1954 đón đoàn quân chiến thắng trở về.

Trân trọng cảm ơn Đại tá Dương Niết!

Ông Dương Niết sinh ngày 20/5/1934 tại An Vinh, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Nhập ngũ năm 1953, nghỉ hưu năm 1991. Tháng 10/1954, ông Dương Niết được cử làm Tổ trưởng Tổ công tác của Tiểu đoàn Bình Ca (Đại đoàn 308) tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu, ông Dương Niết giữ quân hàm Đại tá, Phó Hiệu trưởng Trường trung cao nay là Học viện Phòng không Không quân.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem