Nguyên nhân: Từ 13-21/7, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, sau đó là bão số 3, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa Quảng Bình liên tục có mưa to đến rất to. Lũ trên các sông, suối dâng cao làm ngập lụt, sạt lở đất xảy ra nhiều nơi gây thiệt hại nặng nề.
Thiệt hại: Tính đến 7h sáng 25/7:
1. Người chết: 27 người (Yên Bái: 13 người, Sơn La: 6 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 3 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 3 người);
Mất tích: 7 người (Yên Bái: 4 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 2 người);
Bị thương: 26 người (Yên Bái: 18 người, Sơn La: 1 người, Phú Thọ: 3 người, Thanh Hóa: 3 người, Nghệ An: 1 người).
2. Nhà bị sập: 247 nhà; Nhà bị ngập: 8.905 nhà; Nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp: 5.261 nhà.
3. Gia súc bị chết, cuốn trôi: 10.663 con; Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 121.344 con.
Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng: 6.466 ha.
4. Tình hình ngập úng lúa, hoa màu:
- Đồng bằng sông Hồng ngập úng 42.606 ha lúa; 2.294 ha ngô và hoa màu.
- Các tỉnh Bắc Trung Bộ ngập úng 33.660 ha lúa; 11.555 ha ngô và hoa màu.
- Khu vực miền núi phía Bắc ngập úng 4.787 ha lúa; 1.545 ha hoa màu.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường giao thông bị ngập nặng, sạt lở khiến giao thông nhiều nơi bị chia cắt.
Yên Bái là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt mưa lũ kéo dài ở Bắc Bộ.
Mưa lũ đã khiến 11 người chết, 6 người mất tích và 18 người bị thương ở Yên Bái. Nhiều tài sản bị lũ cuốn trôi; hàng ngàn hec-ta lúa, hoa màu ngập úng; sạt lở núi, ngập úng gây chia cắt giao thông.
Video: Hình ảnh lũ dữ dồn dập, tang thương bao trùm khắp tỉnh Yên Bái
Sáng 20/7, trong lúc bơi ra dòng nước lũ để cứu một bé trai 7 tuổi đang bị mắc kẹt trong, ông Đặng Phúc Tài – Phó bí thư thường trực xã Nậm Mười (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã bị nước lũ cuốn phăng cùng cháu bé.
Đến trưa cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ông Tài cách nơi xảy ra vụ việc khoảng 5km, cháu bé vẫn mất tích.
Khoảng 10h sáng 21/7, nước lũ xoáy rất mạnh đã cuốn trôi một đoạn khoảng 10 mét cầu Văn Luông (huyện Tân Sơn, Phú Thọ).
Rất may, thời điểm xảy ra vụ việc, không có người dân nào đi qua cầu nên không gây thiệt hại về người.
Video: Rùng mình thấy từng mảng cầu sụt xuống sông, bị lũ cuốn trôi
Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhiều nơi bị ngập lụt nặng. Đặc biệt, Quốc lộ 6 đoạn ngã 3 huyện Mai Châu bị ngập sâu đến hàng mét khiến các giao thông qua đây bị tê liệt.
Cơ quan chức năng đã huy động thuyền giúp người dân di chuyển ở khu vực ngã 3. Đồng thời huy động lực lượng cảnh sát giao thông dầm mưa hướng dẫn, hỗ trợ các phương tiện lưu thông trên đường an toàn.
Video: Mưa lớn ở Hòa Bình, người dân chèo thuyền đông như trẩy hội trên QL6
Lũ về dồn dập, ngày 21/7, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN đã lệnh cho Giám đốc thủy điện Hòa Bình mở thêm 2 cửa xả đáy (nâng tổng số lên 4 cửa) để thoát lũ, đảm bảo an toàn hồ đập; liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy.
Đêm 20, rạng sáng 21/7, một trận mưa lớn đã xảy ra nhiều giờ đồng hồ gây ngập lụt nặng cho nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Các tuyến phố nội đô ngập nặng khiến giao thông hỗn loạn.
Các khu đô thị, biệt thự liền kề giá triệu đô nằm trên đường Lê Trọng Tấn (An Khánh, Hoài Đức) bị ngập nặng. Nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng.
Một số huyện ngoại thành như Chương Mỹ, Quốc Oai… nước dâng cao. Dù sống trên bờ nhưng người dân phải dùng thuyền làm phương tiện di chuyển chính.
Video: Toàn cảnh làng triệu đô phố biến thành sông giữa Hà Nội
Do mưa lớn liên tục, nhiều huyện ở Hải Phòng đã bị ngập sâu trong nước.
Sáng 22/7, nhiều người ở TP Hải Phòng bất ngờ khi thấy một chiếc thuyền kayak màu vàng do một người đàn ông điều khiển, phía sau chở theo một bé trai lượn trên phố nhờ vào một chiếc xe máy kéo đi. Sau đó, người đàn ông chuyển sang hướng dẫn bé trai chèo thuyền.
Sự việc thu hút sự quan tâm của nhiều người đi đường. Một số người bày tỏ lo lắng về sự an toàn khi chiếc thuyền di chuyển trong dòng phương tiện đông đúc.
Video: Chèo thuyền, lướt sóng giữa đường phố Hải Phòng
Ngày 19/7, chính quyền xã Châu Bính, huyện Qùy Châu, Nghệ An cho biết, 35 người địa phương bị mất tích khi vào rừng hái măng.
Trước đó, ngay trước ngày bão Sơn Tinh đổ bộ, 40 người dân xã Châu Bính đã đi vào rừng hái măng. Sau đó, khi bão vào, chỉ có 5 người trong đoàn liên lạc được về nhà, 35 người còn lại bặt vô âm tín.
Ngoài ra, do mưa lớn sau bão, nhiều huyện ở Nghệ An như Con Cuông, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương bị ngập sâu trong nước, giao thông bị chia cắt.
Khoảng 1 giờ sáng 20/7, một trận lũ quét bất ngờ xuất hiện tại bản Hắc, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, cuốn trôi và làm sập 3 ngôi nhà, khiến cả gia đình ông Vi Văn Thiên (SN 1968, ngụ bản Hắc) có 4 người bị vùi lấp, cuốn trôi.
Hậu quả, ông Vi Văn Thiên và mẹ đẻ là bà Vi Thị Biến (SN 1933) tử vong, chị Hà Thị Biển (SN 1990, con dâu ông Thiên) và cháu Vi Thị H.Tr. (SN 2014, cháu nội ông Thiên) bị lũ cuốn mất tích.
Sáng 23/7, thi thể cháu Tr. đã được tìm thấy cách nhà khoảng 2km còn chị Biển vẫn đang mất tích.
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Thanh Hóa đã gây mưa lớn và thiệt hại đáng kể cho người dân. Mưa lớn sau bão khiến lũ dâng cao, ngập lụt xảy ra khắp nơi. Đặc biệt, huyện Thạch Thành là một trong những “rốn lũ” ở Thanh Hóa. Nước sông Bưởi dâng cao đã khiến khoảng 700 ngôi nhà bị ngập nước, gần 1.000ha lúa bị ngập, 827 hộ dân phải di dời và gần 1.000ha mía bị ngập sâu trong nước.
Video: Lũ tràn về, dân trèo cây tháo chạy ở tỉnh Thanh Hóa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.