Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Vì sao phải chuyển sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn? (Bài 1)

Ngọc Lê Thứ tư, ngày 29/11/2023 16:03 PM (GMT+7)
Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua đã có sự tăng trưởng liên tục cả về sản lượng, cũng như giá trị xuất khẩu. Tuy vậy, điều này được nhiều chuyên gia chỉ ra là, nông nghiệp hiện đang tăng trưởng theo chiều sâu, thâm dụng tài nguyên. Vì thế cần phải có một bước chuyển lớn sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn.
Bình luận 0
Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Vì sao phải chuyển sang nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn? (Bài 1) - Ảnh 1.

Việt Nam đang hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn.

Tăng trưởng nông nghiệp vẫn dựa trên "tư duy sản xuất"

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển trở thành ngành kinh tế năng động và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đóng góp lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện đại hóa đất nước; cải thiện và nâng cao thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của Nông dân và người dân nông thôn.

Thống kê cho thấy, tốc độ tăng GDP toàn ngành nông lâm thủy sản duy trì ở mức khá cao, năm 2021 tăng 3,27%, năm 2022 tăng 3,36% và 9 tháng đầu năm 2023 tăng 3,43%. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS liên tục tăng, năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020; năm 2022 đạt 53,53 tỷ USD, tăng 11,01% so với năm 2021; 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 38,5 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt gần 8,05 tỷ USD.

Mặc dù vậy, Bộ NNPTNT cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, đó là trong nhiều năm qua, để thúc đẩy tăng trưởng, ngành Nông nghiệp quan tâm nhiều đến "tư duy sản xuất", mục tiêu là tạo ra sản lượng nhiều nhất; dẫn đến thâm dụng tài nguyên và phải tăng lượng vật tư đầu vào, tăng chi phí sản xuất. Cùng nhiều nguyên nhân khác, người sản xuất đã lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học để kích thích tăng trưởng, tăng trọng.

TS. Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho biết: Việc tăng trưởng dừa vào tư duy sản xuất trong nông nghiệp, có 7 đặc điểm chính là: Thâm canh đất, độc canh, sử dụng phân vô cơ, kiểm soát sâu bệnh bằng thuốc hóa học, nhân giống nhập nội, xây dựng nhà máy trang trại chăn nuôi.

Tương ứng với điều này, dẫn tới 7 hệ quả, đó là: Thoái hóa đất;  Sử dụng nhiều nước lãng phí, phá hỏng hệ thống thủy nông (nước ngầm cà phê);  Ô nhiễm môi trường; Phụ thuộc vào đầu vào bên ngoài; Làm mất đi sự đa dạng về gen; Mất đi sự kiểm soát địa phương đối với sản xuất nông nghiệp; Bất bình đẳng toàn cầu.

Trên thực tế, theo Bộ NNPTNT, trong thời gian gần đây, đã có nhiều tín hiệu tích cực là trong khủng hoảng về giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản…), nhiều mô hình sản xuất của nông dân đã chủ động chuyển sang và tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế biến thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản từ các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, dễ tìm, dễ kiếm, để thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Quy trình canh tác, sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được chuyển đổi theo hướng tối ưu hoá, tối thiểu hóa chi phí đầu vào mà vẫn đạt được hiệu quả, mang lại lợi nhuận, giá trị và giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa diễn ra thực sự đồng bộ, trên diện rộng

Về thăm "thủ phủ" cà rốt, hành tỏi của Hải Dương - Ảnh 5.

Nông  dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) đang chăm sóc ruộng cà rốt xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Việt.

Làm gì để có nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn?

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi "tư duy từ sản xuất"  sang "tư duy kinh tế" nông nghiệp, chuyển từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị , gắn với tăng trưởng xanh (chuyển từ sản xuất "nâu" sang sản xuất và tiêu dung "xanh", bền vững và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ NNPTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, xây dựng Đề án "Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030". Hiện nay, dự thảo Đề án đang được Bộ NNPTNT xây dựng.

Theo Bộ NNPTNT, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là vấn đề thực sự quan trọng và được coi như một giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, giảm phát thải nhà kính bảo vệ môi trường. 

Các cơ chế, chính sách cho kinh tế tuần hoàn sẽ tập trung vào: Nghiên cứu, lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào chính sách, dự án liên kết vùng; Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thông qua lồng ghép việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Gắn kết phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp với các mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành khác, trên từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; cụ thể hóa và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể; xây dựng, tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

Nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm hữu cơ trong nông nghiệp. Đây cũng là nội dung cụ thể hoá Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và định vị mục tiêu hướng đến "Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân văn minh". Nghiên cứu các quy trình sản xuất nông nghiệp giảm nguyên liệu, vật tư đầu vào; nghiên cứu các nguyên liệu, vật tư thay thế.

Theo khái niệm của FAO: Nông nghiệp sinh thái là một phương pháp tiếp cận áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội nhằm xây dựng và quản trị hệ thống nông nghiệp và thực phẩm, tối ưu hóa các mối tương tác giữa động thực vật, con người và | môi trường, bao gồm cả các yếu tố xã hội hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững.

Theo PGS-TS. Đào Thế Anh- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), có 5 bước để chuyển sang nông nghiệp sinh thái, đó là: Tăng hiệu quả của yếu tố phân bón, thuốc trừ sâu/cỏ hoá chất và giảm vật tư đầu vào gây hại cho môi trường. Thay thế các đầu vào và thực hành truyền thống bằng các giải pháp sinh học.  Thiết kế lại các hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái dựa trên nguyên tắc nông nghiệp sinh thái. Liên kết người tiêu dùng và nhà sản xuất thông qua phát triển các chuỗi thực phẩm nông nghiệp sinh thái.  Xây dựng một hệ thống lương thực nông nghiệp sinh thái cấp vùng, toàn quốc dựa trên sự tham gia, bản sắc vùng miền, bình đẳng và công bằng.

Trên cơ sở đó, PGS-TS. Đào Thế Anh cho rằng, cần phải có cách tiếp cận phù hợp để triển khai nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam. Trước tiên, cần kết hợp các cách tiếp cận khác nhau theo hướng, tiếp cận từ dưới lên dựa trên sáng kiến của cộng đồng; tiếp cận từ trên xuống với chính sách của nhà nước để mở rộng quy mô. Đồng thời, cần kế thừa các yếu tố tích cực về nông nghiệp sinh thái đã áp dụng và áp dụng các kỹ thuật mới.  Có sự hỗ trợ của chuyển đổi số để giảm sức lao động, cải thiện hiệu quả. Xây dựng Lộ trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái quốc gia để định hướng cho các địa phương xây dựng kế hoạch.

Huyện này ở Nghệ An phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên 2.400 tỷ đồng - Ảnh 3.

Dưa lưới được trồng trong nhà màng với công nghệ tưới nhỏ giọt ở trang trại ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mang lại năng suất vượt trội. Ảnh: N.T

Sáu nhiệm vụ giảm phát khí mê-tan trong sản xuất nông nghiệp

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên- Môi trường (TNMT), hiện nay biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam luôn chủ động và tích cực triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển xanh, bao gồm một số hoạt động ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất...

Để giảm phát thải khí mê-tan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 05/8/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030. Theo đó, đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện một số biện pháp giảm phát thải khí mê-tan có liên quan đến ngành nông nghiệp trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng đáp ứng kỹ thuật tưới tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, khép kín cho các khu vực sản xuất lúa tập trung; chủ động rút nước giữa vụ; áp dụng các biện pháp tưới và canh tác lúa tiên tiến, tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện từng vùng nông nghiệp để giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ hai, mở rộng mô hình luân canh lúa - tôm và chuyển đổi từ lúa nước sang các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, quy trình, kỹ thuật trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ ba, chấm dứt đốt phế, phụ phẩm nông nghiệp thông qua cải tiến, áp dụng trên diện rộng quy trình, công nghệ thu gom tập trung, phân loại, xử lý, tái sử dụng, tuần hoàn, chuyển đổi mục đích sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị kinh tế, chuyển đổi các-bon trong sinh khối cây trồng thành các-bon bền vững và năng lượng sạch, tăng tích lũy các-bon trong đất nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ tư, thay đổi, cải thiện và sử dụng các chế phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn nhằm tăng năng suất, giá trị kinh tế trong chăn nuôi gia súc và giảm phát thải khí mê-tan; lai, cải tạo giống gia súc trong nước bằng những giống ngoại có năng suất chất lượng cao và phù hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả chăn nuôi; phát triển, khai thác hiệu quả các mô hình khí sinh học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi; thu hồi và sử dụng khí mê-tan trong xử lý chất thải chăn nuôi vào các hoạt động trong chăn nuôi gia súc và sản xuất điện năng. 

Đồng thời, thực hiện dán nhãn, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp, phân bón hữu cơ, sản phẩm tái chế, tái sử dụng được sản xuất theo quy trình, công nghệ ít phát thải khí mê-tan để tăng giá trị, tính cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm.

Thứ năm, đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các cấp về giảm phát thải khí mê-tan; tập huấn cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông về hiệu quả, lợi ích của các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ít phát thải khí mê-tan, phương pháp xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí mê-tan.

Thứ sáu, thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, doanh nghiệp với doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực giảm phát thải khí mê-tan trong trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn và xử lý nước thải, khai thác than, khai thác dầu khí và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Chính sách chuyển dịch xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Hiện nay, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) có nhiều ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Đặc biệt, Nghị định số 08/ năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã quy định về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (các Điều 154 đến 157 về tín dụng xanh, trái phiếu xanh), quy định về tiêu chí, lộ trình, trách nhiệm và cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn (các Điều 138, 139, 140).

Đây chính là một trong những kênh huy động nguồn lực tài chính xanh tiềm năng để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân tham gia vào chương trình sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem