Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Năm nay tiếp tục được dự báo là một năm lũ ở ĐBSCL về muộn và thấp, điều này chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy đến đời sống kinh tế, xã hội của người dân đồng bằng. Thứ trưởng nhận định thực trạng này như thế nào?
-Đúng là ĐBSCL đang đứng trước những tác động bất lợi từ thượng nguồn và biến đổi khí hậu. Thượng nguồn làm tốc độ dòng chảy giảm, phù sa không về. Biến đổi khí hậu để lại hệ lụy lớn nhất là nước biển dâng. Tất cả những yếu tố này tạo ra bất lợi ngày càng khó lường cho ĐBSCL.
Từ trước đến nay, nói đến ĐBSCL là người ta nói đến mùa nước nổi. Nếu không có lũ có cảm giác như không còn văn hóa đồng bằng. Hàng trăm năm nay, người dân đồng bằng sinh cơ lập nghiệp gắn với con nước, gắn với mùa lũ. Nếu lũ muộn và thấp, liệu nét văn hóa mùa lũ ấy có còn?
Hiện nay, theo tính toán của Bộ NNPTNT, tần suất xuất hiện lũ lớn ở ĐBSCL chỉ còn 7%, nghĩa là 10 - 15 năm mới có một lần lũ lớn dù các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn mới xây dựng được 50%. Đến khoảng năm 2040, nếu toàn bộ quy hoạch thủy điện ở thượng nguồn hoàn thành thì lũ lớn chỉ còn 1%, nghĩa là cả trăm năm mới có 1 mùa lũ lớn.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, dù ĐBSCL đang phải định hình lại trong sự bất lợi như vậy nhưng chúng ta cũng không nên qua sợ hãi, bởi khi nhìn nhận rõ các tác động bất lợi đó thì sẽ có các giải pháp ứng phó.
Với mùa lũ năm nay, ngay từ đầu Bộ NNPTNT đã nhận định lũ sẽ đến muộn, thậm chí không có lũ lớn. Ngay từ tháng 5/2020, chúng tôi đã có cảnh báo năm nay lũ ở ĐBSCL chỉ ở báo động 1, mực nước tại Tân Châu (An Giang) chỉ khoảng 3,5m.
Hiện nay, nhận định đó đang đúng, dự kiến đầu tháng 10 mới bắt đầu có lũ nhỏ. Và do lũ đến muộn lại nhỏ lên mùa khô năm 2020-2021 sẽ tiếp tục hạn mặn khốc liệt, có thể tương đương đợt hạn mặn kỷ lục 2015-2016.
Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do nông dân "xé rào" xuống giống trong vụ đông xuân 2019 - 2020 dù đã được ngành chức năng khuyến cáo. Ảnh: Huỳnh Xây.
Lũ nhỏ sẽ gây ra những tác động gì, thưa Thứ trưởng?
-Lũ nhỏ sẽ gây ra bất lợi là không thau rửa được đồng ruộng, không có phù sa vào ruộng nên phát sinh nhiều sâu bệnh hại. Lũ nhỏ thì toàn bộ sinh kế mùa lũ không có. Nếu lũ nhỏ xảy ra thường xuyên thì phải tính toán lại sản xuất phù hợp, nếu không sẽ nguy hiểm đến hệ sinh thái.
Vụ đông xuân 2019 – 2020, ĐBSCL đã phải đối mặt với hạn mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay nhưng nhờ linh hoạt, chủ động trong điều hành, các địa phương trong khu vực vẫn có vụ lúa đông xuân thắng lợi. Theo Thứ trưởng, kinh nghiệm này có thể áp dụng được cho vụ đông xuân 2020 – 2021?
-Trước những nhận định sớm về hạn mặn, năm nay, Bộ NNPTNT xác định, kịch bản vụ đông xuân 2020-2021 cơ bản như năm 2019-2020. Chỉ có điều vì lũ nhỏ nên có thể tăng diện tích lúa ở vùng thượng lưu, tại vùng hạ lưu các tỉnh ven biển chỗ nào không xuống giống được thì kiên quyết dừng. Do lũ nhỏ nên có thể đẩy vụ, tăng diện tích lúa.
Thực tế, cơ sở để Bộ NNPTNT tăng diện tích sản xuất lúa thu đông 2020 lên 800.000 – 820.000ha cũng là do nhận định về lũ khá sát thực.
Tuy nhiên, đối với diện tích cây ăn trái, nguy cơ sẽ rất cao nếu lũ nhỏ và hạn sắp tới. Đợt hạn mặn 2019-2020, diện tích cây ăn trái bị chết không lớn như năm 2015-2016 nhưng diện tích bị ảnh hưởng (giảm năng suất) là không hề nhỏ, trong khi để phục hồi lại cây ăn trái không đơn giản.
Do vậy, ngay trong mùa lũ này, các nhà vườn cần chủ động tích nước trong vườn để chuẩn bị cho mùa khô tới. Ví dụ, đối với những diện tích cây ăn trái có giá trị cao như sầu riêng, măng cụt, 1ha cần đào ao chứa 800m3 nước để tưới trong mùa khô.
Từ thực tế vụ đông xuân 2019 – 2020 cho thấy, dù hạn mặn và lũ nhưng sản xuất lúa ở ĐBSCL không ảnh hưởng lớn nếu người dân tuân thủ khuyến cáo, thưa Thứ trưởng?
-Đúng là như vậy. Chỉ cần dự báo sớm và đúng cộng với có kịch bản chỉ đạo, người dân tuân thủ và thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo thì sẽ luôn có tính toán phù hợp cho từng mùa vụ.
Bên cạnh các giải pháp phi công trình thì các giải pháp công trình cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong ứng phó với hạn mặn. Vậy, những dự án sẽ ưu tiên triển khai cho vùng ĐBSCL thời gian tới là gì, thưa Thứ trưởng?
-Hiện Bộ NNPTNT có 11 công trình lớn đang thi công ở ĐBSCL. Năm 2019-2020 hạn mặn cao điểm, Bộ chỉ đạo đưa 5 công trình vào vận hành trước. Mùa khô 2020-2021, một loạt công trình tiếp tục được đưa vào sử dụng, trong đó lớn nhất là công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé.
Hiện, chức năng của các công trình này cũng được điều chỉnh cho phù hợp, thay vì ngăn mặn giữ ngọt thì điều hòa mặn ngọt bằng vận hành hợp lý các công trình theo quy trình. Điều này sẽ giúp hài hòa lợi ích của cả người trồng lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản.
Năm nay, ngay trong mùa lũ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 36 về ứng phó với hạn mặn, trong chỉ thị này có một yêu cầu là không được để người dân nào thiếu nước. Bộ sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
-Chỉ thị 36 yêu cầu phải đảm bảo không người dân nào không có nước sinh hoạt. Đây là mệnh lệnh. Sau vụ hạn 2019-2020, các địa phương đã nhận diện có khoảng 96.000 hộ thiếu nước, ngoài ra còn các hộ bị ảnh hưởng. Và khi đã nhận diện rõ thì sẽ chủ động xử lý.
Hiện, các tỉnh đang làm quyết liệt việc nối dài đường ống; xây dựng các khu cấp nước tập trung mới. Còn số không thể nối đường ống được mới tính đến bài toán trữ nước theo hộ, yêu cầu tất cả các hộ phải trữ nước dùng trong 3 tháng.
Bộ NNPTNT đang đề xuất với Chính phủ đưa vào giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 một chương trình riêng về nước sạch cho ĐBSCL, hy vọng đến năm 2023 cơ bản khắc phục xong, không ngại về nước uống.
Bộ NNPTNT cũng đang giao Viện Khoa học thủy lợi và Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam xây dựng bản đồ trực tuyến xác định khu vực hạn mặn để các địa phương, người dân có cơ sở theo dõi, chủ động sản xuất.
Bộ cũng đang gấp rút triển khai các công trình thủy lợi vô cùng có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL. Rất may là các công trình này đều được thi công vượt tiến độ, do không vướng giải phóng mặt bằng.
Rõ ràng, với vùng ĐBSCL, không chỉ cần một hệ thống giải pháp trước mắt để ứng phó và sống chung với biến đổi khí hậu mà còn cần một tầm nhìn dài hạn hơn. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
- Đúng là ĐBSCL đang phải định hình lại theo hướng bất lợi, và điều đó là hiện hữu chứ không phải trong tương lai nữa, biến đổi khí hậu đã đến sớm hơn chúng ta đang nghĩ. Không những thế chiều hướng bất lợi thậm chí còn cao hơn cả các dự báo.
Chính vì vậy, ĐBSCL cần có một giải pháp tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, bắt đầu từ quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch, vùng nào lún sụt, vùng nào xâm nhập mặn thường xuyên, vùng nào không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn…
Quy hoạch này phải có tầm nhìn 50-100 năm, và đã quy hoạch xong thì quan điểm đầu tư cho ĐBSCL phải là đầu tư không nuối tiếc. Chỗ nào bắt buộc đầu tư thì phải làm ngay không được chần chừ, không đặt lên bàn cân nữa.
Ngoài ra, trong quá trình đầu tư, các ngành phải liên kết chặt chẽ với nhau, nhất là khi triển khai các công trình giao thông, thủy lợi.
Thủ tướng cũng đã ký quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thường trực. Hy vọng khi có Hội đồng điều phối thì tính liên kết vùng, liên kết ngành sẽ hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Anh Thơ - Trọng Hiếu (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.