Độc đáo với kiệt tác đình làng bằng gỗ siêu nhỏ
Với nhiều người Việt, hình ảnh nhà cổ, đình làng cổ xưa nay gắn liền với tuổi thơ của không biết bao nhiêu thế hệ. Đình Hữu Bằng nằm ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) không chỉ nổi tiếng với nhiều di vật quý giá, mà còn được coi là mang nét giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt. Ngôi đình tồn tại hơn 330 năm này trở thành nơi tụ điểm văn hóa xã hội của 9 thôn xa gần. Bên cạnh đó, ngôi đình với nhiều giai thoại cổ cũng là niềm tự hào của người dân của xã.
Xuất phát chính từ tình yêu quê hương xóm làng, ông Phan Lạc Hùng đã chế tác mô hình đình Hữu Bằng nhờ đôi tay thạo nghề làm mộc tài hoa. Tác phẩm được hoàn thành từ chất liệu gỗ và nhôm, đạt đến trình độ tinh xảo. Trong suốt 5 năm qua, ông Hùng đã dành rất nhiều thời gian cho tác phẩm của mình.
Được biết mô hình đình làng Hữu Bằng chính thức được lên ý tưởng trong 3 năm và mất hơn 2 năm để gia công và hoàn thiện. Những chi tiết được ông Hùng chăm chút nhất là mộng cửa, then chốt và lớp ngói lợp trên mái đình,… Cùng những ngày tháng mải mê chế tác, quên ăn, quên ngủ. Thế nhưng, người đàn ông giản dị này chỉ muốn làm cho vui và "để cho con cháu và dân làng biết về tay nghề của mình như thế nào".
Kiệt tác đình làng tỉ mỉ đến từng milimet
Mô hình đình làng Hữu Bằng được phác thảo chi tiết trước khi bước vào công đoạn chế tạo. Tuy nhiên cái hay và độc đáo nhất có thể kể đến là "làm đến đâu vẽ đến đấy, chứ không để lại một bản thiết kế nào cụ thể nào". Đáng chú ý, ông Hùng còn tự tin khẳng định rằng mô hình đình làng của ông: "Không khác gì đình thật, đạt đến 99 phần trăm". Sở dĩ những chi tiết ở mô hình đình làng Hữu Bằng thu nhỏ có tỉ lệ chính xác đáng kinh ngạc là bởi ông Phan Lạc Hùng đã đo đạc rất tỉ mỉ: "Nhiều cái phải trèo leo, đo đạc trực tiếp rồi mới thiết kế từng cột, từng con song".
Để hoàn thiện được tác phẩm của mình, ông Hùng đã dành ra từ 6 đến 8 tiếng một mình liên tục mỗi ngày. Công đoạn gia công phức tạp, từ những chi tiết nhỏ nhất như làm tấm ngói bằng gỗ ép được cắt sao cho y hệt tấm ngói được lợp ở đình; đến cái mộng nhỏ trên cột được chế tác một cách tinh vi; khung cửa hình chữ thọ; đến công đoạn gắn keo, thêm cây tùng, cây đại bằng thật và siêu nhỏ,… "Làm 100 nghìn viên ngói nhưng phiên bản mô hình đình làng Hữu Bằng chỉ sử dụng khoảng 70 nghìn viên. Mỗi ngày chỉ dập được 1500 viên và mất khoảng 2 tháng mới làm xong chi tiết mái ngói".
Tác phẩm mô hình đình làng Hữu Bằng có tỉ lệ 1/1000 so với đình làng gốc và chỉ nặng vỏn vẹn 60 kg.
Với ông Hùng, đây là một kiệt tác vô giá, được ông nâng niu và đặt trong phòng thờ của gia đình. Kể về một khoảng thời gian đáng nhớ, ông Phan Lạc Hùng chia sẻ: "Có những ngày trời nắng nóng không dám bật quạt chỉ vì sợ các chi tiết bị bay mất và phải làm lại từ đầu; thế nhưng áo lại ướt sũng mồ hôi".
Sự cần cù, tỉ mẩn của ông Hùng chính là sự khác biệt. Không cần sự hỗ trợ của các máy móc hiện đại, ông Hùng dùng mắt thường và đôi bàn tay khéo léo của mình cho từng chi tiết nhỏ nhất của mô hình. Những viên gạch của đình làng được tái hiện một cách chân thực đến mức đáng kinh ngạc.
Niềm tự hào nghề làm mộc
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề thợ mộc, ông Phan Lạc Hùng bồi hồi: "Tôi làm nghề này thực tế đã gần 50 năm, từ lúc còn là cậu thanh niên 18 tuổi. Gắn bó với nghề là một cơ duyên, cũng một phần là do gia đình có truyền thống làm mộc. Thời còn ở Hà Nội, nơi tôi làm việc đầu tiên là 188 Quán Thánh và đã làm cho rất nhiều nhà lân cận. Cho đến cuối năm 1974, tôi quyết định đi lang thang khắp cả nước để làm thêm kiếm sống. Sau đó một thời gian lại trở về Hà Nội và trở thành kỹ sư chế tác đồ làm từ gỗ". Với niềm say mê yêu nghề, ông còn tự hào rằng "Toàn bộ nhà tôi đang ở là do chính tay tôi thiết kế".
Gắn bó với "cái chày, cái đục" từ khi còn nhỏ, ông Phan Lạc Hùng đến nay đã 67 tuổi. Nhà của ông nằm ở trong con ngõ nhỏ thôn Sen thuộc xóm Chùa. Theo lời ông kể, người dân ở đây làm đủ thứ nghề chạy đua với thời cuộc, tuy nhiên nghề mộc vẫn là chính và lâu đời nhất. Khu lân cận cách đình chưa đầy 1 cây số lại bán rất nhiều đồ liên quan đến mộc, nhưng càng vào gần đến đình thì các hộ dân kinh doanh đồ gỗ lại càng ít. Tuy nhiên nghề làm mộc vẫn phát triển rất mạnh ở quê hương ông. "Tôi muốn lưu giữ nét đẹp của quê hương mình, của đình làng Hữu Bằng mãi cho ngàn đời sau", ông Hùng nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.