Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 1.

67 tuổi, bà vẫn đi bán trứng, vẫn làm việc 15 tiếng mỗi ngày, vẫn tảo tần như cái thời bà cứu hàng ngàn hộ nông dân thoát khỏi đại nạn cúm gia cầm. Tên của bà gắn với doanh nghiệp bà, gắn với cơ nghiệp gia đình bà: Ba Huân. Đến giờ, Ba Huân vẫn có công lớn trong việc bình ổn giá trứng suốt nhiều năm liền khi giá thị trường quay chóng mặt.

Nhưng mấy ai biết đằng sau hình ảnh người phụ nữ can trường ấy là một cuộc đời nhiều tủi hờn và nước mắt. Nếu không có sự hy sinh và niềm vui sống cho cộng đồng, chưa chắc bà đã có động lực để vượt lên, để đối diện những quyết định đầy khắc nghiệt.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 2.

Sinh ra ở vùng quê nghèo khó tỉnh Long An, từ hồi 13 tuổi, bà Ba Huân đã quảy đôi quang gánh theo mẹ chạy chợ. Nhà có 8 anh chị em, chỉ mình bà Ba đứng ra phụ giúp việc mua bán những quả trứng gà, trứng vịt nơi miệt hạ sông Tiền.

Đến khi 16 tuổi, bà Huân được mẹ giao lại toàn bộ cơ nghiệp. Gọi là cơ nghiệp cho "oách" chứ thực ra, mẹ chỉ truyền nghề, cùng chút vốn liếng ít ỏi. Bà Huân nhớ lại, thời điểm đó, cạnh tranh được với các thương lái gốc Hoa trong vùng là điều không hề dễ. Một mình bà nhỏ tuổi, ít vốn, phải lặn lội đến từng cánh đồng nuôi vịt ở miền Tây để mua tận gốc, bán tận ngọn.

Cũng nhờ chút nhạy bén kinh doanh, càng ngày bà càng gom góp được nhiều ân tình và uy tín từ các nông hộ và những bạn hàng. Vượt sông Tiền, sông Hậu, vựa trứng Ba Huân tiến lên vùng chợ Lớn TP.HCM. Bà Ba có thêm điều kiện để tiếp tục chăm lo cho các em ăn học, trưởng thành.

Ông Phạm Thanh Hùng, người em thứ 6 của bà Huân kể lại, chị Ba để các em mình tự do chọn lựa hướng đi. Nhưng không ai bảo ai, mỗi người mỗi ngành nghề đều quay trở về nghiệp bán trứng của gia đình.

Mấy anh chị em làm chung một công ty sẽ dễ dàng đồng cam cộng khổ nhưng "9 người 10 ý", cũng không hiếm khi khác biệt quan điểm. "Vì thế cái uy của người đứng đầu rất quan trọng", ông Hùng nói.

Điển hình là đại dịch cúm gia cầm H5N1 quét cơn cuồng phong lên ngành chăn nuôi năm 2003, 2005. Hàng vạn con người từ chăn nuôi đến kinh doanh bỗng chốc trắng tay. Những doanh nghiệp buôn bán trứng như Ba Huân cũng đứng trước tình thế điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, thị trường thì quay lưng.

Ông Hùng thiệt tình kể, ngày đó công ty thiệt hại gần 6 tỷ đồng vì dịch cúm. Gia đình đã khuyên bà Ba bán bớt nhà cửa để mở tiệm vàng, sinh sống và nuôi con. Khi về quê, thấy nông dân nước mắt chảy ròng, bà Ba càng kiên quyết bán bớt nhà xưởng, đất đai.

Nhưng bà Ba không bán tài sản để đi buôn vàng mà lại nhập máy móc, dây chuyền về sản xuất trứng sạch. Quyết định liều lĩnh này nhằm tiếp tục duy trì nghề bán trứng của gia đình khiến không ít người... bật ngửa. Bởi lúc đó, bất động sản đang được giá, còn quả trứng thì ngập chìm trong khủng hoảng.

Không chỉ bạn bè mà ngay cả anh em trong nhà cũng phản ứng dữ dội. Nhưng bà Ba kiên quyết lắm. Cuối cùng, tất cả phải xuôi theo. "Về sau, ai cũng phải thừa nhận đây là bước chuyển mình lớn của thương hiệu Ba Huân vì đã tạo ra cuộc cách mạng trong công nghệ xử lý trứng gia gầm", ông Hùng tâm đắc.

Không dừng lại ở đó, Ba Huân tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị ngành chăn nuôi gia cầm nội địa từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Đây là điều hiếm thấy ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.

Bà Huân kể, nhà có 8 anh chị em thì có 6 người đang cùng phụ giúp công việc. Đứa điều hành suản xuất, đứa làm kho, đứa lo vận tải, đứa phụ giúp các công việc hậu cần… Bà không trọn vẹn ở đường con cái nhưng lại may mắn có 1 tập thể anh chị em yêu thương và đồng lòng.

"Các quyết định về sau của tôi đều được mọi người đều ủng hộ. Có lẽ họ cảm nhận được cái tâm, và tư duy dám đổi mới nên lại cùng tôi giữ nghiệp gia đình suốt 50 năm qua", bà Huân chia sẻ.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 3.

Năm 2017, bà Ba Huân được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam và được mệnh danh là "Nữ hoàng hột vịt". Tròn 1 năm sau đó nữa, tin vui lại đến với nữ doanh nhân này khi quỹ đầu tư VinaCapital rót vốn 32,5 triệu USD cho doanh nghiệp Ba Huân.

Đùng một cái, mối lương duyên đổ vỡ. Tháng 8/2018, cuộc "ly hôn" của thương vụ Ba Huân - VinaCapiatal nổi đình nổi đám trên các phương tiện truyền thông. Nhiều nghi vấn được đặt ra để giải thích quanh những con số 22% tỷ suất hoàn vốn đầu tư hoặc 51% cổ phần mất đi nếu không thực hiện đúng cam kết...

Nhưng đằng sau những con số ràng buộc trong hợp đồng còn có những uẩn khúc mà ít ai biết.

Một chiều chủ nhật cuối năm, dù bận bịu với việc quy tập hài cốt ông bà, bà Ba Huân vẫn muốn đưa chúng tôi, những người khách từ Hà Nội vào Nam công tác, ghé thăm cho bằng được trang trại chăn nuôi công nghệ cao ở Long An. Đây là trang trại mới nhất được hình thành từ vốn đầu tư của ngân hàng Viettinbank sau lời mời góp vốn vào nông nghiệp của Thủ tướng Chính Phủ.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 4.

Trở lại với thương vụ năm 2018, bà Ba Huân thành thật chia sẻ, VinaCapital là quỹ lớn, nếu được họ đầu tư là cơ hội để nâng tầm doanh nghiệp. Họ chuyên nghiệp sẽ hướng dẫn một công ty gia đình như Ba Huân tốt hơn, cả về vốn liếng, thị trường, công nghệ, quản trị… Nhưng vào phút chót, khi đối chiếu lại hợp đồng đầu tư trong bản tiếng Anh, bà phát hiện có nhiều điểm không phù hợp với bản tiếng Việt.

Đằng sau những con số, mắc lớn nhất là sau 3 năm đầu tư, họ sẽ bán công ty cho đối tác thứ ba. Đây là điều mà bà Huân không hề chuẩn bị, các anh em trong gia đình bà cũng không đồng ý.

"Cả nhà tôi gầy dựng nghề bán trứng đã nửa thế kỷ tâm huyết. Nếu bán đi, gia đình và nhiều người nữa sẽ mất đi một thương hiệu. Làm sao tôi đành lòng ôm cục tiền mà nhìn cảnh anh chị em tan rã", bà Ba tâm sự.

Nhưng làm thế nào bây giờ? Hợp đồng đã ký rồi, "bút sa gà chết". Nếu bà muốn hủy hợp đồng thì phải chịu phạt, số tiền phạt lên tới hàng chục tỉ. Chưa kể, còn uy tín, còn thương hiệu, còn những rắc rối nếu đáo tụng đình. Thế là bà phải lao vào đàm phán lại với đối tác, phải lấy cái chất phác, chân quê ra để năn nỉ. Bà nhiều lần bay ra Hà Nội, nhờ đến những cấp lãnh đạo cao nhất can thiệp. 

"Thôi, bà Ba Huân bà ấy là nông dân, đọc hợp đồng chưa kỹ, thôi, bỏ qua cho bà ấy…". Rất may là cuối cùng đối tác cũng nể bà mà bỏ qua, mọi chuyện nhờ thế mà cũng kết thúc êm đẹp. Đó là lần thứ 2 bà phải chọn lựa một quyết định khó khăn trước gia đình.

Sau 3 năm nhìn lại, bà thấy quyết định không hợp tác với Vinacapital là đúng hay sai?

Trả lời chúng tôi, bà Huân trầm ngâm nhưng không hề lưỡng lự: - "Một mình tôi lèo lái cả cơ nghiệp. Nếu lúc đó tôi quyết định hợp tác với họ thì bây giờ có lẽ tôi sướng cái thân hơn bây giờ. Quyết định nào cũng có cái giá phải trả. Nhưng gia đình vẫn có một ý nghĩa lớn lao. Gia đình là điểm tựa để tôi níu giữ lại một thương hiệu cho ngành gia cầm trong nước vậy".

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 5.

Ông bà thường nói: "Một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Với nghề bán trứng và thịt gia cầm của Ba Huân, hành trình 50 năm có lẽ là quãng thời gian đủ lâu để bảo chứng cho một đời gắn bó. Ở cái tuổi 67, khi bạn bè, đồng nghiệp quây quần bên con cháu, hưởng thụ những năm tháng tuổi xế chiều thì bà Ba vẫn tất tả ngược xuôi đi bán trứng.

Một ngày bình thường, bà Huân vẫn thức dậy lúc 4 sáng để tập thể dục rồi bắt đầu công việc. Thứ bảy, chủ nhật bà vẫn đi xuống các nhà máy, xí nghiệp; mỗi tháng 2 bận lại khăn gói ra Hà Nội đôn đốc thị trường phía Bắc. Cuộc sống của bà vẫn diễn ra bình dị, vẫn làm việc 15-16 tiếng đồng hồ mỗi ngày, không có đam mê nào khác ngoài kinh doanh. Niềm vui giải trí duy nhất có lẽ là đi chùa và làm từ thiện.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 6.

Đã 67 tuổi rồi, có lúc nào bà có thấy mệt mỏi hay chán nản vì công việc không?

- Nghề bán trứng với tôi như cái nghiệp. Tình yêu với nghiệp gia truyền vẫn chưa tắt, tôi vẫn muốn truyền nghề lại cho đội ngũ kế thừa và mong các em làm tốt. Tôi có thấy mệt chứ, nhưng nản thì không!

Từ sau thương vụ Vinacapital, vì còn muốn giữ thương hiệu nên tôi còn vất vả như bây giờ. Âu đó cũng là cái giá mà tôi đã chấp nhận và không bao giờ hối tiếc những việc mình đã làm.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 7.

Cực nhất là phải lo cho đời sống công nhân được chu toàn trong giai đoạn Covid-19. Toàn hệ thống có khoảng 900 lao động. Thời điểm dịch bệnh, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nhưng công ty không sa thải một ai. 

Được biết bà vừa được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới?

- Đó là niềm vinh dự quá lớn với cá nhân và công ty! Tôi cảm ơn cha mẹ truyền nghề, cảm ơn người chăn nuôi và người tiêu dùng đã tin tưởng. Nông dân và người tiêu dùng chính là động lực lớn nhất giúp tôi gắn bó với ngành gia cầm gần trọn cả một đời.

Lúc nhận danh hiệu Anh hùng lao động, tôi gặp lại những người bạn quen như ông Trần Mạnh Báo, ông Hồ Quang Cua... Họ đều có chung một niềm đam mê, dấn thân và hi sinh rất nhiều vì nông nghiệp. Chúng tôi gặp nhau cũng lại nói về nông nghiệp và trăn trở muốn đưa nông nghiệp nước nhà bước ra thế giới.

Ba Huân cũng vậy. Ở độ tuổi đã xế chiều, tôi vẫn mong làm được điều gì đó đền đáp lại ân tình của người tiêu dùng, người nông dân đã đồng hành cùng tôi suốt 50 năm qua.

Khi nhận danh hiệu người phụ nữ của châu Á, bà vẫn nhận mình là nông dân. Đến bây giờ, bà còn nghĩ mình là nông dân không?

- Tôi ít học, đi lên từ nghề buôn bán nhỏ lẻ. Tôi biết nỗi trăn trở của nông dân và chưa bao giờ tôi quên xuất thân mình là nông dân. Sau danh hiệu người phụ nữ châu Á, rồi nhiều giải thưởng tôn vinh về sau, tôi vẫn xưng mình là nông dân.

Do có nhiều giải thưởng khác nhau, người ta cũng thường gọi tôi với nhiều danh xưng khác nhau. Nào là "Cô Ba trứng sạch", "Nữ hoàng hột vịt", "Vua trứng", rồi "Xuồng ba lá vượt đại dương"... nhưng tôi vẫn thích cái tên Ba Huân thân thuộc đã gắn bó với bà con từ thuở hàn vi.

Năm 2017, tôi vinh dự được Trung ương Hội Nông Dân bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm Đổi mới. Đến giờ, tôi vẫn trân quý danh hiệu đó vô cùng.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 8.

Bà nghĩ ngành gia cầm trong nước đủ năng lực cạnh tranh được với thế giới chưa?

- Việt Nam có thể cạnh tranh được. Ngày trước, mua bán gia cầm vẫn giao dịch bằng tiền tươi thóc thật, lại quay vòng vốn nhanh. Vì thế tôi hay gọi con gà, con vịt là con "xóa đói giảm nghèo".

Hồi chưa có dịch bệnh, nuôi ít trăm con gà đẻ trứng, vài trăm con vịt chạy đồng cũng giúp người ta dựng vợ gả chồng, hoặc tích vốn để làm ăn. Sau dịch cúm gia cầm năm 2003, 2005, tôi nghĩ mình phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành và tôi đã làm được.

Đến giờ cũng đã có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi nói chung, ngành gia cầm nói riêng sẽ thừa sức xuất khẩu. Ba Huân cũng đã sẵn sàng tư thế để xuất khẩu dù quá trình này bị chậm lại do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ khi xuất khẩu bền vững con "xóa đói giảm nghèo" thì mới phát triển được ngành trứng và gia cầm, mới giúp nông dân làm giàu.

Vậy thì, đâu là khó khăn mà những người, những doanh nghiệp làm nông nghiệp như bà đã và đang gặp phải?

- Doanh nghiệp muốn mạnh thì nguồn tài chính phải lớn, công nghệ phải cao. Đây là 2 khó khăn lớn nhất khi chúng ta muốn vươn ra thế giới.

Đặc biệt là vốn, doanh nghiệp cần một cơ chế tốt hơn về lãi suất. Như chỗ Ba Huân cũng thuộc hàng có "máu mặt", có nhiều mối quen biết mới được hưởng mức lãi vay 6% hay dài hạn thì 9% chứ các doanh nghiệp nhỏ rất khó vay. Vốn đã không có, mà đi vay lại gặp khó thì làm sao phát triển. Cho nên, chúng tôi cần một cơ chế lãi suất cho những người làm nông nghiệp căng cơ.

Xin cảm ơn Bà về cuộc trò chuyện. Chúc Bà và doanh nghiệp Ba Huân một năm mới nhiều tài lộc, bình an!

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 9.

 Trong một lần ghé thăm và làm việc ở trang trại công nghệ cao của Ba Huân ở Long An, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cảm thán, từ một người buôn bán nhỏ, tiến lên xây dựng cơ sở, rồi doanh nghiệp là một nỗ lực đầy kiên trì.

Đặc biệt ông đánh giá cao khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhất để hiện đại hóa sản phẩm của ngành chăn nuôi gia cầm, từ đó đóng góp lại cho xã hội, cho đất nước. Theo Bộ trưởng, Ba Huân là tấm gương điển hình thể hiện ý chí vươn lên của nông dân Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam.

Ngành nông nghiệp hiện nay không chỉ hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân mà còn hướng tới xuất khẩu. Người đứng đầu Bộ NNPTNT cho rằng, tới đây, gà và trứng sẽ là một trong những mặt hàng chủ lực, đem về hàng tỷ USD cho đất nước từ xuất khẩu.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 10.

Sau gần 50 năm kinh doanh và hơn 10 năm áp dụng công nghiệp hóa ngành chăn nuôi gia cầm, đến nay Công ty CP Ba Huân đã khép kín quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn, theo tiêu chuẩn công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Gia đình là điểm tựa để níu giữ thương hiệu Ba Huân - Ảnh 11.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem