Giải pháp tăng cường an toàn lao động cho công nhân, lao động

Thùy Anh Thứ hai, ngày 09/12/2024 08:46 AM (GMT+7)
Theo báo cáo, mỗi năm Việt Nam có khoảng 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp. 10 năm qua cả nước có hơn 100 nghìn vụ tai nạn lao động gây thiệt hại lớn về người và của. Giải pháp nào để hạn chế vấn đề này?
Bình luận 0

Để làm rõ về giải pháp nhằm đảm bảo an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cho công nhân, lao động, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN.

Mỗi năm có khoảng 7.000 người bị bệnh nghề nghiệp 

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về tình trạng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động trong công nhân, lao động?

Theo báo cáo, đến hết năm 2023, ở Việt Nam có khoảng 33.000 lao động bị bệnh nghề nghiệp (BNN). Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc BNN và có 500 trường hợp được giám định BNN.

Giai đoạn 2013-2023, cả nước đã để xảy ra gần 100.000 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm hơn 100.000 người bị nạn và gần 10.000 người chết, khoảng 25.000 người bị tàn phế… Đặc biệt, đang có khoảng 1 triệu người ở Việt Nam bị trầm cảm, rối loạn lo âu, hàng năm có khoảng 40.000 người chết vì vấn đề này. Đây là những con số cho thấy vấn đề đang ở mức khá nghiêm trọng, cần được quan tâm.

Theo bà đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ công nhân, lao động mắc bệnh nghề nghiệp khá cao?

Qua nghiên cứu, giám sát nguyên nhân đã được xác định chủ yếu do điều kiện lao động chưa đảm bảo an toàn; thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa TNLĐ, BNN còn hạn chế.

Giải pháp tăng cường an toàn lao động cho công nhân, lao động - Ảnh 1.

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN chia sẻ với PV về giải pháp kiềm chế TNLĐ và BNN. Ảnh: N.C

Qua nắm bắt cho thấy, hầu hết những người mắc BNN hoặc TNLĐ chủ yếu rơi vào nhóm công nhân, lao động trực tiếp, không được cập nhật thông tin đầy đủ về các kiến thức bảo hộ an toàn lao động và phòng ngừa BNN. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh nguyên nhân chính vẫn là do tâm lý chủ quan, không quan tâm tới an toàn lao động của công nhân lao động. Ngoài ra, hiện nay nhiều đơn vị cũng lơ là trong khâu giám sát, quán triệt lao động đảm bảo ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những giải pháp gì để hạn chế tai nạn bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, thưa bà?

Để tăng cường công tác đảm bảo ATLĐ và giảm thiểu BNN, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các cấp công đoàn tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo ATVSLĐ cho đoàn viên, người lao động.

Các cấp công đoàn tăng cường phối hợp với các cơ quan, chức năng, người sử dụng lao động kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động.

Nhằm hiện thực hóa chủ trương của Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, giữa tháng 7/2024 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Công văn số 1690 yêu cầu các cấp công đoàn tập trung triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Đầu tiên là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATVSLĐ đến các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn; góp phần chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và phòng ngừa TNLĐ, BNN.

Tiếp theo là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ sử dụng về ATLĐ. Tuyên truyền trực quan, giới thiệu, nhân rộng các mô hình làm tốt công tác ATVSLĐ; phổ biến phương pháp và kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN đến cán bộ công đoàn, người lao động. Đổi mới việc phát động và các hoạt động phong trào thi đua “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Ngoài ra, công đoàn cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các vi phạm để xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ...

Mặt khác, Công đoàn cũng kêu gọi các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ.

Giải pháp tăng cường an toàn lao động cho công nhân, lao động - Ảnh 2.

Việc đảm bảo về an toàn lao động trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tại nơi làm việc. Ảnh: N.T (Chụp tại Nhà máy gang thép Thái Nguyên)

Ngoài các nhiệm vụ trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn đẩy mạnh nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện, chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chế độ, chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc trên quan điểm lợi ích và an toàn, sức khỏe, tình mạng của người lao động.

Nghiên cứu vào điều kiện làm việc, các nguy cơ rủi ro ở các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; phát hiện bệnh nghề nghiệp, đánh giá, dự báo tác hại nghề nghiệp đến sức khỏe người lao động; đưa ra các giải pháp phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, gần đây (tháng 11/2024) Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức họp Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án "Xây dựng phong trào văn hóa, an toàn lao động trong công nhân lao động".

Bà có thể thông tin đôi nét về Đề án này được không?

Mới đây vào cuối tháng 11/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức họp Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án "Xây dựng phong trào văn hóa, an toàn lao động trong công nhân lao động".

Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện chức năng và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong vận động, tuyên truyền, xây dựng văn hóa an toàn lao động trong đoàn viên, người lao động vì mục tiêu bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, BNN.

Chúng tôi cho rằng tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ là nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, người sử dụng lao động, người lao động.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem