"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 1.

Thưa Đại sứ Đặng Đình Quý, năm 2023 vừa qua có thể thấy là năm "bội thu" của hoạt động ngoại giao Việt Nam. Trong 1 năm mà chúng ta đón gần 50 nguyên thủ nhiều quốc gia, nhiều người đứng đầu các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến thăm Việt Nam. Đây cũng là năm Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đón tiếp cả hai nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc – 2 siêu cường trên thế giới. Là một người làm ngoại giao lâu năm, ông thấy những dấu mốc đáng kể nào của ngành ngoại giao trong hơn 2 thập kỷ qua của thế kỷ 21?

- Những hoạt động đối ngoại sôi nổi đã tạo nên thế và lực mới cho Việt Nam trên trường quốc tế. Thế và lực mới cộng với nghệ thuật ngoại giao, nhất là ngoại giao nguyên thủ tức là các hoạt động ngoại giao do Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước tiến hành.

Nói về dấu mốc hay bước ngoặt thì khó nói vì đối ngoại, ngoại giao trong hơn 20 năm qua liên tục phát triển ở tất cả các lĩnh vực. Nếu nói về thành tựu thì có 3 thành tựu lớn.

Thứ nhất, hoàn thành phân giới cắm mốc với Trung Quốc (31/12/1999; 31/12/2008); phân định vịnh Bắc bộ 25/12/2000; hoàn thành tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới với Lào năm 2016; Ký Hiệp ước ghi nhận việc hoàn thành cắm mốc 84% biên giới trên đất liền với Campuchia năm 2019. Điều đó tạo cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng các đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng.

Thứ hai, trở thành thành viên WTO năm 2007, tiếp đó là hình thành mạng lưới các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương, đến nay chúng ta đang thực hiện 16 FTA và đang đàm phán 3 FTA (Hiệp định thương mại tự do-PV).

Thứ ba, hình thành mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Đến nay chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 18 nước, bao gồm tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và các nước lớn, 12 đối tác toàn diện.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 2.

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục trải qua những biến động lớn, nhiều quốc gia rơi vào chiến tranh, nhiều quốc gia nội chiến, nhiều nước suy thoái kinh tế trầm trọng, theo ông, đâu là những mấu chốt cốt lõi để ngoại giao Việt Nam gặt hái được các thành tựu lớn như vậy?

- Có lẽ có 3 nguyên nhân chính, đó là thắng lợi của sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua của chúng ta. Đổi mới thành công thì mới có thực lực, có thực lực thì mới có năng lực để xử lý các vấn đề.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 3.

Điều thứ 2 là chính sách đối ngoại. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI năm 1988 nêu định hướng, giữ nước bằng một nền kinh tế mạnh, bằng một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền đối ngoại rộng mở. Thắng lợi của ngoại giao trước hết bắt nguồn từ những thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, của quá trình gia tăng sức mạnh tổng hợp của đất nước, từ đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế, làm bạn với tất cả nhưng không làm đồng minh với ai, không liên minh với ai để chống ai.

Và thứ 3 là từ nỗ lực phụng sự Tổ quốc của các thế hệ cán bộ đối ngoại, trong đó có cán bộ ngành ngoại giao.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao thứ 32 năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến trường phái "ngoại giao cây tre" Việt Nam. Theo quan điểm của ông, Việt Nam đã vận dụng trường phái ngoại giao cây tre như thế nào, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới biến động thời gian gần đây?

- Cây tre Việt Nam là hình tượng về bản sắc ngoại giao Việt Nam, trong đó gốc là lợi ích quốc gia dân tộc, thân là nguyên tắc, cành là phương cách. Tre vững vàng trước bão dông vì gốc vững vàng bám sâu vào đất, thân chắc chắn, dẻo dai và cành uyển chuyển. Tre thành lũy, thành thành vì tre biết kết bè, liền rễ liền cành với nhau.

Trước các thách thức từ khu vực và thế giới, ngoại giao Việt Nam đã kiên định mục tiêu đối ngoại là vì lợi ích quốc gia dân tộc, kiên định nguyên tắc đối ngoại là phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, thực hiện 4 không, linh hoạt trong phương cách xử lý.

Những dấu ấn ngoại giao trong năm qua sẽ giúp Việt Nam mở ra cơ hội như thế nào trong việc phát triển kinh tế xã hội, theo cách nhìn nhận của ông?

- Năm qua, những thỏa thuận đạt được trong những chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là với Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU đã mở ra cơ hội mới để thu hút đầu tư chất lượng cao, ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối cơ sở hạ tầng... đặc biệt là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 4.

Được biết, khi đang là sinh viên ĐH Bách khoa, ông bất ngờ rẽ ngang và thi đỗ vào ĐH Ngoại giao trong khi gia đình không có ai làm trong lĩnh vực này. Có phải lúc đó ông phát hiện ra mình có tố chất trở thành một nhà ngoại giao, hay vì một lý do nào khác?

- Không, hồi đó có biết ngoại giao là làm gì đâu. Khi bỏ ĐH Bách khoa, tôi định đi thi vào ĐH Y Hà Nội thì gặp người bạn trước cùng đơn vị bộ đội rủ thi ĐH Ngoại giao. Lúc sang trường Ngoại giao thì ấn tượng vì trường ít sinh viên, ngăn nắp và kỷ luật. Thế là nộp hồ sơ xin thi thôi.

Ông đã trải qua nhiều vị trí công tác đặc thù của ngành ngoại giao và nhất là khi ông làm Đại sứ - Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Ngày 7/6/2019, truyền hình phát hình ảnh ông đứng bật dậy, tay hua cao với bạn bè quốc tế, và vỡ òa trong niềm vui khi Việt Nam trúng cử vào HĐBA với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193. Hẳn phải là một cảm xúc rất đặc biệt?

- Khó tả lắm, 192/193, vui và bất ngờ vì Việt Nam lập kỷ lục lịch sử 74 năm LHQ. Đó là phản xạ tự nhiên, cũng giống như kiểu ngày xưa khi Giải phóng miền Nam, mọi người đểu nhảy lên vui mừng vì biết là chiến tranh kết thúc rồi.

Trước đó tôi cam kết với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng là đạt 185 phiếu thôi. Chúng ta là ứng cử viên duy nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhưng không phải đương nhiên các nước sẽ bỏ phiếu cho mình và cũng không nghĩ tất cả các nước họ đều yêu quý mình. Việt Nam có một hình ảnh, một sức nặng nhất định trong lòng bạn bè thế giới, đó là máu xương từ 2 cuộc kháng chiến. Nói đến Việt Nam, người ta nghĩ đến điều đó và Việt Nam cũng được biết đến là một trong số rất ít nước đã đổi mới thành công. Việt Nam là một cái gì đó trong lòng người ta, nếu khơi được điều đó để họ hiểu mình, thì họ sẽ hợp tác và hỗ trợ.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 5.

Chiều 2/1/2020, ngày đầu tiên Việt Nam tham gia hoạt động của HĐBA, cũng là ngày đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên HĐBA. Ông đã chủ trì buổi họp báo quốc tế đầu tiên trên cương vị Chủ tịch HĐBA ở trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ông đã gửi đi thông điệp gì với các phóng viên quốc tế?

- Họp báo để công bố chương trình làm việc tháng của HĐBA là hoạt động thường kỳ của Chủ tịch HĐBA. Việt Nam làm chủ tịch HĐBA đúng vào ngày đầu tiên của năm kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, do đó chúng ta nhấn rất mạnh thông điệp về sự cần thiết phải thượng tôn Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.

Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo ông Việt Nam đã đóng góp những thành tựu nào cho hòa bình và phát triển của thế giới?

- Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA lần này, chúng ta hai lần làm chủ tịch luân phiên, tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Ngoài việc điều phối các hoạt động để HĐBA hoàn thành chương trình nghị sự, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh, chúng ta đã đóng góp quan trọng vào việc củng cố hệ thống luật pháp bảo vệ hòa bình an ninh quốc tế. Chúng ta đã khởi xướng, chủ trì soạn thảo, đàm phán để HĐBA thông qua 2 nghị quyết, 3 tuyên bố Chủ tịch HĐBA và nhiều tuyên bố báo chí kịp thời thể hiện lập trường của HĐBA và các vấn đề nảy sinh đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.

Khi tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, chúng ta không chỉ nói chuyện của mình mà phải nói chuyện các nước cùng quan tâm. Vậy làm thế nào để vừa đảm bảo lợi ích quốc gia vừa nói được những mối quan tâm chung?

- Khó nhất là phải xử lý các vấn đề các ủy viên, đặc biệt là các ủy viên thường trực HĐBA có lợi ích khác nhau. Khi đó Chủ tịch phải nỗ lực điều phối, vận động thúc đẩy, thuyết phục các bên cùng tìm ra mẫu số chung lợi ích, tìm ra công thức để các nước lớn có thể đồng thuận, phải có sự hài hòa giữa lợi ích của mình và lợi ích của khu vực và thế giới. Thường phải làm các việc này trong thời gian rất eo hẹp, tình hình thì biến chuyển rất nhanh. HĐBA ra quyết định chậm thì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người.

Ông đã gặp nhiều nhà ngoại giao lão luyện, sừng sỏ của các nước lớn trên thế giới. Ông có ấn tượng nhất với ai? Vì sao?

- Ông trưởng phái đoàn đại diện Đức, Đại sứ Christoph Huesgen. Đó là một nhà ngoại giao có kiến thức sâu, tranh luận tại HĐBA không cần dùng tài liệu chuẩn bị trước; kỹ năng giỏi, nói năng truyền cảm, lập luận thuyết phục, hài hước vui vẻ với tất cả mọi người. Đại sứ Christoph Huesgen có bản lĩnh cao, ông ấy phê phán, chỉ trích tất cả các việc ông cho là sai trái, dù đó là hành vi của ủy viên thường trực HĐBA.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 6.

Ông từng tháp tùng rất nhiều lãnh đạo cấp cao, dự nhiều cuộc gặp lịch sử. Có những điều gì ấn tượng nhất mà ông sẽ lưu giữ trong hồi ức của mình?

- Đó là chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005. Hồi ấy tôi là tham tán chính trị sứ quán Việt Nam tại Washington DC. Ấn tượng vì đó là chuyến thăm lịch sử. Ấn tượng vì trong quá trình chuẩn bị, cũng phải hợp tác và đấu tranh, nhưng qua đó tôi nhận ra rằng trong lòng nước Mỹ có rất nhiều người Bạn của Việt Nam, rất nhiều người thực tâm mong muốn quan hệ Mỹ - Việt tốt đẹp hơn.

Tố chất không thể thiếu của một người làm ngoại giao, theo ông là yếu tố nào?

- Tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn nói, người tình báo giỏi phải có 3 tố chất: khả năng kết nối, làm bạn với tất cả; khả năng giúp đỡ và sẵn sàng giúp đỡ mọi người và khả năng tỏ ra chân thành trong đối xử với mọi người, kể cả kẻ thù. Nhà ngoại giao giỏi cũng có các tố chất ấy. Điểm khác là ngoại giao không có kẻ thù, chỉ có đối tác và những người sẽ làm đối tác của mình.

ch ông chia sẻ khiến tôi hiểu rằng, ngoại giao có nghĩa là phải khéo léo, và có lúc người làm ngoại giao như đi trên dây. Theo ông thì người làm ngoại giao vừa khéo léo, vừa phải chân thật, có gì mâu thuẫn không?

- Phải chân thật chứ, không chân thật thì làm sao người ta tin mình, người ta chơi với mình. Tất nhiên, có những lúc "nói vậy mà không phải vậy", nhưng chỉ khi nào cần thôi. Làm ngoại giao giỏi thì phải khéo, phải nhạy cảm nhưng phải chân thật thì mới có nhiều bạn, nhiều đối tác được.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 7.

Nói về những người làm ngoại giao, người ta sẽ hình dung ra đó là những người lịch thiệp, được ăn ngon mặc đẹp, lên xe xuống ngựa, với những bữa tiệc linh đình. Có những góc khuất nào của một nhà ngoại giao mà công chúng chưa biết hoặc ít biết, thưa ông?

- Hình ảnh công khai thì phải thế, hình ảnh đại diện cho đất nước mà. Khi đã gánh vác trách nhiệm đại diện thì phải cố gắng thể hiện cho đúng chuẩn mực, từ trang phục đến phong cách ứng xử trong môi trường đa văn hóa. Điều quan trọng nhất là làm sao cho người ta tôn trọng mình, người ta yêu quý mình, từ đó người ta có ấn tượng tốt đẹp về đất nước mình.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 8.

Một trong những góc khuất ít người biết đến là các nhà ngoại giao ăn uống không phải lúc nào cũng yến tiệc, mà nhiều lúc phải ăn uống rất kham khổ, nhất là khi đi phục vụ các đoàn cấp cao hay các hội nghị đa phương. Anh chị em phục vụ, nhất là những người làm văn kiện, nội dung nhiều lúc phải ăn mỳ ăn liền. Nhà nước cấp đủ công tác phí cho anh em đi công tác nhưng đơn giản là không có thời gian ra quán hoặc đi mua đồ ăn.

Ông là người khá hài hước. Vậy ông nghĩ thế nào về câu nói "Người thông minh chưa chắc đã hài hước. Nhưng người hài hước chắc chắn thông minh"?

- (cười) Tôi chưa biết câu này.

Trong sự nghiệp hoạt động ngoại giao của mình, ông muốn thế giới nhìn nhận hình ảnh của Việt Nam như thế nào?

- Tôi mong muốn mọi người biết đến Việt Nam là một đất nước thân thiện, được mọi người yêu quý. Anh có mạnh đến đâu chăng nữa mà không được người ta yêu quý thì cũng vứt. Việt Nam được biết đến là nơi không còn chiến tranh nữa, mà đã là một đất nước nơi có nhiều món ăn rất ngon, nơi có nhiều phong cảnh rất đẹp, và người dân thì rất thân thiện, mến khách.

Nền văn hoá và lòng mến khách của người dân Việt Nam là một sức mạnh để cảm hoá người nước ngoài. Tôi nhớ ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc có lần đi du lịch ba lô từ Lạng Sơn vào tận Đà Lạt. Sau chuyến đi ông ấn tượng rất sâu về lòng mến khách của người dân Việt Nam, đi đâu ông cũng kể câu chuyện đó. Và nó tạo ra một sự lan toả rất lớn. "Ngoại giao văn hoá" của chúng ta không chỉ do nhà nước làm, mà người dân đã làm rất nhiều và rất hiệu quả. 

Chúng tôi tò mò muốn biết cuộc sống đời thường của một nhà ngoại giao như ông?

- Cũng đa dạng như mọi người thôi. Người làm ngoại giao có 2 tư cách, một tư cách là đại diện, một tư cách là bản thân anh. Khi anh là đại diện thì anh phải đúng chuẩn của một đất nước, nhưng nó phải rất tự nhiên, văn hóa truyền thống nó phải ngấm một cách rất tự nhiên, chứ không phải đóng kịch. Ví dụ như Bác Hồ là một nhà ngoại giao kiệt xuất, nhưng cách Bác thể hiện lại rất tự nhiên, rất Việt Nam nhưng lại rất quốc tế. 

Người làm ngoại giao cũng là những con người bình thường. Là ai thì anh cũng phải ứng xử có văn hoá, văn hoá phương Đông của chúng ta là "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Anh cũng phải ngay ngắn, ra đường mà lúi xùi thì không thể làm ngoại giao được. Tôi cũng như bao người khác, với nhiều thú vui như chăm lo gia đình, con cái, thưởng thức văn hóa đặc sắc của nơi mình công tác; chơi các môn thể thao, tranh thủ đi du lịch...

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 9.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 10.

Để thực hiện các nghi thức đón tiếp các nguyên thủ quốc gia trang trọng như mọi người có thể nhìn thấy, đằng sau đó phải là cả một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của những nhà ngoại giao, sự vất vả của cả hệ thống phục vụ. Ông có thể chia sẻ chuyện "bếp núc" ngoại giao hay những khó khăn vất vả mà những người làm ngoại giao đã phải trải qua?

- Khó khăn vất vả thì nghề nào chẳng có. Để có một chuyến thăm thành công thì phải chuẩn bị nhiều tháng, có khi phải nhiều năm. Bắt đầu từ ý tưởng, đến xây dựng đồng thuận, trình xin chủ trương; khi có quyết định thì chuẩn bị nội dung, lễ tân, hậu cần, làm việc với các đối tác; phối hợp và thúc đẩy các bộ phận liên quan... Nhiều khâu trong quá trình đó thường không dễ dàng, có khi còn nguy hiểm, nhất là liên quan đến các ý tưởng mới, đề xuất mới, có lợi cho nước nhưng phải vượt qua những định kiến, những quan điểm lỗi thời. Đó là chưa nói đến những vấn để nảy sinh trong các chuyến thăm.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đãi tiệc trà, tôi thấy đó cũng là nét mới trong nghi thức ngoại giao của Việt Nam?

- Tiệc trà là cử chỉ có đi có lại. Khi mình sang Trung Quốc, họ luôn bày tiệc trà. Chúng ta cũng hiểu rằng quan niệm của văn hóa phương Đông là khi ngồi uống trà là để đàm đạo với nhau. Đó là một cử chỉ thân tình với người thân. Tôi nghĩ đó là sự cố gắng để đa dạng hóa nghi lễ.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 11.

Quà tặng là một phần không thể thiếu trong quan hệ bang giao, đó không chỉ thể hiện thái độ, biểu lộ tình cảm mà còn là thông điệp ngoại giao và văn hóa. Vậy trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, món quà ông thường tặng là gì?

- Chúng ta chưa có công nghiệp làm quà và chưa đa dạng hoá. Ví dụ Trung Quốc họ biến trà thành thứ quà tặng rất sang trọng, tinh tế. Người Nhật còn cầu kỳ hơn. Người Nhật thường học những gì cầu kỳ của thế giới, nâng cấp lên thành thứ tuyệt đỉnh của mình.

Chúng ta cần quan tâm đến văn hoá quà, phải có cái gì rất đặc trưng của Việt Nam. Để làm được điều đó phải có thời gian. Bởi chúng ta phải bắt đầu từng bước. Ví dụ ngay từ đầu chúng ta phấn đấu cho đủ ăn đã. Phú quý mới sinh lễ nghĩa. Giờ chúng ta phú quý rồi mới nghĩ đến câu chuyện đó. Còn những nước khác họ phú quý lâu rồi, hoặc họ phân cấp, có những tầng lớp phú quý lưu giữ những văn hoá đó từ rất lâu. Còn Việt Nam có đặc thù là nền kinh tế lúa nước, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh, cứ xây dựng được một chút lại bị phá. Văn hoá của chúng ta lại công bằng, bình đẳng giữa các tầng lớp nên quà tặng của người Việt xưa nay không cầu kỳ, cốt ở lòng thành.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 12.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở "chiếu chèo làng Đặng", ở một nơi có "Hào khí Đông A" ông được thừa hưởng gì, được bồi đắp gì để tạo nên thành công của một Đại sứ như ông ngày hôm nay?

- Ai sinh ra ở đâu thì ngấm văn hóa, truyền thống lịch sử của vùng đất ấy. Hội chèo làng Đặng trong bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính là Hội làng tôi đấy. Chèo đặc sắc lắm: mấy chục làn điệu là đủ các sắc thái tình cảm hỉ nộ ai lạc của con người, lời chèo thì vần như thơ lục bát và chứa đầy điển cố văn học. Khó trả lời câu hỏi của bạn nhưng có lẽ nền văn hóa ấy, truyền thống lịch sử ấy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc di dưỡng tinh thần cho chúng tôi.

Theo ông, làm thế nào để trở thành một nhà ngoại giao đặc biệt?

- Anh muốn đặc biệt, trước tiên anh phải đặc biệt về trí tuệ. Tiếp đó là đặc biệt bằng những tính cách "độc và lạ" nhưng được tất cả mọi người chấp nhận. Ví dụ có những nhà ngoại giao rất giỏi trong việc gây cười, như ông Đại sứ của Indonesia cùng nhiệm kỳ với tôi ở Liên Hiệp Quốc. Cứ ông đi đâu, nói gì là người ta cười vui vẻ đến đấy. Ai có tính cách như thế nào thì cứ như thế, cứ phát huy, miễn là không khiến người khác khó chịu. Còn nếu không học được thì đừng cố mà học.

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 13.

Ông đã đặt chân đến rất nhiều nước trên thế giới. Có điều gì đặc biệt trong con người ông để ông luôn là một nhà ngoại giao được nhiều người yêu mến?

- Tôi là một nông dân có duyên đi làm nhà ngoại giao. Và điều đó trở thành nghiệp của mình. Tôi nghiệm ra rằng, tài ngoại giao của Bác Hồ có được là nhờ vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo "năm cái biết" (ngũ tri) của triết lý phương Đông: Biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến. Biết thời thế để nói chuyện, biết người để biết họ muốn gì, thích gì. Biết mình để khiêm tốn, để ứng xử hợp lý với người. Sau đó mới đến là biết dừng, biết ứng biến. Bác Hồ cũng đã từng nói trong ứng xử phải "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Trong quá trình làm ngoại giao, qua mỗi cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, nó bồi đắp, tích luỹ, lớn dần lên mà thành kinh nghiệm.

Tôi làm ngoại giao mọi thứ nó tự nhiên giống như mình đi gặp bạn mình ấy. Cần chuẩn bị, cần nhạy cảm, xem người ta như thế nào, tuỳ vào từng người để chọn chủ đề câu chuyện. Và phải biết lắng nghe, đừng nói nhiều hơn người ta. Người ta muốn gặp mình để chia sẻ, tâm sự mà mình nói hết phần người ta thì người ta chán. Sau chả muốn gặp mình. Nếu người ta muốn mình nói thì mình nói vừa đủ thôi, rồi gợi cho người ta nói thì câu chuyện mới vui.

Để giữ gìn những thành quả mà cha ông ta đã dày công vun đắp, để cơ đồ Việt Nam tiếp tục toả sáng và vươn xa trên thế giới, ông có thông điệp gì với những thế hệ sau?

- Mỗi thế hệ có một sứ mệnh. Các thế hệ ông cha đã giành độc lập, thống nhất đất nước, đưa đất nước hội nhập vào thế giới. Sứ mệnh của các thế hệ hiện nay là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đưa nước ta trở thành nước XHCN phát triển. Đấy là sứ mệnh rất vinh quang, đưa đất nước hoá rồng, nhưng đó là sứ mệnh vô cùng gian nan. Thế hệ bây giờ phải bản lĩnh hơn chúng tôi, sáng tạo, bản lĩnh, tự tin hơn chúng tôi. Hãy ý thức rõ về sứ mệnh, nỗ lực phấn đấu vì hạnh phúc của bản thân mình, gia đình mình và cũng là tương lai tươi sáng cho cả dân tộc Việt Nam mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

"Mình có mạnh đến đâu chăng nữa nhưng không được người ta yêu quý thì cũng vứt" - Ảnh 14.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem