Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: "Chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, sẽ tiếp tục xuất hiện những ca mới"
"Dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội hiện cơ bản vẫn đang kiểm soát được"
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thủ đô Hà Nội diễn biến phức tạp. Từ ngày 27/4 đến 29/8, khi trải qua đợt dịch Covid-19 đợt 4, Hà Nội đã ghi nhận 3.091 ca nhiễm, trong đó số ca mắc trong cộng đồng 1.537 trường hợp.
Trước vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có những chia sẻ với PV Dân Việt về tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thủ đô.
Xin bà cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua kể từ sau khi thực hiện tổng lực việc xét nghiệm tại những khu vực, đối tượng có nguy cơ cao để truy vết F0 ngoài cộng đồng?
Trước tiên, tôi đánh giá tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội hiện cơ bản vẫn đang kiểm soát được.
Việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng, Hà Nội đang thực hiện thấy rất hiệu quả những ngày vừa qua. Theo đó, ngành y tế đang triển khai thực hiện xét nghiệm ở những vùng nguy cơ cao như vùng đỏ, vùng da cam.
Việc xét nghiệm này mục đích phát hiện sớm ca F0 trong cộng đồng. Quan trọng nữa đó là đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội như thế nào? Phải đánh giá đúng vùng trọng điểm để xét nghiệm, tránh lãng phí trong công tác xét nghiệm.
Bên cạnh đó, nếu Hà Nội không xét nghiệm diện rộng cũng có thể bỏ sót ca F0 trong cộng đồng. Chính vì vậy, theo tôi trong xét nghiệm sàng lọc quan trọng nhất phải nhận định được dịch tễ và đánh giá được nguy cơ. Bên cạnh vùng nguy cơ, vùng đỏ cũng phải đánh giá đối tượng, nhóm nguy cao để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm như: nhân viên y tế, công nhân khu công nghiệp, chuỗi cung ứng, lái xe taxi, grab, shipper…
Khi phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng trong quá trình tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chứng tỏ Hà Nội đánh giá đúng vùng nguy cơ cao để phát hiện sớm ca F0 trong cộng đồng.
Phát hiện ca F0 trong cộng đồng lực lượng sẽ tiến hành điều tra, truy vết triệt để. Vẫn kiên định với việc điều tra truy vết đảm bảo không để mất vết các ca F0, đánh giá thực trạng để có những giải pháp tiếp theo. Đây là vấn đề rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch.
Hiện đã phát hiện trên 200 ca dương tính chỉ sau 5 ngày tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, bà đánh giá thế nào về ổ dịch này?
Sau khi phát hiện ca dương tính tại phường Thanh Xuân Trung, lực lượng chức năng đã thực hiện phong toả rất chặt ở ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi. Chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, trong những ngày tới sẽ tiếp tục xuất hiện những ca dương tính mới tại khu vực, điều này quận Thanh Xuân đang chủ động khống chế.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đẩy mạnh chiến lược cứ 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm một lần làm Realtime RT – PCR. Đây là khu vực được đánh giá vùng đỏ, được quản lý rất chặt chẽ, người dân được đáp ứng nhu cầu nhu yếu phẩm, an sinh xã hội, chính quyền quận Thanh Xuân đã có những phương án rất cụ thể và đáp ứng để người dân ổn định trong khu vực phong toả.
Qua thống kê, ngày 29/8, Hà Nội đã ghi nhận 133 ca dương tính trong cộng đồng và khu vực phong toả, cách ly. Đây là ngày ghi nhận số lượng ca dương tính nhiều nhất trong 4 tháng qua kể từ khi đợt dịch bệnh Covid-19 đợt 4 bùng phát tại Hà Nội. Việc này có đáng lo ngại không thưa bà?
Việc xuất hiện hiện ca F0 ngày 29/8 cao nhất từ đợt 4 này cũng chủ yếu là ca nhiễm trong khu vực phong toả, cách ly. Những ca F0 cách ly, phong toả cơ bản kiểm soát được.
Nếu ca dương tính nhiều trong cộng đồng cũng rất khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, đây chủ yếu ca khu vực phong toả, điều này thể hiện Hà Nội thực hiện khoanh vùng rất tốt. Với chủng Delta lây lan rất nhanh, Hà Nội vẫn đang tiếp tục trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Quan trọng phát hiện ca F0 để đảm bảo truy vết thật sớm thì mới giải quyết được những ổ dịch lớn như vậy mà trong địa bàn dân cư ở khu Thanh Xuân Trung, Văn Miếu, Văn Chương… đây là những địa bàn rất phức tạp vì mật độ dân số đông, ngõ, đường có sự liên thông với nhau…
Tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) tương đối gọn, khoảng 2.000 dân, đảm bảo người dân nhà cách ly nhà, người dân ở yên trong nhà, không có việc giao tiếp, đi lại sang nhà của nhau từ khi thực hiện phong toả.
Hà Nội chưa có phương án thực hiện cách ly F1 tại nhà
Một số chuyên gia cho rằng Hà Nội nên thí điểm cách ly F1 tại nhà để giảm tải áp lực đối với hệ thống y tế. Là người đứng đầu ngành y tế thủ đô, bà thấy Hà Nội cần triển khai chưa?
Tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội với số ca F0, F1 hiện không phải quá nhiều do người dân đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP.
Thời điểm khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, phát hiện ca F0 thì truy vết ra rất nhiều F1. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách, F1 không quá nhiều. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh của Hà Nội cũng như số ca như vậy, Hà Nội chưa tính trường hợp để F1 tự cách ly tại nhà.
Phương án này còn tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, số ca bệnh. Nếu thủ đô tiếp tục phát hiện thêm những ca trong cộng đồng sẽ có phương án phù hợp nhất với thực tiễn. Tất cả làm sao quản lý thật chặt các trường hợp F0, F1, tránh việc lây lan trong cộng đồng. Nếu thấy cần thiết sẽ thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Tôi cho rằng, qua đánh giá về dịch tễ cũng như liên quan đến số lượng các ca bệnh, tình hình khống chế dịch bệnh trên địa bàn, trước mắt Hà Nội chưa có phương án thực hiện cách ly F1 tại nhà.
Về vấn đề cũng được dư luận khá quan tâm đó là việc triển khai tiêm vaccine phòng chống Covid-19 tại địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay ra sao thưa bà?
Tiêm vaccine của Hà Nội phụ thuộc vào tiến độ phân bổ vaccine của Bộ Y tế. Bộ phân bổ bao nhiêu vaccine thì Hà Nội thực hiện tiêm hết ngay với chủ trương tiêm sớm nhất, nhanh nhất, an toàn nhất.
Thành phố xem xét những đối tượng ưu tiên trong tiêm chủng như Nghị quyết 21 của Chính phủ. Theo đó, xem xét đối tượng ưu tiên cho người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh lý mãn tính.
Tiêm chủng cho những đối tượng sinh sống trên địa bàn tham gia chuỗi cung ứng, lái xe taxi, lái xe công nghệ, công nhân, học sinh sinh viên, shipper cung ứng hàng hoá, người hay giao tiếp như nhân viên kho bạc, ngân hàng, bưu chính viễn thông…
Tất cả việc này đều thực hiện một cách minh bạch, công bằng, dân chủ. Hà Nội là thành phố với tỉ lệ tiêm chủng rất cao, nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về chuyên môn.
Hiện tại chúng tôi đã thực hiện hướng dẫn không giới hạn người đến tiêm vaccine trong một buổi tiêm chủng để có thể thực hiện được nhiều người dân nhất đến các điểm tiêm chủng. Cùng với đó áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin giảm thời gian chờ đợi và thực hiện giãn cách chống việc lây nhiễm khi tham gia tiêm chủng.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.