Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa chăm lo Tết cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn
Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa: Ưu tiên lo Tết cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 22/11/2024 10:54 AM (GMT+7)
Hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, thời điểm này, nhiều địa phương đã lên kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động. Nhiều hoạt động ý nghĩa, phần quà giá trị đã được chuẩn bị để tặng cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn.
PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cảnh – Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa xung quanh các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thưa ông hiện tại tỉnh Thanh Hóa có bao nhiêu công chức viên chức và người lao động?
- Theo số liệu của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa, tính đến 30/11/2024, tổng số công nhân viên chức, lao động toàn tỉnh là 375.910 người, tổng số đoàn viên Công đoàn là 370.460 người (tăng 28.311 đoàn viên so với cùng kỳ năm 2023). Tỷ lệ tập hợp, thu hút công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia vào tổ chức Công đoàn đạt hơn 98%.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3.836 đơn vị Công đoàn cấp cơ sở, trong đó, gần 3.800 công đoàn cơ sở (2.869 CĐCS khối HCSN; 924 CĐCS khối SXKD), 43 Nghiệp đoàn cơ sở.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, tới thời điểm này Liên đoàn lao động tỉnh Thanh Hóa đã có những hoạt động nào chăm lo Tết cho đoàn viên người lao động, thưa ông?
- Để chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân, người lao động, đặc biệt công nhân có hoàn cảnh khó khăn, ngay từ giữa tháng 10/2024, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo đó, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn và cũng thực hiện kế hoạch thường niên, năm nay Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tổ chức 2 chương trình lớn là: Tết sum vầy – Xuân ơn Đảng và Hội chợ công nhân.
Dự kiến Hội chợ công nhân có hàng trăm gian hàng, chủ yếu là sản phẩm được kêu gọi từ các nguồn xã hội hóa để bán cho công nhân, lao động. Đây đều là hàng hóa chất lượng, được bán với giá rẻ cho người lao động. Ngoài ra, hội chợ cũng có những gian hàng 0 đồng ưu tiên cho công nhân viên chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được mua. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn tổ chức các gian hàng là sản vật địa phương để người lao động được mua, với mức giá cũng rất "công đoàn". Thông qua Hội chợ, ban tổ chức còn tổ chức các trò chơi, chương trình văn nghệ, hội thi… nhằm chăm lo đời sống cho đoàn viên, công nhân lao động dịp xuân về.
Năm nay, tổ chức chương trình Tết sum vầy – Xuân ơn Đảng, tỉnh Thanh Hóa dự kiến mở cầu truyền hình trực tiếp. Chương trình gồm 1 chuỗi hoạt động nhằm cho lo cho người lao động và được tổ chức từ cấp cơ sở, cấp trên, cấp tỉnh. Trong đó có chương trình truyền hình trực tiếp, chương trình thăm tặng quà cho công nhân viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Vậy chương trình thăm, tặng quà Tết cho đoàn viên, công nhân, người lao động thế nào thưa ông?
- Dự kiến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ tổ chức nhiều đoàn thăm tặng quà Tết cho công nhân lao động. Có thể thăm tặng quà trực tiếp, cũng có thể thông qua các chương trình Tết sum vầy hoặc tại Hội chợ công nhân.
Đầu tiên sẽ có 6.190 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng (tiền mặt) với tổng trị giá số suất quà trên là hơn 3 tỷ đồng. Số quà này được lấy từ nguồn kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có để thực hiện chăm lo cho đoàn viên công nhân, viên chức người lao động.
Ngoài ra sẽ có 2.960 suất, mỗi suất là 1,3 triệu đồng (trong đó 1 triệu đồng tiền mặt và túi quà trị giá 300.000 đồng) với tổng trị giá tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Số quà này được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện từ Quỹ hỗ trợ đoàn viên công nhân viên chức, lao động Công đoàn Thanh Hóa.
Ngoài những suất quà theo định mức như trên, các cấp công đoàn trong toàn tỉnh cũng vận động thêm những suất quà từ các mạnh thường quân, nguồn xã hội hóa… để tặng quà cho đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh còn dự kiến Hỗ trợ xây mới và sửa chữa 27 nhà từ nguồn Quỹ với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động (hoặc người thân) không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn lao động, bị tử vong...
Tất cả hoạt động này đều hướng tới mục tiêu chăm lo Tết cho đoàn viên, công nhân lao động và "không để ai lại phía sau".
Tại các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều lao động, tình trạng thiếu nhà ở vẫn diễn ra. LĐLĐ tỉnh đã có giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
- Đúng vậy, hiện nay nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp ở Thanh Hóa là rất lớn. Tuy nhiên tới thời điểm hiện nay, mới có một số khu nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư xây dựng, đã đưa vào sử dụng một số năm qua.
Mới đây Quốc hội đã phê chuẩn quyết định giao nhiệm vụ xây dựng các thiết chế công đoàn ở khu công nghiệp trên toàn quốc cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư.
Tuy vậy, hiện nay việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về thủ tục, giấy tờ, mặt bằng… Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định Số 14215/UBND-THKH ngày 27/9/2024 đồng ý cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư xây dựng Khu thiết chế Công đoàn tại tại xã Bình Minh, thị xã Nghi sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích hơn 6ha.
Nguồn vốn đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn tại tỉnh Thanh Hóa được bố trí từ nguồn vốn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Tỉnh Thanh Hóa chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời, sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào dự án như: đường giao thông, điện, cấp thoát nước và thông tin liên lạc.
Theo tính toán, sẽ có khoảng 800-1.000 căn nhà ở xã hội được xây dựng, nhà ở xã hội cũng sẽ chiếm phần nhiều tổng đầu tư trong khu thiết chế. Diện tích các căn hộ từ 40m2 và các căn đều được cho thuê. Dự kiến, giá cho thuê chỉ bằng hoặc thấp hơn giá công nhân thuê ở ngoài.
Ngoài nhà ở xã hội, khu thiết chế còn có những tiện ích như nhà văn hóa, trường, chợ, trạm y tế… để công nhân lao động có thể ở sinh hoạt. Dự kiến quý I/2026 sẽ bắt đầu khởi công.
Sau khu thiết chế này, LĐLĐ tỉnh sẽ còn xây dựng thêm dự án thiết chế thứ 2 ở ngoại thành thành phố Thanh Hóa.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy nhu cầu thuê nhà của công nhân lao động cũng khá cao vì đa phần công nhân lao động chỉ có nhu cầu ở trọ. Hết tuổi lao động họ lại về quê, có nhà ở, vì thế việc xây dựng khu thiết chế là khá phù hợp, nên được nhân rộng.
Hiện nay Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Công đoàn, LĐLĐ tỉnh có đề xuất kiến nghị nào về nội dung cho dự thảo này không, thưa ông?
- Một trong nhiều nội dung mà LĐLĐ tỉnh đang đề xuất kiến nghị bổ sung tại Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đó chính là bổ sung cán bộ công đoàn chuyên trách cho công đoàn cơ sở.
Hiện nay cán bộ công đoàn không chỉ thiếu số lượng yếu về cả chất lượng. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại Quốc hội, biên chế của tổ chức Công đoàn so với các tổ chức chính trị xã hội khác bằng 1/3 hoặc bằng 50%. Cả nước mới có gần 6.000 biên chế. Hiện nay số đoàn viên của tổ chức công đoàn Việt Nam rơi vào khoảng hơn 12 triệu, như vậy cứ mỗi cán bộ công đoàn phải quản lý khoảng 20.000 đoàn viên.
Gần như 100% công đoàn cơ sở là không có cán bộ công đoàn chuyên trách. Hiện nay cán bộ công đoàn xây dựng theo hình tháp ngược, có nghĩa là tập trung đông cán bộ công đoàn ở Trung ương còn tại cơ sở gần như không có. Điều này dẫn tới hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn chưa cao, khó bảo vệ được quyền lợi của người lao động.
Ngoài nội dung trên, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cũng có nhiều đề xuất gửi tới Quốc hội, ví dụ về việc bố trí thời gian hoạt động cho cán bộ công đoàn không chuyên trách tại cơ sở; quy định quyền chủ động và cơ chế giám sát của tổ chức công đoàn; kiến nghị để lao động ở khu vực phi chính thức được gia nhập tổ chức công đoàn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.