Hà Nội cấm xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải: Chuyên gia nói "không nên làm đột ngột"

Nguyễn Thịnh Thứ sáu, ngày 13/12/2024 11:58 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, việc cấm xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải là cần thiết nhưng xem xét để làm thế nào phù hợp, hiệu quả, và cũng nên khuyến khích chuyển đổi sang xe "xanh".
Bình luận 0

Hà Nội đang triển khai kế hoạch thiết lập vùng phát thải thấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường sống. Theo nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua vào ngày 12/12/2024, từ năm 2025, thành phố sẽ thí điểm áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm xe cơ giới không đạt tiêu chuẩn khí thải lưu thông vào một số khu vực nhất định.

Theo đó, giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ thí điểm thiết lập vùng phát thải thấp tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Các khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và có chất lượng không khí không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Hà Nội cấm xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải: Chuyên gia nói  - Ảnh 1.

Tại TP.Hà Nội, người dân chủ yếu sử dụng xe máy là phương tiện đi lại, mưu sinh.

Với xe ô tô, các xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ hoặc khu vực cụ thể. Trong khi đó, xe mô tô và xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 2 sẽ bị hạn chế hoặc cấm lưu thông tương tự.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Huy Hoàng, người làm vận chuyển bình gas, cho biết: "Công việc của tôi thường giao bình gas tới các xóm trọ cho thuê, nhà dân trong các ngõ ngách. Phương tiện chính là xe máy để thuận tiện di chuyển. Việc cấm xe máy cũ lưu thông tôi thấy chưa hợp lý. Tôi nghĩ nên có thêm thời gian trước khi áp dụng".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết sẽ nghiên cứu chính sách đổi xe, hỗ trợ đổi xe máy sang xe điện, giảm giá vốn vay, để cơ bản người dân trong vùng phát thải thấp đi xe điện, loại bỏ việc đi xe máy.

Trong khi đó, anh Trần Văn Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh có nghe thông tin về kiểm định khí thải xe thời gian qua. Tuy nhiên anh chưa rõ việc Hà Nội cấm xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải cụ thể ra sao, các xe được kiểm định như thế nào. Bản thân anh Minh hoàn toàn ủng hộ việc hạn chế hoặc cấm với những chiếc xe cũ nát, xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời Dân Việt, chuyên gia xe Khuất Thế Đạt nói: "Như chúng ta đã biết, tại TP.Hà Nội, người dân chủ yếu sử dụng xe máy là phương tiện đi lại, mưu sinh. Việc hạn chế hoặc cấm xe máy cũ lưu thông trong nội đô sẽ rất khó khăn. Với lượng phương tiện đông đúc, công tác rà soát, kiểm định cũng tiêu tốn không ít thời gian và tiền bạc".

Ông Đạt cho rằng việc cấm hoặc hạn chế xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải rất cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng đáng báo động mà xe máy chính một trong những là "thủ phạm". Tuy nhiên theo quan điểm của ông Đạt, áp dụng ra sao cần có lộ trình phù hợp bởi làm đột ngột dễ khiến người dân hoang mang.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị, nhấn mạnh về việc kiểm định khí thải rằng cần phải có cơ chế, cách thức làm sao cho hiệu quả, nên chăng phân loại xe chủ yếu là số km đi lại, nếu dựa vào thời hạn mua xe thì không đúng, không công bằng.

Hà Nội cấm xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải: Chuyên gia nói  - Ảnh 2.

Ngoài xe máy thì xe tải, đặc biệt là những xe cũ hoặc không được bảo dưỡng thường xuyên, trở thành một trong những nguồn phát thải khí độc hại lớn.

"Chiếc xe đã mua mấy chục năm, nhưng không được sử dụng thường xuyên, đi ít, khí thải không vượt mức thì không cần phải kiểm tra, thu hồi. Nếu lấy thời hạn để đo đạc thì mất thời gian, chi phí", TS Thủy nêu quan điểm.

TS. Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng người sử dụng xe máy đa phần là người dân lao động, thu nhập thấp do vậy, cần có cơ chế để hỗ trợ, ưu đãi cho việc thực hiện và mức giá quy định có thể vừa phải để mọi người dân đều có thể chấp nhận được.

Không chỉ xe máy, một phương tiện khác cũng sẽ bị rà soát kĩ - đó là xe tải. Xe tải, đặc biệt là những xe cũ hoặc không được bảo dưỡng thường xuyên, trở thành một trong những nguồn phát thải khí độc hại lớn, gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

"Khí thải từ xe tải chứa nhiều chất độc hại như carbon dioxide (gây nên hiện tượng nóng toàn cầu), carbon monoxide (gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh khi hít phải), hydrocarbons (gây ung thư)... Xe tải, phần nhiều là xe sử dụng nhiên liệu diesel, phát thải lớn lượng chất gây ô nhiễm không khí và bụi mịn làm giảm chất lượng không khí. Trong khi đó lượng dầu mỡ, khí thải từ xe tải có thể lắng đọng gây ô nhiễm đất và nước", ông Đạt nói.

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, tính đến tháng 4/2024 Hà Nội có trên 8 triệu phương tiện xe, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô, khoảng 6,9 triệu xe máy (số lượng xe sử dụng trên 10 năm chiếm 72%).

Đáng chú ý, nguyên nhân dẫn tới việc ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là phát thải từ xe cộ chiếm 58-74% tùy từng thời điểm (phương tiện phát thải chính là xe máy, tiếp đến là xe tải và taxi) và nguồn bụi đường.

Chuyên gia xe Quang Anh đưa ra giải pháp: "Tôi được biết Hà Nội dự kiến hỗ trợ chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe chạy điện cho người dân tại nơi thí điểm khu vực phát thải thấp ở quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Chính sách này theo tôi sẽ được nhiều người dân hưởng ứng. Các đại lý, hãng hiện nay cũng sẵn sàng tham gia vào chương trình thu cũ đổi mới cho các phương tiện".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem