Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tôi may mắn được tác nghiệp cùng nữ nhà báo Liên Liên trong nhiều vụ điều tra nóng bỏng. Liên gây ấn tượng đặc biệt cho đồng nghiệp về phong cách làm việc khoa học, rõ ràng, vận dụng các kiến thức luật pháp chặt chẽ. Song mỗi khi động đến thân phận con người và các vấn đề nhân văn, cô cũng thổn thức bao xúc cảm. Có lẽ, cái gì từ trái tim sẽ đi thắng tới trái tim một cách hiệu quả nhất…
Để có buổi trò chuyện này, chúng tôi hẹn nhau ở một quán cà phê yên tĩnh để ngẫm ngợi chuyện nghề báo. Thế nhưng, từ người pha đồ uống đến khách của quán đều nhận ra "nhà báo Liên Liên!".
Làm thế nào để loạt phóng sự gây chấn động dư luận phát trên VTV về việc "cưỡng đoạt tiền của tiểu thương chợ Long Biên" - với hình ảnh nhà báo Liên Liên bịt mặt đóng giả tiểu thương để bí mật ghi hình, phản ánh sự việc - dẫn tới kết quả vụ án được khởi tố, các đối tượng vi phạm bị bắt giam, thưa chị?
- Nhà báo Liên Liên: Vì tôi đã từng điều tra đề tài này ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh nên biết được mấu chốt trong việc xử lý dứt điểm nạn "bảo kê", "cưỡng đoạt" tiền của các tiểu thương – là cần phải chứng minh được đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Chúng tôi phải nghiên cứu luật rất kĩ. Ví dụ, sau khi phát sóng, nếu người ta kiện ngược lại mình thì mình sẽ đưa ra những bằng chứng gì tiếp theo. Việc hai bên đưa tiền cho nhau (tiểu thương đưa cho các đối tượng "bảo kê"), dù mình ghi hình đấy, nhưng sau khi phát sóng, có thể họ lại thoả thuận với nhau là họ tự nguyện "giúp đỡ nhau" khoản này khoản kia thôi. Như thế là mình thua.
Đấy là chưa kể, nguồn tin của mình sau này vì sợ hãi, vì áp lực nào đó mà đổi ý, không giữ quan điểm ban đầu nữa thì sao? Vậy là mình phải tính tất cả tình huống có thể gây ra bất lợi về sau.
Và đó có thể coi là loạt phóng sự được phát "kỷ lục" trên Bản tin 19h của VTV. Bản tin 19h của VTV1 thường có thời lượng không dài, với số lượng kỳ cũng khá ngắn. Nhưng loạt bài về chợ Long Biên, tôi nhớ không nhầm loạt đó kéo dài khoảng 7-8 kỳ, và độ dài của mỗi kỳ phóng sự được phát cũng dài cả 10 phút.
Tác nghiệp nhiều đêm ở một chợ đầu mối phức tạp bậc nhất Hà Nội, lại toàn "hóa trang" về ban đêm, thân nữ nhi chắc cũng gặp nhiều tình huống khó xử, thưa chị?
- Sau khi loạt phóng sự được phát sóng đến kỳ thứ ba, dư luận đã rất ầm ĩ rồi. Nhưng tôi không thể ngờ được rằng các đối tượng vẫn tiếp tục thu tiền bảo kê, cưỡng đoạt của tiểu thương một cách trắng trợn, coi thường pháp luật.
Chúng tôi quyết định quay trở lại đây và báo cáo với cơ quan là sẽ làm tiếp. Lúc đó vụ việc đã được phát sóng, có nghĩa thân phận của nhóm PV đã bị lộ, không thể "ẩn thân" tác nghiệp như trước nữa.
Chúng tôi quay trở lại và không may quay nhầm một người thu tiền môi trường. Sau đó đoàn đi về hết vì ai cũng đã mệt vì thức trắng đêm. Nhưng chợt có tin báo hành vi "cưỡng đoạt" tiền của tiểu thương lại diễn ra.
Tôi quyết định quay lại cùng một đồng nghiệp (người đang… chở tôi về). Chúng tôi quay lại trong trạng thái mệt mỏi, kiệt quệ, các thiết bị tác nghiệp, như thẻ nhớ thì đầy hay pin máy quay cũng sắp cạn...
Nhưng cũng rất may mắn, lần này thì hành vi "cưỡng đoạt tiền" của đối tượng L. đã lọt vào ống kính giấu kín một cách rõ ràng, thuyết phục nhất.
Trong loạt bài này, điều khó nhất có lẽ vẫn là tìm tài liệu, chứng cứ thuyết phục nhất, đanh thép nhất để buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc?
- Chúng tôi nắm được mấu chốt của vấn đề: Việc thu tiền của tiểu thương có… để lại chữ kí. Khi chúng tôi quay, thấy bà con cứ lần lượt, đều đặn đưa mấy trăm nghìn đồng một lần cho các đối tượng. Số tiền đó, trong một việc đơn lẻ là chưa đủ để có thể xử lý hình sự được. Nhưng khi ghi chép, có chữ ký để lại, cộng số tiền ngày này qua ngày khác thì lại lớn. Đó là căn cứ để đưa ra pháp luật xử lý. Kèm theo bằng chứng là việc tiểu thương tiết lộ họ bị ép nộp tiền.
Đâu là "nguyên tắc vàng" trong quá trình điều tra của chị và các cộng sự?
- Khi làm bất cứ đề tài nào tôi cũng đều đưa ra các điều kiện, yêu cầu sống còn với công việc của mình. Cần dừng ở đâu, chứ không phải là mình cứ khai thác tư liệu bất chấp nguy hiểm. Quy trình tác nghiệp nhóm rất quan trọng, chia thành tổ, có người bao quát toàn bộ. Chúng tôi họp với nhau liên tục, có khi 4h sáng nhận được thông tin, tất cả đều bật dậy để ngồi bàn bạc kế hoạch.
Mỗi đề tài có một "giới hạn" khác nhau. Ví dụ làm về phá rừng thì mình vào rừng, là người quan sát nên đảm bảo tính khách quan tuyệt đối. Còn những trường hợp thâm nhập, vào vai mua hàng cấm mà bỏ tiền ra mua thật, thì đó là bước qua giới hạn của sự an toàn rồi. Với những hàng không phải là quốc cấm, có thể, về mặt quy định việc mua hàng lậu đó chỉ bị xử phạt hành chính; nhưng đạo đức nghề nghiệp không cho phép mình có vi phạm đó.
Như vụ điều tra về phá rừng ở Kon Tum - vừa rồi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, cơ quan công an cũng đã khởi tố vụ án - khi chúng tôi vào vai những người mua gỗ lậu, muốn xem trực tiếp chất lượng gỗ ra sao (để bí mật ghi hình). Sau rất nhiều lần trao đổi, họ đồng ý dẫn chúng tôi đi xem hàng. Họ nói hiện có 30m3 gỗ pơ mu. Chúng tôi đến, thấy kho vừa phải chứ không quá lớn.
Họ nói bây giờ phải mua hàng thì mới đưa đi xem kho lớn, chứ không đưa luôn được. Trong đầu tôi lúc đó có rất nhiều phép toán. Nếu bỏ tiền ra mua gỗ, họ sẽ tin tưởng và dẫn vào tổng kho, hình ảnh điều tra được, tài liệu hồ sơ vụ việc sẽ cực kỳ thuyết phục. Tuy nhiên, nếu mua hàng thì mình đã… vi phạm. Đó là giới hạn đạo đức và luật pháp với nghề điều tra, chúng tôi luôn tính toán để làm sao cho hài hòa.
Nhiều nhà báo quá tin tưởng đưa toàn bộ tài liệu cho một cơ quan chức năng ở địa phương nào đó. Ai ngờ, họ làm việc không hiệu quả hoặc họ có hành vi bảo kê, thành ra nhà báo bị lộ, gặp nguy hiểm và sự việc cũng đi vào ngõ cụt...
- Anh đưa ra giả thiết rất hay. Nó cũng giống như mối quan hệ của chúng ta - các nhà báo với nguồn tin. Có khi xảy ra trường hợp ngược lại: Nguồn tin tin tưởng, trao tài liệu quan trọng cho nhà báo hay nhóm nhà báo mà họ nghĩ là sẽ làm được vụ việc đó. Nhưng một số nhà báo lại sử dụng nguồn tin kia để phục vụ cho mục đích cá nhân nhằm trục lợi.
Và khi "đưa tư liệu" để cơ quan chức năng vào cuộc, đến lượt mình, đôi khi, nhà báo như tôi và anh lại sẽ rơi vào tình huống là: Bây giờ tôi sẽ phải chọn ai để "trao gửi niềm tin"? Đấy là một sự chắt lọc, sự tính toán và đôi lúc phải chấp nhận 50/50. Có lúc thất bại, có lúc thành công, có lúc mình tin nhầm người. Cuộc đời, chúng ta sẽ phải chấp nhận cái sự may rủi, không có gì là tuyệt đối cả.
Trước các bài toán 50/50 mà chị nói, chị thường níu kéo vào điều gì để quyết định?
- Làm điều tra, đôi khi được trời cho một sự linh cảm, giác quan thứ sáu để đoán xem mình đang "đối diện" với cái gì và sự việc nhiều khả năng sẽ đi về đâu.
Chị được gọi là "cô gái vàng" của Ban Thời sự - VTV, lại là người chuyên tâm làm mảng điều tra. Vậy đâu là thế mạnh của nữ giới khi làm nhà báo điều tra?
- Phụ nữ có sự điềm tĩnh, sự rụt rè, hoặc giả vở rụt rè (cười), nhưng chính cái "nữ tính" đó lại khiến bản thân mình biết sợ một cách cần thiết. Điều này giúp cho mình an toàn hơn. Bởi nam giới thường bộc trực, còn phụ nữ thì biết kiềm chế hơn.
Điều gì chị mong muốn nhất mỗi khi cho "ra lò" những phóng sự điều tra?
- Sau vụ ở chợ Long Biên, chúng tôi thấy rằng loạt phóng sự đã góp phần thay đổi suy nghĩ của tiểu thương về cách đi tìm công lý, bảo vệ chính mình. Vì lúc tuyệt vọng nhất, mà chưa gặp được người bảo vệ mình (một trong số đó là chúng tôi), không ít bà con đã không còn tin tưởng vào điều gì nữa.
Chính tôi chứng kiến việc ngồi trên xe ô tô đang đi mà họ định mở cửa nhảy xuống. Họ gặp khó và nghĩ quẩn. Lúc đó tôi đã kịp kéo họ lại. Bản thân tôi lúc đó cũng bị họ nghi ngờ. Vì phóng sự điều tra chưa làm xong, nên mãi chưa phát sóng được, không ít người đã nghi là tôi bị mua chuộc và phóng sự điều tra ấy sẽ không bao giờ được phát sóng.
Tôi đã rất vất vả để thuyết phục họ rằng đưa ra mà không xử lý triệt để được thì lại bị tác dụng ngược. Tiểu thuơng sẽ bị nhiều áp lực thêm, sẽ khổ sở hơn.
Sau này quan hệ của các chị với các tiểu thương đó ra sao?
- Sau này, bản thân họ, mỗi lần nhắc đến chuyện đó đều khóc. Họ nói ở giây phút đó, họ mất hết niềm tin. May mà chúng tôi đã đến giúp họ. Từ đó, họ thay đổi lối tư duy: Có gì mình hãy nói ra, có lên tiếng thì mới có người biết và giúp được. Đó chính là hiệu ứng tốt nhất mà các phóng sự điều tra kia đã mang lại cho khán giả.
Như việc chị và đồng nghiệp dùng xe ô tô để di tản những nhân chứng tốt bụng ở Kon Tum đi lánh nạn - sau khi họ bị xã hội đe dọa tính mạng. Chị có thể kể lại kỹ hơn về tình huống đó?
- Khi chúng tôi đang ở trong rừng sâu thì gặp đoàn lâm tặc 13 người đang vận chuyển gỗ đi ra. Chúng tôi đặt máy quay hồng ngoại, vì đêm trong rừng rất tối nên ánh sáng của máy quay hồng ngoại phát ra khiến lâm tặc phát hiện ra chúng tôi. Lúc đó họ không biết chúng tôi chính xác là ai vì chúng tôi cũng tìm cách đánh lạc hướng, tuy nhiên sau đó họ đe doạ người dân dẫn chúng tôi vào rừng.
Nhiều kẻ gọi điện nhắn tin khủng bố tinh thần, chúng còn tìm đến nhà người dân, lảng vảng suốt đêm ngày. Nhà người này thì nghèo đến mức không có lấy một cánh cửa. Khi chúng tôi cho người vào ở cùng để tìm hiểu tình hình thì không có chỗ nấp. Tôi không tin nổi đó là một cái nhà.
Hôm đó, 4h sáng, tôi đang ngủ thì người dân đó gọi điện. Tôi nhìn điện thoại đang đổ chuông mà run. Bởi giờ đó mà họ gọi cho tôi thì chắc xảy ra chuyện nghiêm trọng. Tôi nghe máy, họ nói: "Chị ơi chị cứu em, chúng nó tìm đến nhà em rồi". Tình huống ấy, nếu báo cơ quan chức năng, có thể họ sẽ xử lý ổn thỏa ngay. Nhưng sau khi báo cơ quan chức năng, sự việc sẽ ầm ĩ lên, việc chúng tôi triển khai tiếp sẽ cực kì khó khăn…
Tôi đưa ra yêu cầu: Giữ an toàn cho người dân nhưng vẫn có thể tiếp tục đề tài công phu này. Chúng tôi quyết định bố trí máy quay từ các cửa xe ô tô, rồi bất ngờ lao thẳng vào khu vực đó, đón gia đình kia đi trong vòng 2 phút.
Được biết nhóm của chị mất 3 tháng ăn rừng ngủ thác, lăn lộn vào Tây Nguyên điều tra vụ đó. Chắc là kinh phí cho loạt bài này phải tốn kém lắm!
- Vâng, không phải ai cũng có thể may mắn được công phu thực hiện riêng một đề tài gần trăm ngày như thế. Tôi cũng báo cáo cơ quan: Có thể kỳ vọng đó là một sê-ri rất hay, song cần thời gian dài. Bởi còn tùy tình hình thực tế, việc tác nghiệp sẽ khó khăn, vất vả. Chúng tôi đã bay ra, bay vào rất nhiều lần. Ngoài tốn kém còn là áp lực: Phải nỗ lực mang lại loạt phóng sự có giá trị có hiệu quả như kì vọng của cơ quan.
Vậy làm thế nào để chị có thể dự đoán được sức ảnh hưởng của đề tài mình đang làm khi nó còn đang ở dạng "nguồn tin ban đầu"?
- Chính là qua việc trao đổi với nguồn tin. Tôi hỏi rất kĩ để biết mình sẽ quay được những gì; trong đó có cả những hình ảnh từ trước đến nay ít có cơ quan báo chí nào có được. Ví dụ cảnh đang cưa gỗ. Bởi hầu hết các báo đều chỉ quay các gốc cây sau khi lâm tặc đã hạ rồi. Các hình đó không phải hình động, nó là hình tĩnh. Hình động, với chúng tôi, chính là những căn cứ rất quan trọng.
Một thử thách rất lớn đối với chúng tôi là phải quay giữa đêm tối mịt mù. Thứ nhất chỉ có máy quay hồng ngoại đáp ứng được điều đó, nhưng máy hồng ngoại lại phát sáng. Sau đó chúng tôi bắt buộc phải chuyển sang dùng máy chuyên dụng hiện đại (và rất to) để công nghệ bắt sáng của nó cho phép mình có được hình ảnh thuyết phục nhất.
Với quay ngụy trang, giấu kín camera siêu nhỏ, kỹ năng của chị là gì?
- Những cái máy quay lén siêu nhỏ thì chất lượng hình cũng kém. Nhưng, khi nhập vai tùy hoàn cảnh thì quay "chứng kiến" thôi. Về ý nghĩa vẫn là quay "mật phục" nhưng về mặt tác nghiệp thì là nhập vai. Những máy đó cũng chỉ quay được rất gần và tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh của lần tác nghiệp ấy mà lựa chọn loại thiết bị nào.
Ví dụ vào trong nhà đối tượng thì mình không thể đội mũ với máy quay nguỵ trang trên đó được. Lúc đó có thể gắn thiết bị ở cúc áo hay đồng hồ. Khó nhất là phải căn góc quay cho chuẩn. Không khéo có hôm quay trần nhà cả buổi.
Ai làm việc đó cho chị?
- Tôi đều tự cài. Tôi còn là hướng dẫn cho cả ekip bởi vì với những thiết bị ấy tôi nghiên cứu khá kĩ. Người nào xuất hiện ở đâu phù hợp bối cảnh ra sao, thì tôi sẽ cài máy cho người đó.
Trường hợp nào chị bị đe dọa tấn công trả thù nguy hiểm nhất?
- Đe doạ nguy hiểm thì là vụ trước đây tôi làm ở miền núi phía Bắc. Họ nhắn tin doạ giết con tôi, họ còn cho biết địa chỉ trường của cháu, cháu đi từ đâu, mấy giờ vào lớp. Tức là họ đã tìm hiều về tôi quá kĩ rồi.
Tôi tính toán: Bây giờ sẽ phải phối hợp với những người đang công tác với mình, rồi những người thân thiết với mình.
Tôi nhờ mọi người hỗ trợ để làm sao những địa điểm có liên quan đến người thân của mình được bảo vệ. Còn tôi tìm cách nhử "con mồi ra khỏi hang". Nhưng sau đó, người quen của tôi liên lạc với các "đối tượng xã hội", và bên đó có người đứng ra nói xin lỗi vì có những hiểu nhầm.
Vụ chị bị đe dọa sau khi làm vụ bảo kê cưỡng đoạt tiền của tiểu thương ở Chợ Long Biên, Hà Nội, cụ thể như thế nào, thưa chị?
- Sau khi phóng sự được phát sóng, khoảng hơn 22h đêm hôm đó, tôi nhận tin nhắn đe doạ. Ngay lập tức khoảng 10 phút sau, đồng nghiệp của tôi là chị Thu Trang (Báo Phụ nữ TP.HCM) cũng nhận tin nhắn cùng nội dung. Thời điểm đó tôi không làm đề tài nào khác nên sẽ loại được các "thủ phạm" khác. Với lại, họ nhắn tin dọa giết cùng lúc cho hai người - mà tôi với chị Trang chỉ làm chung một đề tài duy nhất là vụ Chợ Long Biên. Nội dung đại khái là nếu không dừng lại thì cả gia đình mày sẽ chết.
Giải thưởng nào khiến chị thấy tâm đắc nhất?
- Tôi nghĩ rằng giải thưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi chính là lòng tin của người dân. Mọi giải thưởng tôi đều rất trân trọng bởi đó là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến của mình và ekip. Tuy nhiên, đến bây giờ, tôi thấy được người dân tin chính là giải thưởng quý giá nhất. Tôi tin trong cuộc đời các nhà báo chúng ta, khi bắt tay vào một đề tài, không bao giờ chúng ta nghĩ rằng sẽ làm để nhận giải thưởng mà là mình sẽ làm được gì hữu ích cho cộng đồng.
Như chị đã biết, có những vụ việc báo chí phản ánh hơn 10 năm rồi, ầm lên một thời gian, rồi đâu lại vào đó. Vậy, có bao giờ chị có cảm giác mình đang đấm bị bông hoặc quá nhiều tác phẩm công phu của nhà báo điều tra đôi khi như "đá ném ao bèo" không?
- Tôi cũng đã từng suy nghĩ như vậy. Nhưng về cơ bản, trách nhiệm của báo chí là đưa ra các vấn đề để cảnh báo, phòng ngừa. Việc phòng ngừa đó có thể trong thời gian ngắn hoặc thời gian dài. Qua quá trình thực hiện công việc của mình, tôi nhận ra một điều: Nếu chúng ta làm mà không tính toán yếu tố pháp lý để xử lý dứt điểm vấn đề, có thể tình trạng mà mình phản ánh sẽ tái diễn rất lớn. Dần dần tôi mới nghiên cứu luật. Nghiên cứu để làm gì? Để sự việc này tác động ở mức độ nào xứng tầm hơn, chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện phản ánh nữa.
Chị hay tham gia truyền đạt kinh nghiệm về làm báo hình cho giới trẻ và đồng nghiệp. Công việc này có hỗ trợ gì cho nghề báo không?
- Tôi rất mong muốn được truyền cảm hứng cho tất cả mọi người về tư duy làm báo hướng tới điều tra đanh thép và các tác động tích cực cho xã hội. Ý tôi là hiệu ứng của tác phẩm báo chí.
Có lần tôi đã kể một câu chuyện rất đơn giản, là nhiều người bảo tôi làm nghề điều tra báo chí này chỉ được vài năm thôi, lấy chồng rồi thì không làm được nữa đâu. Đến lúc sinh con thì mọi người bảo sẽ bận lắm chẳng làm được gì cả! Một đứa rồi lại thêm đứa nữa.
Tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện đó, để nói rằng, hoàn cảnh không dập tắt được những đam mê đích thực đâu. Bằng chứng là tôi vẫn làm bền bỉ bao năm qua. Có lòng yêu nghề, chúng ta sẽ làm được những điều mà chính mình trước đó không hình dung nổi.
Chị có nghĩ là nhà báo khi có uy tín rồi, thì thay vì họ là mạt sắt hút mình về phía nguồn tin là cục nam châm thì chị lại trở thành nam châm hút đề tài về phía mình?
- Tôi đã nghĩ được điều này cách đây hơn 5 năm rồi. Trước đây tôi phải đi tìm đề tài, phải đi hỏi, phải đi dò. Bây giờ, người dân cung cấp cho tôi rất nhiều, tôi xử lý không hết. Thậm chí tôi còn bị trách là gửi mà không thấy phản hồi. Càng chinh phục những ngọn núi cao thì chúng ta càng muốn những ngọn núi cao nữa, tức là muốn tìm những đề tài hay hơn nữa, lạ hơn nữa. Tôi phải lọc bớt nhiều vụ đi, sức người có hạn, ưu tiên đề tài nào ảnh hưởng lớn đến nhiều người dân để làm thôi.
Chị có bao giờ dùng uy tín cá nhân trong nghề nghiệp để gặp lãnh đạo cơ quan chức năng nhằm "vận động hành lang" cho vấn đề mà mình đang theo đuổi không?
- Cũng có. Thỉnh thoảng tôi có trao đổi riêng với những người có uy tín, mỗi một tác phẩm lên sóng không thể thông tin được hết đầy đủ vấn đề. Mình đưa ra hầu hết là chứng cứ thôi. Còn toàn bộ câu chuyện, mình có thể trao đổi kĩ hơn với với những người có uy tín mà mình kính trọng.
Khi nói chuyện tôi cũng thẳng thắn để cho họ hiểu các việc mình làm là vì động cơ trong sáng ra sao. Bởi vì sao? Làm điều tra là va chạm đến nhiều thế lực, nhiều quyền lợi nghĩa vụ của nhiều cá nhân và tổ chức. Nên hay gặp phải những thị phi. Có khi người ta tung tin là đi "đánh đấm" thuê cho ai đó. Có động cơ không trong sáng nào đó. Ngày trước, chưa trải qua nhiều thị phi đó, khi nghe, tôi buồn lắm. Nhưng bây giờ thì tôi cứ hay cười và mặc kệ họ. Cốt sao mình làm đúng là được.
Lời tri ân nào của khán giả mà chị nhớ nhất?
- Tôi nhận được rất nhiều đơn thư cảm ơn gửi qua email hoặc thư tay từ những người có liên quan đến sự việc tôi điều tra phản ánh đã phát sóng. Nhưng tôi nhớ nhất là những người dân sau vụ chợ Long Biên, những người dân mà tôi không biết họ nhưng họ ở gần chợ, vì việc mình làm nên các vấn đề trước đây họ gửi đơn chưa được xử lý thì sau đó được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, họ viết một bức thư tay và kí. Tôi đọc bức thư và cảm thấy rất hạnh phúc.
Tôi nhớ, trong vụ việc ở chợ Long Biên có một số người cũng đặt ra "thuyết âm mưu" rằng những phóng viên làm phóng sự đã lấy một điện thoại với số lạ, tự nhắn tin đe doạ mình, tạo ra scandal khi mà sự việc đã bị chìm xuồng?
- Khi tôi nghe điều này, thực ra tôi thấy buồn cười. Vì sao? Vì bản thân chúng tôi làm phóng sự điều tra. Chúng tôi biết rằng hành vi đi đe doạ là hành vi trái pháp luật; mà vụ việc "Chợ Long Biên" lúc đó dư luận đang quan tâm đặc biệt, đương nhiên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc ngày và tìm được người nhắn tin ngay. Nếu chúng tôi dùng sim rác tự đe dọa giết mình thì khác gì đang bán rẻ hết niềm tin của người dân dành cho mình?
Nghe nói chị có nhiều vụ đi "lén lút" ghi hình rất vất vả, đôi khi bi hài lắm?
- Một lần, tôi nằm bí mật rình đối tượng để ghi hình, tôi đang bò lổm ngổm ở dưới đất, tự dưng có người cầm một con dao to và rất dài xốc tới. Đứng lại! Tôi sững người, tim bay ra khỏi lồng ngực. Một bên cầm dao một bên cầm gậy. Tôi tưởng đối tượng nguy hiểm kia cho người ập tới xử nhóm phóng viên.
Ai ngờ, ông chủ nhà rình "bắt sống" bọn ăn trộm cam. Tôi bảo, các anh bình tĩnh, em có chạy đằng nào được đâu, chúng ta vào nhà nói chuyện đã. Thế là, sau khi mình nói chuyện dần, họ lại quay ra rất ủng hộ công việc của chúng tôi, cùng nhau chống lại cái xấu. Chủ nhà còn đi lấy thang cho tôi trèo vắt vẻo mà quay lén, lấy nước cho tôi uống.
Không bao giờ tôi quên được kỷ niệm một lần đặt máy ở góc quay… ngồi trên xe cẩu sửa điện vắt vẻo trong đêm đen. Tức là hết cách hóa trang, chúng tôi phải nhờ ẩn nấp trong 1 xe đi sửa điện.
Quay đêm, ngày trước không có thiết bị quay hồng ngoại hiện đại như bây giờ mà quay bằng máy thường, chiếu thẳng đèn pin vào để tạo ánh sáng. Vụ đó ở tỉnh Long An, làm phóng sự điều tra về nạn sang chiết gas trái phép.
Vụ hóa trang nhập vai nào mà chị ấn tượng nhất?
- Là vụ tôi biến mình thành một cô gái ăn chơi rất sexy để làm về thị trường bán lẻ và sử dụng ma tuý tập thể tại Hải Phòng. Tình huống rất căng, theo quy định ngầm, tất cả mọi người có mặt ở đó đều phải dùng ma túy thì nhóm người đó mới tin.
Với loại dùng để uống, thì tôi cứ ngậm vào miệng. Ngậm xong tìm cách nhè ra luôn. Còn "ke" (một loại ma túy) hít bằng mũi thì dự kiến là phải hít, mà mình thì không biết hít hoặc nếu biết hít vào rồi thì mình lại thành người vi phạm vì sử dụng ma tuý. Trước các tình huống nguy hiểm đó, tôi và ê kip đành tìm cách ra khỏi hiện trường và chấp nhận… thất bại!
Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, chị có phải đề phòng nguy hiểm rình rập không?
- Tôi có một niềm tin bất diệt là người muốn bảo vệ mình nhiều hơn người muốn hại mình. Có lần tôi gặp một ông đi tù về. Ông hỏi:
Chào em, có nhớ anh không? - Anh nhầm người rồi - Thế em không nhớ anh à? - Chắc anh nhìn em trên tivi, nên anh nhớ mặt à? - Đâu, anh không nhìn em trên tivi, mà là em đưa anh lên ti vi xong anh đi tù và bây giờ anh đã ra tù trở về rồi.
Thế là tôi cười trừ, bảo "Vâng!" xong tìm cách chuồn êm.
Cảm ơn Liên Liên. Chúc nữ nhà báo chân cứng đá mềm trong nghề báo chí điều tra nhiều chông gai song cũng đầy kiêu hãnh này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.