Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Kể từ khi giám đốc mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, ông Richard Yu khẳng định mục tiêu đưa gã khổng lồ Trung Quốc vươn lên thành nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới, Mỹ đã không ngừng tăng cường áp lực lên đế chế công nghệ này. Trong động thái mới nhất, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei.
Mặc dù là gia nhập thị trường smartphone sau các đối thủ lớn như Samsung và Apple, Huawei nhanh chóng vượt mặt Nhà Táo để vươn lên thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Hãng tham vọng vượt qua Samsung, thống trị thị trường smartphone toàn cầu, theo tuyên bố của CEO Richard Yu. Nhưng chính quyền Trump đang trở thành lực cản lớn trên con đường tham vọng của Huawei.
Có một thực tế Huawei hiện vẫn giữ thành công vị thế nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới sau hàng loạt nỗ lực “đàn áp” từ Washington, bao gồm danh sách đen và các quy tắc hạn chế thương mại. Nhưng các nhà quan sát chỉ ra rằng gã khổng lồ Trung Quốc làm được điều đó là nhờ tập trung vào khai thác thị trường trong nước và các thị trường mới nổi. Thực tế, tại các nước như Tây Âu, thị phần smartphone Huawei đang giảm đi đáng kể.
Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ chính thức đưa Huawei vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với công ty công nghệ Trung Quốc nếu chưa được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép đặc biệt. Trong thời gian dài trước đó, Huawei phụ thuộc chủ yếu vào các linh kiện, phần mềm và công nghệ của các nhà cung ứng Mỹ, trong đó Google là đối tác quan trọng.
Không được phép làm ăn với Google đồng nghĩa rằng smartphone Huawei mất hoàn toàn quyền sử dụng hệ điều hành Google Android phổ biến nhất thế giới cũng như quyền truy cập vào các nền tảng ứng dụng Google như Gmail, Google tìm kiếm, Google Maps… Điều này nhanh chóng gây tác động trực tiếp đến doanh số bán smartphone Huawei trên các thị trường nước ngoài.
Huawei đang nỗ lực bành trướng, thống lĩnh thị trưởng 5G toàn cầu
Chủ tịch Huawei Eric Xu hồi tháng 3/2020 từng thừa nhận việc bị đưa vào danh sách đen đã khiến doanh số Huawei giảm khoảng 12 tỷ USD so với mức mục tiêu 135 tỷ USD. Mảng kinh doanh tiêu dùng, bao gồm smartphone, laptop chịu thiệt hại lớn nhất trong năm 2019 khi doanh thu chỉ đạt 467,3 tỷ NDT (khoảng 66,93 tỷ USD), tức thấp hơn 10 tỷ USD so với doanh thu mục tiêu. Hiện mảng này chiếm hơn 54% tổng doanh thu của Huawei trong năm 2019.
“Đây là hệ quả của những lệnh trừng phạt từ Mỹ… Chúng tôi phải đối phó với hàng loạt thách thức xoay quanh nguồn cung trong thời gian ngắn để cung cấp sản phẩm tới tay khách hàng. Chúng tôi cũng phải tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển” - ông Eric Xu giải thích lý do tăng trưởng lợi nhuận ròng chậm lại.
Dữ liệu từ các công ty nghiên cứu International Data Corporation (IDC) và Counterpoint Research cũng chỉ ra các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã làm tổn hại doanh số bán smartphone của Huawei trên toàn cầu. Trước khi lọt vào danh sách đen của Mỹ, thị phần toàn cầu của Huawei đạt 18,9%, theo IDC. Nhưng đến quý I/2020, thị phần Huawei giảm mạnh xuống 17,8%, tức giảm 1,1% so với hồi trước khi bị Mỹ “cấm vận”.
Huawei đã rất thức thời khi quay trở lại thị trường Trung Quốc nội địa ngay sau khi lọt danh sách đen. Trung Quốc là thị trường smartphone khổng lồ, nơi ông lớn Apple cũng muốn chen chân vì lợi nhuận khổng lồ béo bở. Thành công tại thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc trở thành một trong những nhà cung cấp lớn bậc nhất toàn cầu. Và Huawei đã thành công tăng thị phần smartphone tại Trung Quốc từ 35,5% trong quý I/2019 lên 42,6% trong quý I/2020, theo IDC.
Hai dòng smartphone mới nhất Huawei P30 và Huawei P40 ra mắt thị trường mà không có hệ điều hành Android hay các ứng dụng của Google. Nhưng điều đó không trở thành vấn đề tại thị trường Trung Quốc, nơi các dịch vụ của Google bị chặn. Người dùng smartphone Trung Quốc có những ứng dụng nội địa như Baidu để thay thế Google Tìm kiếm…
Nhưng tại thị trường quốc tế, nơi người dùng smartphone sử dụng phổ biến hệ điều hành Android và các ứng dụng như Gmail, Google Tìm kiếm, smartphone của Huawei giờ đây không quá được chào đón. Thay vào đó, các nhà sản xuất smartphone hệ điều hành Android như Samsung và Xiaomi đang nổi lên với những thiết bị di động tiên tiến hàng đầu.
Dù những báo cáo chỉ ra rằng Huawei vẫn đang kiên cường trước cuộc “đàn áp” của Mỹ (theo cái cách mà chính quyền Bắc Kinh cáo buộc), dễ thấy việc thiếu đi những dịch vụ, ứng dụng của Google vẫn là lực cản hàng đầu với tham vọng thống lĩnh thị trường smartphone toàn cầu.
Trong bối cảnh chịu sức ép ngày càng nặng nề từ Mỹ, các nhà lãnh đạo Huawei đã thành công với chiến lược đẩy các dòng smartphone thế hệ cũ sang một số thị trường mới nổi để bù lại số thị phần mất đi sau khi lọt danh sách đen. Các dòng smartphone ra mắt trước khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen vẫn được trang bị hệ điều hành Android, do đó vẫn được đón nhận tại những thị trường như vậy.
Chẳng hạn, ở Trung và Đông Âu, thị phần Huawei hiện ở mức 26,4% trong quý I/2020, cao hơn cùng kỳ năm ngoái, trước khi hãng bị đưa vào danh sách đen. Thị phần smartphone Huawei tại các thị trường Châu Á trừng Trung Quốc và Ấn Độ cũng cao hơn đáng kể. Việc vận chuyển số lượng lớn các lô hàng smartphone thế hệ cũ với giá rẻ tương đối đã giúp Huawei duy trì thị phần trên thị trường toàn cầu. Nhưng các nhà phân tích chỉ ra cách làm này không mang lại hiệu quả bền vững.
Bryan Ma, phó chủ tịch công ty nghiên cứu IDC nhận định: “Với các thị trường bên ngoài Trung Quốc, việc thiếu đi dịch vụ của Google là đòn giáng lớn với tham vọng thống trị thị trường smartphone của Huawei. Huawei có thể tạm khắc phục điều đó bằng cách xuất xưởng các mẫu smartphone cũ giá rẻ sang các thị trường mới nổi, nhưng cách làm như vậy không có hiệu quả lâu dài”.
Trong khi đó, những đối thủ nội địa của Huawei như OPPO và Xiaomi vẫn đang ra mắt các dòng smartphone thế hệ mới với hệ điều hành Android và đầy đủ kho ứng dụng Google. Điều này đang làm tổn thương thị phần Huawei ở các thị trường phát triển như Tây Âu chẳng hạn. Thị phần Huawei tại thị trường smartphone Tây Âu đã giảm mạnh từ 24,3% trong quý I/2019 xuống 18,2% trong quý I/2020.
Để bù đắp chỗ trống khi mất đi quyền sử dụng hệ điều hành Android, Huawei đã tự mình xây dựng và ra mắt thành công hệ điều hành HarmonyOS, đi kèm với kho ứng dụng riêng của hãng. Nhưng các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về triển vọng thành công của smartphone sử dụng hệ điều hành HarmonyOS trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, kho ứng dụng của Huawei không thể nào có các ứng dụng Google được sử dụng phổ biến trên toàn cầu như Gmail chẳng hạn.
Thêm vào đó, Mỹ ngày càng gia tăng áp lực với Huawei trên mọi mặt trận. Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài mà Mỹ ban hành mới đây buộc các công ty chip nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ thông qua nếu muốn bán hàng cho Huawei. Điều này vô hình chung chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, buộc các đối tác lâu năm như nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC ngừng nhận đơn hàng của Huawei.
“Với các hạn chế mới nhất nhằm vào nguồn cung chip từ TSMC, Mỹ đang đánh vào khả năng cạnh tranh phần cứng của Huawei, khiến doanh số bán hàng khó khăn hơn trong tương lai” - theo ông Neil Shah, giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research.
Cùng lệnh cấm làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ bao gồm Google, triển vọng cho tương lai Huawei càng thêm bất định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.