Huyện Tam Nông (Phú Thọ): Cấp phép cải tạo một đằng, khai thác đất một nẻo

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 27/08/2022 11:58 AM (GMT+7)
Đất rừng sản xuất tại huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) được cấp phép cải tạo san hạ, đổ lấp phục vụ công trình xây dựng thuộc địa bàn huyện. Nhưng thực tế, nguồn đất này lại được vận chuyển đem đi bán ở nhiều nơi khác.
Bình luận 0

Chủ tịch huyện cấp phép một đằng, doanh nghiệp làm một nẻo

Nhiều năm nay, để tạo mặt bằng thuận lợi phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp, UBND huyện Tam Nông cấp phép cho các hộ dân (chủ đất) được cải tạo, hạ cốt nền đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm.

Khối lượng đất thừa sau cải tạo, san hạ được chủ đất hợp đồng với doanh nghiệp để tận dụng vận chuyển san lấp công trình đấu giá quyền sử dụng đất ở và làm đường trên địa bàn huyện Tam Nông.

Nhưng thực tế, sau khi được huyện cấp phép, doanh nghiệp khai thác, vận chuyển chở đất bán ra khỏi địa bàn huyện Tam Nông. 

Phú Thọ: Đất rừng sản xuất bị “xẻ thịt” rầm rộ, tràn lan - Ảnh 1.

Cuộc sống người dân trên địa bàn huyện Tam Nông bị đảo lộn, ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn do hoạt động khai thác, vận chuyển đất rầm rộ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Tìm hiểu của phóng viên, ngày 2/8/2022, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Quách Hải Lý ký văn bản số 1646/UBND-TNMT về việc chấp thuận cho hộ bà Trần Thị Dung (khu 20, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông) được cải tạo hạ cốt nền, san gạt mặt bằng vị trí thửa đất số 41, tờ bản đồ số F48-103-Ab4, thuộc khu 20, xã Vạn Xuân.

Trong đó, diện tích được cải tạo san hạ là 3.418,3m2 (đất rừng sản xuất), khối lượng đất thừa sau cải tạo là 7.556,0m3. 

Khối lượng đất này, cho phép bà Dung hợp đồng với công ty CPXD Đức Trí (trụ sở tại khu 2, xã Hương Nộn, Tam Nông) vận chuyển san lấp công trình trên địa bàn huyện Tam Nông. Thời gian cấp phép là 2 tháng. 

Phú Thọ: Đất rừng sản xuất bị “xẻ thịt” rầm rộ, tràn lan - Ảnh 2.

Sáng sớm ngày 2/8, đại công trường khai thác đất khu 20 đã hoạt động rầm rộ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Theo quan sát của PV, tại khu vực hộ bà Dung được phép san hạ, cải tạo - cả một quả đồi đất rừng trồng bạch đàn đã bị đào, khai thác dựng đứng, sâu hoắm từ 3-7m. Theo người dân sinh sống xung quanh, việc khai thác, chở đất đi diễn ra từ nhiều ngày trước.

Theo quyết định cải tạo, đất sau khi khai thác được phục vụ san lấp các công trình trên địa bàn huyện Tam Nông, nhưng thực tế lại khác.

Ông Đào Đình Hải, Giám đốc công ty CPXD Đức Trí nói: "Chủ đất là bà Dung nhưng bà Dung không trực tiếp khai thác, vận chuyển đất. Trước khi đưa máy xúc vào khai thác đất, tôi phải gửi cho bà Dung một khoản tiền. Hiện, công ty Đức Trí khai thác, vận chuyển đất đổ bán san lấp công trình làm đường giao thông đang thi công ở huyện Lâm Thao".

Phú Thọ: Đất rừng sản xuất bị “xẻ thịt” rầm rộ, tràn lan - Ảnh 3.

Đất rừng sản xuất trồng bạch đàn tại khu 20 xã Vạn Xuân được công ty Đức Trí ồ ạt khai thác, vận chuyển. Ảnh: Hoan Nguyễn

Lý giải việc huyện Tam Nông cấp phép đổ đất san lấp công trình trong phạm vi địa bàn huyện nhưng công ty Đức Trí chở đi đổ bán ra ngoài huyện, ông Hải nói: "Chúng tôi chở đất đi bán san lấp các công trình khắp tỉnh Phú Thọ, không chở bán ra ngoài địa bàn tỉnh là được. Văn bản chấp thuận của huyện Tam Nông đánh máy nhầm vị trí vận chuyển đổ san lấp!?".

Bên cạnh đó, ông Hải cho biết thêm, nếu doanh nghiệp khai thác đúng theo phương án, diện tích, khối lượng được huyện Tam Nông cấp phép sẽ bị lỗ nặng, không đủ chi phí đầu tư. Do vậy, trong quá trình làm không tránh được việc vượt khối lượng?!

Việc khai thác không đúng với quy định, đến nay UBND huyện Tam Nông đã giám sát, kiểm tra hay chưa? PV đã liên hệ làm việc với UBND huyện Tam Nông nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đắc Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân thông tin: "Hiện xã có một số hộ dân được huyện Tam Nông chấp thuận đồng ý cho san hạ cốt nền và hợp đồng với một số doanh nghiệp như công ty Đức Trí, công ty HBLP để vận chuyển đất thừa phục vụ công trình san lấp trong địa bàn huyện. Tuy nhiên, chúng tôi không được nắm bắt, không có hồ sơ, giấy phép cụ thể nên khó quản lý, giám sát.

Việc doanh nghiệp thực hiện san hạ cốt nền trước khi được cấp phép, vận chuyển chở đất từ xã Vạn Xuân ra khỏi địa bàn huyện đổ bán rầm rộ, tôi sẽ tiến hành kiểm tra thực tế và báo cáo lên huyện Tam Nông để huyện chỉ đạo, xử lý theo quy trình".

Huyện Tam Nông (Phú Thọ): Cấp phép “một đằng, làm một nẻo” - Ảnh 4.

Ông Đào Đình Hải, Giám đốc công ty CPXD Đức Trí nói: "Doanh nghiệp khai thác đúng theo phương án, diện tích, khối lượng được huyện Tam Nông cấp phép sẽ bị thua lỗ. Do vậy, trong quá trình làm không tránh được việc vượt khối lượng". Ảnh: Hoan Nguyễn

Xe chở đất hoành hành, cuộc sống người dân bị đảo lộn

Ông Nguyễn Hữu Quang (khu 20, xã Vạn Xuân) cho biết: "Mấy tháng nay, cuộc sống yên bình của vùng quê nông thôn bị đảo lộn do hoạt động san hạ, khai thác, vận chuyển đất ồ ạt. Nhiều lúc, xe chở đất chạy vù vù, không che chắn, làm bụi bay mù mịt khi nắng, trời mưa thì trơn trợt, nhầy nhụa, nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu".

Không chỉ xã Vạn Xuân, tại các xã Lam Sơn, Hương Nộn, Thọ Văn…, thuộc huyện Tam Nông, tình trạng đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm bị san hạ, đào bới, vận chuyển ầm ầm cũng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Đáng bàn, dù tỉnh Phú Thọ đang thực hiện cao điểm tập trung xử lý hành vi vi phạm giao thông về cơi nới thùng xe, xe chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn. 

Tuy nhiên, tại những điểm san hạ cốt nền, khai thác đất này, xe tải không có bạt che chắn, không thực hiện tưới nước, chạy tốc độ cao. Thậm chí những đoàn xe "hổ vồ" vô tư chở đất, chạy vào đường giao thông khu vực nông thôn vẫn không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý…

Ông Phạm Văn Chúc (khu 15, xã Lam Sơn) phản ánh, người dân chỉ cần san gạt đất tại chỗ để trồng luống rau cũng phải báo cáo chính quyền xã. 

Nhưng suốt thời gian dài vừa qua, ở khu 15 cả một vạt đồi xanh mướt bị nhiều máy xúc đua nhau khai thác, binh đoàn xe "hổ vồ" hoành hành gây bụi bẩn, ồn ào, giao thông nông thôn hỗn loạn, vẫn không bị ngăn chặn, xử lý.

Phú Thọ: Đất rừng sản xuất bị “xẻ thịt” rầm rộ, tràn lan - Ảnh 6.

Đoàn xe “hổ vồ” chở đất khai thác từ xã Lam Sơn chạy vô tư vào tuyến đường giao thông đông đúc người dân sinh sống, gây bức xúc. Ảnh: Hoan Nguyễn

PV tiếp tục đến địa bàn này vào giữa tháng 8/2022. Cụ thể, ngày 16/8, tại khu 15 xã Lam Sơn, nhiều máy múc "ăn" đất rừng, cho lên xe tải chở đi tiêu thụ. Bám sát theo xe tải chở đất có biển số BKS: 29H-35404, phóng viên mục sở thị được điểm đổ đất san lấp nằm ngoài địa bàn huyện Tam Nông. 

Theo đó, xe chở đất biển số 29H-35404 sau khi được ắp đầy đất khai thác tại khu 15, di chuyển nhanh chóng ra khỏi địa bàn huyện Tam Nông, đổ san lấp tại công trình đường giao thông đang được thi công thuộc xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao).

Huyện Tam Nông (Phú Thọ): Cấp phép “một đằng, làm một nẻo” - Ảnh 6.

Bám sát theo xe tải chở đất có biển số BKS: 29H-35404, phóng viên mục sở thị được điểm đổ đất san lấp nằm ngoài địa bàn huyện Tam Nông. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trao đổi với PV qua điện thoại về việc khai thác, vận chuyển rầm rộ đất tại khu 15, ông Đặng Vũ Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn thông tin: "Tôi đang đi họp trên huyện, không có hồ sơ chi tiết. Tôi khẳng định, công ty Trường Thịnh được UBND huyện chấp thuận phương án cải tạo, hạ cốt nền đất thuộc khu 15 để phục vụ san lấp công trình xây dựng trên địa bàn huyện Tam Nông.

Tuy nhiên thời hạn được huyện cấp phép đã hết hạn. Việc công ty đang ngang nhiên khai thác, vận chuyển đất đi bán là trái phép. Ngay chiều nay (16/8), tôi sẽ chỉ đạo lực lượng công an xã và địa chính lập biên bản, yêu cầu đơn vị dừng việc khai thác, vận chuyển đất đi và báo cáo huyện Tam Nông".

Huyện Tam Nông (Phú Thọ): Cấp phép “một đằng, làm một nẻo” - Ảnh 7.

Điểm đổ san lấp đất tại công trình đường giao thông đang được thi công thuộc xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao). Ảnh: Hoan Nguyễn

Những hoạt động khai thác cải tạo đất đồi không đúng quy định tại cơ sở cần có sự vào cuộc kiểm tra, giám sát, xử lý nhanh chóng từ phía UBND huyện Tam Nông. 

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem