Khám phá lò bầu trăm năm tuổi tại làng gốm Bát Tràng
Khám phá lò bầu trăm năm tuổi tại làng gốm Bát Tràng
Phương Linh - Nguyễn Tùng
Thứ sáu, ngày 02/09/2022 09:13 AM (GMT+7)
Nằm kế bên con sông Hồng rộng lớn và thơ mộng, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) là một ngôi làng cổ nổi tiếng với nghề làm gốm được truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy, nơi đây hiện vẫn đang "cất giữ" một lò bầu có tuổi đời lên tới 100 năm.
Clip lò bầu cổ tại làng gốm Bát Tràng. Thực hiện: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Không ai biết chính xác thời điểm sinh ra của chiếc lò bầu đầu tiên. Kể từ khi làng gốm Bát Tràng phát triển thịnh vượng vào thế kỷ 19, lò bầu đã đi theo và đồng hành cùng những nghệ nhân làm gốm nơi đây. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Thời điểm đó, làng nghề Bát Tràng có tới 20 chiếc lò bầu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất gốm của các nghệ nhân. Các cụ cao niên trong làng kể lại, khi ấy không có ngày nào những chiếc lò bầu không nổi lửa, những người nghệ nhân miệt mài làm việc từ sáng đến đêm bên cạnh những chiếc lò nóng rực. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Những tưởng những chiếc lò bầu sẽ tiếp tục được sử dụng qua nhiều thế hệ nghệ nhân làng gốm, nào ngờ sự xuất hiện của lò ga, lò điện đã dần thay thế vị trí của loại lò cổ này. Hiện nay, chỉ còn lại duy nhất một chiếc lò bầu có tên "Lò sông Hồng B" tại điểm tham quan du lịch "Lò Bầu cổ" (xóm ba, Bát Tràng) còn được lưu giữ. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Lò sông Hồng B có niên đại 100 năm với tổng diện tích 1030m2 và dài khoảng 15m. Lò có tổng cộng 5 bầu, mỗi bầu dài hơn 2 m với chiều rộng khoảng 3,5m. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Nhìn từ xa, lò có hình dáng như năm mảnh vò sỏ được úp chồng lên nhau. Để chịu được nhiệt độ có thể lên tới 1300°C mỗi khi nổi lửa, nguyên liệu xây dựng lò phải là loại gạch bền, chịu được nhiệt. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Trước khi tiến hành nung gốm, nghệ nhân sẽ đặt sản phẩm gốm trong bao nung rồi sắp xếp ngay ngắn trong bầu lò. Mỗi mẻ nung kéo dài trong khoảng 24 tiếng. Sau khi nung xong phải đợi lò nguội mới có thể lấy được sản phẩm ra khỏi lò. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Có thể nói, việc sử dụng hiệu quả loại lò này đòi hỏi rất nhiều thời gian, kinh nghiệm nhưng cũng không thể chắc chắn thành phẩm sẽ được như ý muốn. Anh Lưu Anh Đức (28 tuổi), một nghệ nhân làm gốm chia sẻ: "Lò bầu rất cần người thợ có kinh nghiệm sử dụng bởi nhiệt nó cung cấp không đồng đều. Các cụ ngày xưa làm chỉ mang tính chất hên xui, chỉ cần sơ sểnh một chút sẽ hỏng các sản phẩm. Các loại lò hiện đại bây giờ duy trì lượng nhiệt ổn định nên sẽ có thể làm ra các sản phẩm chất lượng hơn". Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Hiện tại, lò sông Hồng B đã chính thức ngừng hoạt động và được sơn sửa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Đến với điểm du lịch "Lò Bầu cổ", du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng chiếc lò bầu cổ kính mà còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, học làm gốm và mua các sản phẩm lưu niệm. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Gốm ở đây đa dạng về mẫu mã và kiểu dáng. Giá mỗi chiếc sẽ dao động từ 500.000 nghìn - 5 triệu đồng, sản phẩm càng lớn thì thời gian làm ra càng lâu. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Mục đích chính của điểm du lịch "Lò Bầu cổ" là nhằm truyền bá văn hoá ông cha để lại, giúp thế hệ hiện đại hiểu hơn về nghề làm gốm.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.