Thăm tượng đài Thành Cát Tư Hãn và cưỡi ngựa trên thảo nguyên Mông Cổ

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 2.

Đời trận mạc kỳ lạ của ông đã đi bất hủ vào lịch sử nhân loại, nhưng ông cũng được coi là người "xẻ những con đường tàn bạo" để xâm chiếm cả châu Á lẫn châu Âu. Ông chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 40 triệu người ở nhiều quốc gia (ở thời điểm thế kỷ 13). Tóm lại: các cuộc chiến tranh do ông và đạo hùng binh của mình gây ra đã khiến 11% dân số thế giới lúc bấy giờ thiệt mạng. Các nạn nhân đến từ 40 quốc gia, thuộc 700 dân tộc. Ông cũng chiếm được vùng lãnh thổ rộng tới 22% đất đai của địa cầu. Các con số có thể gây tranh luận, song nó đã được công bố và lan truyền, hơn 800 năm đã trôi qua kể từ khi đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử loài người (mà ông là Hoàng đế đầu tiên) được hình thành.

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 3.

Và vì thế, người Mông Cổ tự hào tưởng nhớ ông dường như ở mọi lúc, mọi nơi. Lễ tế Thành Cát Tư Hãn nhiều đến mức, họ phải phân chia ra: tế xuân, tế hạ, tế thu, tế đông và cả cúng lễ thường ngày. Có lễ, cầu kỳ và bí hiểm đến mức, dân từ bốn phương tám hướng tụ hội về, họ dùng sữa của 81 con ngựa mẹ toàn thân lông trắng toát để cúng tế cửu thiên. Màu trắng của lều Ger, màu trắng trong cờ phướn, màu trắng trong sắc da của con ngựa cho sữa trắng. Người Mông Cổ coi màu trắng là biểu tượng của sự may mắn. Tương truyền, ông Thành Cát Tư Hãn sinh ra, mẹ ông phải dùng dây da buộc cuống rốn cho đến lúc nó tự rụng đi, nên người Mông Cổ tổ chức lễ cúng dây da nhằm 3/10 hằng năm.

Nằm cách thủ đô Mông Cổ 54 km, giữa bát ngát thảo nguyên xanh tươi bên bờ sông Tuul mơ mộng, tượng Thành Cát Tư Hãn (Tsonjin Boldog) cao tới 40m tính từ bề mặt dựng tượng, chưa kể nền móng so với mặt đường cũng cao thêm 10m nữa. Nhiều công trình phụ trợ bao kín bốn bề. Bức tượng người cưỡi ngựa cao nhất thế giới này được xây dựng vào năm 2008, để kỷ niệm 800 năm thành lập Đế quốc Mông Cổ. Tượng nặng tới 250 tấn, làm bằng kim loại không ghỉ đặc biệt, nhìn vô cùng tráng lệ và sang trọng. Nước kim loại ánh lên sự trường tồn và sức mạnh ngoại cỡ, đó cũng chính là cảm xúc của mọi người khi đọc và hiểu dần về những chiến công hiển hách và dữ dằn của con người huyền thoại này. Ông và ngựa hướng về miền quê ông đã sinh ra (còn vì sao ông qua đời và nơi mai táng ông, thì 800 năm qua, người ta vẫn mải miết tìm bằng tất cả sức lực, tâm huyết, tiền của và công nghệ tối tân mà… chưa thấy).

Gương mặt ông án ngữ cả bầu trời xanh lộng gió, nhất là khi bạn đứng ở đầu con ngựa khổng lồ sau một chặng thang máy thẳng đứng rồi đi bộ lên độ cao 40m (!). Vì thế, ngoảnh lại là bóng đổ tối sẫm của công trình nhân tạo kỷ lục thế giới. Phóng tầm mắt ra thảo nguyên. Bạn càng có cảm giác bức tượng quá kỳ vĩ. Nó lại là một khối 250 tấn thép nguội không ghỉ. Gương mặt vị Hoàng đế bách chiến bách thắng, với vùng lãnh thổ rộng lớn nhất của lịch sử loài, người đang ánh lên nước thép theo nghĩa đen và cả "nước thép" của một tinh thần chiến đấu và chiến thắng quá ư khốc liệt. Của cả niềm kiêu hãnh và sự thỏa mãn vô song trước khát vọng chinh phục và tìm kiếm sự bất tử (tôi cứ hồ đồ nghĩ vậy).

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 4.

Tôi theo đoàn, hầu hết người Mông Cổ, đi thang máy lên khu vực đầu con ngựa chiến của Ngài, rồi đi bộ ra phía hàm thiếc để vãn cảnh hay chụp ảnh toàn cảnh thung lũng thần thánh. Bên cạnh tượng của ông còn có cả bảo tàng với nhiều hiện vật độc bản vô giá; có phòng triển lãm, nhà hàng, quán cà phê bên trong.

Thảo nguyên sinh ra những bộ tộc du mục kiêu hùng, từ trước khi họ được thống nhất và sau lại tạo nên sức mạnh đội trời đạp đất, xâm chiếm các vùng lãnh thổ mênh mông, với các vương triều có diện tích rộng lớn, nền văn minh rực rỡ và cả binh hùng tướng mạnh bậc nhất thời bấy giờ. Thảo nguyên sinh ra cỏ, cỏ giúp thịnh phát cho đàn thú hoang và gia súc (trong đó có ngựa hoang rồi chiến mã Mông Cổ bách chiến bách thắng). Lối sống du mục ra đời trong toàn bộ quá trình đó, rồi hình thành nên một nền văn hóa, văn minh, du nạp những điều phù hợp, ví dụ như lều Ger từ Thổ Nhĩ Kỳ du nhập vào Mông Cổ, - sáng tạo và kết tinh thành một thứ thượng thặng tưởng như là bản quyền và đặc hữu của xứ này!

Vó ngựa du mục nơi đây đã vạch ra những con đường xâm lăng oan nghiệt và kiêu dũng, có gì đó tàn bạo và không kém phần tài hoa. Nó làm nên sức mạnh bất khả chiến bại cho đội quân du mục kia, nhưng nó cũng là nhược điểm khiến Thành Cát Tư Hãn và con cháu ông, các chiến binh của ông, chiếm được đất đai nhưng không giữ nổi. Xây dựng được một đế chế lớn mạnh chưa từng có nhưng mầm mống diệt vong cũng nằm ngay trong đó từ đầu.

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 5.

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 6.

Câu hỏi đặt ra là: vì sao thảo nguyên Mông Cổ hồi đó lại cho ra đời những đoàn binh dũng mãnh với các vị Đế vương cả đời tung hoành trên lưng ngựa, chém giết, xâm chiếm, đốt phá, giết hiếp, thu nạp thuộc địa rộng 31 triệu km2 - trải khắp từ châu Á sang châu Âu - như vậy? Tại sao chuyện này không diễn ra ở nơi khác hoặc ở nơi này nhưng là thời điểm khác?

Nó là do trời sinh ra một "Thiên tài quân sự" Thành Cát Tư Hãn? Không hẳn, còn nhiều yếu tố nữa chứ. Và Ji, anh bạn người Mông cổ cho tôi đọc một tài liệu mà anh tâm đắc. Cái này đã đăng báo, chứ không phải thứ đang tranh biện, và lại dẫn nguồn tử tế. Theo tờ Times, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng: lý do để vó ngựa Mông Cổ thời đó tung hoành gieo rắc nỗi kinh hoàng bị xâm chiếm hiếp đáp giết chóc khắp châu Á rồi châu Âu thế là vì vào những năm đầu thế kỷ 11, trước khi có sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn, các thảo nguyên vô tận của quốc gia mà ngày nay chúng ta gọi là Mông Cổ (và nhiều vùng lân cận nữa) đã trải qua nhiều trạng thái thời tiết khắc nghiệt. Khô hạn, cỏ cháy, lối sống du mục nhờ vào đàn gia súc lớn gặm cỏ bị đe dọa nghiêm trọng. Trước bài toán "do or die" (hành động hay là chết), các bộ lạc đành phải tự cứu mình bằng cách xâm chiếm vừa "nồi da nấu thịt" (thậm chí vì đói, đã có chuyện sử cũ chép, ông Thành Cát Tư Hãn phải giết người anh em cùng cha khác mẹ với mình), tranh giành, mở rộng lãnh thổ, tìm kiếm tài nguyên.

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 7.

Giữa lúc miếng cơm manh áo, sự sống cái chết, các cuộc tranh giành khốc liệt lẫn nhau đã tôi rèn cho các bộ tộc sống trên lưng ngựa một khả năng chiến trận tinh thông, thì ơn trời, sau đó không lâu, lãnh thổ Mông Cổ có các cuộc mưa lớn bất thường. Thời tiết thuận lợi, cỏ mọc xanh rì trên thảo nguyên, các triền thông phía Đông bắc nhuận sắc, sự tươi tốt trỗi dậy khắp nơi. Muông thú sum vầy, đàn ngựa cung cấp thực phẩm và phương tiện chiến tranh trở nên đông đảo và dũng mãnh hơn bao giờ hết. "Quân đội Mông Cổ", sau khi được Thành Cát Tư Hãn thống nhất và thống lĩnh các bộ tộc du mục, thì ai cũng biết, xương sống của họ là ngựa chiến. Thời tiết ủng hộ, cỏ nhiều, ngựa lớn, tài nguyên khoáng sản (theo cách hiểu thời đó) chẳng có gì, lại thêm sẵn có tính hiếu chiến và thiện chiến sau nhiều thế hệ đánh nhau liên miên (chiến tranh giữa các bộ tộc), thế là đoàn binh của Hãn quốc Mông Cổ được đà xốc tới đi tìm của cải, đất đai, thậm chí, như sử sách ca tụng, họ đi tìm các giá trị quý báu từ các nền văn minh khác đem về.

Đem thầy giỏi, nghệ nhân giỏi, các sáng tạo kinh điển của thế giới về phục vụ cho đế chế của mình. Khi đọc về Thành Cát Tư Hãn, tôi thích câu nói của ông, ý rằng: không ai sinh ra đã giỏi cả, họ cần rèn luyện tính kỷ luật và mở mang học hỏi. Ông học từ lịch sử, từ các trận chiến của chính tổ tiên mình, ông có niềm tin tâm linh và trân trọng tất cả các tôn giáo, ông trọng thị trong ngoại giao và thần tình trong phát triển hệ thống thư tín, thám báo, gián điệp để phục vụ chiến tranh mở rộng lãnh thổ.

Tại sao các chiến công vừa hiển hách vừa bạo tàn của Thành Cát Tư Hãn và đế chế của ông sau này lại bất hủ, chiếm nhiều kỷ lục vô tiền khoáng hậu như vậy trong lịch sử loài người? Vì lịch sử loài người, từ khi ông Thành Cát Tư Hãn chết (thế kỷ 13), hơn 800 năm qua, chưa thấy có nhà quân sự nào xuất chúng đến như vậy. Sử liệu chép rõ cả: Lúc đầu, thủ đô của Đế quốc Mông Cổ ở Karakoum (Trung Á) đấy chứ (điều này ít ai ngờ tới). Rồi họ được cuộc sống du mục trên lưng chiến mã thảo nguyên rèn luyện. Quân sĩ của họ có kỷ luật sắt, có sự bền bỉ và thiện chiến vô song, có chiến thuật chiến tranh, sự mưu mẹo của đại bàng và mãnh thú sa mạc. Lại thêm kĩ thuật phá thành thượng thặng học được từ các nền quân sự cổ mà đạo quân của Thành Cát Tư Hãn đã tràn qua rồi chiến thắng (như Trung Hoa).

Thời gian trôi đã quá xa, chuyện về các chiến binh Mông Cổ dễ khiến người ta nghĩ có gì đó bảy thực ba hư. Như chuyện Thành Cát Tư Hãn hồi nhỏ từng phải giết người anh em cùng cha khác mẹ để sống sót do đói khát, như chuyện bà vợ đầu tuyệt thế giai nhân của ông bị kẻ thù bắt (sau này bà sinh con với kẻ đó) trong 6 tháng rồi ông phải vượt ngục đi trả thù… Dường như, thiên nhiên, lịch sử, sự khốc liệt của số phận… đã đem cho lịch sử loài người một nhà quân sự lỗi lạc và cũng khát máu nhất mọi thời đại như vậy? Ông và con cháu tiếp bước ông, đã biến các vùng đất thành thuộc địa của mình trong… hãi hùng. Lãnh thổ của Đế quốc Mông Cổ bấy giờ và đến tận bây giờ vẫn giữ kỷ lục này: Rộng nhất trong lịch sử loài người.

Xin nhắc lại vài số liệu thế này cho dễ hình dung: Đế quốc Mông Cổ đã chiếm được tới 31 triệu km2 diện tích các lục địa trên toàn thế giới. Diện tích này, đơn giản là nó rộng gấp khoảng 21 lần so với lãnh thổ nổi tiếng rộng lớn và thưa dân của Mông Cổ hiện tại. Các đạo binh được tổ chức hoàn hảo, đã thực hiện các cuộc viễn chinh, xâm chiếm thành công 40 quốc gia và quy hàng khoảng 700 dân tộc trên thế giới. Lãnh thổ của họ kéo từ châu Á sang châu Âu, còn rộng hơn cả nước Anh trứ danh hồi thế kỷ 19-20 với khẩu hiệu kiêu hãnh "mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh".

Thật ra thì tính kỹ, ông Thiết Mộc Chân cũng chỉ tổ chức liền tì tằng 32 chiến dịch lớn, với 65 trận đánh bất hủ, nhưng một chiến dịch của ông có khi vó ngựa Mông Cổ đã xóa sổ hàng chục thành lũy, bắt "nô lệ" rồi giết chóc qua nhiều quốc gia. Ông chết, khi các chiến dịch vẫn dang dở (và ông di chúc lại là không cho phát tang ông vội, để kẻ địch vì sợ uy danh của ông mà quy hàng cống nạp). Sau này, cháu nội ông còn chinh chiến và chiến thắng hiển hách hơn cả ông.

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 8.

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 9.

Bí quyết tạo nên sức mạnh của các đoàn kỵ mã tung vó xâm lăng của Thành Cát Tư Hãn và con cháu ông, là việc tổ chức binh mã. Cứ 10 người là anh em thân thiết của nhau, thì họ phiên thành một đội, gọi là Arban. Cứ 10 Arban thì họp thành một binh đoàn gọi là Zagun. Đội binh mã 100 người này sẽ bầu ra một thủ lĩnh. Từ gia đình tụ hội với nhau trong một "tổ chức chặt chẽ", các gia đình liên kết trong một dòng họ. Đội quân bách chiến bách thắng này thương yêu, bảo vệ, hiệp sức với nhau bằng tình máu mủ, gia tộc, bộ lạc, dân tộc hùng mạnh.

Không chỉ đi đầu trong việc thiết lập một lối quản lý dân chủ, trân trọng ý kiến của các thành viên trong Đế chế, dung nạp cả những kẻ thù vốn không đội trời chung vào đội ngũ thân tín của mình (như ông tìm ra Triết Biệt, kẻ đã bắn chết ngựa và suýt đoạt mạng ông, rồi trước sự trung thực khảng khái của người này, Thành Cát Tư Hãn đã đặc biệt trọng dụng; sau này, Đại tướng tài danh Triết Biệt đã trở thành cánh tay phải của ông); hơn thế, càng đi chinh phục, binh mã của đế chế Mông Cổ càng mạnh, là vì họ sở hữu một vị Hoàng đế cầu thị, tư duy mở, là bậc thầy trong thu nạp các phát minh sáng chế từ các nền văn minh khác mà mình đã chiếm thành thuộc địa. Họ có tàn nhẫn trong việc phá hủy hệ thống thủy lợi và các vùng kinh tế của "thuộc quốc" (chắc là để tránh việc họ sớm phục hồi phản công); nhưng cái cực kỳ thông minh của họ là: dung nạp các nhà giáo dục, các thợ lành nghề, các kiến thức sáng tạo kết tinh từ các nền văn minh lớn mà họ đã "gặp trên giang hồ".

Khám phá Mông Cổ: Quanh bức tượng người cưỡi ngựa lớn nhất thế giới (Bài 4) - Ảnh 10.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, ông Thành Cát Tư Hãn và đại hùng binh của ông, có vai trò lớn trong việc truyền bá văn minh phương Đông sang phương Tây và ngược lại, thông qua các cuộc chiến tàn bạo và thảm khốc. Họ mang hỏa dược, thuật in ấn, các sáng tạo la bàn khi xâm chiếm châu Âu; đặc biệt, họ đem kỹ thuật chế tạo thuyền từ Trung Quốc với bánh lái, kết cấu khoang bên trong và thiết bị rẻ quạt sang phương Tây khi đại quân của Thành Cát Tư Hãn đóng thuyền vượt sông Grand Morin (Pháp) lần thứ nhất. Sử cũ chép, trong vòng một tháng, đại binh tràn tới từ thảo nguyên châu Á đã đóng hàng trăm con thuyền lớn vượt sông Grand Morin. Kỹ thuật đóng thuyền này, rồi kiến thức về la bàn, đã được coi là cơ sở để có cuộc đại bùng nổ các khám phá hàng hải trứ danh của châu Âu sau này.

Câu chuyện toàn cầu hóa đã manh nha xuất hiện, kể từ "con đường xâm lăng táo bạo" mà vó ngựa Nguyên Mông đã vạch từ châu lục nọ sang châu lục kia độ ấy. Văn hóa, tôn giáo, kỹ thuật, thương phẩm mậu dịch đã pha trộn Đông - Tây. Người ta viết nhiều về việc Thành Cát Tư Hãn rất tín tâm, thường trân trọng mọi tôn giáo trên thế giới, mỗi cuộc hành quân lớn, thậm chí ông còn dành cả giờ để đàm đạo với các pháp sư, các giáo chủ uy tín. Ông cũng là người nhiều trăn trở, khi để lại câu nói này: "Chinh phục được thế giới trên lưng ngựa là chuyện dễ, nhưng giữ vững được lãnh thổ mới là điều khó".

Học từ các ngả đường "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" ở chốn sa trường. Học từ các trí thức và các pho sử sống về tâm linh, văn hóa, tay nghề mà họ đã "bắt" về phục vụ mình. Ông Thành Cát Tư Hãn còn nói ngắn gọn về việc học các bí quyết xung trận: "học từ chính các trận đánh trước của cha anh". Ông trở thành người giàu có bậc nhất trong lịch sử - ít ra là 1.000 năm qua của nhân loại, với đất đai và tài sản khổng lồ. Theo tính toán, tài sản chôn theo ông (mộ ông ở đâu bây giờ vẫn còn là bí ẩn) có thể đủ nuôi người Mông Cổ hiện nay trong 300 năm (một tài liệu trích dẫn nghiên cứu nói).

Ngựa "mọc" trên đầu các vị thần thờ trong tu viện, ngựa có ở hầu khắp mọi bức tranh bán trên lãnh thổ Mông Cổ, ở khách sạn nơi tôi ở, sảnh chính họ treo bức tranh đa sắc như sóng biển, như gió tràn, nhưng nhìn kĩ, ở đó có hàng vạn con ngựa li ti đầy màu sắc mà khêu gợi hợp thành. Chuôi kiếm, đầu nhiều nhạc cụ, các đồ thờ, đều hình con ngựa. Với người Mông Cổ nếu không có ngựa ở bên, họ sẽ như con chim không có cánh. Vó ngựa tung hoành, là nguồn cơn oanh liệt và lẫy lững đưa người Mông Cổ đi vào lịch sử nhân loại như một đế chế hùng mạnh nhất.

Bài cuối: "Thế giới phẳng" sẽ đưa quốc gia du mục cuối cùng về đâu? 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem