Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của đồng bào 19 dân tộc ở Hà Giang. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế thì văn hóa truyền thống nói chung, lễ hội nói riêng, ngày càng được quan tâm đầu tư để phục hồi và phát huy giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân. Trong đó, nhiều lễ hội đặc sắc đã trở thành tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển du lịch.
Hà Giang là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, để phát triển du lịch, Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án số 1416 về tổ chức các lễ hội và nâng cao các hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong đó, tổ chức trong chu kỳ của giai đoạn sẽ có 81 lễ hội. Cấp khu vực 3 lễ hội, cấp tỉnh 5 lễ hội, cấp huyện 15 lễ hội và cấp xã 58 lễ hội. Các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đặc biệt, với nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số gắn với các tập tục, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương thức canh tác nông nghiệp đặc thù... đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú về thể loại, độc đáo về giá trị và đậm đà sắc thái.
Điển hình như: Chương trình về "Lễ hội qua những miền di sản Việt Bắc", "Chương trình Di sản của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng". Lễ hội "Chợ phong lưu Khau Vai" mỗi năm tổ chức một lần tại huyện Mèo Vạc là trong những Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của tỉnh Hà Giang; lễ hội truyền thống "Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn" và lễ hội Khèn Mông cũng đã được tổ chức;... những di sản văn hóa phi vật thể quý giá này không chỉ là niềm tự hào của Hà Giang, mà còn có giá trị khai thác để phát triển du lịch.
Thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở Hà Giang đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân.
Mặc dù vậy, thực tiễn tổ chức các lễ hội cũng cho thấy, thời gian tổ chức lễ hội khá ngắn, lại thường trùng với thời gian tổ chức các lễ hội của nhiều địa phương khác trong cả nước. Cùng với đó, mặc dù có số lượng lễ hội lớn, song phần đa thường giới hạn trong không gian làng xã, việc tổ chức lại đơn lẻ, tản mát nên việc khai thác để đưa vào các tour du lịch của các doanh nghiệp lữ hành cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa thu hút và giữ chân du khách.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Hà Giang cần lựa chọn một vài lễ hội tiêu biểu, đặc sắc, giàu giá trị để đầu tư một cách bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác trong tỉnh để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh cung cấp cho du khách trong nước và quốc tế.
Chính vì lẽ đó, Hà Giang xác định tập chung vào những nội dung như: Tôn trọng văn hóa truyền thống. Chú trọng đến việc gắn kết tổ chức lễ hội với các hoạt động trải nghiệm khác. Thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh trong việc thực hiện lễ hội truyền thống tại địa phương.
Bên cạnh đó, có sự đầu tư tương xứng để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, quản lý cảnh quan và an ninh, đặc biệt là giữ gìn không gian thiêng của di tích và lễ hội... nhằm xây dựng lễ hội thành sản phẩm du lịch có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh và thu hút du khách.
Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết: "Không thể tránh khỏi những tập quán lạch hậu trong các lễ hội như: Lễ vật để dâng cúng trong các nghi lễ. Để khắc phục được điều đó Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-TU về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc trong việc cưới, việc tang và trong các lễ hội.
Theo đó, chúng tôi rà soát và xác định đâu là nhưng phong tục tập quán tốt đẹp cần phát huy, đâu là những phong tục tập quán lạc hậu cần phải được cải tiến, xóa bỏ. Từ đó chúng tôi sẽ có những định hướng với các cơ quan tổ chức lễ hội từ cấp xã, huyện và thực hiện ở cấp tỉnh để đảm bảo có một lễ hội văn minh không có hiện tượng phi văn hóa, phản văn hóa trong các lễ hội truyền thống ở Hà Giang".
Để đánh thức tiềm năng của lễ hội truyền thống là khai thác triệt để thế mạnh văn hoá đặc thù của lễ hội để phát triển du lịch, cần chọn lọc các giá trị văn hoá truyền thống độc đáo, tiêu biểu, đậm đà bản sắc trong tiềm năng của lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hoá mới, phù hợp.
Phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lí, nghiên cứu, tổ chức hội thảo, lập danh mục đăng kí lễ hội, chọn lễ hội tiêu biểu lập hồ sơ khoa học xếp hạng, để việc khai thác tiềm năng lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.