Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Có một điều thú vị mà ít ai để ý, món Hamberger có nguồn gốc từ các đoàn kỵ binh du mục Mông Cổ. Họ xâm chiếm từ châu Á sang châu Âu, trên đường đi, không tủ lạnh, không có thời gian hun khói hay ướp muối thức ăn, cũng không có thùng, túi rộng nên họ nghĩ ra cách: đặt gói thịt cừu, ngựa, bò vào dưới yên cương. Khi họ phi nước đại, hơi nóng của chiến mã và chiến binh cùng tỏa ra khiến món thịt chín đi, nát nhừ đi. Và không bị thiu thối. Đó là tiền đề của món Hamberger sau này.
Chúng ta cùng phân tích lại các con số đã viết ở kỳ trước:
Với khoảng 1,6 triệu km2 đất đai núi rừng, thảo nguyên của Mông Cổ (gấp 5 lần diện tích Việt Nam ta!), nhưng chỉ có 55% dân số Mông Cổ đang sinh sống (tức là 1,8 triệu người)! Quả rộng rãi, thừa thãi đất đai, đi cả ngày không gặp người nào trên đường.
Nhưng! Trong khi đó, duy nhất một Thủ đô bé xíu Ulaanbaator, thì 45% dân số quốc gia tụ về chen chúc. Chen chúc đến mức kỷ lục: thủ đô thuộc top cao nhất (so với mực nước biển) của thế giới; dân số quốc gia chỉ 3,3 triệu người; lại còn phân bố mật độ thưa thớt nhất địa cầu (2km2 có một người sinh sống), nhưng Ulaanbaator lại khét tiếng vì nạn tắc đường. Ôm luôn kỉ lục, nằm trong top các thủ đô ô nhiễm không khí nhất thế giới. Vì sao? Vì người dân đã rất ưa cuộc sống lấp lánh ánh đèn màu, các tòa cao ốc tiện nghi và sang trọng, xe hơi chạy trên đường nhựa, siêu thị và khách sạn thơm nức láng bóng thấp thoáng các mỹ nhân.
Họ về thành phố, bỏ lại phía sau bao nhiêu cam khó.
Cần hiểu bối cảnh của những người trẻ quả quyết tìm kiếm ánh đèn hoa lệ ở đô thành khi đó. Họ bỏ lại sau lưng những mùa đông băng giá kéo dài tưởng như có thể hủy diệt mọi thứ trong cõi sống. Vẫn biết, giữa đông tàn, người Mông Cổ vẫn kiên cường vươn lên, để tưng bừng chờ ba tháng hè tươi xanh ngằn ngặt, từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.
Tôi đã nhìn thấy điều này, khi quan sát một bạn trẻ ngồi trên chú ngựa Mông Cổ to cao rắn rỏi. Gã trai sống ven Vườn Quốc gia Hustai kia có cặp mắt xếch sắc lẻm. Không đao kiếm, chẳng giáp trụ, trông hắn vẫn oai hùng chả kém gì tổ tiên mình, hắn huấn luyện một loài "ác điểu" đẹp mê hồn. Con đại bàng lông vàng nâu, mắt vàng như nhộng ong, cái nhìn vừa thâm hiểm vừa kiêu hãnh, như đục khoét bắt vít vào đối thủ. Đầu gã trai đội mũ lông cáo, vai khoác áo da lông sói (hai loài hoang dã này đang được bảo vệ, nhưng trước đó cha, anh hắn đã dùng chính con đại bàng này đi săn "ông bà chủ" xấu số của cái áo lông sói và cái mũ lông cáo kia cách đây chưa lâu). Người Mông Cổ ở các bộ lạc vùng Tây Bắc nước này, họ vẫn giữ phong tục bắt và thuần dưỡng tuần lộc để lấy sữa, lấy thịt, coi như một kế sinh nhai, nhưng, Chính phủ đã rất hạn chế điều này nhằm phục vụ mục tiêu bảo tồn.
Thiên nhiên vốn có thừa khắc nghiệt, khó khăn sau đại dịch Covid-19 và các kỳ giãn cách lao đao lại bồi thêm vài nhát khó khăn nữa. Cuộc sống hoang dã cũng bị thu hẹp hơn vì chính sách nhân đạo trong bảo tồn. Những lý do này, càng thôi thúc người trẻ bỏ núi rừng, băng giá, thảo nguyên, về sống tùm tụm díu dít trong đô thị ô nhiễm và tắc đường.
Ví dụ nữa, vùng lãnh thổ Mông Cổ về phía Tây Bắc, giáp biên giới Nga, thuộc vào vùng tuyết trắng hoang vu khét tiếng bậc nhất trái đất của Siberia (Si-bia-ri). Tại các cánh rừng hẻo lánh Taiga, cư dân bộ tộc du mục Dukha. Một ngày tuyết phủ trắng núi rừng. Những gã trai mới lớn theo những người đàn ông lão luyện săn tuần lộc. Họ đem theo tuần lộc cái đã thuần dưỡng để nhử tuần lộc đực hoang dã. Họ đào hố trên tuyết làm bẫy để "đối thủ" tinh ranh sa xuống ổ mai phục. Họ đi xe trượt tuyết vun vút, lao thẳng vào các chú tuần lộc hoang vạm vỡ, rồi tung thòng lọng bắt chúng. Cuộc sống ngất ngư trên lưng đàn tuần lộc to cao lội giữa bời bời lút lún toàn tuyết trắng nhức mắt, các cặp sừng ngoằn ngoèo, cành nhánh, lộc ngộc vụng về của tuần lộc trông cứ như là bước ra từ cổ tích. Khác với bò, cừu hay dê, tuần lộc sau khi thuần dưỡng rồi, chúng hay chứng nào tật nấy, thi thoảng lại trốn trở lại hoang dã, khiến những chiến binh cưỡi ngựa vùng Tây Bắc Mông Cổ lại khốn khổ đi lục tìm, dồn đuổi, bắt bớ. Có khi họ lạc sang cả biên giới Nga, đành phải nói khó với lực lượng bảo vệ biên giới một câu. Xem các thước phim hiện tại do đồng nghiệp Âu Mỹ quay, lại nghe người Mông Cổ kể, chúng tôi bảo nhau, chuyến tới, không chỉ đội mũ lông cáo, khoác áo lông chó sói (đồ truyền thống lâu đời) của các dũng sỹ điều khiển đại bàng, có lẽ, ta phải đi cưỡi và vắt sữa tuần lộc ở kinh đô của sự lạnh giá. Lạnh đến mức, các vật nuôi khác hầu như khó sống và phát triển được, cư dân du mục còn sót lại của trái đất kia buộc phải gắn đời mình với đàn tuần lộc lúc hoang dã, lúc trở thành hàng thuần hóa…
Thiên nhiên dữ dằn, cuộc mưu sinh khốc liệt thế, để làm một cư dân du mục, quả không dễ chút nào. Ngôi làng Tsaagaanuur của bộ tộc Dukha đang "tan rữa" dần do đô thị hóa và các quy hoạch bảo tồn. Trẻ em được đưa ra xa khu sinh sống du mục truyền thống, chúng đến một ngôi trường khang trang, học tiếng phổ thông, sử dụng công nghệ thông minh, rồi về thành phố lập nghiệp. Bà con cũng được Chính phủ hỗ trợ tiền để di dời dần khỏi khu vực được bảo vệ, tránh săn bắt giết chóc các loài hoang dã quý hiếm. Các giáo viên và nhiều nhà ngôn ngữ, dân tộc học đang tìm cách phân tích, lưu giữ ngôn ngữ và tập quán của bộ tộc này, tránh sự thất truyền đáng tiếc. Người già trong bộ tộc cũng hồn nhiên: trước thì cần nhiều thứ, giờ mở điện thoại và tivi ra là có cả. Vì có điện mặt trời "câu" về đến mái lều.
Phân tích như thế để thấy, sức hút của cuộc sống đô thị. Điều này cũng đúng theo quy luật nhiều đời trên toàn thế giới. Hà Nội, TP HCM của ta chen chúc tắc đường và nhà chọc trời, nhưng giới trẻ vẫn lao về như con thiêu thân, rồi đưa cả người già về phụng dưỡng.
Giới trẻ ở Mông Cổ đã và sẽ còn rời lều Ger với thảo nguyên lên thành phố lập nghiệp. Nếu không có biện pháp tốt, thủ đô của họ còn tắc đường và khói bụi do quá tải mật độ dân cư, do khói xăng và mù mịt củi đốt sưởi ấm trong mùa đông. Quan trọng hơn, quốc gia hầu như cuối cùng còn sót lại của hành tinh với khoảng 30% dân số đang sống du mục ở những năm đầu thập niên thứ 2 của thế kỷ 21 này sẽ… phố xá giống như mọi phố xá. Nếu điều này diễn ra, có thể tốt cho ai đó theo cách nào đó, nhưng ở góc độ bản sắc và các giá trị nhân văn hòa hợp với thiên nhiên, thì có gì đó khá đáng tiếc.
Nhưng, như quy luật đã biết ở nhiều quốc gia và tộc người khác, cái cần giữ gìn nhất ở Mông Cổ bây giờ, cho truyền thống vó ngựa du mục trên thảo nguyên vạm vỡ, không hẳn là số lượng dân sống trong lều Ger (thống kê số liệu này, tôi tin là sẽ còn nhiều tranh cãi), hay tỷ lệ người trẻ còn ở ngoài bát ngát cỏ xanh hay những rặng núi tuyết trắng xóa để đi chăn đại gia súc hoặc cưỡi tuần lộc nửa hoang dã. Mà vấn đề là một tinh thần phóng khoáng và thượng võ, các giá trị quý được bảo lưu để trường tồn.
Trong quá trình đó, xã hội Mông Cổ (đặc biệt là giới trẻ), họ cần thích nghi với hoàn cảnh mới của cái gọi là thế giới phẳng. Như ở Việt Nam, không thể yêu cầu người vùng cao cứ mãi ở nhà tranh ềm ệp, dưới gầm sàn lúc nhúc trâu bò lợn gà, phóng uế chất ngất cho người giàu và người năm châu bốn biển đến ngó và chụp ảnh. Mà vấn đề là bảo lưu được các giá trị vừa tốt đẹp, vừa sặc sỡ, riêng có của truyền thống trên núi cao mây mù, ở vùng dân tộc ít người. Đồng thời lo cho các sắc dân ở đó một tương lai tốt đẹp, được thụ hưởng các giá trị nhân văn và tiện ích trong phát triển cuộc sống của họ và con cái họ. Cũng như, không thể yêu cầu đàn ông người Việt mặc áo the, đội khăn xếp, đi guốc mộc hằng ngày - dẫu đó là trang phục truyền thống của họ. Văn hóa luôn có sự tiếp biến, nó mang tinh hoa và dấu ấn của từng thời đại. Bây giờ là thời đại của tên lửa, vũ trụ, thế giới phẳng.
Người trẻ ở Mông Cổ về thành phố, đem các giá trị hiện đại vào cuộc sống thảo nguyên và núi rừng của họ. Các vườn quốc gia, các khu nghỉ dưỡng bảo tồn một cách khoa học, trình diễn (phục dựng) một cách chuẩn chỉ và đầy xúc cảm các giá trị truyền thống, vừa cho thế hệ trẻ của họ hiểu tổ tiên thêm, vừa phục vụ du khách với "ngành công nghiệp không khói" thu tiền không phải là ít. Người du mục có thể tự hào về các giá trị kết tinh "cuộc sống trên lưng ngựa" của mình và tổ tiên mình. Họ có thu nhập từ đó. Tinh thần thượng võ và tinh hoa cuộc sống thảo nguyên Mông Cổ được kiêu hãnh lan tỏa trên thế giới. Tôi nhìn thấy điều này ở Sher, Jay và nhiều người trẻ khác.
Sher học tiếng Anh, am hiểu văn hóa và trang phục của người du mục qua sách vở và qua quá trình cưỡi ngựa, chơi các nhạc cụ và nấu món ăn truyền thống trong tổ hợp văn hóa, triển lãm, du lịch, dịch vụ nổi tiếng mà em đang làm việc. Em đi du học về, vẫn mải mê đánh thức các giá trị của thảo nguyên. Sher nói về cả một triển lãm tranh (bán tranh) trong lều Ger rộng lớn, cảm thụ nghệ thuật của em hồn nhiên, đôi lúc ngơ ngác "em đoán thế nhưng chưa chắc đã là như thế". Rồi nhiều bạn trẻ khác, cưỡi bò yak to như quái thú, cặp sừng cong và bộ lông dài của loài vật trung thành trên xứ tuyết Tây Tạng; cưỡi lạc đà hai bướu cao lênh khênh và hình thù kì dị. Họ mặc trang phục truyền thống như diễn tuồng, giót sữa ngựa và trà sữa dê mời khách cung kính trong lều cổ. Nhạc dập dìu, họ làm tất cả với sự say sưa tột độ.
Nhưng! Tối họ về lều hiện đại như khách sạn 5 sao mà ngủ, dùng điện thoại thông minh, đi đâu thì lái ô tô ngoại nhập rèo rèo. Tóm lại, họ ở khách sạn sang trọng và phục vụ du khách ở một nơi sang trọng, được Chính phủ Mông Cổ quy hoạch làm bảo tồn thiên nhiên từ năm 1993 (khi mà hầu hết họ đều chưa sinh ra), được doanh nghiệp đầu tư làm du lịch với tiền tấn một cách cực kỳ chuyên nghiệp.
Vậy, người ở lều Ger truyền thống nhất mà chúng tôi gặp, nơi cho hầu hết du khách năm châu bốn biển cảm thụ về vó ngựa du mục trên thảo nguyên Mông Cổ, họ đều không hề ở lều và sống đời du mục theo đúng nghĩa. Tất nhiên, hàng trăm nghìn người khác (30% dân số Mông Cổ), được thống kê là vẫn sống trong lều và thật sự gắn bó với thảo nguyên cỏ mượt với các đàn đại gia súc. Vì với họ, đã quen cuộc sống như vậy và cũng không có cơ hội để làm được như Sher hay Jay. Thế nên, giả dụ có một làn sóng người trẻ rời thảo nguyên tìm cơ hội trụ lại ở thành phố với các nghề thời thượng, thì điều đó cũng hợp lý. Và chẳng có gì nguy hiểm cho cái gọi là văn hóa du mục ở quốc gia này, bởi cái cần lưu giữ, họ đã có cách lưu giữ khá bài bản và trình diễn nó hàng ngày theo đúng cách nó đã, đang và sẽ còn diễn ra trên thảo nguyên cả triệu ki lô mét vuông này.
Tôi nhìn thấy điều này khi gặp các nghệ sỹ nổi tiếng trình diễn trong Nhà hát Kịch nghệ Quốc gia ở thủ đô Mông Cổ. Họ hát, biểu diễn bằng thanh quản và mũi (không dùng ca từ nào!) với những giai điệu gió thổi, nước chảy, vó ngựa xa xăm, tiếng rền của núi và đồng cỏ mơ màng, họ nhảy các điệu dân vũ vui tươi mà lộng lẫy. Các nhà hát của Mông Cổ mang màu đỏ, hồng, đậm phong cách Nga và màu sắc xã hội chủ nghĩa… Các nghệ sỹ rất thức thời. Họ biết cái gì là đặc sản của các sắc dân du mục và đem chúng đến cho khách xa thưởng lãm. Có thể, những giai điệu này không, hoặc rất ít xuất hiện trong thường nhật ngoài các bãi chăn thả gia súc, nhưng một năm có vô số lễ hội lớn nhỏ, cả các kỳ Olympic và festival vào loại cổ xưa nhất của loài người vẫn diễn ra nơi này. Cưỡi ngựa, bắn cung, trình diễn kỹ nghệ săn thú hoang bằng đại bàng, lễ tế Thành Cát Tư Hãn… Các mạch ngầm văn hóa đó vẫn chảy trong huyết quản người Mông Cổ.
Với du khách, khi cần, họ được xem các bản phục dựng trứ danh, người thật việc thật.
Các nghệ sỹ hát bằng cổ họng (chứ không thành lời) ở Mông Cổ có thể khiến bạn nao lòng vì ngạc nhiên, khâm phục rồi ngơ ngác cố hiểu xem… vì sao lại thế. Theo các nghệ sỹ Mông Cổ, để hát được bằng cổ họng, họ phải tài tình kết hợp chuyển động nhịp nhàng cả miệng, thanh quản và hàm, để tạo ra nhiều nốt nhạc cùng lúc. Bí quyết là họ đeo thắt lưng bó chặt ngang bụng, ngồi thẳng lưng để chủ động điều chỉnh hơi thở. Âm nhạc du dương, người xem thấy khẩu hình của nghệ sỹ tung tẩy nhè nhẹ. Đó là lý do nhiều người cứ lầm tưởng ca sỹ hát cổ họng đang ngậm một vật gì đó để phát ra âm thanh. Khi mà nghệ thuật cổ xưa và lãng tử này chỉ tồn tại duy nhất ở Mông Cổ, thì việc các nghệ sỹ như Mendbayar đi đào tạo ở các trường nghệ thuật quốc gia, đi biểu diễn ở khắp Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, Trung Quốc… là dĩ nhiên.
"Chúng tôi như lặng đi, khi mà cổ họng của một người ngồi im có thể trầm bổng, lúc mơ màng lả lướt, lúc vút lên tận cao xanh đủ thứ âm thanh gợi về những miền ảo mộng của thảo nguyên hoa cỏ đẫm hương hoang dã. Đây, tiếng nước chảy rầm rì, tiếng kêu thương mến của đàn gia súc trong ban mai, chim hót líu lo, gió tràn qua các tán rừng lá kim giữa trời tuyết rơi tê tái và đâu đó muông thú đang gọi nhau trong mùa tình tự - mới phong lưu làm sao. Nhân thế mới càng hiểu, sự sáng tạo của con người là vô biên và vượt qua mọi sự tưởng tượng"
Mới càng thấm thía một câu về Mông Cổ, tôi đã đọc trong cuốn sách nào đó của một nhà báo phương Tây từng "bị bỏ bùa" nhiều năm, anh đến sống và viết, chụp ảnh về nơi này. Đại ý (dịch sơ bộ): Nếu muốn tìm một nơi bình yên giữa một thế giới đang vận động gấp gáp như hiện nay, thì hãy đến Mông Cổ, nơi có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và khoáng đạt nhất; những món ăn tinh khiết nhất; ngồi chung bàn với bạn là những con người đang nở nụ cười thân thiện nhất. Đã có nhiều điều trên trái đất thay đổi vật vã theo quỹ đạo gấp gáp của cuộc sống. Nhưng có một điều vẫn không thay đổi, không thay đổi một chút nào trong nhiều thế kỷ qua, đó là lối sống du mục và giá trị riêng có của những lưu dân hào sảng nơi thảo nguyên đầy cát bụi và gió tuyết kia. Họ tôn thờ các vùng đất bao la, bầu trời rộng lớn và những ngọn núi, dòng sông kỳ vĩ qua sự thấm nhuần phật giáo Tây Tạng, qua các bài hát và điệu dân vũ quyến rũ…
Thủ đô Ulaanbaator của Mông Cổ nằm trong một thung lũng ở độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển. Nó được bao quanh bởi 4 ngọn núi thiêng. Có tượng Phật khổng lồ vàng óng trên nền trời. Bên cạnh Quảng trường Sukhbaatar hoành tráng rộng ba héc-ta, xa xa là Tượng Thành Cát Tư Hãn kỷ lục thế giới nặng 250 tấn cao 40m, còn có Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia rồi Cung điện Mùa đông Bogd Khaan, các tu viện nổi tiếng như Choijin Lama, Grandan Khiid… Trải nghiệm các thắng cảnh và di sản trên, chúng tôi ấn tượng nhất với Đài tưởng niệm Zaisan ở phía Nam thủ đô Mông Cổ. Sau khi leo 612 bậc lên đến đỉnh đồi, phóng tầm mắt bát ngát bao quát toàn bộ Ulaanbaator, người ta mới hiểu vì sao nơi này tắc đường và mùi bụi than trong mùa đông đến thế. Mật độ dân số quá đông, cách tổ chức cuộc sống lại… vẫn nhuốm màu du mục. Bức tranh tường dài, tráng lệ hình tròn bao quanh cả một "quảng trường nhỏ" trên đỉnh đồi, ở đó có phù điêu, có hình vẽ sinh động và có rất nhiều bồ câu. Tranh và phù điêu mô tả sự ủng hộ của Liên Xô với tuyên bố độc lập của Mông Cổ năm 1921, sự thất bại của quân đội Nhật Bản khi tấn công Mông Cổ, rồi nhiều thành tựu đáng tự hào như việc người Mông Cổ đầu tiên bay vào vũ trụ. Dưới chân quả đồi là tượng đài Tưởng nhớ với chiếc xe tăng Liên Xô nằm chênh vênh trên đỉnh chóp, bên dưới là bản đồ đường tiến quân của một lữ đoàn thuộc Hồng binh từ Moscow vào Mông Cổ rồi "trùng trùng quân đi như sóng", tiến lên đánh bại Phát xít Đức vào năm 1945.
Ám ảnh nhất vẫn là các tu viện cổ, các bước đi của lịch sử và các tộc người được lưu giữ trong các kho tàng như Cung điện Mùa đông Bogd Khaan. Bức tượng Phật dát vàng và đá quý cao 26m trong tu viện cổ tuyệt bích có tên là Gadan - được xây dựng từ năm 1835, phát triển trở thành Trung tâm Phật học nổi tiếng của Mông Cổ, hiện có tới 150 vị sư đang tu tập hành lễ tại đây. Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã cư ngụ và giảng dạy tại tu viện Gadan.
Ở Cung điện Bodg Khaan, bên cạnh các cổ vật và tư liệu về vua Mông Cổ xưa, chúng tôi đặc biệt bị hút bởi các loài chim thú độc đáo trên khắp thế giới từng hội tụ về đây phục vụ cái gì đó giống như "Vườn thượng uyển" của vua chúa. Nhiều tiêu bản động vật lạ kỳ được trưng bày cho hậu thế chiêm ngưỡng, những loài tê tê, hổ, nai, báo, gấu, những con hồng hoàng hay vẹt châu Mỹ, châu Phi được "biếu tặng" đến Mông Cổ thuở trước… Ở khu vực cố đô của bạn, chúng tôi vào thăm Erdene Zuzu - Tu viện Phật giáo cổ nhất Mông Cổ, cũng là Di sản Thế giới được vinh danh vào năm 2004.
Hệ thống các cơ sở tôn giáo của Mông Cổ chứa nhiều giá trị khiến người ta nghĩ đến Tây Tạng, rồi Bhutan. Nhiều vị thần dữ tướng, có khi đeo đầy hình đầu lâu đỏ máu, dẫm chân "nhoay" lên những người đàn ông đàn bà trần truồng. Mũ của ngài cũng có tới 5 cái đầu lâu kinh dị. Lễ hội đường phố của Mông Cổ cũng có các hình ảnh thế, vào tu viện, đền đài khắp nơi cũng thấy thế. Thậm chí nhiều "ngài" còn có sừng, áo mũ toàn đầu lâu; có ngài còn ôm một nữ "thần" gợi cảm như là đang "siêu hở hang" rồi hai cơ thể úp vào nhau - ngay lúc Ngài "nam thần" vẫn ở tư thế ngồi kiết già.
Theo tìm hiểu, ví dụ "Đức Mahakala Bốn Mặt", "là một trong những hóa thân phẫn nộ của Đức Văn Thù Lợi Sư. Ngài thường được biết đến với khả năng thổi bay mọi chướng ngại từ sự ngu dốt và sân hận của người cầu nguyện đến Ngài. (…) Hai tay Ngài cầm con dao bán nguyệt và chén sọ máu hình tam giác". Hoặc "Đức Kim Cương Dạ Ma Vương", "Thân thể ngài màu xanh, đầu trâu giận dữ. Ngài có ba mắt, hai sừng nhọn hoắt, tóc dựng đứng. Tay Ngài đang cầm một cây gậy đầu lâu, tay trái hướng lên trên vung dây thòng lọng. Đầu đội vương miện năm đầu lâu khô. Người quấn tràng hoa năm mươi đầu lâu đẫm máu. Ngài và người phối ngẫu đều đứng trên một con trâu xanh, trâu đang dẫm đạp lên một thân thể đàn ông trần truồng… Đức Phổ Hiền Như Lai Phối Ngẫu thì đang ngồi kiết già, da thịt xanh biếc, "phối ngẫu" là một phụ nữ vô cùng gợi cảm đang ở trạng thái trần truồng, tóc dài đen, môi đỏ, eo thon, ngực nở, "nàng" úp thân thể nóng bỏng vào Ngài, ngồi lên hai đùi đang kiết già, tay tọa thiền của Ngài vòng ôm lấy nàng. Hai tay nàng trắng muốt quàng ôm lấy cổ Ngài. Tôi đã gặp bức tranh "nude" tương tự, thờ ở nơi trang trọng nhất, trong hang sâu trên đỉnh Tu viện cổ lừng danh Tiger Nest (Hang Hổ) ở Bhutan (Quốc gia Hạnh phúc nhất Thế giới)…
Các văn hóa và tín ngưỡng lâu đời độc đáo đó, cũng là một "trường lực đặc biệt", tạo nên sức hút thần bí cho miền đất của vó ngựa du mục giữa vô tận màu xanh của cỏ và màu trắng miên man của tuyết, trên thảo nguyên Mông Cổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.