Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Có lẽ vì thế nên bà con thường lịch kịch để đi ngủ ngay khi mặt trời lặn. Và họ dường như chắc chắn thức dậy và ra khỏi lều khi ông mặt trời mới ló rạng. Trời ưu ái cho xứ này quá nhiều nắng, nắng tắt muộn và lại tỏa rạng sớm, nắng 250 ngày trong năm, bất biết đó là mùa đông tuyết trắng nhức mắt. Là bởi vì, người Mông Cổ yêu ánh mặt trời theo cái cách ngưỡng kính cả một tôn giáo.
Đó là lý do để cuộc sống du mục vẫn thắp lửa trong văn hóa độc đáo của người Mông Cổ suốt nhiều nghìn năm qua. Thảo nguyên xanh bất tận, dân thưa. Có 3,3 triệu dân - thống kê vào năm 2020 - thôi, mà gần nửa số đó tập trung ở thủ đô rồi; còn lại chưa đầy 2 triệu người chia nhau tới 1,5 triệu km2 lãnh thổ toàn là thảo nguyên với Gobi - sa mạc cát khét tiếng trên trái đất rồi lãnh nguyên hoang vắng giáp Sibiari của Liên bang Nga. Lại thêm, có văn hóa ở lều là chính thay vì ở nhà xây hay cao tầng; nên tầm nhìn của người Mông Cổ càng mênh mang hơn.
Giữa vô chừng tận của thiên nhiên, sa mạc Gobi huyền thoại ốp kín phía Nam lãnh thổ; phía Bắc thì giáp miền băng giá hoang vu Sibiari của Nga, về mùa đông thì khắc nghiệt với nhiệt độ âm 40, khiến xe tải đi trên mặt hồ nước không lún, phương tiện giao thông thì lắm lúc phải đào tuyết ra mới nhìn thấy, nên hơn ai hết các cư dân sống tự cổ xưa nơi này rất hiểu sự nhỏ bé hữu hạn của con người trước thiên nhiên lắm lúc quá ư khắc nghiệt. Họ hiểu, con người cần nắm tay nhau mật thiết để sinh tồn.
Đó là lý do nhiều cuốn sách và lời khuyên cho du khách đều có đoạn: bạn hãy bỏ cái lối sống thị dân của bạn đi, nếu không uống sữa lạc đà hay rượu sữa ngựa, hay bánh truyền thống hay thịt hầm nguyên tảng mà người Mông Cổ mời khi bạn đến thăm nhà, thì với họ, đó là một sự thô lỗ. Một lối xúc phạm.
Chúng tôi có mặt đúng dịp lễ Tết Naadam của người Mông Cổ (giữa tháng 7 dương lịch hàng năm, đây cũng là lễ hội Olympics lâu đời nhất của loài người). Vừa ra khỏi sân bay quốc tế Ulaanbaator một chút là đã được cảm nhận cái cách mà đất nước thưa dân nhất địa cầu này vẫn thường xuyên bị tắc đường. Bắt tay anh Doãn Khánh Tâm, ngài Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Mông Cổ ở sân bay quốc tế Chingis Khaan, khi băng chuyền hành lý vẫn kẽo kẹt chạy, sự thân thiện, nụ cười cởi mở của anh, khiến tôi có cảm giác mình vẫn đang ở Việt Nam.
Nhưng, cửa kính tự động của sân bay vừa mở, gió thốc thổi thênh thang. Cái lạnh về đêm của xứ này đã bất ngờ ập tới, nhiệt độ ngày và đêm ở một điểm chênh nhau quá lớn, có khi, bốn mùa trong một ngày cùng tương sinh tương khắc.
Trong lễ hội, người Mông Cổ thi cưỡi ngựa, bắn cung, đấu vật, họ đeo nhiều tấm mặt nạ mà bất cứ ai cũng ước mơ được chụp ảnh… cùng. Có khi là một con thú vằn vện khoang đốm, mặt nó dài, răng như cầy cáo, người to như hươu nai, sự lộc ngộc của hắn lại giống như nhân vật Ngưu Ma Vương trong phim Tây Du Ký phiên bản 1986 - nữ đạo diễn quá cố Dương Khiết - của Trung Quốc. Có khi là một vị thần nhia răng mà gương mặt đỏ đắn phương phi, mũ có hình 5 cái đầu lâu đỏ máu quái dị (hình ảnh thường gặp trong các tu viện cổ xứ này).
Đó là lễ hội của những tráng binh với tinh thần thượng võ, lớp hậu sinh của một đế quốc rộng lớn nhất lịch sử nhân loại, từng tung vó khua gươm chinh phục thành công 40 quốc gia trên thế giới, chiếm được 31 triệu km2, khuất phục tới 700 dân tộc (!) - xẻ những con đường bạo tàn / gây ra nỗi kinh hoàng khắp châu Á lẫn châu Âu.
Phạm Trường Hải, anh bạn đồng hành của tôi bay hai chặng mới tới Mông Cổ, dù từ Việt Nam, chúng tôi đi máy bay thuê nguyên chiếc. Lý do là anh sống ở TP HCM nên phải "quá cảnh" Nội Bài. Hải từng đi Mông Cổ tới 6 lần. Anh bảo, có hơn 3 triệu dân, tức là dân số ít hơn Việt Nam hơn 30 lần; trong khi diện tích rộng gấp hơn 5 lần Việt Nam (khoảng 1,6 triệu km2!), thế mà Mông Cổ vẫn tắc đường liên tục. Ông có biết vì sao không? Vì gần một nửa dân số sống tập trung ở cái thủ đô rất bé về diện tích Ulaanbaator! Hệ thống đường xá rất sơ khai, trừ mấy cái mặt tiền và vài cao ốc "biểu trưng" cong cong quá tráng lệ như "The Blue Sky", Quảng trường trung tâm Sukhbaata, nơi có bức tượng Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng (và thường xuất hiện trên các trang tin quảng bá) kia, thì ngay trong nội đô, đường đi lối lại vẫn ổ voi ổ gà và bụi mù mịt. Mùa đông quá lạnh (băng tuyết phủ kín), đất đai quá rộng, đi tỉnh nọ qua tỉnh kia mất ít nhất là một đôi ngày lái xe, nên cùng với việc sở hữu mỗi người hàng trăm đại gia súc, thì người Mông Cổ ở thủ đô luôn phải phấn đấu mỗi người trưởng thành có một cái ô tô. Thế là tắc.
Nhân tiện, băng giá kéo dài quá, mùa hè chỉ đôi ba tháng, thế nên nhà nào ở thủ đô cũng phải tích trữ củi để sưởi ấm. Đốt củi đóm, than đá để gia tăng nhiệt, sống sót qua mùa đông. Thế là quốc gia thưa dân nhất địa cầu lại phải ôm thêm cái danh hiệu: một trong những thủ đô ô nhiễm không khí nhất.
Chúng tôi ở một khách sạn 5 sao Tuusin Tower tại thủ đô, kế bên Quảng trường lớn và tòa nhà biểu tượng The Blue Sky. Xe đưa đón rất xịn, nhưng bữa đến cứ phải đi ăn, đi thăm tượng đài các vị chiến binh vung roi thần quất ra lửa trên lưng kỵ mã, hay cung kính trước tượng ông Thiết Mộc Chân (tức Thành Cát Tư Hãn - Genjis Khan) rồi anh hùng dân tộc Mông Cổ Sukhbaatar… nhất tề bằng "xe căng hải" (đi bộ).
Lúc đầu tôi nghĩ, chắc bác lái xe về ngủ sớm để mai đón bình minh hưởng thật nhiều ánh sáng mặt trời như tổ tiên nhà bác nên bỏ rơi chúng tôi. Song, có bát phố mới thấy nghĩ vậy là "lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử" mất rồi. Tắc đường kéo dài, tắc tị để nói về một điều vô lý nhưng có thật: đất nước thưa dân nhất thế giới mà lại tắc đường như một "đặc sản" nổi tiếng và đáng ngơ ngác nhất.
Cũng may là văn hóa giao thông ở Mông Cổ hơn đứt ở ta. Không bóp còi inh ỏi. Nhẫn nhịn chờ người đi bộ qua mới vù. Đặc biệt, ở nhiều cột đèn đỏ, không chỉ có tín hiệu xanh đỏ và làn sang đường cho người đi bộ, họ còn phát ra âm thanh nhắc nhở cảnh báo rất hiệu quả (ý là: đèn xanh rồi, đi đi thôi), điều này hợp thời và hữu hiệu - nhất là với những du khách hay tí toáy nhìn vào màn hình smartphone như bọn tôi.
Nhân nói chuyện xe cộ. Xe của Mông Cổ không láng cóng như Việt Nam hay nhiều quốc gia tôi đã đi qua. Nhưng rất phong cách. Nếu Thụy Điển và cả vùng Scandinavia (Bắc Âu) là quê hương của các món đồ outdoor (dã ngoại) thì Mông Cổ có lẽ là quốc gia sử dụng thùng nóc, giá chở đồ và lều bạt trên các xe độ chế camping (cắm trại) nhiều nhất mà tôi từng biết. Trên phố, ngoài thảo nguyên, như showroom (phòng trưng bày) đủ các loại đồ dã ngoại đi kèm xe ô tô.
Chỗ nào họ cũng cắm trại, nhưng điều này thì họ hơn đứt ở ta: rác không hề có một cọng ở thảo nguyên bao la, lúp xúp lều Ger hay lều hiện đại pic-nic của trai thanh gái lịch. Trong khi, ở ta, dọc quốc lộ hay các vùng camping (cắm trại) theo trend (xu hướng) của giới trẻ hiện nay, cứ chỗ nào đẹp là tràn ngập rác thải, túi nilon, xú uế. Đôi lúc, người ta thấy cảnh đẹp thì nhân tiện dừng ngắm, dừng là một công đôi việc, thì phóng uế ra thiên nhiên. Có khi vách đá cao, "xả" thẳng xuống vực.
Chỗ nào chẳng may bị dân chơi phát hiện ra suối trong, cỏ mượt nhìn hơi bao la mĩ miều để chụp ảnh "úp" facebook hay Instagram một tí, nếu không khéo giấu diếm, hở ra là đám đông kéo tới. Theo bước chân họ là rác rưởi, thế là đắp mộ một điểm check-in. Nhiều bạn trẻ tử tế đã lo lắng cắm biển: "Đến đây, làm ơn đừng bỏ quên văn hóa ứng xử với môi trường - bạn nhé". Kệ, chó cứ sủa, xe cứ tiến. Tôi chụp ảnh thiên nhiên ở các điểm du lịch camping ở Việt Nam, lỡ chụp rồi, về cứ phải dùng ứng dụng photoshop để xóa bỏ các loại rác xanh đỏ tức mắt kia đi, mà lòng thất vọng vô cùng.
Ở Mông Cổ, người ta tin vào đấng tối cao và các vị thần trên thảo nguyên. Họ tuyệt đối không cắm biển "Cấm xả rác", cũng không có dịch vụ thu gom rác ở những nơi kể trên. Mà ai làm phát sinh rác, thì tự gói nó lại, bỏ lên xe lên ngựa, đem về điểm thu gom xử lý. Bài toán cổ xưa và đơn giản thế, sao mà giờ chứng kiến ở xứ du mục, khách thấy cứ như cái gì mới mẻ lắm vậy nhỉ?
Xe của họ, có thể bùn đất và thương hiệu không đắt đỏ, nhưng họ rất lãng du. Có khi giá nóc to như cái khay sắt lớn, kín cổng cao tường sẵn rồi, cứ ném đồ vào đó khỏi cần buộc. Khỏi cần "thẩm mỹ" cầu kỳ. Các loại lều cắm trại trị giá ngót trăm triệu đồng ở Việt Nam phủ kín nhiều cỗ xe to cao với ống thở (ống khói, ống xả) cao vút "độ" ở gần kính lái. Lều nóc, lại còn bạt cuốn (cũng vài chục triệu tiền Việt Nam ta) gắn ở bên trái nóc xe. Bấm nút là xòe ra thành cái mái hiên di động trứ danh. Mông Cổ cho người ta sử dụng cả xe tay lái thuận và tay lái nghịch theo cách nói của ta (vô lăng ở trước ghế trên bên phải của xe) cùng lưu thông trên đường.
Xe của bạn, đi qua thảo nguyên mà gia súc lớn đông đàn dài lũ, đi giữa thiên nhiên tận cùng hoang dã (mà không thấy phố thấy nhà) nên xe ô tô của bạn đều có cái lưới ở trước khu tản nhiệt mũi xe nhằm ngăn côn trùng "bâu" kín (sẽ rất tai hại) khi xe xuyên qua các thảo nguyên, các con đường cao tốc mà những cư dân tối cổ với dân số đông nhất quả đất - côn trùng - luôn rỉ rả nghĩ là nhân gian này chỉ là do bọn chúng thống trị. Nhận xét nhỏ: chênh lệch giàu nghèo ở Mông Cổ có vẻ rất sâu sắc. Hãng Lexus đã rất thành công trong việc thuyết phục thú chơi xe của giới nhà giàu Mông Cổ thì phải. Trên đường, lếch xù chạy nhiều, kể cả đẳng cấp "570" ngót chục tỷ đồng.
Đi qua cồn cát/sa mạc cát khổng lồ Elsen Tasarkhai ở trung tâm Mông Cổ (khác với sa mạc Gobi ốp trọn rìa phía Nam giáp Trung Quốc của nước này) với chiều dài tận 80km, chiều rộng có chỗ gần 20km. Điều kỳ lạ, là với sự khô khốc của các đụn cát khổng lồ, tiểu sa mạc này vẫn cứ được bao quanh bởi các con suối, rừng cây, rặng liễu xanh thắm, mướt mát. Chúng như hai thái cực âm dương "kẻ tung người hứng" cùng làm lung lạc lòng khách vãn cảnh vậy. Cưỡi lạc đà hai bướu bactrian (loài vật kiên cường và hiền lành này có mặt ở Mông Cổ tới khoảng 70% tổng số lượng của toàn thế giới).
Thăm thành cổ Khakhorin (nay thuộc tỉnh Ovorkhangai) – Cố đô nổi tiếng của Mông Cổ từ năm 1220 (tức là 7 năm trước khi ông Thành Cát Tư Hãn băng hà). Thung lũng mênh mông có thành cổ, tu viện và nhiều lớp lang văn hóa vô giá của Mông Cổ này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thiên nhiên của nhân loại. Mãi đến khi Hốt Tất Liệt (cháu nội Thành Cát Tư Hãn) lên ngôi, các chiến binh du mục đánh chiếm được Trung Quốc, ông này mới rời đô về Bắc Kinh ngày nay, thành lập nên nhà Nguyên.
Chúng tôi tràn ra thung lũng, thấy vút lên trong không gian một cái gì trong trẻo mơ màng, lại đẫm đầy cái chất lãng du vạm vỡ. Bìa núi, họ dựng tượng một nữ thần thanh thoát đang thổi một cái khèn một cái tù và hay một nhạc cụ gì đó thanh mảnh cong vời. Tôi hỏi người địa phương, họ bảo, đó là thần linh. Tôi ghé vào khu lều Ger hỏi thuê. Họa bảo, đây là khu sinh thái du mục có tên là Silk Road, Con đường Tơ lụa.
Vào bảo tàng, mở sử sách, thì đúng là thành cổ Khakhorin được Đế chế Mông Cổ định đô từ năm 1220, với các tu viện lừng danh dọc Con đường Tơ lụa huyền thoại - cũng là nơi ông Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh ghé qua. Tôi bước đi, hoa cỏ rung rinh, nắng chiều rực rỡ, nghe tiếng rền của thung lũng nghìn năm vọng về, đâu đó, tiếng vó ngựa thả vào hoang vu.
Lại có những ngày, khám phá vườn quốc gia danh tiếng nhất nước bạn với loài ngựa hoang Mông Cổ - còn gọi là Ngựa hoang châu Á - đây là một biểu tượng của hệ động vật Mông Cổ, nó đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới… Đi đâu chúng tôi cũng thấy người ta trân trọng từng mỏm đá, xếp các gò ma-ni-đôi cầu nguyện cao vút rồi treo cờ phướn xanh đỏ rập rờn khắp thảo nguyên xanh. Đặc biệt, họ yêu thiên nhiên từ trong huyết quản của tổ tiên.
Khắp 1,6 triệu km2 diện tích chủ yếu là thảo nguyên xanh của mình, bất cứ nơi nào, kể cả các đáy thung lũng mà lối mòn bé như đường chuột chạy hay các đỉnh núi cao mà đàn cừu, dê, ngựa nhiều và bé như những hạt đậu xanh đậu đen trong một cái nong màu xanh to lớn đang mơ màng di chuyển, người Mông Cổ đều cố gắng lái ô tô đến đó. Dựng lều, đốt một đống lửa, cắm trại qua đêm.
Có khi tôi ở một thung lũng, trước khi đi ngủ, vẫn thấy xanh bát ngát không một túp lều nào. Sáng ra, vẫn cái view (góc nhìn) đó, đã thấy chi chít vài cái ô tô, vài cái lều và một gò đá xếp hình trái núi xinh xinh, vài người thành kính đang cuốn cờ buộc phướn xanh đỏ như mở hội.
Có khi họ cắm trại và dắt chó đi lùa đàn cừu, dê hàng nghìn con, tất cả đều ương bướng và mải chơi. Tôi thích ngắm những triền núi xanh, rộng và hơi dốc, bởi ở đó, lều trại hay đàn gia súc giăng hàng như một bức tranh có tiền cảnh hậu cảnh. Nếu thảo nguyên là một chiếc nong lớn và lũ cừu, dê, ngựa, bò, trâu yak là những hạt đậu xanh, đậu đen, đậu trắng trải gần kín; thì dốc núi như đã làm công việc dựng cái nong hơi nghiêng lên, cho người đứng cùng mặt sàn với sân phơi có thể chụp ảnh "được góc" nhất, rõ nét nhất từng hạt đậu và vô số hạt đậu vậy.
Có khi các sắc dân du mục dựng lều, lôi xe máy ra khỏi thùng ô tô bán tải, phóng như đoàn tay đua trên các thảo nguyên cỏ ướt chưa bao giờ có lối mòn. Họ hò hét, chặn đường, kết hợp với chó chăn cừu để định hướng đường kiếm ăn, lối về chuồng của lũ gia súc lớn được đánh dấu nhận diện theo cách của mỗi gia đình đó.
Bây giờ, chán cao ốc và tên lửa vũ trụ, nhiều người trên thế giới đang quay về với Mẹ Thiên nhiên để chữa lành các vết thương do ngộ nhận hoặc thiển cận, họ bắt đầu cổ vũ cho lối sống thuận theo trời đất, hứng ánh nắng và đón gió trời. Với truyền thống du mục theo những đàn chiến mã tung vó trên thảo nguyên hơn triệu rưởi ki lô mét vuông của mình, người dân Mông Cổ khỏi phải quay lại như chúng bạn làm gì. Bởi họ vẫn ở đó, từ hàng nghìn năm trước, từ khi các bộ lạc lang thang chưa thống nhất, để… chờ chúng ta tỉnh ngộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.