Không đồng tình giảm thuế VAT xuống 8% đối với bất động sản, ngân hàng

An Linh Thứ bảy, ngày 13/05/2023 12:13 PM (GMT+7)
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, song không đồng ý mở rộng phạm vi giảm thuế đối với tất cả hàng hoá.
Bình luận 0

Băn khoăn mở rộng việc giảm thuế và số hụt thu 35.000 tỷ đồng

Theo đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, trong báo cáo mở rộng phạm vi giảm thuế VAT đối với ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin, Chính phủ chưa giải trình rõ lý do đề xuất.

Không đồng tình giảm thuế VAT xuống 8% đối với bất động sản, ngân hàng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Ảnh: Quochoi.vn)

Sáng nay, 13/5 tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp, thảo luận cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%).

Đề xuất này mở rộng diện hàng hóa, dịch vụ giảm thuế giá trị gia tăng đã được áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cạnh đó, Chính phủ đề xuất giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Đồng ý giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý mở rộng phạm vi giảm thuế với tất cả các hàng hóa, dịch vụ theo đề xuất của Chính phủ.

Tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Vân Chi cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Không đồng tình giảm thuế VAT xuống 8% đối với bất động sản, ngân hàng - Ảnh 2.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Vân Chi (Ảnh: Quochoi.vn)

Tuy nhiên, bà Chi đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ báo cáo rõ hơn phương án bù đắp khoản giảm thu 35.000 tỷ đồng thiếu hụt do giảm thuế VAT. Đại diện này cho rằng, khoản giảm thu này chưa được tính toán trong gói chính sách của Nghị quyết số 43 cũng như trong dự toán ngân sách năm 2023 đã được Quốc hội thông qua.

"Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tạo thêm tác động bất lợi cho ngân sách năm 2023, trong điều kiện số thu năm nay được dự kiến là sẽ có nhiều khó khăn, như báo cáo của Chính phủ", đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nói.

Đáng chú ý, bà Chi cho rằng, việc giảm VAT từ 10% xuống 8% theo báo cáo của Chính phủ cần áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin…. Tuy nhiên, theo bà Chi hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.

"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43", bà Chi nói.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết giảm thuế giá trị gia tăng, song không đồng tình với đề xuất mở rộng phạm vi hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế như Chính phủ đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phạm vi áp dụng nên theo Nghị quyết 43 vì khi đó Quốc hội đã tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, thu ngân sách năm 2023 dự kiến sẽ rất khó khăn, việc mở rộng diện giảm thuế phải rất cân nhắc.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong dự thảo Nghị quyết cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của năm 2023. Nhấn mạnh yêu cầu tổ chức thực hiện như nào đó để khả thi vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem