"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 1.

Xin ông cho biết, chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã làm thay đổi nhận thức của người dân ra sao?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tập tục hung táng là một truyền thống lâu đời, gắn liền với nhiều phong tục và tín ngưỡng, nhưng việc duy trì tập tục này trong bối cảnh hiện đại đã gặp phải nhiều thách thức liên quan đến đời sống, môi trường và quỹ đất. Do đó, chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình khi lựa chọn hỏa táng, bao gồm chi phí hỏa táng, vận chuyển, áo quan, túi khâm liệm, và bình đựng tro cốt, đã giảm bớt gánh nặng kinh tế và khuyến khích người dân lựa chọn hình thức này.

Từ Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, các chiến dịch truyền thông đã giúp người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của hỏa táng, từ việc bảo vệ môi trường đến tiết kiệm quỹ đất, chi tiêu của gia đình, đặc biệt là lối sống văn minh trong xã hội hiện đại. Sự thay đổi nhận thức về tang lễ văn minh đã giúp người dân dần dần chấp nhận hỏa táng như một phương thức hợp lý và hiện đại. Sự linh hoạt trong việc thực hiện các nghi lễ tang lễ theo phong tục truyền thống cũng được điều chỉnh để phù hợp hơn với hỏa táng.

"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 2.

Theo ông, lợi ích từ việc hoả táng văn minh là gì?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Hỏa táng văn minh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế và môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho cộng đồng. Vì thế, chính sách khuyến khích hỏa táng là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và bền vững. Hỏa táng văn minh có mấy lợi ích như sau:

Thứ nhất là bảo vệ môi trường, một vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Hỏa táng giúp ngăn chặn ô nhiễm đất và nước ngầm do hóa chất từ thi thể và các vật liệu chôn cất phân hủy. So với hung táng, hỏa táng thường ít gây ra phát thải khí nhà kính hơn, đặc biệt khi sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.

Thứ hai là tiết kiệm quỹ đất. Trong điều kiện đất đai ngày càng khan hiếm như hiện nay thì hỏa táng lại không đòi hỏi nhiều diện tích đất như hung táng, giúp tiết kiệm quỹ đất dành cho các mục đích khác như xây dựng nhà ở, công trình công cộng và nông nghiệp. Việc giảm số lượng nghĩa trang giúp cải thiện cảnh quan đô thị, tạo ra nhiều không gian xanh và công viên hơn cho cộng đồng. Hỏa táng giảm bớt áp lực cho quy hoạch và phát triển đô thị, đặc biệt là ở các thành phố đông dân cư như Hà Nội của chúng ta.

Thứ ba là lợi ích kinh tế. Hỏa táng thường rẻ hơn hung táng do không giảm chi phí cho mộ phần và các dịch vụ liên quan đến việc duy trì mộ. Các chính sách hỗ trợ tài chính của chính quyền Thủ đô cũng giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình trong việc tổ chức tang lễ.

"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 3.

Người Hà Nội đi viếng mộ tổ tiên ngày lễ, Tết. Ảnh: Định Nguyễn

Thứ tư là lợi ích về vệ sinh và an toàn khi hỏa táng giúp loại bỏ nguy cơ lây lan dịch bệnh từ thi thể, đặc biệt là trong bối cảnh có các dịch bệnh nguy hiểm. Quá trình hỏa táng diễn ra nhanh chóng, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp với thi thể.

Thứ năm là tiện lợi cho chăm sóc người đã mất vì rõ ràng việc lưu giữ tro cốt dễ dàng và tiện lợi hơn, không đòi hỏi sự chăm sóc và bảo dưỡng mộ phần thường xuyên. Vì thế, gia đình có thể lựa chọn lưu giữ tro cốt chùa hoặc đặt tại các khu vực tưởng niệm, mang lại sự linh hoạt và tiện lợi.

Thứ sáu là hình thành văn hóa tang lễ văn minh mới, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Chính sách khuyến khích hỏa táng góp phần thay đổi nhận thức và thói quen của người dân về tang lễ văn minh, hướng đến một xã hội hiện đại và tiến bộ. Bên cạnh đó, mặc dù thay đổi phương thức tang lễ, hỏa táng vẫn cho phép gia đình thực hiện các nghi lễ truyền thống một cách linh hoạt và phù hợp.

"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 4.

Máy móc san ủi đất làm Dự án tuyến đường Vành đai 4 qua địa phận Hà Nội. Ảnh: Viết Niệm


"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 5.

Ông thấy gì từ dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô về những quyết sách hỗ trợ của Hà Nội trong việc di dời các ngôi mộ tại nghĩa trang?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Theo tôi đây là một dự án được thực hiện rất tốt, có thể trở thành hình mẫu cho các dự án tương tự. Việc xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và những quyết sách hỗ trợ của thành phố Hà Nội trong việc di dời các ngôi mộ tại nghĩa trang để thực hiện dự án là một minh chứng cho sự quản lý và điều hành hiệu quả, hài hòa giữa phát triển cơ sở hạ tầng và tôn trọng tín ngưỡng, văn hóa của người dân.

Việc nhận được sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, kể cả những người bị thu hồi đất và phải di dời mộ, cho thấy rằng chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích rõ ràng và minh bạch về lợi ích của dự án.

Ban đầu, có nhiều người dân đã làm đơn đề nghị điều chỉnh tuyến đường để tránh di dời mộ, điều này cho thấy chính quyền đã lắng nghe và giải quyết một cách thấu đáo, thuyết phục. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ hợp lý.

Các biện pháp hỗ trợ từ thành phố bao gồm việc di dời và xây dựng những nghĩa trang mới với quy mô, xanh, sạch đẹp, đã giúp giảm bớt nỗi lo lắng của người dân về việc mất mộ phần và đảm bảo được yếu tố tín ngưỡng. Việc đầu tư xây dựng các nghĩa trang mới với tiêu chuẩn cao không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tới thăm viếng và yên tâm hơn khi di dời mộ.

"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 6.

Cuối cùng là cách chính quyền thể hiện sự tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân khi việc di dời mộ phần được thực hiện cẩn thận, tôn trọng các nghi lễ và phong tục truyền thống. Chính quyền đã có những biện pháp hỗ trợ phù hợp với nguyện vọng và mối quan tâm của người dân về mộ phần và tín ngưỡng địa phương.

Như vậy, tôi cho rằng, chính quyền thành phố Hà Nội đã thể hiện sự nhạy bén, linh hoạt và quyết tâm trong việc triển khai dự án đường Vành đai 4, đồng thời tôn trọng và bảo vệ các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân. 

Các biện pháp hỗ trợ hợp lý và đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, góp phần xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và bền vững.

"Khuyến khích hỏa táng, tang lễ văn minh, Hà Nội đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân" (bài cuối)- Ảnh 7.

Người dân Hà Nội cùng con cháu viếng mộ tổ tiên. Ảnh: Định Nguyễn

Như vậy, có thể khẳng định, những quyết sách của Hà Nội cũng như sự quan tâm trong vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của người dân ra sao là rất đúng đắn?

- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng gần 100 tỷ đồng/năm cho việc khuyến khích hỏa táng và xây dựng nghĩa trang mới ở Hà Nội là một con số đáng kể, cho thấy sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc quản lý và cải thiện công tác tang lễ. Đây là những quyết sách quan trọng có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, đồng thời phản ánh sự nhạy bén trong việc cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và tôn trọng tín ngưỡng, văn hóa.

Tôi tin tưởng rằng, quyết sách của Hà Nội về việc hỗ trợ hỏa táng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghĩa trang mới phản ánh sự quan tâm sâu sắc đến các yếu tố tâm linh và tín ngưỡng của người dân.

Mặc dù việc thay đổi ý thức của người dân có thể gặp khó khăn do tập tục truyền thống, nhưng với sự hỗ trợ tài chính, giáo dục cộng đồng và cung cấp các giải pháp linh hoạt, việc chuyển đổi này hoàn toàn có thể đạt được hiệu quả tích cực. Các chính sách này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố và bảo vệ môi trường.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông về vấn đề này!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem