Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Là người gắn bó với Hà Nội suốt từ khi sinh ra đến nay, Nhà sử học Dương Trung Quốc (75 tuổi) - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có rất nhiều cảm xúc khi nhớ về ngày Giải phóng Thủ đô. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, liên tục từ khóa XI đến khóa XIV suốt 20 năm ông đã có những trải nghiệm quý giá và chia sẻ thẳng thắn với PV Báo Dân Việt những suy nghĩ của mình về quá trình phát triển của thủ đô gần 7 thập kỷ qua.
PV ông Dương Trung Quốc Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Thưa ông, hôm nay tròn 67 năm, ngày 10/10/1954 chính thức Giải phóng Thủ đô. Đó là ngày người Hà Nội hân hoan cờ hoa vẫy chào đón đoàn quân giải phóng tiếp quản, chấm dứt cuộc cai trị thế kỷ của người Pháp trên mảnh đất này. Là người Hà Nội, được sinh ra và lớn lên tại thủ đô ông thấy ngày trọng đại này có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi vẫn nhớ như in sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong rừng cờ hoa, cùng niềm vui hân hoan của hàng vạn người dân. Hồi đó tôi còn nhỏ nhưng rất vui vì được chứng kiến ngày trọng đại này. Tôi là người đam mê với Lịch sử, có điều kiện tiếp cận với nhiều tư liệu kể cả tư liệu sống. Bản thân tôi đã ra rất nhiều cuộc triển lãm, sách về sự kiện ý nghĩa này nên tôi hiểu rất rõ.
Người Hà Nội khi ấy ai ai cũng chờ đợi được hưởng ngày Độc lập dù ngắn ngủi. Một bộ phận chính người con em của họ tham gia cuộc kháng chiến này. Hình ảnh Trung đoàn thủ đô tiến vào bờ hồ Hoàn Kiếm mà đứng đầu là những người đã từng cầm súng bảo vệ thủ đô. Họ thực hiện đúng lời thề, lời hứa, cũng là ước mong có ngày trở về. Nó sẽ khác những sự kiện khác như Giải phóng miền Nam 1975… nhưng riêng người Hà Nội chứng kiến thì đây là sự kiện rất sâu sắc, ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Sau ngày Giải phóng thủ đô, Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung đã trải qua những khó khăn, thách thức như thế nào thưa ông?
- Thời kỳ phục hồi kinh tế chúng ta đưa vào một số chính sách như cuộc Cải cách ruộng đất… đến cuối năm 1955, đầu năm 1956 mới phát hiện sai lầm, chúng ta tiến hành sửa sai. Tiếp đó, Hà Nội tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư doanh. Cho đến bây giờ nghĩ lại thấy rõ đó là bước lùi. Chúng ta đã mất đi nguồn lực, kể cả năng lực Hà Nội từ chỗ Hợp tác xã dẫn đến các công tư hợp doanh. Các nhà công thương đã gần như thui chột, lòng yêu nước có còn năng lực phát triển xã hội không còn bao nhiêu.
Sau đó chúng ta có sự thay đổi trong quản lý kinh tế theo kế hoạch của Nhà nước, có nguồn lực viện trợ nước ngoài. Xác định mục tiêu vừa phát triển kinh tế và giành lại độc lập thống nhất đất nước.
Đến năm 1964, Mỹ bắt đầu chiến tranh đánh miền Bắc nên chưa thời kỳ nào ổn định để phát triển kinh tế. Hà Nội giải phóng, nhiều khu công nghiệp mọc lên và Cao - Xà - Lá (bao gồm nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Thăng long) là một trong khu công nghiệp đầu tiên. Đặc biệt khu sản xuất cơ khí nhưng mới chỉ là bước đầu thì chiến tranh bùng nổ, mọi người sơ tán. Nhiều cuộc chiến diễn ra liên miên qua nhiều năm. Đến năm 1975 chúng ta Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Quá trình xây dựng đất nước khi đó chúng ta đứng trước thử thách mới, một mặt Mỹ cấm vận, Trung Quốc quay lưng lại chống chúng ta, sự viện trợ về quân sự, kinh tế của Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa giảm sụt dần rơi vào cuộc khủng hoảng, gánh nặng chiến tranh…
Đến năm 1995 Mỹ chấm dứt cấm vận, lập lại quan hệ với Việt Nam lúc đó chúng ta mới có cơ hội để phát triển. Nói như thế để thấy rõ tiến trình 70 năm nhưng thực sự chúng ta có nhiều điều kiện phát triển từ năm 1986 trở đi. Đặc biệt, sau năm 1995 khi Việt Nam bình thường hoá mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ chúng ta mới có cơ hội hội nhập mạnh mẽ với các nước ASEAN và nhiều quốc gia trên thế giới… Khi đó Hà Nội – thủ đô của đất nước có cơ hội để hoà nhập, phát triển.
Vốn là người nổi tiếng vì những phát biểu thẳng thắn trong các kỳ họp Quốc hội, thực tế tại Hà Nội điều gì ông thấy băn khoăn muốn chia sẻ?
- Từ sau Giải phóng thủ đô đến nay, Hà Nội mới chỉ thực sự đổi mới phát triển hơn 30 năm qua. Trước đó, chúng ta cùng đất nước trải qua những cuộc chiến tranh liên miên tốn kém xương máu, tài sản. Có những cái chúng ta đã bỏ qua không ít cơ hội khi bước vào con đường hội nhập, rất nhiều thử thách chúng ta chưa vượt qua.
Rõ ràng Hà Nội thay đổi rõ nét như một số chủ trương xây dựng tuyến đường đai 4, quy hoạch cải tạo hai bờ sông Hồng - Khắc phục tình trạng Hà Nội quay lưng với dòng sông của mình. Đó là những dấu hiệu rất tích cực.
Năm 2008 Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu. Đến nay đã 13 năm trôi qua, có nhiều đánh giá rõ ràng quy mô to lớn như vậy nhưng sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ cho cả chính quyền, các chuyên gia quy hoạch và người dân.
Hà Nội có rất nhiều điều kiện để phát triển nhưng phát triển phải đi cùng với năng lực quản lý là điều người dân thủ đô băn khoăn. Ngay việc sáp nhập giữa Hà Nội và Hà Tây (cũ) cũng là bài toán. Như đơn cử về góc nhìn văn hoá thì Thăng Long Hà Nội có nền văn hiến của đất nước, nền văn hoá Xứ Đoài (Hà Tây) cũng là vùng đất gốc của người Việt cổ và nền văn minh Việt cổ, nơi chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của những nhà nước đầu tiên của người Việt. Do vậy phải kết hợp thế nào để trở thành một Hà Nội hiện đại.
Với suy nghĩ của người sống ở Hà Nội cảm thấy có những điều phát triển rất mạnh mẽ không thể không thừa nhận nhưng cũng có những mất mát nhất là giá trị tinh thần của người dân cho nên đời sống vật chất có những thay đổi rõ rệt.
Tôi nhớ đến thời kỳ Hà Nội sau giải phóng với vai trò là người đứng đầu thành phố, ông Trần Duy Hưng – Thị trưởng đầu tiên của Thủ đô. Đó là thời kỳ nhiều gian khó nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, các chính sách, chủ trương cụ thể, đương nhiên không tuyệt đối hoá, có sai có sửa. Tuy nhiên, rõ ràng năng lực quản lý phải tương xứng với sự phát triển, nhu cầu, tiềm năng phát triển của Hà Nội.
Điều tôi thấy rõ một số vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua đó là một con đường sắt trên cao như khởi đầu sự thay đổi hạ tầng Hà Nội nhưng cả chục năm nay chưa xây dựng xong, đội vốn… ngoài vấn đề phức tạp về ngoại giao thể hiện rõ năng lực quản lý của chúng ta khi đến bây giờ chưa xử lý một ai. Không ai mong phải xử lý nhưng nếu không xử lý sai phạm sẽ tiếp tục kéo dài. Khi trách nhiệm không thuộc về ai thì nhân dân hứng chịu hết, đó là điều tôi băn khoăn.
Ông có thể nói rõ hơn Hà Nội cần làm gì để phát triển bền vững, toàn diện mà vẫn giữ được nét văn hoá riêng của mảnh đất kinh kỳ?
- Vai trò của người đứng đầu thành phố rất quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội. Kỷ niệm sau Giải phóng thủ đô phải ghi nhận Hà Nội thay đổi rất to lớn nhưng chưa tương xứng với vị thế của mình. Nói như thế để lãnh đạo, người dân… tự mình thay đổi, thúc đẩy cơ chế để kịp xu thế thời đại. Tư duy không phải tuyến tính ngày nay tốt hơn ngày qua, mà điều quan trọng chúng ta ít nhất phải theo kịp, vượt lên về mọi mặt kinh tế, văn hoá, xã hội… thì mới giúp chúng ta phát triển bền vững được.
Câu chuyện của Hà Nội ngày hôm nay, đại dịch Covid-19 chúng ta nhìn nhận như một thử thách để trưởng thành. Nó như một cơn sốt vỡ ra cho dù đó có thể là thảm hoạ cần sớm có điều chỉnh. Khái niệm bình thường mới đã đến lúc phải đặt lên bàn xem đây là gì trong mỗi ngành nghề.
Từ đó chúng ta mới quản lý được đô thị lớn thế này. May đại dịch ở Hà Nội khống chế được nhưng bài học ở TP.HCM tác động rất lớn đối với Hà Nội. Có thể, trong tương lai có rất nhiều thách đố, rủi ro nhưng Hà Nội phải kịp thay đổi để vươn mình phát triển, ngăn chặn những nguy cơ.
Hà Nội là nơi chúng ta tự hào vì nghìn năm văn hiến từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê… chúng ta thấy rằng danh xưng Hà Nội cũng như truyền thống Hà Nội đang kế thừa điều đó. Bên cạnh văn hiến truyền thống xa xưa ấy quan trọng nhất là truyền thống của đô thị hiện đại mà người Pháp bắt đầu xác lập năm 1888 trên cơ sở xây dựng hạ tầng, kết cấu xã hội, đời sống tiếp nhận văn hoá phương Tây bên cạnh duy trì văn hoá phương đông. Đương nhiên thời kỳ thuộc địa, chủ nghĩa thực dân có những tác động tiêu cực nhưng cũng để lại khá nhiều di sản như kiến trúc, văn hoá nghệ thuật, giáo dục…
Hà Nội cần làm lúc này đó là theo kịp thời đại của mình, lòng mong muốn của nhân dân theo đúng tinh thần của đổi mới. Nét văn hoá truyền thống cần giữ gìn và điều quan trọng phải tìm ra động lực phát triển văn hoá đó. Cần gìn giữ giá trị từng vùng từ cảnh quan cho đến quan hệ xã hội, cấu trúc địa phương nhưng tất nhiên phải hiện đại hoá, tiện nghi hoá để chất lượng sống của người dân ngày càng tốt hơn. Đừng biến nông thôn thành khu đô thị nham nhở hoặc ngược lại.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.