Kỳ tích miền đông- Ảnh 1.

Sau khi tiếp quản lại được khu mỏ và thành lập tỉnh Quảng Ninh, nơi đây trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương, cung ứng nguồn lực quan trọng cho đất nước.

Là địa bàn tập trung 90% trữ lượng than của cả nước, than đã gắn với đất, gắn với người Quảng Ninh. Nên cũng dễ hiểu cơ cấu kinh tế, thu ngân sách của Quảng Ninh đến chủ yếu từ ngành công nghiệp khai thác than. Quảng Ninh cũng vì thế mà trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp quan trọng của miền Bắc.


Kỳ tích miền đông- Ảnh 2.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 3.

Ngành than đang chuyển mình nhờ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tác động tới môi trường

Từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986), thực hiện công cuộc Đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Địa phương cũng đã có những tích lũy quan trọng.

Sau năm 1986, từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70 - 80% về ngân sách, đến năm 1995, Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…

Có thể thấy rõ, bắt đầu công cuộc đổi mới, Quảng Ninh đã biết làm giàu từ than. Nhưng Quảng Ninh cũng "vất vả" vì than. Mỗi mét lò, mỗi tấn than là mồ hôi, nước mắt, thậm chí còn là sự hy sinh. Than trao cho nhiều mà cũng lấy đi nhiều. Khai thác than càng phát triển, đồng nghĩa với cảnh quan khu vực đó bị ảnh hưởng càng nhiều. Bụi than đã từng là nỗi ám ảnh rất lớn với người dân gần các khai trường hay các khu sàng tuyển tại Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều.

Lục lại kí ức của mình, chị Tô Minh Tâm, sinh năm 1994, sống tại Cẩm Phả cho biết: "Thời còn đi học, khi khi trời mưa là nỗi ám ảnh của đám học sinh. Bởi nước mưa có màu xám đen của bụi than. Sau khai giảng, áo trắng mới nhanh chóng mang một màu khác".

Than ở Quảng Ninh nhiều đó, nhưng không vô hạn. Sự phát triển chỉ trông vào một trụ cột chẳng khác nào đi đầu tư mà bỏ hết trứng vào một giỏ. Trong khi đó, những thách thức, khó khăn từ bên trong và bên ngoài luôn luôn vận động.

Kỳ tích miền đông- Ảnh 4.

Trong quá trình phát triển, những mâu thuẫn, thách thức cũng dần hiện hữu và được các thế hệ lãnh đạo của Quảng Ninh chỉ ra. Mâu thuẫn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn; giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; giữa đổi mới hệ thống chính trị chưa tương xứng phù hợp với đổi mới kinh tế và tình hình thực tiễn đang diễn ra...

Vậy nên, để đột phá, Quảng Ninh phải phá được thế độc đạo trong phát triển kinh tế, trong liên kết về giao thông; phải gỡ bỏ được những nút thắt về cơ chế để giải phóng và khai thác được tiềm năng, tạo thêm động lực và không gian phát triển mới.

Và, một cuộc "cách mạng xanh" đã được diễn ra từ cách đây hơn thập kỷ. Quảng Ninh đã chọn xoá bỏ lối tư duy quản trị hành chính cũ, chuyển từ quản lý sang phục vụ; tìm mọi cách để cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhất.

Thực hiện "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Quảng Ninh đã quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Quảng Ninh đã được ban hành ngay sau đó. Những mục tiêu phát triển "xanh" đã được định hình.


Kỳ tích miền đông- Ảnh 5.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 6.

Quảng Ninh cuối những năm 80 vẫn còn đường tàu vận chuyển than và thành phố Hạ Long bên bờ di sản đang trên hành trình trở thành thành phố của di sản.

Mục tiêu về tăng trưởng xanh của Quảng Ninh giai đoạn 2014-2020:

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; chuyển dịch và tăng tốc độ phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp "xanh"; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến một nền kinh tế các-bon thấp, giảm phát thải và tăng lượng hấp thụ khí nhà kính. Đồng thời, trong các quy hoạch quan trọng của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh; Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh, nội dung tăng trưởng xanh coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tầm nhìn dài hạn.

Khi còn công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định, trước đây, tỉnh phát triển dựa vào ngành than, nhưng không thể phát triển mãi được. Chính vì thế, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), XIV (2015-2020), Quảng Ninh đã kiên định với mục tiêu tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh". Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã nhấn mạnh "tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc. Nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường".


Kỳ tích miền đông- Ảnh 7.

Tại Lễ khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (ngày 1/9/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới". Không có thành công nào đến là dễ dàng. Chỉ có tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, đột phá, hợp lòng dân… thì việc khó mấy cũng làm được và sẽ thành công.

Cách đây hơn 5 năm, Quảng Ninh chưa có đường cao tốc, không sân bay, không cảng biển quốc tế. Nhưng vào ngày 1/9/2018, cầu Bạch Đằng và đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã được cắt băng khánh thành. Và chỉ 4 năm sau, đúng ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã thông toàn tuyến cao tốc xuyên tỉnh từ cầu Bạch Đằng giáp Hải Phòng ra đến tận cửa khẩu Móng Cái dài 176 km. Tỉnh đã sở hữu số km cao tốc nhiều nhất cả nước.

Kỳ tích miền đông- Ảnh 8.


Kỳ tích miền đông- Ảnh 9.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 10.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 11.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 12.

Ngày 2/9/2022, Quảng Ninh đã thông toàn tuyến cao tốc xuyên tỉnh từ cầu Bạch Đằng giáp Hải Phòng ra đến tận cửa khẩu Móng Cái dài 176km

"Từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, tuyến đường cao tốc đầu tiên Chính phủ giao địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ Quảng Ninh - một việc làm chưa từng có tiền lệ. Lúc đó, Quảng Ninh còn chưa biết gọi tên đó là đầu tư PPP", ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhớ lại.

Năm 2013, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh với Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã nhận định rõ, phải tháo những "nút thắt" về hạ tầng cản trở sự phát triển của tỉnh, theo đó giao thông phải đi trước một bước.

Từ sự tiên phong này, hàng loạt dự án đường cao tốc, sân bay, cảng biển "ngàn tỷ" đã xếp hàng về đích chỉ trong vài năm tiếp theo. Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông đồng bộ bậc nhất cả nước, đứng đầu danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.

Kỳ tích miền đông- Ảnh 13.

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái đã kết nối toàn tuyến ven biển phía Đông Bắc.

Những bước chuyển mạnh mẽ của Quảng Ninh:

Sau năm 1986, từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70 - 80% về ngân sách, đến năm 1995, Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm…

Từ một địa phương chỉ dám mong có thể nhựa hóa toàn bộ tuyến quốc lộ ra đến Móng Cái, thì giờ đây, tuyến cao tốc Hải Phòng - Móng Cái, dài gần 200 km luôn tấp nập xe cộ. Từ chỗ mong kết nối nội tỉnh được thuận lợi, thì giờ đây, Quảng Ninh dễ dàng giao thương quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng biển quốc tế Cái Lân. Những tuyến đường 10 làn rộng thênh thang, đường bao biển sạch đẹp thay lời chào thân thiện tới mọi du khách đến với Quảng Ninh.

Từ thực trạng thiếu thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất, Quảng Ninh đã vươn mình trở thành trung tâm sản xuất điện của miền Bắc. Ngày 2/9/2020, Quảng Ninh đã chính thức đóng điện lưới quốc gia, hoàn thành việc cấp điện lưới 100% đến các hộ dân trên đất liền và cả hải đảo.

Sự phát triển kinh tế của Quảng Ninh cũng đã có những bước chuyển biến lớn, giảm dần sự phụ thuộc vào ngành khai thác than, khi ngành dịch vụ chiếm 37% tỷ lệ đóng góp vào GRDP (từ sau năm 2011).

Kỳ tích miền đông- Ảnh 14.

Phá bỏ "tư duy nhiệm kỳ", trên nền tảng 7 quy hoạch chiến lược công bố năm 2013, những mục tiêu lớn được các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thực hiện bài bản với lộ trình và bước đi thích hợp. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh".

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, khát vọng thịnh vượng, Quảng Ninh đã chọn "Vay niềm tin, trả lợi ích". Những năm qua, Quảng Ninh đã biến sự đồng thuận của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp thành những con đường, những công trình giao thông chiến lược, biến những vùng đất từng xa xôi, cách trở thành những "thỏi nam châm" thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, logistics, dịch vụ… "Rút ngắn đường xa", "mở cửa bầu trời", "khơi thông cửa biển", hạ tầng giao thông là cơ sở để kích thích và thu hút dự án đầu tư đến các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT).

KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái, 15 KCN đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, các tập đoàn lớn trong nước… Năm 2023, Quảng Ninh đứng thứ 2 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước.

Foxconn hay Jinlo Solar những tên tuổi lớn trên thế giới đã liên tiếp đầu tư nhiều dự án mới tại Quảng Ninh. Điều này đã chứng tỏ cho sức hút của Vùng đất bên bờ di sản.

Quảng Ninh của hôm nay đã vươn lên, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, với 8 năm liền (2016-2023) tăng trưởng 2 con số.

Kỳ tích miền đông- Ảnh 15.

Vị trí đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 7 năm liên tiếp đều thuộc về Quảng Ninh (2017-2023). Năm 2023 - cũng là năm thứ 7 đứng đầu bảng xếp hạng, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn rõ rệt trong việc giảm thiểu gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp, khi chỉ số thành phần Chi phí thời gian đạt 8,54 điểm, cao nhất cả nước.

Cùng với đó, Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, với chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp đạt 7,72 điểm, đứng thứ 2 toàn quốc. Tỉnh còn đứng thứ 3 cả nước về nỗ lực cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, với chỉ số thành phần chi phí không chính thức đạt 7,72 điểm. Vậy nên, việc Quảng Ninh được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đánh giá cao là điều dễ hiểu.

Quảng Ninh cũng đã từng bước từng bước một tạo niềm tin với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân khi những chỉ số quan trọng như PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI liên tục trong nhiều năm liền đều tăng điểm, thăng hạng và duy trì ở vị thế dẫn đầu.


Kỳ tích miền đông- Ảnh 16.

Thành quả phát triển xanh của Quảng Ninh còn thể hiện ở việc, Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Quảng Ninh năm 2023 cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm. Trong đó, Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5,73 điểm). Đáng chú ý, 4/4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.

Trước đó năm 2022, khi Chỉ số PGI lần đầu tiên được VCCI công bố, Quảng Ninh đạt 17,12 điểm, xếp vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kỳ tích miền đông- Ảnh 17.

Đánh giá về kết quả này của Quảng Ninh, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: "Quảng Ninh có sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc ứng xử với môi trường. Điều này tạo nền tảng quan trọng để tỉnh tiến bước, hấp dẫn các nhà đầu tư. Bởi, hiện nay môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững, nhằm giải quyết những thách thức lớn toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Do vậy, với những cách làm, giải pháp của tỉnh trong gắn kết phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng… Quảng Ninh xứng đáng với vị trí dẫn đầu PGI".

Kỳ tích miền đông- Ảnh 18.

Để duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được trong gần một thập kỷ thực chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh", thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến nghị quy Nghị quyết số 01/NQ-TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết đầu tiên Nghị quyết đầu tiên mà Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành.


Nội dung chính của Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 16/11/2020:

Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo để ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo ra bước đột phá trong thu hút tổng vốn đầu tư, giá trị gia tăng của ngành; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động kỹ năng tay nghề, chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt 49 - 50%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 10%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 17%/năm, thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng (bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm)...


Từ khi nghị quyến được ban hành đến hết năm 2023, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã tăng từ 841 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo (năm 2020) lên thành có 1.098 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt 230.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực ngoài các KKT, KCN có 980 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15.000 tỷ đồng (bình quân trên 15,3 tỷ đồng/doanh nghiệp), tạo việc làm cho hơn 75.800 người.

Tại các KKT, KCN có 122 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt xấp xỉ 215.000 tỷ đồng, trong đó 86 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 6,484 tỷ USD, 36 dự án có vốn đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 60.000 tỷ đồng.


Kỳ tích miền đông- Ảnh 19.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 20.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 21.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 22.

Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,68% và cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết số 01 là 17%/năm.

Tới nay, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, các mục tiêu thực hiện đều đạt và vượt mức đã đề ra. Đơn cử như tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,68% và cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết số 01 là 17%/năm. Đặc biệt, tổng vốn thu hút đầu tư đạt xấp xỉ 161.000 tỷ đồng, bằng 321% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025.

Sự phát triển của Ngành công nghiệp chế biến chế tạo Quảng Ninh giai đoạn 2010-2020:

- Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 của ngành công nghiệp chế biến chế tạo Quảng Ninh đạt 12,5%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh tăng từ 6,7% năm 2010, lên 9,6% năm 2020. Đến năm 2020, quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20.305 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010.

- Toàn tỉnh có 841 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo (chiếm 81,8% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp), tăng 550 doanh nghiệp so với năm 2010.

Về mặt số liệu báo cáo, các con số đã có thấy sự tăng trưởng về chất và lượng rõ rệt. Nhưng còn một khía cạnh khác cho thấy ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh có sự chuyển mình mạnh mẽ. Đó chính là việc Quảng Ninh đang trở thành điểm đến của ngành công nghiệp ô tô khi Thương hiệu ô tô lớn tại Cộng hòa Séc là Škoda Auto đã hợp tác cùng Tập đoàn Thành Công để sản xuất, lắp ráp ô tô mang thương hiệu Škoda tại KCN Việt Hưng, ở Quảng Ninh.

Nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu được xây dựng trên diện tích 36,5 ha, nằm trong Tổ hợp chuyên đề công nghiệp ôtô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, có tổng quy mô 400ha, và có mức vốn đầu tư là 8.679 tỷ đồng. Tháng 9/2020, dự án Tổ hợp được khởi công với tham vọng biến nơi đây thành nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng với hàm lượng công nghệ cao.

Sau khoảng 4 năm xây dựng, nhà máy ô tô đầu tiên ở Quảng Ninh dự kiến sẽ đi vào vận hành trong quý 4 năm nay. Lãnh đạo Tập đoàn Thành Công cho biết, những sản phẩm của Tổ hợp sẽ không dừng lại là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ô tô cốt lõi hiện tại của Tập đoàn, mà còn hướng tới xuất khẩu.

Không chỉ Škoda, những tên tuổi khác trong lĩnh vực phụ trợ ngành công nghiệp ô tô đã có mặt tại Quảng Ninh để thực hiện các dự án như Autoliv (Thụy Điển), Samsong Vina (Hàn Quốc), Boltun (Đài Loan)…

Kỳ tích miền đông- Ảnh 23.

Toàn cảnh Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (TP Hạ Long) sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2024.

Ông Cao Tường Huy khẳng định: "Những dự án trong lĩnh vực sản xuất ô tô và phụ trợ của ngành ô tô có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh".

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN, quỹ đất sạch, cùng môi trường đầu tư thông thoáng, Quảng Ninh kỳ vọng sẽ sớm hình thành một trung tâm sản xuất ô tô và các ngành phụ trợ, quy tụ những thương hiệu lớn trong nước và quốc tế.

Mới đây, tại phiên khai mạc kỳ họp giữa năm 2024 của HĐND tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cũng nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh xác định 3 trụ cột đảm bảo tăng trưởng gồm công nghiệp chế biến chế tạo; đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản ngoài ngân sách; du lịch, kinh tế biển, kinh tế số.

"Tập trung thu hút FDI thế hệ mới vào KCN, KKT, đặc biệt là ngành bán dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành than, ngành điện phát triển ổn định, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà máy điện khí LNG tại Cẩm Phả và dự án ô tô Thành Công tại Việt Hưng. Phát triển dịch vụ tổng hợp, kinh tế di sản, nâng tầm du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, trọn vẹn 4 mùa. Khai thác hiệu quả cửa khẩu Hoành Mô - Động Trung và lối mở Bắc Phong Sinh – Lý Hoả. Phát triển nghề nuôi biển và hoàn thành giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân theo quy hoạch", Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nói.

6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với mức tăng khoảng 9,2%. Xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; là trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Còn tầm nhìn đến năm 2050, sẽ trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Hành trình tuy còn dài, những với những chiến lược đã hoạch định cụ thể, và sẽ tiếp tục được ban hành cho phù hợp với tình hình mới, Quảng Ninh đang tiến dần đến đích, và mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả của sự tăng trưởng xanh, bền vững.


Kỳ tích miền đông- Ảnh 24.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 25.
Kỳ tích miền đông- Ảnh 26.

Với thiên nhiên và thắng cảnh đẹp cùng dịch vụ ấn tượng, Quảng Ninh trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước.


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem