Làm gì để bổ sung sự thiếu hụt lao động khi ngành dịch vụ du lịch, hàng không mở cửa

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 11/03/2022 06:23 AM (GMT+7)
Du lịch, hàng không đang dần mở cửa, tuy nhiên đến thời điểm này một loạt các lao động làm trong ngành này đã nghỉ việc. Nguy cơ thiếu hụt lao động làm trong ngành này ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Bình luận 0

Nhiều lao động du lịch bỏ việc do dịch bệnh kéo dài 

Sau nhiều lần khấp khởi vui mừng vì ngành hàng không mở cửa trở lại nhưng tới nay anh Tạ Hữu Vinh vẫn không thể đi làm. Anh buộc phải từ bỏ công việc của 1 tiếp viên hàng không Vietnamairline.

"Công việc tuy thú vị, được đi đây đi đó, thu nhập cũng tương đối cao nhưng tuổi nghề lại khá ngắn. Hơn nữa thời gian qua dịch bệnh khiến cho ngành hàng không bị tê liệt vì thế đa phần tiếp viên đều nghỉ việc, bỏ việc", anh Vinh nói.

lao động ngành du lịch

Nhân viên ngành hàng không đón du khách Nga đến Khánh Hòa cuối năm 2021. Ảnh Công Tâm

Săn nhiều lần do dự, cuối năm 2021 anh chuyển hẳn sang làm kinh doanh. "Mình đã thông báo xin ra khỏi ngành luôn, tuy có chút tiếc nuối nhưng đó là quyết định đúng đắn bởi mình công việc ổn định, có thời gian để chăm sóc gia đình”, anh Vinh nói.

Không chỉ các tiếp viên, nhiều nhân viên phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ cảng, hàng không cũng đã nghỉ việc.

Anh Vũ Văn Phúc (39 tuổi), Hà Nội, là quản lý cho chuỗi Cửa hàng Gà rán Popeyes tại Sân bay Nội Bài cũng đã nghỉ việc. Anh Phúc cho biết trước đây khi chưa có dịch, lương của anh đã khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi có dịch, công việc gián đoạn, rồi cửa hàng đóng cửa doanh nghiệp cũng hỗ trợ chút tiền để duy trì công việc nhưng khoản tiền đó không đủ sống nên anh phải xin việc làm thêm.

"Giờ công ty mới gọi chuẩn bị đi làm lại nhưng chắc tôi sẽ không đi làm lại nữa. Lâu rồi giờ tôi cũng đã tìm được công việc khác, tuy công việc thu nhập không cao nhưng khá ổn định", anh Phúc chia sẻ.

Cùng chung cảnh với ngành hàng không, ngành du lịch cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Lượng lao động thiếu hụt trong các ngành như: Buồng phòng, hướng dẫn viên du lịch; dịch vụ lưu trú... nhiều nhất.

Chị Nguyễn Thị Nhung - Nhân viên dẫn đoàn khách du lịch tại Đà Nẵng cũng đã nghỉ việc từ 1 năm nay. Chị Nhung cho biết công ty cũ đang gọi lại làm việc nhưng chị vẫn đang cân nhắc. 

"Hiện giờ tôi đã xin đi dạy tiếng Nhật cho trung tâm công việc đang khá ổn định dù thunhapaj thấp hơn công việc của một hướng dẫn viên. Chắc phải chờ thêm xem thế nào rồi mới quyết định", chị Nhung nói. 

Giải pháp để bổ sung sự thiếu hụt lao động du lịch

Vừa bắt tay vào khôi phục hoạt động du lịch, nhưng các doanh nghiệp ở TP. Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Mặc dù Chính phủ đã cho phép mở cửa đón khách nhưng tại Đà Nẵng vẫn còn khoảng 80% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Đức Cương - Tổng Quản lý khách sạn Vanda, thành phố Đà Nẵng cho biết, hai năm nay, khách sạn phải "gồng gánh" giữ chân người lao động, nhưng sự tác động quá lớn của dịch bệnh cũng khiến 40% nhân sự của khách sạn thuộc các vị trí như đầu bếp, lễ tân hay nhân viên vệ sinh,… phải nghỉ việc.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết kể từ đợt dịch lần thứ 4 bùng phát cuối năm 2021, có khoảng 42.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp liên quan đến du lịch đã và đang thất nghiệp, hoặc chuyển sang làm ngành nghề khác.

Trước thực tế này, TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp. Ví dụ như các chính sách vay vốn không thế chấp; chính sách tái đào tạo lao động; chính sách..

thiếu hụt lao động ngành du lịch

Nhiều lao động ngành du lịch, dịch vụ đã bỏ việc sau thời gian dài phải tạm ngưng việc vì dịch Covid-19. Ảnh: Diệu Bình

Tương tự TP. Đà Nẵng, các tỉnh thành khác như Quảng Nam; Huế; Hà Nội... cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để mở cửa lại dịch vụ du lịch.

Tại Hà Nội, Công ty Lữ hành VietFoot Travel đã tổ chức tuyển dụng, đào tạo lại một lực lượng lớn nguồn nhân lực ở các lĩnh vực bán hàng, điều hành, tiếp thị để xây dựng các gói sản phẩm phục vụ cho du lịch nội địa, và quốc tế.

Trong khi đó, Công ty Du lịch VietSense đã tổ chức kết nối lại các nhân viên cũ đang tạm thôi việc cũng như liên hệ với nhiều trường đại học có khoa du lịch để tổ chức tuyển dụng. Còn Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức nhiều khóa đào tạo cho đội ngũ nhân sự thêm các kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, xây dựng sản phẩm.

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng nỗi lo lớn nhất lúc này là hiện tượng “chảy máu chất xám”, nhiều lao động khi chuyển sang lĩnh vực khác, không còn mặn mà với ngành Du lịch.

"Để khắc phục sự thiếu hụt lao động, các đơn vị du lịch và trung tâm đào tạo cần có sự liên kết trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực; bổ sung thêm kỹ năng mới trong khâu đào tạo; có chính sách thu hút nguồn lao động chất lượng cao quay trở lại làm việc", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp du lịch trong thời gian tới. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem