Lạ mà hay: Lão nông trồng sầu riêng ở Đắk Lắk dùng lưỡi để thử thuốc đuổi côn trùng, sợ năng suất quá cao

Duy Hậu Thứ ba, ngày 20/09/2022 18:41 PM (GMT+7)
Trong khi đa phần người trồng sầu riêng muốn có năng suất thật cao, thì ông Đoàn Thanh Hải lại có suy nghĩ khác. Lão nông ở Đắk Lắk này có cách chăm sóc cây sầu riêng rất đặc biệt, vườn cây không làm cỏ, phòng chống sâu bệnh bằng thứ thuốc mà con người có thể... nếm được.
Bình luận 0


Clip: Lão nông dùng lưỡi nếm thuốc bảo vệ thực vật. Clip: Duy Hậu.

Kì lạ: Trồng sầu riêng mà lại sợ năng suất sầu riêng... quá cao

Ở thôn Tân Thành, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) có một lão nông khá đặc biệt. Đó là ông Đoàn Thanh Hải, 55 tuổi. Ông Hải hiện có 1ha sầu riêng. Năm nay, vườn sầu riêng này dự kiến sẽ cho 20 tấn quả. Nếu bán ở thời điểm hiện tại, vườn sầu riêng này sẽ mang về cho ông Hải khoảng 1,6 tỷ đồng.

Kỳ lạ: Lão nông trồng sầu riêng ở Đắk Lắk dùng lưỡi để thử thuốc đuổi côn trùng, sợ năng suất quá cao - Ảnh 2.

Thùng thuốc bảo vệ thực vật được ông Hải dùng cho vườn sầu riêng có thể nếm được. Ảnh: Duy Hậu

Theo ông Hải, do năm nay thời tiết bất lợi nên vườn sầu riêng bị giảm năng suất. Nếu thời tiết thuận lợi, vườn sầu riêng của ông có thể cho thu 30 tấn. Nhưng ông nói: "Tôi chỉ muốn vườn cây đạt năng suất tối đa là 25 tấn".

Vườn sầu riêng của ông Hải được trồng từ năm 2004. Những năm trước đây, ông Hải cũng chăm sóc sầu riêng như các nông dân khác, đầu tư rất nhiều phân bón hóa học. Nhưng từ hơn 2 năm nay, ông Hải đã nghĩ tới việc làm sao để sản phẩm của mình làm ra phải an toàn nhất, cây sầu riêng có tuổi thọ cao nhất.

Kỳ lạ: Lão nông trồng sầu riêng ở Đắk Lắk dùng lưỡi để thử thuốc đuổi côn trùng, sợ năng suất quá cao - Ảnh 3.

Mặc dù vườn sầu riêng nhà ông Hải đã trồng được 18 năm, nhưng cây cho trái rất "khỏe". Ảnh Duy Hậu.

Từ suy nghĩ đó, ông Hải mày mò tìm hiểu và đã học được cách chế tạo ra men vi sinh để sử dụng cho vườn sầu riêng. Ngay sau đó, ông Hải mua men rượu, sữa chua, rỉ mật mía, chuối, đu đủ và cám gạo về để làm men vi sinh.

"Ban đầu tôi chỉ làm thử 20 lít, chi phí hết chưa tới 100.000 đồng. Sau khi thành công, tôi mới bắt đầu làm nhiều hơn. Do quá rẻ và có thể tự làm được nên trung bình cứ 20 ngày tôi tưới thứ men này cho vườn sầu riêng một lần"- ông Hải cho biết.

Hai năm nay, ông Hải đã dùng loại men này để tưới cho vườn sầu riêng. "Trước đây, đất dưới vườn sầu riêng của tôi có rất nhiều rêu (thứ chỉ mọc trên đá). Nhưng hiện nay ở bất cứ đâu cũng thấy có giun sinh sống. Điều này cũng có nghĩa là đất đã "sống" lại". Đất đã "khỏe" thì cây cũng sẽ "khỏe"- ông Hải nói.

Kỳ lạ: Lão nông trồng sầu riêng ở Đắk Lắk dùng lưỡi để thử thuốc đuổi côn trùng, sợ năng suất quá cao - Ảnh 4.

Dưới vườn sầu riêng của ông Hải, những con "trâu đất" xuất hiện càng nhiều sau khi ông dùng men vi sinh bón vào đất. Ảnh: Duy Hậu.

Để chứng minh điều mình nói, ông Hải dùng cuốc xới đất. Ngay nhát cuốc đầu tiên, những con giun đất rất to đã xuất hiện trước mắt chúng tôi. "Đây là những con "trâu đất" ngày đêm xới đất cho tôi. Bây giờ cho dù có cho xe tải chạy vào vườn, tôi cũng không lo đất bị cứng"- ông Hải khẳng định.

Cùng với việc cải tạo đất bằng men vi sinh, những năm qua, ông Hải cũng đã ủ chuối, đu đủ... để làm phân bón cho cây trồng. Trong vườn cây, ông để cỏ mọc tự nhiên. Nếu trước đây, ông Hải thường phải dùng thuốc để diệt cỏ, thì nay ông để cỏ lên cao rồi mới bắt đầu cắt thấp đi.

Kỳ lạ: Lão nông trồng sầu riêng ở Đắk Lắk dùng lưỡi để thử thuốc đuổi côn trùng, sợ năng suất quá cao - Ảnh 5.

Ông Hải dùng chuối và những trái cây khác để ủ thành phân bón cho cây sầu riêng. Ảnh: Duy Hậu

Theo ông Hải: "Trước đây, nông dân thường lo lắng cây cỏ sẽ hút hết chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến cây sầu riêng nên phải làm sạch đi. Nhưng thực tế cho thấy, thảm cỏ sẽ giúp đất giữ ẩm. Cây cỏ chết, khô mục, sẽ trở thành chất dinh dưỡng cho đất".

Ông Hải tâm sự với chúng tôi, so với những năm trước, hiện nay, nhờ việc dùng men vi sinh bón cho đất, gia đình ông đã giảm được khoảng 50% chi phí phân bón hóa học.

"Mỗi năm tôi giảm dần lượng phân bón hóa học cho cây. Vì cần phải có thời gian để cho cây trồng quen với môi trường mới chứ không thể cắt một cách đột ngột được. Tuy vậy, hiện nay vườn sầu riêng của tôi đang phát triển tốt hơn" - ông Hải nói.

Nói về lý do không muốn vườn sầu riêng cho năng suất quá cao, ông Hải cho biết: "Cây trồng cũng như con người, nếu làm việc quá sức một lúc thì sau đó năng suất làm việc sẽ giảm đi, tuổi thọ giảm đi. Vì thế, quan điểm của tôi là làm sao để cây sầu riêng phát triển bền vững, thu hoạch được lâu bền".

Bảo vệ vườn sầu riêng bằng thứ thuốc có thể nếm được

Với suy nghĩ làm sao để có thể làm ra được những trái sầu riêng an toàn nhất cho người tiêu dùng, ông Hải cũng đã mày mò và học được cách chế ra loại thuốc bảo vệ thực vật mà con người có thể nếm được.

"Ớt, tỏi, rỉ mật mía là những nguyên liệu chính để tôi làm ra thứ thuốc này. Mỗi khi chế biến, tôi sẽ nếm thử xem độ nồng của thuốc đã đủ chưa"- ông Hải nói.

Để chứng minh cho chúng tôi, ông Hải mở thùng thuốc của mình ra khuấy đều lên rồi dùng tay chấm vào thứ thuốc đặc biệt đó đưa vào miệng nếm. "Thứ này thực ra không làm chết côn trùng mà chỉ ngăn không cho chúng tới. Chỉ cần chọn đúng thời điểm, bơm thứ thuốc này lên cây thì sẽ bảo vệ được vườn sầu riêng không bị một số loại côn trùng gây hại tấn công"- ông Hải khẳng định.

"Tôi tìm hiểu trên mạng internet và bắt gặp được công thức làm ra men vi sinh bản địa cũng như thuốc bảo vệ thực vật của thầy Công. Khi áp dụng trên vườn sầu riêng nhà mình, tôi thấy có hiệu quả rất rõ rệt. Rất mong Báo Dân Việt/Nông thôn ngày nay gửi lời cảm ơn của tôi tới thầy Công"- Ông Đoàn Thanh Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, hai năm nay, từ việc sử dụng men vi sinh bản địa và loại thuốc bảo vệ thực vật nói trên, "sức khỏe" vườn sầu riêng của ông đã được nâng lên rất nhiều. Quan trọng nhất là môi trường đã được cải thiện, mỗi khi vào vườn cây, ông không còn phải lo lắng như trước.

Ông Hải cũng tâm sự với chúng tôi, hiện nay sầu riêng đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính ngạch. Nhờ đó, giá cả sầu riêng cũng đã được tăng lên. Và cũng vì thế, để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, gia đình ông sẽ tiếp tục duy trì hướng canh tác này.

"Trước tiên, việc sản xuất sầu riêng an toàn là bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, sau đó là lợi ích của người tiêu dùng. Sản phẩm mà chính mình không dám sử dụng thì làm sao có thể được thị trường chấp nhận"- ông Hải nói.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem