Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử

Gần 20 năm miệt mài tìm hạt, nhân giống, gieo trồng, đến nay vườn Xích Tùng của anh Phạm Văn Sự (phường Thanh Sơn, TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đã có hơn 2.000 cây. Tất cả số cây này đều là con cháu của 233 cây Xích Tùng cổ hơn 700 tuổi còn sót lại trên đỉnh thiêng Yên Tử.

Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử - Ảnh 1.






Khác với hình dung của tôi về một người đàn ông lực điền 40 tuổi, chân tay thô ráp vì leo rừng, cuốc vườn, làm ruộng..., Phạm Văn Sự nhìn thư sinh từ vóc dáng đến khuôn mặt. Bàn tay mềm không gợn vết chai trong cái bắt tay vồn vã.

Trong căn nhà nhỏ chìm khuất giữa um tùm cây ở phường Thanh Sơn, TP.Uông Bí, Phạm Văn Sự kể cho tôi nghe về cơ duyên của anh với Xích Tùng Yên Tử.

"Năm 2001, ngày ấy mình còn là một cậu choai đang học tại Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thời điểm làm luận văn tốt nghiệp, mình xin vào làm việc ở Đội thu phí đường, thuộc Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Công việc tuy không liên quan mấy đến rừng, nhưng lại là địa điểm lý tưởng để mình nghiên cứu, phục vụ cho đề tài luận văn tốt nghiệp về du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa tâm linh" – anh Sự kể lại.

Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử - Ảnh 2.

Một trong những cây Xích Tùng cổ bị mục gốc

Cứ hết ca làm, Sự lại tha thẩn lên núi. Lẩn khuất trong rừng già đại ngàn Yên Tử là hàng nghìn di vật cổ quý giá của Đức Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông, cũng như của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng không hiểu sao những cây Xích Tùng cổ hơn 700 tuổi mới làm cho Sự đặc biệt chú ý. Từ kiến thức lờ mờ về lịch sử, Sự mày mò tìm hiểu và nhận ra rằng, những cây Xích Tùng và cây Đại cổ thụ có sự gắn bó chặt chẽ với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tương truyền, trên 700 năm trước Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã gây trồng những cây Xích Tùng, cây Đại khi người từ bỏ lầu son điện ngọc về Yên Tử tu hành.

Thực tế tại Yên Tử cho thấy, hàng trăm năm qua số lượng cây Xích Tùng to thì chết dần song số cây nhỏ tái sinh và phát triển thành cây to thì quá ít.

Một ngày đầu thu năm 2001, bên gốc cây Xích Tùng trổ rễ gân guốc, trồi lên trên mặt đất, vươn theo các bậc đá bạc màu mưa nắng, Phạm Văn Sự lần đầu tiên cầm được hạt Xích Tùng trên tay, lòng tự vấn: Tại sao không thể tái sinh Xích Tùng từ những hạt cây rơi rụng này?

"Kể từ hôm đó, ngày nào mình cũng lên núi nhặt hạt Xích Tùng. Mùa thu cũng là thời điểm Xích Tùng rụng hạt nhiều nhất. Hạt cây bé chỉ bằng hạt thóc nếp, có màu nâu đỏ. Mùa hạt cây Xích Tùng già và rơi xuống đất kéo dài trong vòng 2 tháng. Nếu không thu lượm nhanh thì hạt có thể bị ủng thối dưới thảm thực bì, nếu có nảy mầm thì cũng không thể tồn tại được vì bị sâu bọ, thời tiết… tấn công" – anh Sự nói.

Thế rồi, sau mỗi buổi đi làm trên Yên Tử về, Phạm Văn Sự lại có một vốc hạt Xích Tùng nhét phồng 2 túi áo.

Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử - Ảnh 3.





Ngay từ đầu Sự đã ý thức chú tâm vào gieo hạt để tái sinh Xích Tùng Yên Tử, chứ không để gieo chơi. Mùa xuân năm 2002, người duy nhất nhân giống thành công Xích Tùng Yên Tử bắt đầu thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Thời điểm đầu, hạt nảy mầm rất tốt, đạt 85 đến 90%, nhưng sau đó rễ non hay bị thối, nên tỷ lệ sống rất thấp. Không nản lòng, anh Sự vẫn lặng thầm gieo hạt. Mỗi sáng thức giấc, Sự lại đi ra vườn, ngồi hàng giờ bên những chậu cây mới nảy. 

Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử - Ảnh 4.

Mỗi buổi sáng sớm, anh Sự ngồi hàng giờ bên những chậu cây mới này.

Khoảng thời gian từ năm 2003 đến 2005 là thời điểm Phạm Văn Sự đầu tư nhiều thời gian, công sức nhất cho những cây Xích Tùng con. Đến năm 2008, anh mới tự khẳng định thành công khi nhân giống Xích Tùng Yên Tử, nhưng vẫn chưa dám công bố với ai.

Những kinh nghiệm quý báu tiếp tục được anh Sự lặng lẽ đúc rút: Qua quá trình nghiên cứu thực tế cho thấy, sở dĩ Xích Tùng Yên Tử có rất ít cây con kế cận, là do hạt Xích Tùng nhỏ và dài khoảng 0,3 cm, tinh dầu mùi thơm nên khi rụng xuống phần lớn là bị kiến và mối tha mất. Những hạt nào may mắn nảy mầm thì hoặc mọc bên sườn dốc bị mưa rửa trôi, hoặc khi mọc thành cây non thì lại bị sâu hại, bị lá cây khác rụng đè lên không phát triển được... Để có những cây con thì đến mùa nón hạt già vào tháng 10 – 11, người trồng phải thu hoạch hạt chín sau đó đem gieo.

Sau này, khi đã thành công với hàng trăm cây Xích Tùng cổ trưởng thành trong vườn nhà, anh Sự nhận ra một chân lý trong cuộc sống: Quá trình gieo hạt cũng như gieo mầm tình yêu. Nếu người gieo vô tình bỏ quên, không vun tưới cho những hạt giống tình yêu quý giá đó, thì những mối quan hệ cũng sẽ trở nên già cỗi, như hành trình sống của cây cối vậy.

Khi lấy hạt về, bước tiếp đến phải làm ngay là xử lý hạt giống, tránh phơi khô hoặc để lâu khiến hạt khó nảy mầm và dễ bị nấm, mốc, hỏng. Hạt Xích Tùng sau khi thu hoạch, rửa sạch bằng nước lạnh, loại bỏ những hạt lép, hạt kém chất lượng và những tạp chất lẫn trong lô hạt. Khi hạt được đổ vào nước, những hạt chìm là hạt tốt, hạt nổi là hạt Xích Tùng lép, hỏng, hoặc bị sâu, bệnh cần phải bỏ. Hạt Xích Tùng sau khi chọn lọc và vệ sinh nên được ngâm ngay để kích thích và tăng tỉ lệ nảy mầm thành công đồng thời rút ngắn thời gian nảy mầm.

Sau khi để ráo nước, hạt Xích Tùng Yên Tử cần phải được xử lý côn trùng và nấm bệnh. Qua các công đoạn tỉ mẩn này, anh Sự mới bắt đầu gieo hạt.

Theo anh Sự, vì hạt Xích Tùng Yên Tử là loại hạt tương đối khó nảy mầm (khoảng 3 - 4 tháng), nên sau khi được xử lý thì tốt nhất ta có thể ươm hạt Xích Tùng vào khay ươm để cho dễ chăm sóc và bảo vệ khỏi côn trùng. Gieo hạt vào khay ươm phải đều hạt, lấp đất, phủ một lớp lá của cây Xích Tùng lên trên.Nếu trời nắng gắt cần che lưới, trời mưa to cần che phủ nilong. Hàng ngày tưới ẩm và kiểm tra quá trình nảy mầm của hạt giống, phòng trị kiến ăn hạt bằng cách phun thuốc hóa học và phòng trừ bệnh thối nhũn cổ rễ bằng cách phun dung dịch....


img
img
img


Sau thời gian từ 7 đến 12 ngày cây mầm có kích thước từ 3 – 4cm thì nhổ cây cấy vào bầu. Sau khi cấy cây con vào bầu, những nơi có nắng nóng phải làm giàn che hoặc cắm ràng độ tàn che. Sau 18 tháng thì không cần che sáng và có thể trồng cây ra môi trường tự nhiên (lúc này cây thường có đường kính 5 – 08mm và chiều cao khoảng 8 – 13 cm)....


Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử - Ảnh 7.





Như Sự nói, thực ra người ta cứ nghĩ nhân giống loài cây này quá khó, bởi thực tế đã có nhiều người thử nghiệm nhưng vẫn chưa đủ cơ duyên với Xích Tùng. Anh thật thà: "Do diện phân bố của Xích Tùng ở Việt Nam không nhiều, ít người để ý đến. Nếu thực sự quan tâm đến nó thì việc nhân giống Xích Tùng cũng không có gì là khó cả. Cũng như nhiều cây khác, Xích Tùng có thể nhân giống được cả từ hạt và cành".

Thời điểm tôi đến vào tháng 11 năm 2020, vườn Xích Tùng của anh Phạm Văn Sự có tổng cộng 2.023 cây, trong đó có 46 cây cao từ 2,5 m đến 4,5 m - nhân giống bằng hạt từ năm 2003; 20 cây cao 1,5m đến 2m - nhân giống bằng hạt từ năm 2010; 87 cây cao 1,0m đến 1,5m - nhân giống bằng hạt từ năm 2013; 120 cây cao 0,8m đến 1,0m - nhân giống bằng hạt từ năm 2015; 150 cây cao 0,3m đến 0,6m - nhân giống bằng cành từ năm 2016 và năm 2017; 1600 cây cao 0,1 đến 0,15m - nhân giống bằng cành từ năm 2019.


img
img


Dẫn tôi đi khắp vườn, anh Sự đọc vanh vách tuổi từng cây, kể cho tôi nghe những kỷ niệm vui, buồn với những cây anh ấn tượng nhất: "Cây này cho quả đầu tiên, cây kia "thoát chết" 4 lần rồi, giờ thì yên tâm sống khỏe....". 

Trong bóng tối giữa khu vườn rậm rạp, đôi mắt Sự ánh lên niềm vui, khi anh kể vừa mới xuất cho Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử 50 cây và cho Đền Triệu Việt Vương, Khoái Châu - Hưng Yên 5 cây. Tôi hỏi nửa đùa, nửa thật: "Tiền nong tính thế nào? Liệu 700 năm nữa người ta có nhắc đây là cây ông Sự không?". Sự cười hiền hậu: "Toan tính gì đâu, đưa được cây đi tới nơi nó đáng sống nhất là mình thấy vui lắm rồi".

Bất giác, Sự làm tôi nhớ đến những nguyên tắc trong Năng đoạn Kim cương (cuốn sách nổi tiếng của tác giả Geshe Micheal Roach): Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả. Những hạt giống tình yêu được chọn lọc, được gieo trồng và chăm bón đúng cách sẽ mang đến những mối quan hệ, một người bạn đời hoàn hảo, như người thợ gặt ước muốn bấy lâu nay.

img
img
img

Di tích Yên Tử có đường Tùng nổi tiếng, với 69 cây Tùng cổ thụ xếp hàng thẳng tắp hai bên đường đi, tán cây rộng che phủ hầu khắp, khiến đường hành hương luôn râm mát, rễ cây trồi lên trên mặt đất, vươn theo lối đi, tạo thành những bậc thang hoàn toàn tự nhiên, vô cùng đẹp mắt.


Xích Tùng Yên Tử (Hồng Tùng, Thông vảy, Thông đuôi chồn, Thông chàng, Hoàng đàn giả. Tên khoa hoc: Dacrydium elatum(Roxb) Wall. Ex Hook., 1832. Họ: kim dao - Podocarpaceae) không chỉ có ý nghĩa về mặt giá trị văn hóa lịch sử, ý nghĩa tâm linh mà còn là loài thực vật đã được đưa vào sách Đỏ Việt Nam (1996) và Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (1996, 2001, 2006). Tinh dầu của gỗ thân dùng làm thuốc xoa bóp, chữa sưng tấy, đau nhức khớp xương, chống nhiễm trùng ở các vết thương. Vỏ sắc uống chữa đau bụng, rửa vết thương. Gỗ hoàng đàn giả không bị mối mọt, có mùi thơm, được dùng làm cầu phà, xây dựng nhà, đóng đồ gia dụng. Lõi thân và rễ có chứa tinh dầu dùng làm bột hương (nhang).


Vườn Xích Tùng dưới chân Yên Tử - Ảnh 10.

Những cây Xích Tùng hơn 700 tuổi gắn bó chặt chẽ với các di tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Thực hiện: Nguyễn Quý

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem